Hôm nay bỗng dưng chú ý đến cái tin nhắn “
VVÌIIIII SAAAAOOOOO! (đúng nguyên kiểu kéo dài giọng và CAPSLOCK như thế) vì sao các người căm ghét tụi tôi như thế?????”.
Chúng tôi - đó là, phải hiểu thế, là những người Ukraine, lũ Bander, lũ phát-xít. Còn tụi họ - người Nga, tức là những người anh em, tức là cùng dòng máu, cùng thịt da và gần như là cùng một mẹ sinh ra nữa.
“
Chúng ta đã cùng nhau vượt qua bao nhiêu thứ rồi! Vậy mà các người còn căm thù tụi tôi. Căm thù tất cả những gì thuộc về Nga. Vì saaoooo???!!!” - cái tin nhắn trong hộp thư của tôi nức nở.
Ừ nhỉ. Sao lại thế nhỉ? Nhưng trước hết, không phải tất cả những gì thuộc về Nga, và cũng không phải tất cả người Nga. Không ai có thể làm tôi ngừng yêu Esenin, Akhmatova, Blok. Tôi cũng không bao giờ quên được mình đã từng sung sướng đến nghẹn ngào thế nào khi nhìn thấy những bức tranh của Vrubel trong bảo tàng tranh Trechyakov. Tôi cũng rất thích nghe các ca sĩ, nhạc sĩ Zemfira, Vysotsky, Rozenbaum. Tôi đã lớn lên cùng văn học nghệ thuật Nga cổ điển mà.
Từ bé, thay vì mở các cuốn truyện tranh mầu mè thì tôi vẫn lần giở từng trang cuốn album in lại tranh của Vasnetsov, Repin, Bryullov. Và với tôi tranh của Perov kịch tính hơn là của (Théodore) Géricault, còn Dostoevsky sâu sắc hơn cả (Victor) Hugo.
Tôi yêu tất cả những thứ đó từ rất lâu trước khi có Putin và cái “
Crimea của chúng ta”. À quên, bây giờ thì “
Crimea của các người” rồi. Thế nhưng “
lương tâm là của chúng tôi”.
Và “
sự thật là của chúng tôi”.
Và cả “
Chúa là của chúng tôi”, vì Ngài đã ngoảnh mặt khỏi các người rồi.
Và cũng đúng thật, chúng tôi với các người đã trải qua bao nhiêu thứ cùng nhau. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, rồi Afghanistan. Người Ukraine cũng đã phải nhận những lá thư chiến trường trong chiếc phong bì hình tam giác y như thế, cũng những tờ giấy báo tử y như thế, cũng những cỗ quan tài hòm kẽm y như thế.
Chúng ta cũng cùng nhau giơ nắm tay chĩa vào mặt bọn Mỹ và dọa nạt cả thế giới. Cùng căm thù chủ nghĩa đế quốc và bọn tư bản khốn nạn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tinh hoa dân tộc Ukraine cũng phải đi phá rừng và chết dần mòn trên những giường tù ngay bên cạnh trong các trại Gulag...
Sau đó là Chechnya. Lúc ông anh bảo bọn Chechnya toàn là kẻ cướp, giết người không ghê tay, chúng tôi cũng đồng ý thế. Khi thành phố Grozny bị san phẳng, chúng tôi cũng im lặng cho qua. Giờ chỉ biết lạy Chúa tha cho không bị chết vì xấu hổ quá. Khi các người đánh nhau với Gruzia chúng tôi cũng ngượng ngùng đứng sang một bên. Thôi thì chắc người anh thấy rõ mọi chuyện hơn đàn em rồi. Mọi thứ đểu giả đã được đổ lỗi cho cái tình anh em đó.
Và giờ đây, chúng tôi căm thù các người. Căm thù những kẻ chỉ biết có Putin và dải băng cận vệ trong bộ não tí hin của mình. Căm thù vì các người đã xâm lược nước chúng tôi.
Có thể không phải chính là anh. Nhưng chính vì sự đồng ý im lặng của anh hay vì sự ủng hộ gián tiếp nào đó của anh mà những kẻ kia đã đến đây xâm lược. Những kẻ cứ ngứa ngáy với “
thế giới Nga”. Những kẻ mà lòng yêu nước đã xiết vào đầu, vào túi và vào cò súng. Họ xâm lược nước tôi, đất nước anh em của họ. Dẫm đạp lên mảnh đất mà chúng tôi vừa mới dọn sạch. Dẫm đạp bằng những đôi ủng nhà binh. Và bây giờ chúng tôi căm thù các người.
Vì “
để bảo vệ” “
người mình”.
Vì “
thế giới Nga”.
Vì “
lũ phát-xít và Benderov”.
Vì “
chuyến hàng cứu trợ”. Vì xe tăng, xe bọc thép, súng phóng lựu, súng ống “
mua ở cửa hàng quốc phòng”.
Vì những người của chúng tôi đã
quỳ xuống khi đón những cỗ quan tài được đưa về thành phố.
Vì ở trên quảng trường của chúng tôi đang có những bức ảnh các chàng trai. Có người chưa đủ 19 tuổi. Vì có những chàng trai 19 tuổi khác lại ra đi để thay thế cho những người vừa ngã xuống.
Vì trên phố có những người đàn ông đi đường với bộ mặt xám xịt. Nhìn xa cứ ngỡ là bụi bặm. Chỉ đến gần mới thấy rằng đó là chiến tranh đã hằn sâu vào từng nếp nhăn, lỗ chân lông, vào tóc tai và cả tâm hồn họ... Cũng còn may nếu như chiến tranh chỉ mới thấm vào lớp da bên ngoài, chứ chưa dứt đứt mất tay hay chân của họ, chưa biến trái tim của họ thành tro bụi.
Và chẳng có gì có thể gột rửa được. Chỉ trông chờ vào thời gian. Cần phải bao nhiêu năm ở trong vòng tay gia đình, phải biết bao lần đưa nôi ru đứa con hay đứa cháu sơ sinh. Cần phải bao nhiêu giờ cùng đi chơi câu cá với con cái, với anh em hay với những người cha của mình. Cần phải biết bao thời gian trôi qua để rồi sẽ thấy lại tia sáng trong ánh mắt.
Cần phải biết bao lần ngồi chải tóc hay tết bím lại mái tóc cho con gái để đôi tay kia không còn run run ngoài ý muốn. Phải qua hết được tất cả những cái đó may ra mới tẩy được cái mầu ghê sợ trên khuôn mặt đã bạc đi ấy.
Chúng tôi căm thù các người. Vì chúng tôi nhìn thấy những chàng trai, vốn cùng học với tôi, cùng lớn lên trong cùng khu phố, vậy mà họ đã phải mặc những bộ quân phục màu vải ngụy trang. Họ đã già đi hàng trăm tuổi. Mặc dù trong hộ chiếu họ chỉ mới hai mươi.
Vì những chú bé ở trường vẫn gấp những cánh hạc giấy và ghi lên đó dòng chữ: “
Chú ơi, hãy trở về nhé”.
Vì những người vợ quỳ gối cầu xin cho người thân của mình được sống sót.
Vì những đôi tay mẹ già, vẫn vuốt ve tấm ảnh của người mà cầu xin đã muộn mất rồi.
Vì những giọt nước mắt hiếm hoi của những người ông-người cha. Họ vẫn cố chịu đựng, cố tỏ ra dũng cảm. Chỉ đôi khi khẽ lau ở đâu đó, dưới trái tim. Và bạc đầu. Lặng lẽ bạc đầu dần dần...
Vì những bản tin: “
Hôm nay... đã hy sinh tại chiến trường”.
Vì sự quen dần ghê tởm với những bản tin như vậy.
Vì câu hỏi của trẻ thơ: “
Mẹ ơi bố đâu?”.
Vì câu trả lời run rẩy của mẹ “
ở trên trời”. Để rồi ngay sau đó kịp mà chạy, chạy vào phòng đóng sập cửa lại rồi úp mặt vào gối. Mà cắn xé, cắn xé tan cái gối rồi tru lên với một giọng kinh hoàng, không phải của phụ nữ.
Vì những cô dâu tương lại, sẽ không còn được bố dắt tay đưa lên làm lễ.
Vì cái cụm từ khủng khiếp “
không bao giờ nữa” đã len vào rất nhiều gia đình ở Ukraine. Cụm từ đó chính các người đã mang đến đây bằng những gót giầy ghê tởm của mình.
Tôi hy vọng là cô Sveta ở Rostov đã nhận được câu trả lời đầy đủ nhất rồi chứ.