NHỮNG GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU CỦA KHỦNG HOẢNG TỴ NẠN (Phần 1)
Thứ tư - 23/12/2015 17:04
(NCTG) Huấn luyện viên bóng đá Syria bị ngáng ngã ở vùng Röszke khi đang bế con trong tay, ông bố Iraq bồng con cập bến đảo Kos, chàng thanh niên Syria tổ chức chuyến đi bộ từ ga Keleti sang Áo cho đoàn người tỵ nạn chầu chực tại Budapest... - những gương mặt điển hình ấy của khủng hoảng tỵ nạn, nay ở đâu?
Rất nhiều ảnh đã được chụp về khủng hoảng tỵ nạn, trong đó có một số tấm đặc biệt đọng lại trong tâm trí độc giả - Ảnh: watoday.com.au
Chỉ trong khoảnh khắc, họ đã trở thành biểu tượng của làn sóng tỵ nạn lớn nhất mà Châu Âu phải chịu kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, nhưng tiếng tăm của họ cũng “sớm nở tối tàn”. Dầu vậy, có thể hình ảnh họ vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người quan tâm tới thời sự năm 2015, trong số hàng ngàn tấm ảnh về thảm cảnh tỵ nạn.
Một điểm chung là cả ba nhân vật nói trên nay đều đã về tới đích, nhưng mỗi người một vẻ, theo tìm hiểu của BBC. Bản tin sau đây là nói về họ, những gương mặt may mắn của phận người tỵ nạn đầy đau khổ và gian truân.
Laith, người cha
Giờ đây, Laith Majid đã cho hay rằng giá mà không bao giờ ông phải xem lại tấm ảnh đã khiến ông trở nên nổi tiếng. Đó là một giây phút vào ngày 15-8-2015, người đàn ông này òa khóc với đứa con gái nhỏ trên tay, tay kia ôm đầu cậu con trai, lúc gia đình họ đến đảo Kos (Hy Lạp) an toàn trên một chiếc thuyền cao su mỏng manh.
Cảnh tượng động lòng đó đã được Daniel Etter, phóng viên ảnh tờ “Thời báo New York” (The New York Times) ghi lại, và được liệt vào hàng những tấm ảnh báo chí quan trọng nhất của năm 2015. Hiện tại, cùng vợ và bốn người con, Laith Majid đang ở tại một trại tỵ nạn Đức để chờ đơn xin quy chế tỵ nạn của họ được xem xét.
“Cứ mỗi lần xem tấm ảnh, là lại một lần tôi sống lại những khổ đau. Trên chiếc thuyền đó, đã có thể cảm nhận được mùi vị của Tử thần” - người đàn ông Iraq chia sẻ. Cùng vợ là một giáo viên, gia đình Laith sinh sống khá sung túc tại Baghdad cho tới đầu năm nay. Khi đó, họ bị binh lính và những băng đảng khác dọa dẫm.
“Chúng muốn bắt cóc con cái tôi, tôi đã phải trả tiền hai lần”, Laith kể cho cho hay, ông quyết định ra đi khi đã nhiều lần trả tiền mà vẫn bị bọn côn đồ đe dọa sẽ đốt nhà và giết cả gia đình. Cả nhà lên một chiếc thuyền cao su tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ngay sau khi khởi hành họ đã nhận ra là bị đánh lừa. Nước bắt đầu tràn vào thuyền.
Khi đã ngập tới chân, tất cả lên tiếng van nài người tài công hãy cho họ quay trở lại, nhưng câu trả lời là không được, vì nếu trở lại sẽ bị bọn buôn người giết chết. Nhớ lại cảnh tượng hãi hùng khi nhiều con thuyền cùng lên đường một lúc, Laith kể rằng mọi thứ hết sức hỗn loạn, nhiều người rơi xuống biển và chết đuối xung quanh họ.
Rốt cục, bằng một cách nào đó, gia đình Laith đến được bờ, chỉ thiếu chút nữa là họ bị chết đuối. Tấm ảnh đáng nhớ được phóng viên “Thời báo New York” chụp khi đó. “Tôi chỉ nghĩ trong đầu, làm sao cứu được vợ và con”, Laith thổ lộ. Rồi gia đình ông tới được Đức và được nhận một căn phòng ở trại tỵ nạn để chờ xét đơn.
Lũ trẻ rất thích đến trường, được làm quen với ngôn ngữ và văn hóa Đức. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ đối với gia đình Laith, nhưng ai nấy đều hạnh phúc, chính quyền Đức giúp đỡ họ từng ly từng tí một. Thêm nữa, nhiều người nhận ra họ khi ra đường. “Chúng tôi đi bất cứ đâu cũng đều được mọi người gọi dừng lại, họ vẫn nhớ tấm ảnh”, bà vợ Neda nói.
Tuy nhiên, mặc dù được tiếp đón tận tình ở vùng đất mới, bà vẫn không thể quên được chuyến đi nguy hiểm. “Cho đến hôm nay, cháu bé nhỏ nhất của chúng tôi vẫn mất ngủ, đêm nào cũng phải sang ngủ với tôi”, Neda chia sẻ, và cho hay bà lo lắng vì thân mẫu còn ở lại Iraq.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...