ANGELA MERKEL, VỊ CHÍNH KHÁCH CỦA SỰ THAY ĐỔI NGOẠN MỤC

Thứ ba - 15/12/2015 00:07

(NCTG) Sau tạp chí “Time” của Mỹ, tờ “Thời báo Kinh tế” (Financial Times) của Anh cũng bình chọn Angela Merkel là nhân vật của năm 2015. Tuần báo kinh tế này cho rằng giữa khung cảnh hỗn loạn của khủng hoảng tỵ nạn, nước Đức và thế giới đã có dịp chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của vị thủ tướng Đức.

Phút lúng túng của vị chính khách lão luyện, có thể là thời điểm khiến bà suy nghĩ lại về chính sách tỵ nạn của Châu Âu?

Phút lúng túng của vị chính khách lão luyện, có thể là thời điểm khiến bà suy nghĩ lại về chính sách tỵ nạn của Châu Âu?

Trung tuần tháng 7-2015, bà Merkel còn bảo một nữ sinh Palestine rằng nước Đức không thể tiếp nhận tất cả mọi người khiến cô bé òa khóc. Không biết có phải vì vậy hay không, nhưng ít tuần sau, bà đã cho nhận vài trăm ngàn người đến từ đất nước Syria đang trong cảnh chiến sự ác liệt.

Trong vài tuần đó, từ một vị thủ tướng được nhìn nhận là rất thận trọng và dẫn dắt nước Đức đi từng bước một trong mười năm qua, bà Angela Merkel đã trở thành một chính khách có quan niệm và niềm tin mạnh bạo, trước sau như một và dường như không gì có thể lay chuyển nổi.

Cho dù, với quyết định ấy, Merkel đã nhận lấy về mình một mạo hiểm rất lớn, và không chắc là bà sẽ chứng tỏ được cái lý của nó. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, Angela Merkel sẽ vĩnh viễn đưa tên tuổi mình vào hàng những vị thủ tướng vĩ đại nhất của dân tộc Đức.

Với việc bỏ ngỏ biên giới Đức trước hơn một triệu người tỵ nạn, đa phần là dân Hồi giáo, Merkel để lại một di sản bền vững không kém gì người đỡ đầu bà một thuở, ông Helmut Kohl, vị thủ tướng tái thống nhất nước Đức và đưa quốc gia này vào khối sử dụng đồng Euro.

Với suy nghĩ như vậy, tờ “Thời báo Kinh tế” đã bình chọn Angela Merkel là nhân vật quan trọng nhất của năm 2015, và không quên ghi nhận rằng chính sách tỵ nạn của bà bị chính không ít người trong đảng CDU (Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo Đức) chỉ trích một cách gay gắt.

Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble ví Merkel như một người trượt tuyết bất cẩn, làm sụt lở băng tuyết trên đường đi của mình. Và đó vẫn còn nhẹ so với rất nhiều lời phê phán khác, nhiều khi mang màu sắc độc địa, đến từ chính giới và cư dân Đức và Châu Âu.

Chẳng hạn Thủ tướng Orbán Viktor của Hungary kết tội Merkel có ý muốn áp đặt những đòi hỏi và chuẩn mực đạo đức của mình cho người dân các quốc gia khác, không khác gì cách hành xử của các xứ thực dân và đế quốc. Đó là một nhận xét mang tính xúc phạm.
 
Người tỵ nạn giương cao ảnh Angela Merkel tại khu vực ga Keleti (Budapest) - Ảnh: B. Szabo (Reuters)
Người tỵ nạn giương cao ảnh Angela Merkel tại khu vực ga Keleti (Budapest) - Ảnh: B. Szabo (Reuters)

Tuy nhiên, với Merkel, nhận xét đó lại trở thành một lời khen, vì đây chính là điều bà mong muốn: nỗ lực thực hiện những giá trị mà bà tâm niệm. Trong thực tế, Merkel đã nói ra điều này, khi bà cho rằng không thể nao núng và lùi bước trước những chỉ trích đến từ tứ bề.

Nếu chúng ta phải loay hoay nói lời xin lỗi vì đã thể hiện gương mặt thân thiện trong những tình huống khẩn cấp, thì đó không còn là đất nước của tôi”, thủ tướng Đức lý giải cho câu hỏi, từ một chính khách thận trọng, tại sao bà lại có một quyết định mà hậu quả có thể nhấn chìm bà.

Những đồng minh của Angela Merkel thì cho rằng, bà đã hành xử trên tinh thần những nguyên tắc Công giáo, cũng như, bà tin vào những tác động tích cực của làn sóng di dân và tỵ nạn, và quan ngại sâu sắc trước tình cảnh cuộc khủng hoảng có thể làm tan vỡ Liên hiệp Châu Âu.

Trong mắt những người ủng hộ Merkel, đây là một quan điểm đạo đức mạnh mẽ, xứng đáng vai trò thủ lĩnh trong một thời kỳ mà đa phần những tính toán của nền chính trị toàn cầu đều mang tính ngắn hạn. Một điều chắc chắn, sự chọn lựa của Merkel về căn bản đã làm chấn động EU.

“Thời báo Kinh tế” cho rằng, nước Đức cũng sẽ không bao giờ còn như cũ, sau câu trả lời mạnh mẽ và gây nhiều tranh cãi của Merkel cho cuộc khủng hoảng tỵ nạn. Cho dù theo hướng tích cực hay tiêu cực, thủ tướng Đức đã biến đổi cả một châu lục bằng những bước đi mạnh bạo của bà.

Nếu Angela Merkel thất bại, bà cũng để lại dấu ấn không thể phai mờ, theo nhận định của “Thời báo Kinh tế”. Và đây cũng là một phần trong số nhiều lý do mà trước đây ít ngày, tạp chí “Time” cũng đã bình chọn thủ tướng Đức là “Nhân vật của năm 2015”, vượt lên trên mọi nhà lãnh đạo khác.

Hơn bất cứ chính khách nào khác trên thế giới, Merkel đã dám đề nghị người dân nước bà chung tay nhiều hơn trong khủng hoảng tỵ nạn, và với sự quyết tâm cao độ ấy, bà đã trở thành một thủ lĩnh nhất quán về mặt đạo đức, hiếm có trong thời đại hiện nay, như tạp chí “Time” khẳng định.

Một sự trớ trêu của những người chọn chính trị làm sự nghiệp của mình: mặc dù được vinh danh, nhưng Angela Merkel phải đứng ra bảo vệ quan điểm và vị thế của mình trước sự phán xét của chính đảng bà, CDU, trong kỳ đại hội diễn ra tại Karlsruhe trong hôm nay và ngày mai...

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: người tỵ nạn, CDU
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn