Ông Kerchove cho rằng, các chính quyền cần biết người tỵ nạn đến từ đâu và tên tuổi họ đã có trong hệ thống lưu trữ hay chưa, do đó tại những nơi mà dân tỵ nạn ồ ạt vượt biên giới, tại đó cần tiến hành kiểm tra về mặt thủ tục tỵ nạn và an ninh.
Theo ông Kerchove, lực lượng kiểm tra biên giới cùng từng quốc gia chỉ có thể ngăn chặn được trong làn sóng di dân hiện tại trong thời gian ngắn. Bởi vậy, cần thiết phải điều động Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol) ra biên giới, nhưng điều này đang còn những trở ngại về mặt luật pháp và tổ chức.
“Các chiến binh “Thánh chiến” biết cách chia rẽ xã hội và tạo dựng sự sợ hãi. Người di dân là dân Hồi giáo, nên đối với một số người, di dân đồng nghĩa với khủng bố. Ngày càng có nhiều người Châu Âu cực đoan hóa, và điều này thúc đẩy phe cực hữu.
Cần phải tránh điều đó. Đồng thời, hiện trạng này cũng đòi hỏi chúng ta phải trực diện với thực tế” - ông Kerchove nhấn mạnh, và cho hay, ông không tin là cần phải thành lập một cơ quan mật vụ Châu Âu.
Hiệp ước EU chủ trương để ngành tình báo hoạt động ngoài khuôn khổ của Liên hiệp Châu Âu, “và tôi không thấy dấu hiệu gì cho thấy cần phải sửa đổi nhanh chóng bản hiệp ước này”, theo người đứng đầu hoạt động chống khủng bố của EU.
Ông Kerchove cũng nhận xét rằng, kể từ khi Edward Snowden rò rỉ cung cách thu thập thông tin của cơ quan an ninh mật Hoa Kỳ, những tổ chức khủng bố đã thay đổi cung cách hoạt động và biết rằng phải đề phòng như thế nào.
Cũng theo ông Kerchove, không thể hiểu được là tại sao cần nói công khai trước Nghị viện Châu Âu về cách sử dụng hệ thống lưu trữ dữ liệu hành khách hàng không, vì như thế các phần tử khủng bố sẽ biết được chính quyền khi trao dữ liệu thì sử dụng những tiêu chuẩn và chỉ số gì.
Nhắc lại, Trưởng điều phối hoạt động chống khủng bố Châu Âu là một trong số nhiều chính khách, quan chức cao cấp của EU cho tới nay vẫn giữ quan niệm, không có mối liên hệ giữa di dân, tỵ nạn và chủ nghĩa khủng bố.
Trả lời phỏng vấn đài RFI/France 24 một tuần sau cuộc tấn công khủng bố ở Paris, ông Kerchove nói rằng các chiến binh cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đột nhập vào EU bằng cách giả làm người tỵ nạn.
“Nếu có một hai trường hợp như thế đi nữa, và điều cần còn cần phải kiểm tra, thì đây khả năng là hành động mang tính chiến thuật của IS để khiến chúng ta hồ nghi và lưỡng lự trong câu hỏi, có cần giúp đỡ người tỵ nạn hay không”, vị quan chức người Bỉ phát biểu.
Theo ông, không được “rơi vào cái bẫy là liên kết di dân với khủng bố”.