PUTIN VÀ NƯỚC NGA DƯỚI MẮT MỘT CỰU BẠN HỌC CỦA TỔNG THỐNG (Phần 1)

Thứ năm - 17/12/2015 18:06

(NCTG) “Với trách nhiệm của một Giám đốc Nhà Hữu nghị Xô - Đức thì Putin có nhiệm vụ thanh toán cho các cán bộ cao cấp từ Moscow sang, mời họ ăn, uống, dẫn họ đi cửa hàng, rồi lại thanh toán, mang những cái thân hình chẳng còn chút tri giác nào lên máy bay để họ quay ngược về Moscow. Đấy, mọi hoạt động tình báo của Putin ở Đông Đức là vậy”.

Cựu điệp viên Yuri Shvets - Ảnh: gordonua.com

Cựu điệp viên Yuri Shvets - Ảnh: gordonua.com

Lời giới thiệu: Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bao giờ làm công tác tình báo đúng nghĩa do khả năng kém cỏi của mình, mặc dù tiểu sử chính thức có khẳng định đi chăng nữa, và Tổng thống Mỹ chỉ cần ký hai văn kiện thì sẽ phá hủy được nền kinh tế Nga, theo một cựu điệp viên Liên Xô (cũ), ông Yuri Shvets.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo “Gordon”, Shvets - hiện nay là nhà phân tích kinh tế Mỹ - cũng thuật lại các biệt hiệu từ thời KGB của tổng thống Nga, cùng nhiều chuyện “thâm cung bí sử” khác. Ông sinh năm 1952, là người gốc Ukraine, cựu sinh viên Học viện Tình báo cho các điệp vụ liên quan tới nước ngoài mang tên Andropov, sau đó là sĩ quan tình báo Tổng cục 1 thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) của  Liên bang Xô-viết.

Vào những năm 1980, khi cuộc “Chiến tranh lạnh” đang ở đỉnh điểm, ông Shvets đã làm điệp viên tại Mỹ dưới vỏ bọc là một phóng viên của Thông tấn xã Liên Xô (TASS). Ông có nhiệm vụ thu thập và phân tích các thông tin liên quan đến khả năng Mỹ bất ngờ tấn công hạt nhân Liên Xô. Năm 1990, Shvets xin thôi việc và ba năm sau đã xin di cư sang Mỹ.
 
Tại đó, ông cho xuất bản cuốn “Văn phòng Washington: Quãng đời điệp viên KGB của tôi tại Mỹ” (Washington Station: My Life as a KGB Spy). Trong suốt 18 năm trở lại đây, Shvets đứng đầu một công ty của Mỹ chuyên thu thập thông tin và đưa ra các đánh giá rủi ro kinh doanh cho các doanh nghiệp, tập đoàn dự định đầu tư lớn vào lãnh thổ trên thế giới, cũng như các nước thuộc Liên Xô cũ.

Yuri Shvets là một trong những nhân chứng quan trọng nhất trong những phiên điều trần diễn ra tại London thời gian qua về vụ án ám sát cựu sĩ quan FSB Alexander Litvinenko. Chính Shvets đã giúp đỡ Litvinenko thu thập và phân tích hồ sơ về Viktor Ivanov, chiến hữu của Putin, Giám đốc Cơ quan kiểm soát ma túy Liên bang Nga. Trong hồ sơ này có thông tin về mối liên hệ của Putin và Ivanov với băng nhóm tội phạm có tổ chức Tambov.

Tổ chức này vào những năm 90 thế kỷ trước chuyên buôn bán ma túy và rửa tiền cho một trong những tên đầu sỏ ma túy của Colombia. Dựa theo các tài liệu điều tra của Anh Quốc, chính Shvets và Litvinenko đã làm đổ bể phi vụ làm ăn của một tập đoàn lớn vào bậc nhất Châu Âu với Liên bang Nga mà lẽ ra Ivanov sẽ nhận được từ đó một khoản hoa hồng khổng lồ.

Ngoài ra, Yuri Shvets với tư cách giám định viên cũng tham gia vào hồ sơ nhập cư của cựu Thủ tướng Ukraine Pavlo Lazarenko. Trong những năm 2002-2005, ông cũng giải mã và phân tích “cuốn băng Melnichenco”- bản thu âm trộm các cuộc nói chuyện của cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma trong khuôn khổ điều tra vụ ám sát nhà báo Georgiy Gongadze. Bản giả mã các cuộn băng này Shvets đã đăng trong các nguồn tài liệu trên Internet của Ukraine dưới mật danh Piotr Liutyi.

Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho báo “Gordon”, Yuri Shvets đã kể, một năm trước đó, trước khi xảy ra các hoạt đông quân sự tại Donbas, ông đã cố gắng giúp “tiêu diệt những kẻ ly khai” và chính quyền Ukraine đã phản ứng như thế nào; ông cũng giải thích lý do tại sao ông coi Putin là kẻ có “năng lực dưới mức trung bình “và hai văn kiện nào mà chỉ cần tổng thống Mỹ Obama ký thì cũng đủ để làm nền kinh tế Nga sụp đổ”.

Bản tiếng Việt của bài phỏng vấn do Nguyễn Hồng Giang dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Tựa đề do NCTG tạm đặt. Trân trọng giới thiệu!

*

• Có thật là ông học cùng Putin tại Học viện Tình báo KGB mang tên Andropov không?

Thông tin này xuất hiện vào tháng 5-2001 trên trang của cơ quan phụ trách mảng Tình báo Nước ngoài của Liên bang Nga. Trong văn bản này ghi rằng tôi là một kẻ phản bội vì đã tiết lộ các thông tin về KGB và trong ngoặc kép có ghi rằng “trong những năm 80, Yuri Shvets là bạn đồng khóa với Vladimir Putin tại Học viện KGB”.

• Các cơ quan đặc vụ ấy cần phải vạch trần ông vào đúng năm 2001 để làm gì?

Tôi cũng chẳng hiểu vì sao. Tôi chẳng liên quan gì đến nước Nga thời hậu Xô-viết. Tôi cũng chưa bao giờ là công dân Nga. Thậm chí hộ chiếu Nga tôi cũng không có. Tôi đến Mỹ năm 1993. Ba năm sau tôi xuất bản cuốn hồi ký “Văn phòng Washington: Quãng đời điệp viên KGB của tôi tại Mỹ”. Những hồi ký kiểu này hiếm khi xuất hiện. Tại Nga bắt đầu kêu gào, Shvets đã bán đứng mọi bí mật rồi.

Nhưng mà có những bí mật gì cơ chứ, khi mà Liên Xô đã tan vỡ từ lâu, Ủy ban An ninh Quốc gia thời điểm đó không tồn tại, còn Chủ tịch KGB Vladimir Kryuchkov thì đã mãn hạn tù vì tội âm mưu đảo chính tháng 8-1991.

• Có thể họ kêu gào vì ông biết quá nhiều về một Putin - điệp viên chăng?

Putin có bao giờ làm công tác tình báo đúng nghĩa đâu.

• Nhưng mà trong tiểu sử chính thức của Putin ghi rằng ông ta hoạt động tình báo ở Leningrad (nay là Saint Peterburg), sau đó là phục vụ ở Cộng hòa Dân chủ Đức.

Sau khi tốt nghiệp trường Andropov, Putin bị gửi về cơ quan địa phương - Sở Tình báo KGB thành phố Leningrad và tỉnh Leningrad. Đó là điều tối quan trọng để hiểu “ngài Putin là ai” và hiểu được những gì xảy ra với nước Nga hiện nay.

Để được vào trường KGB mang tên Andropov là vô cùng khó khăn. Nhưng một khi đã lọt vào trường rồi thì 99% là sẽ được gửi đi làm công tác tình báo ở nước ngoài (chỉ trừ những trường hợp đến từ các nước cộng hòa - họ được gửi đến Moscow để đào tạo các cán bộ khung cho bộ máy, thường thì họ sẽ trở về nước cộng hòa của họ).

Nhưng Leningrad thì lại khác. Cùng học với tôi cũng có những người đến từ thành phố đó. Nhưng khi tốt nghiệp họ được đưa ngay về Tổng cục 1 KGB phụ trách các điệp vụ nước ngoài, còn riêng Putin thì không.

• Sao vậy?

Dù cho có những điều hoang tưởng khá phổ biến thì không chỉ có James Bond mới làm tình báo được. Những người như thế chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi. Phần đông nhân viên của Tổng cục 1 KGB chỉ là những người có khả năng phân tích trung bình cũng như các tính cách tâm lý vùa đủ để đáp ứng công việc. Như vậy từ khóa cơ bản sẽ là “Trung bình”.

Vậy cái việc không cử Putin làm công tác tình báo mà lại gửi về sở KGB Leningrad có nghĩa là ông ta về tổng thể thì khả năng dưới trung bình. Trong thời gian học tập tại Moscow thì Putin cũng giống như các sinh viên ngoại tỉnh khác, sống tại một cơ sở biệt lập, nằm ngoài thành phố, trong rừng và bị cách ly bởi hàng rao cao. Tổng thống tương lai của nước Nga phải ở đó 24 tiếng trong ngày, 7 ngày trong tuần suốt một năm.

Ở trường Andropov, người ta không chỉ dạy sinh viên học mà còn nghiên cứu, tìm hiểu sinh viên rất kỹ để biết rõ, sinh viên ấy có đáp ứng được với công việc tình báo hay không. Trong một năm ấy, người ta đã tìm hiểu sinh viên Putin kỹ đến nỗi chẳng một phòng thí nghiệm nào trên thế giới làm nổi việc đó. Nói một cách bóng bẩy thì mọi thứ lục phủ ngũ tạng của anh người ta đều nắm rõ và kết quả là người ta cử anh về làm việc ở địa phương Leningrad.

• Nhưng thời Xô-viết thì sau Moscow, Leningrad là thành phố quan trọng thứ hai cơ mà. Tại sao ông lại coi thường việc phục vụ ở thủ đô phương Bắc thế?

Sở An ninh Quốc gia thành phố Leningrad và tỉnh Leningrad là một văn phòng KGB tỉnh lẻ điển hình, nơi chẳng có gì khác với những sở KGB khác, ví dụ như ở Zhmerynka hay Berdychiv (những thị trấn nhỏ ở Ukraine – ND) cả. Theo ý tưởng thì các cơ quan kiểu này phải tóm những tên điệp viên nước ngoài và tuyển mộ họ thành người của mình. Nhưng trên thực tế thì không thể làm được việc đó vì trên thế giới làm gì có từng ấy điệp viên để các sở KGB địa phương của Liên Xô tóm được.

Bởi vậy điệp viên Putin ở Leningrad chỉ làm những thứ vớ vẩn: mách lẻo sinh viên với giáo sư, rồi lại nói xấu giáo sư với hiệu trưởng...

• Nhưng tuy nhiên năm 1985 thì tổng thống tương lai của Nga cũng được cử sang Đông Đức, mà theo như tiểu sử thì, ông ta phục vụ công tác tình báo tại Dresden dưới vỏ bọc Giám đốc Nhà Hữu nghị Xô - Đức?

Tại Đông Đức không có văn phòng KGB và, theo lệnh thì Ủy ban An ninh Quốc gia không được tiến hành các hoạt động tình báo trên lãnh thổ các nước XHCN, đặc biệt là Đông Đức, một nước có quan hệ rất gắn bó với Liên Xô. Bản thân Đông Đức cũng đã có cơ quan tình báo đặc biệt hữu hiệu của mình rồi. Điều quan trọng là không cản trở họ làm việc vì họ sẽ báo cáo đầy đủ mọi thứ với Moscow.

Văn phòng - đó là một cơ sở tình báo bí mật của một quốc gia tại một quốc gia khác. Ở Đông Đức thì không có cái văn phòng đó mà lại có đại diện chính thức của KGB ở Berlin, Dresden và một thành phố nữa. Điều đó để làm gì? Ở thời Liên Xô (cũ), được ra nước ngoài là cả một sự kiện đối với bất cứ công dân Xô-viết nào, và KGB đã tưởng thưởng cho các nhân viên địa phương của mình có cơ hội để có những “ngày hội cuộc đời” đó.

Sĩ quan KGB được gửi đi Đức mấy năm, khi trở về có máy ảnh Đức với ống kính Karp Sey, có bộ đồ ăn “Madonna”. Hai thứ đồ vật điển hình này là kết quả duy nhất của công cuộc làm “tình báo ở Đông Đức”.

Putin cũng làm những việc vậy thôi. Với trách nhiệm của một Giám đốc Nhà Hữu nghị Xô - Đức thì Putin có nhiệm vụ thanh toán cho các cán bộ cao cấp từ Moscow sang, mời họ ăn, uống, dẫn họ đi cửa hàng, rồi lại thanh toán, mang những cái thân hình chẳng còn chút tri giác nào lên máy bay để họ quay ngược về Moscow. Đấy, mọi hoạt động tình báo của Putin ở Đông Đức là vậy.

• Ông nhất định cho rằng thời gian phục vụ KGB của Putin thì Putin vừa có năng lực kém cỏi vừa chưa bao giờ hoạt động tình báo đúng nghĩa?

Đấy có phải là do tôi khẳng định đâu. Đấy là tiểu sử nghề nghiệp thật sự chứ không phải là cái tiểu sử giả của ông ấy. Ngay cái sự việc, sau khi tốt nghiệp thì ông ta bị gửi trả về Leningrad đã là một dự đoán chính xác rồi. Trong thời gian học tập, hàng chục giáo viên cũng như các hướng dẫn viên đã nghiên cứu về ông ấy chán ra rồi. Mỗi một người trong số họ khi kết thúc khóa học đều phải viết nhận xét phù hợp về sinh viên tốt nghiệp.

Tôi cũng đã được đọc vài nhận xét như thế, đó là khả năng phân tích, là những nhận xét hết sức sâu sắc về tính cách tâm lý của đối tượng. À, mà bạn có biết ông ta có bao nhiêu là biệt danh không? Hồi còn ở KGB thì ông ta là “Đầu mẩu”, sau đó thì là “Con vắt xanh” xao, còn bây giờ là “Botox”.

• Ở Ukraine tổng thống Nga cũng có biệt danh…

(Cười) Tôi biết. Putin-la la la! Nữ hoàng Catherine Đệ nhị đã ban tặng cho các tướng lĩnh Nga vĩ đại tham gia cuộc chiến tranh Crimea với đế chế Ottoman những cái họ rất mỹ miều như: Suvorov-Rymniksky, Rumyantsev-Zadunaisky, Potemkin-Tavricheskiy. Còn Putin thì nhận được cái biệt danh nổi tiếng “khuilo” cho hành vi của mình đối với Crimea năm ngoái.

Tôi tiếp xúc với khá nhiều người, họ đã từng biết rõ Putin từ rất lâu trước khi ông ta làm tổng thống. Tất cả những người đó đều cho rằng, bỏ qua vấn đề khả năng trí tuệ chưa đủ tầm thì Putin là một kẻ tự ty ghê gớm. Vóc dáng cơ thể nhỏ bé thực sự đã hủy hoại tinh thần của ông ta. Mọi khiếm khuyết ấy đều thể hiện rõ trên gương mặt cũng như dáng điệu.

Một người như vậy thì không thể làm công tác tình báo ở nước ngoài vì ngay trên khuôn mặt anh ta đã thể hiện rõ rằng: hãy tóm tôi đi! Chính vì vậy mà trong thời gian làm việc ở KGB, ông ta đã tham gia tập Judo để bù đắp lại khiếm khuyết đó. Tôi không biết trong thể thao thì thế nào, chứ còn ở KGB thì rõ ràng là ông ta không ổn.

• Tuy nhiên, dù sao đi nữa thì chính Putin đã nắm quyền tuyệt đối tại một trong những quốc gia lớn nhất thế giới trong suốt 15. Đó là điều khác hẳn so với các bạn học tài năng của mình....

À, đó chính là truyền thống Xô-viết mà bây giờ là Nga mà ta sẽ nhận ra ngay vì nó thể hiện ngay trên bề nổi của hệ thống chính trị. Tại sao năm 1953 Nikita Khrushchev lại được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô? Dưới thời Stalin ông ta chỉ là một thứ rác rưởi chuyên làm trò đấy thôi. Nhưng họ đã chỉ định ông ta để ông ta chỉ làm con rối, còn đứng sau lưng lại là những người rất nghiêm túc khác cơ.

Và anh chàng mềm yếu và nông nổi Leonid Brezhnev cũng được đặt lên ghế lãnh đạo Xô-viết với mục đích để sau đó vài năm sẽ được thay thế bởi chàng Shurik cứng rắn thông minh - Alexander Shelepin. Tất cả họ chỉ cần một thứ bù nhìn để điều khiển được bằng một sợi dây và sau vài năm thì gỡ bỏ. Nhưng kết quả là đáng ra chỉ vài năm thì thời đại Brezhnev kéo dài 18 năm.

Câu chuyện ấy lặp lại đúng với Putin.Người ta chọn ông ta như chọn một con rối dễ bảo lên đứng đầu Liên bang Nga nhằm đảm bảo an toàn và tiền bạc cho kẻ mà ông ta thay thế. Tôi đã tiếp xúc với Boris Berezovsky, người đã đóng vai trò không nhỏ trong việc Putin làm tổng thống. Berezovky đã nói rằng: “Hãy cho tôi một kênh truyền hình, tôi sẽ làm chiếc ghế cho tổng thống tiếp theo của Liên bang Nga”.

Đấy câu trả lời là Putin đã leo lên như thế đấy.

• Liệu hiện nay sẽ có một cuộc đảo chính “cung đình” xóa bỏ Putin hay không?

Điều ấy là hoàn toàn có thể khi mà tầng lớp “tinh hoa” Kremlin đang bị ảnh hưởng rất lớn từ các chế tài của Phương Tây. Họ chả cần gì Crimea hay Donbas. Hiện nay cuộc đối đầu sách lược của Nga là cuộc đối đầu giữa tham vọng ngồi trên cái ghế của mình đến khi chết và những đòi hỏi khách quan của đất nước trong sự vận động phát triển thôg thường. Nếu Putin cứ nhất định ngồi trên ghế của mình đến chết thì nước Nga hoặc sẽ sụp đổ hoặc sẽ trở thành một quốc gia hạng ba kiểu như Bắc Triều Tiên hay Mông Cổ.

• Ông có cho rằng tầng lớp” tinh hoa” Kremlin còn sợ cơn thịnh nộ của nhân dân hơn sợ các chế tài của Phương Tây nên họ đã không làm cuộc đảo chính cung đình này không?

Đấy chính là gốc rễ căn bệnh của tầng lớp “tinh hoa” Kremlin. Ngay trước khi Liên Xô tan vỡ, hàng tuần đều có ai đó từ Ủy ban Trung ương đến KGB và yêu cầu, các anh phải giúp chúng tôi giữ được chính quyền, nếu không thì sẽ có một cuộc nổi dậy vô nghĩa và khốc liệt. Và lúc đó thì cả các anh và cả chúng tôi đều sẽ bị treo lên cột đèn như ở Budapest năm 1956 đấy.

• Khả năng Putin nhấn nút hạt nhân có cao không?

Không có khả năng ấy.Tôi từng hoạt động chuyên nghiệp về vụ việc căng thẳng đỉnh điểm của cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, khi khả năng dẫn đến chiến tranh hạt nhân hoàn toàn là hiện hữu.

Như thế nào là bắt đầu cuộc chiến tranh hạt nhân? Cần phải giáng đòn đầu tiên mà đòn ấy sẽ tiêu diệt tối đa số lượng các tên lửa trên mặt đất của đối phương, đến khi các tên lửa còn lại của họ đánh trả thì phải bắn hạ chúng bằng các phương tiện lực lượng phòng không của mình. Dưới thời Liên bang Xô-viết, tiềm lực cho cú đánh quyết định đầu tiên ấy không thể có thì ngày nay Nga làm sao có thể có!

• Theo thông tin chính thức vào tháng Chín 2013 thì Nga có tới 3.000 đầu đạn hạt nhân, còn theo nguồn không chính thức thì số đầu đạn có thể lên tới 50.000.

Cơ cấu tên lửa mặt đất của Nga như sau, khoảng một nửa số đầu đạn được cài đặt cho tên lửa SS-18 hoặc Satan được sản xuất tại tập đoàn quốc phòng “Yuznui” tại Dneporpetrovsk. Đây là thế hệ tên lửa từ những năm 1960 của thế kỷ trước mang được khoảng 10 đầu đạn cho mỗi tên lửa, nhưng những tên lửa này lại không có độ chính xác cần thiết. Tên lửa phục vụ cho mục đích đánh trên diện rộng chứ không phải cho mục đích chính xác chi tiết.

Thế có nghĩa là các tên lửa này của Nga có thể san bằng NewYork hay San Francisco hoặc các thành phố lớn khác nhưng không thể tiêu diệt các tên lửa đã được cài đặt của Mỹ trong các hầm ngầm và vì vậy khả năng là sẽ bị xơi quả đánh trả và nước Nga cũng bị san bằng luôn.

Nhân tố quan trọng nhất để quyết định có đánh đòn hạt nhân hay không là việc tên lửa của anh có đánh trúng mục tiêu cần đánh hay không. Tên lửa Xô-viết trước kia và Nga hiện nay không có đủ độ chính xác như vậy. Hơn nữa việc tên lửa sẽ rơi vào chỗ nào thì cũng không ai nói chính xác được bởi quỹ đạo của tên lửa phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm, tính năng của khí quyển vùng mà mục tiêu của tên lủa hướng tới.

Tên lửa được bắn thử ở bãi thử miền Đông thuộc Kamchatka đến một mục tiêu nhất định với các tính năng khí quyển nhất định là một chuyện hoàn toàn khác rồi. Nếu đánh đòn hạt nhân mà tên lửa lại bay theo quỹ đạo ngắn nhất thì sẽ bay qua Bắc Cực và đi đâu tiếp thì chẳng ai biết rõ vì chưa có cuộc thử nghiệm như thế bao giờ.

Mà thậm chí nếu Putin lên cơn điên loạn nhấn nút hạt nhân thì các “đồng chí “của ông ta cũng sẽ nhanh chóng sửa lại lỗi ấy cho ông ta. Tổng thống Nga nói chung kém hiểu biết về những lĩnh vực như thế này. Trong bộ phim “Crimea, đường về Tổ quốc” Putin huênh hoang rằng đã dọa được tàu khu trục Mỹ tại Biển Đen: “Chúng tôi đã phát triển một tổng thể phòng vệ trên bờ và đưa nó vào hệ thống vệ tinh làm phía người Mỹ nhìn thấy và hoảng sợ...”.

Có điều chẳng ai giải thích cho Putin biết một chi tiết nhỏ: tầm bắn xa của hệ thống phòng vệ kia là 250km, còn tầm xa của các tên lửa có cánh trên tàu khu trục của Mỹ là 2.500km. Nếu một cuộc chiến tranh thực thụ bắt đầu thì cái hệ thống phòng ngự mà nhà lãnh đạo Nga huyênh hoang đang đóng ở Crimea kia sẽ bị Hạm đội 6 của Mỹ đang nằm tại Địa Trung Hải xóa sổ mà không cần tiến vào Biển Đen.

Thậm chí bỏ qua cả các vấn đề mang tính kỹ thuật thì vẫn còn vấn đề mang tính tâm lý. Chẳng lẽ bạn thực sự tin rằng một con người mà hàng năm biến mất khỏi công luận từ 7 đến 10 ngày để làm thủ thuật facelift (căng da mặt) và bơm chất botox vào cơ thể mình lại có thể tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân? Bởi chất botox sẽ tan chảy khi nhận cú đánh giáng trả và chất ấy chảy ra ngoài vì sợ hãi đấy.

Nguyễn Hồng Giang chuyển ngữ, từ Kiev (Ukraine) - Còn tiếp


 
 Từ khóa: Putin, nước Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn