NGƯỜI TỊ NẠN VÀ SỰ TRỢ GIÚP HỘI NHẬP

Thứ bảy - 07/07/2007 23:44

(NCTG) Tại Cộng hòa Czech, có một cẩm nang dài hàng trăm trang dành cho người tị nạn (được in với lượng ấn bản là vài vạn) khuyên họ không nên có những cử chỉ "quá đà", hoặc tránh việc há hốc miệng khi ngạc nhiên về một điều gì đó. Người tị nạn ở Hungary cũng được nhận những lời khuyên tương tự: nhân viên các tổ chức dân sự chuyên trách người tị nạn cho rằng thông tin về cách ăn mặc, lễ lạt và ẩm thực Hung đều rất quan trọng đối với dân tị nạn ngoại quốc tại Hung.

Người tị nạn còn được hướng dẫn cụ thể về cách ăn mặc ở Hungary

"Phụ nữ và đàn ông bình đẳng, trong tiệm ăn mỗi người tự tìm cho mình chỗ ngồi, khi ăn cần dùng thìa, dĩa và dao" - Bộ Lao động Cộng hòa Czech đã soạn thảo một hướng dẫn có những nội dung như vậy cho người nước ngoài xin tị nạn ở Tiệp. Được coi là một "cẩm nang" về cư xử và các phép lịch sự tối thiểu, hướng dẫn này chủ yếu nhằm vào những ai chưa bao giờ đặt chân sang Châu Âu. Như thế, không chắc họ đã biết rằng, ở tiệm ăn, không nên thổi phù phù để làm nguội xúp nóng, không nên ngoáy mũi hay trò chuyện quá ầm ĩ.

"Ở một đám đông, đừng bao giờ hỏi tuổi phụ nữ, cũng chớ gạn hỏi thu nhập hay của cải của người mình trò chuyện" - lời khuyên tiếp theo là như vậy. Cho dù được nghe điều gì thật hay và mới lạ, cũng đừng há hốc miệng. "Cẩm nang" này còn đưa ra những lời khuyên về cách cư xử nơi công sở, bệnh viện, v.v..., hoặc cách tìm việc và trình báo cảnh sát khi cần.

Thông qua hướng dẫn (bằng các thứ tiếng Tiệp, Anh, Nga, Ukraina và Việt Nam), người tị nạn còn biết được những phong tục, tập quán của nước sở tại. Chẳng hạn, "người Tiệp ưa những thủ tục, và trước khi ăn họ bao giờ cũng chúc nhau ngon miệng". Dân Tiệp được tả trong cẩm nang như những người không thật cởi mở, thông thường đi làm từ 6 giờ sáng và nói chung, độ 10 giờ tối đã lên giường. Họ không thoải mái trước cảnh huyên náo nơi công cộng; khi trò chuyện, họ có thể hoảng hốt vì những cử chỉ "quá đà", và cũng không ưa nếu người "đối diện" quá thẳng thắn.

Tại Hung, người tị nạn (*) cũng được tư vấn những thông tin cần thiết và hữu dụng, như về cung cách ăn mặc của dân bản địa, về hệ thống chính trị, lễ lạt, thậm chí cả về ẩm thực - nhân viên Hiệp hội Nương thân (Menedék Egyesület). Tuy nhiên, thông thường, chỉ dẫn thiết yếu nhất, vẫn là vị trí nước Hung ở đâu trên bản đồ thế giới: đó là điều mà không ít người tị nạn, sau nhiều tháng lang bạt và ấn náu, khi tới Hung, vẫn không có khái niệm rõ ràng!

Hungary cũng cung cấp cho dân tị nạn một cuốn cẩm nang tư vấn, nhưng đa phần chỉ chứa các thông tin chính thức, như quá trình xin quy chế tị nạn, y tế và các khoản trợ cấp xã hội. Theo kế hoạch, sắp tới, chính quyền Hung sẽ ấn hành một ấn phẩm mới dành cho người tị nạn; ngoài ra, tại các trại, người xin tị nạn có thể theo dõi thông tin liên quan đến Cộng hòa Hungary qua đĩa DVD.

(*) Trong năm 2005, có tổng cộng 1.600 người đệ đơn xin tị nạn tại Hung và con số này tăng thêm vài ba trăm trong năm 2006. Theo kinh nghiệm, đối với dân tị nạn ở Hung, tìm việc là điều khó khăn nhất. Những vấn đề còn lại - nơi ăn chốn ở, học tập, kiếm các loại giấy tờ - trong 60% các trường hợp, giải pháp được tìm ra, nhưng tìm việc thì chỉ hiệu quả trong chừng 30%.

H.Linh, theo MTI/[origo]


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn