Lễ nhận đồ quyên góp trong chương trình “Mùa Đông Ấm” 2007
Ra đời năm 2007, “Mùa Đông Ấm” quy tụ các bạn trẻ tình nguyện hoạt động phi lợi nhuận vì lợi ích cộng đồng, với phương châm “chúng tôi thay mặt các bạn, mang yêu thương sưởi ấm những đôi bàn chân bé nhỏ miền địa đầu Tổ quốc”.
Nhóm “Mùa Đông Ấm” đề ra những mục tiêu hoạt động rất có ý nghĩa như xây dựng và thực thi các hoạt động mang tính cộng đồng, phi lợi nhuận; nâng cao ý thức tình nguyện vì cộng đồng của thanh niên; làm cầu nối chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn giữa các đối tượng thiếu may mắn và xã hội; cũng như xây dựng mô hình chuẩn về dự án hoạt động tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Trong những năm qua, “Mùa Đông Ấm” đã tiến hành những sinh hoạt từ thiện nhiệt tình và hiệu quả tại Hà Giang, Cao Bằng..., mang chăn, quần áo ấm cho trẻ em một số vùng đặc biệt khó khăn. Nhóm cũng quyên góp được nhiều sách vở, báo chí, truyện... cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa.
Những chia sẻ sau đây của Tiểu Phương, một thành viên năng nổ từ những ngày đầu của Nhóm, cung cấp thêm cho độc giả những thông tin về cuộc sống khó khăn của đồng bào nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Bài viết cũng cho thấy một số nét chính trong hoạt động của Nhóm, đồng thời, nêu ra những tâm tư, trăn trở cá nhân liên quan tới công việc thiện nguyện. (NCTG)
Khu ở nội trú của một điểm trường tại Lũng Chinh
Chúng tôi rời Hà Nội vào một ngày nắng cuối cùng sót lại trước khi áp thấp đổ dồn liên tục về thủ đô do ảnh hưởng của bão. Chạm tới địa phận Hà Giang, mây mù làm khẽ rùng mình và thấy rằng cái lạnh ở Hà Nội như mùa hạ của đất này.
Mèo Vạc từ ngày đầu gặp gỡ đã 4 năm tròn, ấy vậy mà mảnh đất này vẫn không khác ngày nào là mấy, vẫn im lìm, vẫn lạnh, và vẫn nghèo đến cùng cực.
Một ngày đông năm 2007, đoàn chúng tôi khăn gói từ Hà Nội mang theo 5 tấn quần áo ấm quyên góp dưới xuôi và chút tấm lòng mình làm hành lý đi lên mạn ngược.
Trường lớp bị tốc mái, bật cửa... sau bão
Thực ra cuộc sống vẫn diễn ra như lẽ thường nó phải thế, có người nghèo người giàu, có người sướng người khổ. Mang áo lên cho dân ấm, áo rách dân lại rét. Mang gạo lên cho dân no, hết gạo dân lại đói. Từ cái bận nhìn tận mắt cảnh nghèo khó của nhân dân biên giới Tây Bắc và nhất là tình trạng giáo dục cùng cực, chúng tôi cứ thôi thúc trong lòng, làm sao làm được điều gì đó có nghĩa hơn, lâu dài hơn.
Những dự án về thư viện sách cho trẻ em vùng cao, trao đổi đồ chơi giữa khối mầm non từ Hà Nội lên tỉnh nghèo, v..v... hiện lên trang giấy rõ mồn một, nhưng xúc tiến được nửa chừng, ai cũng bận rộn việc này, việc nọ, rốt cục cũng mãi im lìm ở dạng ý tưởng. Suy cho cùng, ai cũng có cuộc sống của riêng mình, người lấy chồng, kẻ có vợ, rồi sẽ qua hết cái thời tự do bay nhảy có thể sẻ chia một phần thời gian và công sức của mình cho những điều bất vụ lợi mang tên tự tâm.
Ngoài ra, một lẽ chính là khi người ta lớn lên, trưởng thành hơn, những tư tưởng màu hồng sẽ nhuốm những gam màu khác, hiện thực hơn, và cũng tối tăm hơn. Muốn thay đổi cục diện, không cách nào khác ngoài đi từ trên xuống, cấp trung ương phải có đường lối, và phải thực hiện đường lối để thay đổi thực tế. Nhưng thực tế thì mãi cứ dậm chân dưới đáy mà không ngoi lên được.
Cửa khu nội trú
Vẫn nhớ lần lên làm việc tại Ủy ban tỉnh để hoàn tất phần giấy tờ thủ tục trước khi lên các điểm trường trao quà cho các em nhỏ, các cán bộ nhiệt tình vô cùng, chu đáo vô cùng, mở hẳn… tiệc chào mừng đoàn từ thiện. Tiệc xong, tây tây biêng biêng cán bộ còn… gạ tình cả thành viên đoàn.
Rồi thì đi làm từ thiện nhưng lúc nào cũng bị khó khăn khâu hành chính vì một lý do cố hữu “địa phận nhạy cảm về chính trị”. Ngày ngày, thời sự lúc 7 giờ tối lúc nào cũng đề cao tư tưởng Hồ Chủ Tịch, nhưng điều cụ dạy từ thuở nào rằng
chưa diệt giặc đói giặc dốt đừng hy vọng giệt giặc trong giặc ngoài nào, thì chẳng thấy cấp nào thực hiện.
Dân đói nên dân cần ăn, dân rét nên dân cần mặc, dân còn dốt nên dân chẳng cần biết là “phản động” hay nhà nước cho, cứ có gạo có áo thì dân gật. Có gì lạ nếu một lúc nào đó báo đài đưa tin về những vụ “tuyên truyền phản động” tại vùng nào đó trên đất nước hòa bình này… một khi chính quyền còn chưa đảm bảo cho dân được no?
Bếp ăn
Dầu sao, chúng tôi vẫn có quyền hy vọng vào những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Đôi khi cần mơ lại những giấc mơ thời thơ bé, hay chí ít là thời còn trẻ. Biết đâu manh áo chúng tôi mang lên Mèo Vạc lần này lại giúp một em bé tới được trường, trở thành một người hữu dụng trong tương tai, sẽ làm điều gì đó to tát cho đất nước…
Thực tế cho thấy rằng nếu chưa thể tác động từ trên xuống, chúng tôi vẫn có thể đi từ dưới lên, không thay đổi được toàn diện thì chí ít cũng thay đổi từng phần nhỏ. Và những chương trình tự phát như “Mùa Đông Ấm” của chúng tôi có thể là muối bỏ bể nhưng chưa bao giờ là vô nghĩa.
Với suy nghĩ như vậy, chúng tôi bắt đầu chuyến đi lên Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang), một xã nghèo cách thị trấn Mèo Vạc khoảng 16km, vào mùa đông nhiệt độ xuống âm 3,4 độ C và nơi ấy, người dân quanh năm ăn mèn mén và rau cải thay cơm. Lên để khảo sát thực tế, để có những bản thống kê cụ thể hộ nghèo, số trẻ đi học, số điểm trường, mức thu nhập bình quân…
Thế nhưng, đi lên mới nhận ra, mình còn đo thêm được mức vô tâm của bản thân.
Và thực là.
Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng.