Các thành viên “phi hành đoàn” Mars-500
Vì lý do ấy, Viện Y Sinh học Moscow (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã đồng tổ chức một thử nghiệm tại mặt đất mang tên Mars-500 để trả lời câu hỏi: con người có thể chống chọi như thế nào với một hành trình dài như vậy trong vũ trụ.
Kéo dài một năm rưỡi, tương đương một chuyến bay khứ hồi lên Sao Hỏa (240 ngày đi, 240 ngày về và 30 ngày “chu du” trên Hỏa tinh), hàng ngàn thí nghiệm cùng những thông tin về trạng thái tâm, sinh lý con người trong thời gian đó được sử dụng để phân tích và phục vụ cho việc đưa nhân loại lên Sao Hỏa vào một ngày nào đó.
Một con tàu vũ trụ giả với đầy đủ chi tiết như tàu thật để đưa người lên Sao Hỏa đã được chế tạo. Website của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đăng tải lời kêu gọi các ứng viên tham gia thử nghiệm. Cuối cùng, 6 “du hành gia” được lựa chọn, trong đó có 3 người Nga: Alexey Sitev (trưởng đoàn), Sukhrob Kamolov (bác sĩ phụ trách đoàn) và Alexander Smolevsky (nhà nghiên cứu vũ trụ).
Ngoài ra, đoàn còn có 1 kỹ sư Pháp (Romain Charles) và 2 nghiên cứu viên gồm 1 người mang hai dòng máu Ý - Colombia (Diego Urbina) và 1 người Hoa (Wang Yue).
Romain Charles kể trong cuộc phỏng vấn ngày 2-6-2010: “
Tôi 31 tuổi, là kỹ sư chế tạo ô tô ở Saint Malo, tôi luôn mơ ước chinh phục được vũ trụ. Tháng 10-2009, tôi đã trả lời cuộc kêu gọi ứng cử viên trên web site của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Sau đó người ta yêu cầu tôi nộp một hồ sơ sức khỏe và tôi cũng phải trải qua những bài kiểm tra về tâm lý: 230 câu hỏi, gặp gỡ Hội đồng Giám khảo gồm 8 người.
Sau 1 tuần rưỡi kiểm tra sức khỏe toàn diện, tôi phải qua một cuộc tập luyện sống cách ly với những điều kiện tương tự như cuộc thử nghiệm. Cuối cùng tôi đã được lựa chọn.”
Anh cũng cho biết về chương trình cuộc thử nghiệm 520 ngày như sau: “
Mỗi ngày được chia thành 3 phần. Một phần để dành cho thử nghiệm, một phần cho thời gian rảnh, sinh hoạt hàng ngày và tập luyện cơ thể, phần còn lại để ngủ. Những thí nghiệm được lặp lại vài lần, cho biết mức độ ảnh hưởng tới sự vui vẻ, giấc ngủ, sự căng thẳng, hệ thống miễn dịch, sự phát triển các khả năng của chúng tôi...
Và giữa cuộc thử nghiệm, hai người trong số chúng tôi sẽ phải sống tách biệt với “phi hành đoàn” trong 1 tháng ở phần module của “tàu vũ trụ” để giả tưởng việc hạ cánh xuống Sao Hỏa. Họ sẽ đi ra khỏi tàu để tiếp xúc với bề mặt Sao Hỏa giả.”
Các “du hành gia” còn phải trải qua một khóa huấn luyện 4 tháng để học cách tồn tại, làm quen và thích nghi với cuộc sống mới. Họ cũng phải học điều khiển hệ thống không khí, nhiệt độ, áp suất và cách quản lý thực phẩm, nước, rác thải...
Thử nghiệm Mars-500 khởi đầu ngày 3-6-2010 và kết thúc vào hôm 4-11-2011, diễn ra với điều kiện khí hậu tương đương với tháng Hai trên “hành tinh đỏ”. Trong khoảng thời gian đó, ngoài trạng thái không trọng lượng và bức xạ thì tất cả những tình tiết, bối cảnh - mà các “phi hành đoàn” có thể phải đối mặt trong một chuyến “Hỏa du” thực sự - đã được mô phỏng ở mức độ xác thực nhất.
Kỹ sư Romain Charles
Trong cuộc phỏng vấn nhân ngày “trở về mặt đất”, với tâm trạng hân hoan vì được đóng góp một phần không nhỏ vào tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại, các thành viên “đội bay” Mars-500 đã kể lại cuộc sống của họ trong 520 ngày biệt lập kéo dài. Để chống lại sự buồn chán, mỗi người đều tìm cách kiếm thú vui cho riêng mình, chẳng hạn Romain Charles chơi đàn ghi-ta, Wang Yu viết thư pháp...
Ai nấy đều mang theo rất nhiều phim ảnh và sách để đọc, thậm chí còn đề ra mục đích là phải học được tiếng mẹ đẻ của bạn đồng hành. Họ còn được trang bị một phòng tập thể thao nhỏ và một phòng tắm hơi. Sáu người cũng được liên lạc trao đổi với Ban kỹ thuật và gia đình mình, chủ yếu qua thư điện tử (
email), với thời gian nhận thư là 40 phút (tương đương thời gian mà các nhà khoa học tính toán để nhận được một thư điện tử từ Trái đất gửi lên sao Hỏa).
Thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài là điều không thể thiếu. Romain Charles cảm thấy rõ ràng hơn sự đơn điệu và tẻ nhạt của cuộc sống khi anh ít nhận được tin tức từ gia đình, ví dụ trong thời gian nghỉ hè tháng 8. Một chuyện nữa mà chàng kỹ sư người Pháp này nêu ra là khẩu phần thức ăn.
“
Thứ Hai nào chúng tôi cũng phải ăn một bữa giống nhau, sau 6 tháng thì việc đó cũng bắt đầu trở nên nặng nề” - anh giải thích và thừa nhận là đã mơ đến pho-mát, rượu vang và một cái bánh mỳ Pháp thật ngon.
Wang Yu, thành viên người Trung Quốc cũng chia sẻ: “
Đồ ăn là đồ châu Âu. Tôi hoàn toàn không thích nhưng vẫn phải ăn để khỏi chết đói và để có năng lượng”. Anh nói rằng thức ăn gần như toàn khoai tây và thú nhận là thậm chí còn “
bị đầy hơi vì đồ ăn”. Vậy nhưng đã không ai nản lòng. Cũng không xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn gì giữa các thành viên trong khoảng thời gian phải sống cách biệt rất dài này.
“
Chúng tôi không bao giờ có mâu thuẫn cả, tất nhiên cũng có lúc không đồng ý với nhau, hoặc có những khác biệt về văn hóa” - Romain Charles nói.
Mục đích của thử nghiệm này là nghiên cứu hậu quả những tác động lên con người khi họ phải sống cách biệt, không có ánh sáng ban ngày và không khí từ bên ngoài, bị hạn chế tiếp xúc trao đổi với đồng loại – đây là điều mà các nhà du hành vũ trụ sẽ phải đối mặt trong một ngày nào đó, khi họ bay lên Sao Hỏa, cho dù ngày ấy được dự báo là không thể diễn ra trước 20 hay 30 năm tới.
Cuộc thử nghiệm được coi là thành công quá mức chờ đợi và các thành viên của Mars-500 đều rất hài lòng. “
Tôi rất hạnh phúc và khá tự hào. Thật vui là đã có thể góp thêm một viên đá nhỏ vào tòa lâu đài khoa học. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể tiến hành đưa con người lên Sao Hỏa trong thời gian nhanh nhất” - Romain nói.
Ðồng lòng đóng góp cho nhân loại
Ðối tác của ESA, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga cũng hài lòng về thành quả này và tuyên bố rằng, vài năm nữa, họ muốn thực hiện một thử nghiệm tương tự như Mars-500 tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Ðược biết, trước đây đã có một cuộc thử nghiệm tương tự khác nhưng chỉ kéo dài 105 ngày.