Ghi chép từ Hàn Quốc: COVID-19 - NHẬT KÝ MỘT ĐẠI DỊCH
Thứ tư - 04/03/2020 03:49
(NCTG) “Hy vọng với tình hình ở Hàn Quốc, Ý, hay Iran, tất cả mọi người đã nhận ra rằng, con virus này chắc chắn đã ở ngay bên cạnh mình, để mà biết sợ. Sợ hãi, xét cho cùng là một phẩm chất sinh tồn quan trọng bậc nhất”.
Quân đội và người dân đều đeo khẩu trang trong mùa dịch ở Daegu, một trong những tâm dịch tại Hàn Quốc - Ảnh: Kim Kyung-Hoon (Reuters)
Lời Tòa soạn:Hàn Quốc với cách ứng phó riêng với dịch bệnh là một mô hình khiến thế giới ngạc nhiên và bỏ thời gian nghiên cứu. Ghi chép sau đây của một CTV NCTG tại xứ sở này phản ánh phần nào cuộc chiến cam go đó của chính quyền và người dân Hàn Quốc với đại dịch Covid-19.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc! (NCTG)
Gia đình mình mới chân ướt chân ráo sang Hàn Quốc thì có dịch bệnh.
Đời mình thì đã từng trải qua dịch SARS ở Việt Nam hồi 2003, nhưng ký ức về dịch SARS của mình rất nhạt nhòa, cảm giác nó không liên quan tới mình. Chỉ là thi thoảng mọi người lại xì xào về căn bệnh đáng sợ gì đó đã giết vài bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Pháp. Cuộc sống của mình tuyệt nhiên không hề thay đổi.
Dịch Covid-19 lần này thì khác hẳn.
Hàn Quốc phát hiện ca bệnh đầu tiên ngày 20-1. Ngày 23-1, Trung Quốc có hành động gây náo động thế giới là cô lập toàn bộ thành phố Vũ Hán 11 triệu dân. Mình thấy quả là kỳ quặc, nhưng vẫn chưa thấy quá lo lắng.
Thế nhưng trong những ngày ấy, ngày nào mình cũng nhận được tin nhắn điện thoại của chính phủ, sáng một lần, tối một lần, đưa ra những cảnh báo về tình hình dịch bệnh, căn dặn phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ, và nếu đi Trung Quốc về trong vòng 14 ngày mà có dấu hiệu ho, sốt thì phải liên lạc tới số những điện thoại này để có giúp đỡ. Các trung tâm vui chơi trẻ em của chính phủ mà mình và con gái mình hay đến chơi đều nhắn tin về dặn dò phải đeo khẩu trang, thậm chí hủy bỏ các hoạt động chung, còn yêu cầu thêm là mới đi Trung Quốc về thì đừng đến đó.
Với việc bị gửi tin nhắn dồn dập như thế, mình cảm thấy vấn đề thực sự đáng lưu tâm. Sau khi tìm hiểu thêm về bệnh, khả năng lây lan, tỷ lệ bị nặng cần điều trị, tỷ lệ chết, vợ chồng mình đều nhận định dịch bệnh này rất đáng lo.
Gia đình mình bắt đầu thực hiện các biện pháp để hạn chế tiếp xúc với nhiều người: bắt đầu chuyển sang mua hàng online từ ngày 27-1 (dịch vụ giao hàng tận nhà ở Hàn Quốc có thể là tốt nhất thế giới); hai mẹ con mình dừng đến chỗ đông người; chồng mình vì đi làm bằng tàu điện ngầm nên buộc phải đeo khẩu trang và rửa mặt mũi tay chân sạch sẽ khi về đến nhà. Công ty chồng mình cũng mua khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn để sẵn ở công ty cho mọi người.
Các trang bán hàng online thì ngay lập tức cháy hàng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Nhưng nếu ra hiệu thuốc thì vẫn có thể mua được, mặc dù đôi khi phải đi vài lần.
Trẻ em ở khu nhà mình thay bằng việc tụ tập chơi với nhau sau mỗi giờ tan học thì được bố mẹ bịt khẩu trang kín bưng và đi thẳng về nhà.
Mẹ con mình hàng ngày vẫn đi dạo công viên, và bắt đầu thấy những người đi dạo đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, những ngày đầu số lượng người đeo khẩu trang ra đường vẫn rất ít. Chồng mình bảo ngày đầu tiên chồng mình đeo khẩu trang đi làm, tàu điện ngầm chỉ khoảng 20% đeo khẩu trang. Sau đó số người đeo khẩu trang tăng dần lên tới 50% thì dừng lại.
Hàng ngày mình vẫn đọc tin đều đặn để cập nhật tình hình dịch bệnh.
Tới ngày 11-2 Hàn Quốc có 28 ca bệnh. Tới ngày hôm ấy Hàn Quốc đã kiểm tra 3.629 bệnh nhân, trong đó 2.736 âm tính, 856 bị cách ly để đợi thêm. Tại thời điểm này Hàn Quốc dự định kiểm tra Coronavirus cho tất cả các bệnh nhân có biểu hiện giống cúm. Trước đấy thì chỉ bệnh nhân nào từ Trung Quốc hay từ các nước có nhiều người bệnh như Singapore hay Hongkong mới bị kiểm tra.
Ngày 16-2 Hàn Quốc bắt đầu xem xét kiểm tra Coronavirus cho tất cả các bệnh nhân viêm phổi mà không rõ nguyên nhân gây bệnh sau khi ca bệnh thứ 29 được phát hiện nhờ bác sĩ quyết định kiểm tra một bệnh nhân viêm phổi không có lịch sử đi lại tới các vùng dịch bệnh ở ngoài Hàn Quốc.
Bệnh nhân thứ 29 này được xác nhận sau 4 ngày liên tiếp Hàn Quốc không có ca nhiễm mới nào. Tổng thống trước đó có vẻ vô cùng lạc quan là bệnh dịch đã sắp được dập tắt, cho rằng Hàn nên quay sang tập trung phát triển kinh tế. Tại thời điểm này Hàn Quốc đã kiểm tra 8.132 người nghi nhiễm bệnh, trong đó 7.647 người âm tính, còn lại đang cách ly chờ kiểm tra tiếp. Khi ấy chỉ còn 20 bệnh nhân đang được điều trị, và chỉ một người cần phải hỗ trợ bằng ôxy do viêm phổi.
Ngày 18-2, bệnh nhân 31 xuất hiện. Khi ấy giới y tế đã bắt đầu lo sốt vó vì ca 29, 30, 31 đều không đi nước ngoài, và không có liên quan gì tới những người đã nhiễm bệnh trước đó. Tuy nhiên, tại ngày hôm ấy giám đốc KCDC, Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh vẫn cho rằng những người đáng lo nhất là những người đã đi từ Trung Quốc và những người có tiếp xúc với những người từng đi Trung Quốc. Tại thời điểm này Hàn Quốc đã kiểm tra 9.772 người, 8.932 người âm tính, còn lại đang cách ly chờ đợi.
Trưa 19-2, Hàn báo cáo thêm 15 ca, thành 46 ca đã nhiễm bệnh. Hàn Quốc khi này có 464 nơi kiểm tra Coronavirus, họ có khả năng kiểm tra 5.000 người một ngày.
Tối 19-2, Hàn Quốc tổng kết có 53 ca, trong đó 22 ca liên quan tới ca 31, tức là liên quan tới nhóm tôn giáo ở Deagu. Hàn đã kiểm tra 11173 người, 9973 âm tính, 1149 cách ly. Mọi người bắt đầu lo lắng.
Hôm ấy mình lại nhận được một loạt tin nhắn của các khu vui chơi trẻ em của nhà nước, thông báo đóng băng các hoạt động tâp trung đến hết tháng 3.
Ngày 20-2, Hàn tăng 51 ca, lên thành 104 ca. Báo cáo người chết đầu tiên. Người chết chỉ biết mình bị bệnh khi đã chết rồi. Ông ấy là bệnh nhân của một bệnh viện ở Cheongdo, ở gần Deagu. Hàn kiểm tra 13.098 người cho đến ngày này, trong đó có 11.238 âm tính, 1.860 cách ly chờ. Hàn Quốc bắt đầu kiểm tra Coronavirus cho tất cả những người có triệu chứng cúm, không cần quan tâm đến lịch sử đi lại. Họ dự tính tăng khả năng lên có thể kiểm tra 10.000 người mỗi ngày.
Ngày 21-2, Hàn có người thứ hai chết, tăng 100 ca, thành 204 ca bệnh. Dân Deagu bị yêu cầu ở trong nhà vì có tới 153 ca ở đây. Như vậy có tới 51 ca ở các nơi khác của Hàn Quốc. Lúc này đã có tới 3.180 người bị cách ly trong số 16.400 người được kiểm tra virus. WHO vẫn cho rằng Hàn Quốc chưa đáng lo.
Ngày 22-2, Hàn tăng lên thành 346 ca, với 142 ca mới. Vậy là có thêm một cụm dịch mới ở bệnh viên Deanam, với 111 người bị nhiễm bệnh Covid 19, với 9 bác sĩ y tá và 102 bệnh nhân vốn đang được điều trị tại đó, 169 người liên quan tới Giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa), tức là liên quan tới bệnh nhân thứ 31. Hàn lúc này có tới 5.481 người đang phải cách ly trong số 19.621 người bị kiểm tra. Lúc này có 9 người được cho là nguy kịch, còn lại là nhẹ.
Ngày 23-2, Hàn tăng 256 bệnh nhân, thành 602 ca bệnh. Chính phủ tăng mức báo động lên cao nhất, mức đỏ. Đã có 6 người chết. Có tới 8.057 người đang cách ly đợi kết quả, với 26.179 người được kiểm tra. Vậy là riêng ngày 23-2 Hàn Quốc đã kiểm tra tổng cộng 6.558 người.
Tối hôm ấy nhà mình vẫn đi mua đồ trên mạng như thường lệ thì thấy Coupang (trang mua hàng online rất phổ biến ở Hàn Quốc) hết hàng. Nhà mình mua ở Emart thì vẫn có hàng, nhưng vận chuyển bị chậm so với thông thường.
Ngày 24-2, mình vào lại Coupang thì bắt đầu có hàng trở lại, tuy nhiên không còn nhiều thoải mái để lựa chọn như trước nữa. Khẩu trang thì đã cháy hàng từ lâu (từ cả tháng), còn nước rửa tay tiệt trùng thì vẫn vậy. Chắc mọi người đều mua nước rửa tay tiệt trùng rồi nên giờ không ai cần nữa. Có vẻ như dân tình cuối cùng đã lo lắng. Họ chuyển từ đi siêu thị sang mua đồ online để tránh rủi ro, làm cho việc vận chuyển bị quá tải, dẫn đến hàng ít đi, và vận chuyển chậm hơn.
Công ty chồng mình sau khi bàn bạc thì quyết định cho mọi người làm việc tại nhà. Ai đến công ty bằng xe riêng thì công ty trả tiền gửi xe.
Chồng mình đi làm bảo là tàu điện ngầm ít người hơn hẳn so với thường ngày. Khu Gangnam đông đúc giờ cảm thấy chỉ còn một nửa số người.
Trường học quyết định lùi lịch khai giảng năm học mới lại 1 tuần (Hàn Quốc nghỉ đông như Việt Nam nghỉ hè vậy).
Cuối ngày Hàn Quốc tăng 231 ca mới, thành 833 ca, với 6 người chết, 2 người nguy kịch và 14 người cần điều trị bằng ôxy. Khoảng 60% người bệnh có liên quan tới Giáo phái Shincheonji và 15% liên quan tới bệnh viện. Nhà chức trách thông báo có khoảng 28.000 người ở Deagu có dấu hiệu cúm trong vòng 2 tuần qua và họ sẽ cố kiểm tra bằng hết. Tuy nhiên các ca bệnh giờ rải rác lung tung khắp nơi, với nguồn gốc loạn xạ cả lên. Mặc dù họ kiểm tra tới 31.923 người rồi, trong đó có đến hơn môt phần ba, cụ thể 11.631 người đang phải cách ly chờ kiểm tra tiếp, thì số người cần phải kiểm tra tiếp nữa cũng là vô số kể.
Ngày hôm ấy mình cũng nhận được tin nhắn hành trình di chuyển của 3 ca bệnh mới được phát hiện gần khu mình ở. Hai mẹ con quyết định ở nhà một hôm để họ làm tiệt trùng. Tuy nhiên mình quan sát thì vẫn thấy rất nhiều người đi bộ thể dục phía sau khu đồi nhà mình, nơi hai mẹ con thường đi dạo. Tất nhiên tất cả mọi người đều đeo khẩu trang kín bưng.
Ngày 25-2, tại thời điểm mình viết tóm tắt này, Hàn Quốc có 977 ca bệnh, tăng 144 ca. Trong số này có 450 ca liên quan tới Giáo phái Shincheonji, 791 ca ở Deagu và tỉnh Bắc Gyeongsang. Đã có 11 người chết. Và rất nhiều ổ dịch tiềm năng khắp nơi. Theo báo cáo thì đã có 39.327 người được kiểm tra, với 25.447 người âm tính, và 13.880 người đợi kết quả tiếp.
Sau khi ngồi xem lại những con số trên và tình hình dịch bệnh, mình nhận ra vài điều:
1. Căn bệnh này gần như không có cách nào ngăn sự lây lan nếu mọi người vẫn giữ thói quen sinh hoạt như bình thường. Bất kể khi nào vẫn còn tiếp xúc người - người thì chắc chắn bệnh sẽ còn tiếp tục lan nữa. Lý do là vì có tới 80% những người nhiễm bệnh là nhẹ, triệu chứng thì giống cảm cúm thông thường.
Nghĩ mà xem, nếu mình sụt sịt, ho, sốt, sau vài hôm tự khỏi thì có ai thèm đi bác sĩ kiểm tra không? Nếu những người như thế mà không may bị Covid-19, và họ vẫn sinh sống, làm việc như bình thường (vì thực ra họ không bệnh đến nỗi phải dừng hoạt động), thì mỗi ngày họ sẽ có khả năng lây cho bao nhiêu người? Các bạn thử tự kiểm tra xem có bao nhiêu người xung quanh hắt hơi xổ mũi trong vòng vài tuần gần đây, dưới cái thời tiết này? Và có mấy người cần bác sĩ? Thậm chí em mình làm ở khoa hô hấp của bệnh viện đầy bệnh nhân viêm phổi tại Việt Nam cũng chẳng ai thèm kiểm tra Coronavirus cho họ cả.
2. Việc chỉ chăm chăm kiểm tra những người nước ngoài là sai lầm. Không có cách nào kiểm tra hết được. Trước khi dịch lan ra gây báo động thì mọi người đã tỏa đi khắp nơi rồi. Trong khi bệnh có thể lây một cách trời ơi là sờ vào dịch hắt xì của một người nào đó. Cái con virus trong dịch ấy thì có thể sống nhiều ngày dưới điều kiện phù hợp với nó. Vì thế, nếu chỉ kiểm tra người ngoài vào mà lơi là kiểm tra người trong nước thì là một sai lầm lớn.
3. Không có cách gì có thể kiểm tra tất cả mọi người. Với triệu chứng quá giống các bệnh thông thường, thậm chí có người còn không có triệu chứng, thì việc chẳng ai có thể kiểm tra triệt để cả. Một nước có khả năng kiểm tra cả 10.000 ca/ngày như Hàn mà cũng gần như bất lực trước tình hình hiện tại.
4. Rõ ràng làm dân hoảng loạn quá mức là không được, nhưng việc các chính phủ ra sức thông báo bệnh nhẹ, hay là hướng sự chú ý tới bên ngoài, làm người dân chủ quan, là sai lầm nghiêm trọng. Với sự lây lan nhanh chóng của bệnh này, nếu chúng ta vẫn giữ thói quen sinh hoạt thường ngày, thì chỉ cần một người bị bệnh là nó lan theo cấp số nhân ngay. Muốn thấy hậu quả lơ là thì cứ nhìn Hàn Quốc là thấy. Với sự lơ là, nóng lòng muốn quay lại phát triển kinh tế, giờ nền kinh tế Hàn Quốc đang lao đao nguy hiểm không biết khi nào mới hồi phục lại được đây.
5. Hàn Quốc bây giờ thật ra là an toàn hơn trước khi ca 31 xuất hiện. Thứ nhất, Hàn minh bạch chứ không ù ù cạc cạc mù mù mịt mịt như Trung Quốc, nên dân Hàn về cơ bản ít hoảng loạn hơn, hợp tác với nhà nước tốt hơn. Thứ hai, dân Hàn giờ sợ khiếp vía, nên tất cả mọi người đều cẩn thận, cảnh giác, nguy cơ lây lan sẽ giảm sút rất nhiều. Nền kinh tế Hàn Quốc trong 2-3 tuần tới xác định tê liệt, vì người dân sẽ hạn chế tất cả các hoạt động của họ. Nhưng nếu họ làm tốt, thì việc lây lan sẽ giảm dần. Nếu người nào có bệnh thì có rồi, và khả năng lây lan cho người khác giảm đáng kể. Nếu người nào chưa bị bệnh thì khả năng nhiễm bệnh cũng giảm rất nhiều so với trước kia, khi mà dân tình đang chủ quan tụ tập chè chén liên tục.
Thực ra, mình cảm thấy Hàn Quốc đã làm rất nhiều việc trong đợt dịch lần này. Ngay từ khi bắt đầu họ đã thông báo cho dân nắm được tình hình; Họ nỗ lực lần theo tất cả những người đã có tiếp xúc với người đã phát hiện nhiễm bệnh; Họ đóng cửa trường học khi cần; Họ kiểm tra rất nhiều người nghi ngờ nhiễm bệnh; Họ hỗ trợ kinh tế cho những người bị yêu cầu tự cách ly vì nghi ngờ bệnh; Họ nhắn tin tới từng người dân về tình hình ở địa phương; Họ có cả một website hiển thị vị trí và thời điểm mà những người bị bệnh đã đi qua. E rằng, khó có nước nào làm tốt hơn Hàn Quốc.
Vậy mà, chỉ vì muốn cố trấn an người dân, cho rằng nguy cơ lớn là ở bên ngoài, ở Trung Quốc, ở Hongkong, ở Singapore... mà họ làm cho người dân của họ mất cảnh giác. Lẽ ra, họ nên để cho các nhà dịch tễ học, những người ngay từ đầu nhìn vào tình hình Vũ Hán đã vô cùng lo sợ và cố gắng cảnh báo tới các chính phủ. Lý do gia đình mình trở nên căng thẳng ngay từ đầu có lẽ là vì nhà mình đã rất tin tưởng vào những lời cảnh báo có vẻ đầy bi quan của các chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực dịch tễ học.
Bây giờ, mình hy vọng với tình hình ở Hàn Quốc, Ý, hay Iran, tất cả mọi người đã nhận ra rằng, con virus này chắc chắn đã ở ngay bên cạnh mình, để mà biết sợ. Sợ hãi, xét cho cùng là một phẩm chất sinh tồn quan trọng bậc nhất.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...