Donald Trump bị luận tội lần thứ hai: VÁN BÀI CHƯA NGÃ NGŨ

Thứ ba - 09/02/2021 19:26

(NCTG) Trong lịch sử Hoa Kỳ cho tới nay, chưa bao giờ có hai vụ luận tội (impeachment) được tiến hành đối với một tổng thống, điều xảy ra hiện tại với cựu Tổng thống Donald Trump. Mặc dù, khả năng ông bị Thượng viện kết án về chung cuộc là khá mong manh, nhưng Đảng Dân chủ cho rằng điều đó vẫn có ý nghĩa.

Cựu tổng thống Donald Trump lần thứ hai phải đối mặt với thủ tục “đàn hạch” - Ảnh: Pete Marovich

Cựu tổng thống Donald Trump lần thứ hai phải đối mặt với thủ tục “đàn hạch” - Ảnh: Pete Marovich

Chúng tôi tin rằng mọi người Mỹ nên nhận thức được những gì đã xảy ra. Họ cần biết rằng sở dĩ chúng tôi khởi động cuộc luận tội và sở dĩ Trump nên bị buộc tội và cấm nắm giữ những cương vị thuộc chính quyền liên bang trong tương lai, là để nền dân chủ và hiến pháp của chúng ta không bao giờ có thể bị tấn công nữa (như trong trường hợp Điện Capitol hôm 6-1)”.

Phát biểu nói trên là của Jamie Raskin, một nghị sĩ Đảng Dân chủ, người dẫn đầu cuộc “đàn hạch” thứ hai chống lại Donald Trump. Các phiên điều trần sẽ bắt đầu vào ngày 9-2 và nếu kế hoạch của Đảng Dân chủ thành công, một thủ tục luận tội tương tự như phiên xử trên tòa sẽ diễn ra trong một, hoặc tối đa là hai tuần.

Tuy nhiên, sự lạc quan của Jamie Raskin về kết quả chung cuộc có vẻ khá vô căn cứ vì chỉ một số it thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng hòa ủng hộ việc buộc tội vị cựu tổng thống, người đã miễn nhiệm từ ngày 20-1. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều vô nghĩa, thậm chí theo giới chính khách Dân chủ, sự “đàn hạch” có thể còn có những ích lợi khác.

Video thay nhân chứng

Đầu tiên, Thượng viện sẽ bỏ phiếu vào thứ Ba về chương trình luận tội, khi đó sẽ xác quyết thủ tục “đàn hạch” kéo dài bao lâu.

Theo tin báo chí, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều muốn tiến hành sự luận tội càng nhanh càng tốt: phía Cộng hòa chủ yếu muốn “cho xong chuyện” để mọi thứ khỏi là chủ đề “đàm tiếu” của công luận, còn phía Dân chủ thì muốn “qua nhanh” để còn bỏ phiếu thông qua các thành viên nội các Joe Biden, giúp chính quyền mới có thể bắt đầu công việc một cách thực sự.

Các chính khách Dân chủ do Jamie Raskin lãnh đạo sẽ cố gắng chứng tỏ với Thượng viện rằng chiến dịch kéo dài trong nhiều tháng của Donald Trump đã khiến những “tín đồ” của ông tấn công Điện Capitol vào ngày 6-1 nhằm ngăn việc chuẩn thuận kết quả bầu cử tổng thống.
 
Đã có thể chia tay vĩnh viễn vị cựu tổng thống? - Ảnh: David Dee Delgado
Đã có thể chia tay vĩnh viễn vị cựu tổng thống? - Ảnh: David Dee Delgado

Mặc dù cựu tổng thống đã có một bài phát biểu kích động chỉ 1-2h trước cuộc “đột kích”, phe Dân chủ nói rằng những tiền đề có thể khởi nguồn từ hè năm 2020. Bằng chứng về điều này cũng sẽ được trình bày, nhưng có lẽ sẽ không có sự điều trần của các nhân chứng vì điều này chỉ làm chậm quá trình tố tụng.

Khác với lần luận tội diễn ra 1 năm trước, các đảng viên Dân chủ lần này không tiết lộ nhiều về chiến lược của họ. Tuy nhiên, tờ “Thời báo New York” (The New York Times) đưa tin rằng các chính khách đóng vai trò công tố viên sẽ sử dụng công cụ đa phương tiện để trình bày về cách mà Donald Trump đã khiến các “fan” của ông “phát cuồng”.

Trong hồ sơ đó, có các bài đăng trên mạng Twitter và các phát biểu của cựu tổng thống, nhưng khả năng là các phiên tòa thực sự đang diễn ra đồng thời với thủ tục luận tội cũng sẽ đóng vai trò. Liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol, vài chục người hâm mộ Donald Trump đã bị truy tố trong vài tuần gần đây, nhiều người trong số họ biện minh cho hành động của mình với lý do vị cựu tổng thống đã kêu gọi họ tới đó.

Luật sư bào chữa cho Jacob Chansley - người được biết đến với “hỗn danhPháp sư Qanon và sự “quậy phá” hôm 6-1 trong tòa nhà lập hiến - cho biết thân chủ của ông, giống như những kẻ khác, đã lý giải các phát biểu và bài đăng trên mạng xã hội của Donald Trump theo hướng tổng thống kêu gọi ông ta “xung trận” theo đúng nghĩa đen.

Theo vị luật sư, đây là lời giải thích cho một thực tế là cựu tổng thống đã sử dụng thông tin sai lệch và bằng cách đó, ông có thể thuyết phục những tín đồ - về căn bản là tuân thủ luật pháp và có suy nghĩ - nhằm tấn công Điện Capitol. “Họ nghĩ rằng họ sẽ giúp tổng thống cứu vãn đất nước”.

Theo tường thuật của tờ “Bưu điện Hoa Thịnh Đốn” (Washington Post), Christopher Ray Grider, một nhà sản xuất rượu ở Texas, nói với một kênh truyền hình địa phương rằng ông đến Washington DC vì “tổng thống yêu cầu mọi người đến đó và ủng hộ ông ấy”. Luật sư của Grider nói rằng điều kỳ lạ là trong khi thân chủ của mình bị bắt, Donald Trump đang chơi gôn ở Florida.

Tự do ngôn luận hay kích động?

Mặc dù thủ tục luận tội đã cho Donald Trump cơ hội để làm chứng, nhưng cựu tổng thống không muốn tận dụng khả năng này. Thay vào đó, các luật sư của ông sẽ cho biết lý do tại sao họ không thấy quá trình “đàn hạch”này là có ý nghĩa. Một lý do sẽ được đề cập đến mang tính kỹ thuật: nhóm luật sư lập luận rằng Thượng viện không có quyền phán xét một tổng thống không còn tại vị vì Hiến pháp không cho phép.

Vào cuối tháng 1-2021, 45 TNS Đảng Cộng hòa cho rằng bản luận tội không hợp lệ vì những lập luận nói trên. Dầu vậy, họ vẫn thuộc nhóm thiểu số trong Thượng viện, do đó các thành viên Đảng Cộng hòa không thể tránh khỏi việc phải đưa ra lập trường thẳng thắn trong câu hỏi, Donald Trump có thực sự kích động các “cổ động viên” của ông hay không.
 
“Pháp sư Qanon” tấn công Điện Capitol theo lời kêu gọi của Donald Trump? - Ảnh: dailymail.co.uk
“Pháp sư Qanon” tấn công Điện Capitol theo lời kêu gọi của Donald Trump? - Ảnh: dailymail.co.uk

Quan điểm của nhóm luật sư thật ra không sai, tuy nhiên cần thấy rằng Hiến pháp Mỹ cũng không cấm việc luận tội một cựu tổng thống. Ngoài ra, Hạ viện đã bỏ phiếu để khởi động thủ tục “đàn hạch” ngay trong lúc Donald Trump vẫn còn tại vị và việc ông mãn nhiệm về sau đó không khiến ông có thể thoát khỏi bổn phận phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trong nhiệm kỳ tổng thống, theo lập luận của phe Dân chủ.

Ngoài sự phản đối về mặt kỹ thuật, các luật sư Bruce L. Castor Jr. và David Schoen sẽ cố gắng để các TNS đóng vai trò bồi thẩm đoàn đứng về phía cựu tổng thống bằng lý luận rằng Donald Trump tin rằng ông đã chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống, vì vậy ông có quyền “đánh động” sự chú ý cho các trường hợp nghi ngờ gian lận. Do đó, theo các luật sư, không có sự xúi giục mà Donald Trump chỉ đơn thuần thực hiện quyền tự do ngôn luận của ông.

Đảng Cộng hòa do dự

Thượng viện Mỹ hiện có sự hiện diện của 50 TNS Dân chủ và 50 TNS Cộng hòa, và cần 67 phiếu để kết tội Donald Trump. Mới chỉ có 5 TNS Đảng Cộng hòa nói rằng theo họ có thể truy tố một cựu tổng thống, khó có thêm ít nhất 12 TNS Cộng hòa thay đổi ý định và lên án Donald Trump trong tuần tới. (Tất cả các TNS Dân chủ đều ủng hộ việc luận tội.)

Nếu điều đó vẫn xảy ra, Donald Trump không chỉ có thể bị tước cơ hội tái tranh cử tổng thống, mà còn có khả năng mất mọi đặc quyền vốn dĩ dành cho các cựu tổng thống, ví dụ lương hưu.

Quan điểm của các TNS Cộng hòa cho tới giờ cũng khá khó hiểu. Trong thủ tục luận tội đầu tiên, họ ủng hộ Donald Trump mạnh mẽ, nhưng sau cuộc tấn công Điện Capitol, cựu lãnh đạo Thượng viện thuộc Đảng Cộng hòa Mitch McConnell, thủ lĩnh đầy quyền lực của đảng, đã chỉ trích mạnh mẽ Donald Trump khi phát biểu: “Đám đông đã bị đánh lừa bởi những dối trá. Họ đã bị kích động bởi tổng thống và những nhân vật có ảnh hưởng khác”.

Dầu vậy, trong cuộc bỏ phiếu tranh luận về tính hợp hiến của thủ tục “đàn hạch” với Donald Trump mới đây, McConnell vẫn bỏ phiếu chống. Thái độ và lá phiếu của Mitch McConnell - vị chính khách thượng đỉnh của Đảng Cộng hòa - tại “vòng hai” của thủ tục luận tội sắp tới, như vậy, vẫn là điều bí ẩn.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Donald Trump
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn