CÀNH ĐÀO HÀ NỘI

Thứ tư - 14/02/2007 11:02

(VNKATONÁK) Như tất cả những ai đã từng sống trên đất Bắc, hễ Tết về nhìn thấy hoa đào là tôi lại nhớ về đất Bắc, nhớ Hà Nội.

Sinh ra trên đất Bắc và lớn lên ở Hà Nội, thuở học cấp 3, tôi đã từng nhiều lần đi chợ hoa Hà Nội. Nhưng chỉ để ngắm thôi. Sau khi dạo mỏi cẳng thì mua vài bông huệ để cúng và mấy nhánh hoa lay ơn cắm lọ. Thuở đó chưa khi nào tôi có đủ tiền mua một cành đào chứ nói gì đến hẳn một cây. Vả lại nếu có tiền chắc cũng không mua vì nhà cửa tập thể chật chội lấy đâu ra chỗ để trưng hoa. Vì vậy tôi yêu hoa đào Hà Hội, nhưng với tôi hình như hoa đào có chút gì hơi cao siêu.

Ấy vậy mà Tết năm 1983, giữa những năm tháng cơ cực nhất của Sài Gòn, tôi lại có hẳn một cành đào Nhật Tân “đại tướng” làm lác mắt xóm giềng.

Chẳng là gần Tết, ông chồng bà chị họ đi công tác ngoài Hà Nội gặp vợ chồng đứa bạn hồi phổ thông của tôi. Biết ông anh làm ở sân bay Tân Sơn Nhất lại sắp đi bằng máy bay quân sự trở về Sài Gòn, họ liền năn nỉ:

- Cái Mận mới về nước, đang rên rỉ buồn, anh cố mang giùm cành đào vào cho nó đỡ nhớ Hà Nội.

Cực chẳng đã, ông anh rể cố tha một cành đào tổ bố về cho cô em vợ. Đưa đến tận nhà vào đúng chiều 29 Tết, nhưng cũng phải cố ca thán vài câu:

- Lần sau bảo mấy đứa bạn em có gởi gì thì gởi chứ đừng có mà gởi đào, tha cồng kềnh, vướng bỏ mẹ đi. Ôm từ sân bay về không dám đặt xuống vì sợ rụng nụ, mỏi gãy bố nó tay rồi đây!

Thuở đó Sài Gòn gần như không thấy hoa đào. Hoa đào Hà Nội gặp cái nóng hừng hực của Sài Gòn bừng nở rộ. Dạo ấy nhà tôi ở trong một con hẻm, tôi liền chưng cành đào cạnh cửa sổ nhìn ra đường có ý khoe. Ai đi qua cũng trầm trồ:

- Cô Hai sang quá, dám mua đào Hà Nội ăn tết nghen.

Sáng mùng Một, tôi vác cành đào ra chúc tết ông nội.

Nội tôi khi đó đã già lắm. Bán thân bất toại gần 2 năm rồi. Suốt ngày ngồi tít trên lầu, cần gì thì rung chuông gọi con cháu như ông bán cà rem (hồi ấy Sài Gòn cúp điện liên tục, lấy đâu ra chuyện bấm chuông điện). Hai mắt ông đã lòa chỉ còn thấy lờ mờ. Vậy mà khi nhìn thấy cành đào thì hai mắt như sáng ra, ông tôi mừng lắm nói:

- Ôi con kiếm đâu ra cành đào đẹp vậy. Nhìn thấy đào làm ông nhớ Hà Nội quá.

Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì nội tôi là người Nam Bộ chính gốc, suốt đời sống trong Nam, làm sao lại nhớ Hà Nội. Hóa ra lúc trẻ, ông học Cao đẳng Sư phạm 4 năm ở Hà Nội!

Nội tôi còn quay sang trêu mẹ tôi:

- Con gái Hà Nội đẹp như đào Nhật Tân. Ba tiếc thuở đi học ngoài Bắc đã có vợ con rồi chứ không thì nhất định sẽ cưới một cô người Hà Nội. Thằng Hai nhà này (ông già tôi) dại, ra Bắc từ thuở còn trai trẻ mà vẫn lấy vợ người Nam.

Ông tôi là thày giáo, Tết nhiều học trò cũ tặng hoa nhưng đa số là cặp dưa hấu và một chậu cúc hay chậu mai chứ không ai biếu đào mà lại là đào Hà Nội, vì vậy cành đào của tôi được cưng lắm và đặt ngay trong phòng ông.

Mùng 3 Tết năm đó, ông nội tôi ra đi thanh thản sau một cơn nhồi máu cơ tim nhẹ. Cành đào vẫn được ba tôi để bên cạnh. Đào Hà Nội không chịu nổi cái nóng khủng khiếp của Sài Gòn, chỉ 3-4 ngày là rụng trụi. Mẹ có đưa tôi mấy chục đồng đi mua đào khác. Sau khi lang thang mấy chợ hoa Sài Gòn sau Tết, có nhìn thấy vài cành đào nhưng hình như là duyên số của tôi với đào, tôi lại vẫn không đủ tiền mua cành đào khác vừa ý.

Trong đám tang, nhiều người thắc mắc về cành đào không có hoa. Sau khi nghe rõ chuyện, ông Tư Chì (chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM), bạn học ông tôi có nói nhỏ gì đó với ông Oánh (chồng của nữ nghệ sĩ TTH) là học trò cũ và sau này là đồng sự của ông. Chiều hôm đó vợ chồng ông Oánh bê một chậu đào vĩ đại tới viếng thày.

Dân tình nhiều người thắc mắc nói với nhau:

- Chắc nhà ông Oánh làm chính trị. Viếng thày là người Sài Gòn cũ bằng chậu đào Hà Nội.

Nào ai có hiểu. Dù là người ở đâu, làm gì, khi đã một lần ăn tết Hà Nội, mà lại không yêu đào Hà Nội.

*

Sắp Tết rồi, mẹ con tôi bên này đã cắt (trộm) một cành đào, đốt đít, hãm nước. 30 Tết nhất định là hoa nở… tóe loe. Chắc chắn là không đẹp như đào Nhật Tân, nhưng cảm thấy Hà Nội gần lại hơn một chút.

Mận Xanh - Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn