BIỂU TÌNH YÊU NƯỚC 7-8 VÀ NỖ LỰC ÐỔI MỚI TƯ PHÁP TẠI VIỆT NAM

Chủ nhật - 07/08/2011 15:44

(NCTG) Cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa lần thứ 9 trong vòng 2 tháng nay - diễn ra định kỳ vào ngày Chủ nhật hàng tuần - đã thu hút sự tham gia của đông đảo các giai tầng xã hội vào sáng 7-8-2011 tại Hà Nội và để lại dư âm tốt đẹp.


Hình ảnh động lòng của tinh thần yêu nước

Theo các nguồn tin từ Việt Nam, vào lúc cao điểm, đã có tới 5-700 người tham dự biểu tình, đoàn tuần hành kéo dài hàng trăm mét trên đường phố thủ đô Hà Nội. Xuất phát từ tượng đài Lý Công Uẩn vào hồi 8 giờ 20 phút sáng, đoàn người tuần hành xung quanh Hồ Gươm - trái tim của cả nước - và giữa chừng, được sự nhập cuộc của rất nhiều người đi đường.

Bên cạnh những biểu ngữ ghi khẩu hiệu biểu lộ tình yêu đất nước, chống chính sách bành trướng ngang ngược của chính quyền Trung Quốc trên Biển Ðông, đáng chú ý là nhiều người đã cho in tuyên bố của Trung tướng Nguyễn Ðức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội, theo đó, công an thành phố và cấp trên không ai có chủ trương đàn áp, trấn áp và bắt giữ người trong các cuộc biểu tình yêu nước.

Nhiều nguồn tin phản ảnh: rất nhiều sinh viên, học sinh, những gương mặt mới của giới trẻ đã nhiệt tình tham gia biểu tình trong trật tự. Cũng không ít phụ huynh đã đưa con cái đi cùng để dạy cho con những bài học đầu đời về tinh thần yêu nước trong sáng. Những khẩu hiệu yêu nước và bài ca “Dậy mà đi” đã vang lên, đoàn đã sử dụng 2 chiếc loa cầm tay khiến những thông điệp ái quốc được lan truyền hơn, ấn tượng hơn.

Có mặt trong đoàn tuần hành, một CTV của NCTG cho hay: những người tham gia biểu tình đều thể hiện cách ứng xử có học thức, có ý thức trách nhiệm và luôn quan tâm, nhắc nhở lẫn nhau để giữ gìn trật tự và trị an công cộng. Ðặc biệt, ở nhiều nơi, đoàn biểu tình đã chinh phục được thiện cảm của người dân, họ được chăm sóc, phát nước, phát bánh, phát kem và phát cờ...

Ðáng ghi nhận là trái với những đợt biểu tình trước, lần này, lực lượng an ninh đã tỏ ra chừng mực và làm đúng chức năng của mình là giữ trật tự và lưu thông xe cộ. Không thấy CSCÐ, chỉ có CSGT, dân phòng và công an phường đi “hộ tống” đoàn tuần hành. Cũng không thấy bóng những chiếc xe buýt bị “trưng dụng” như trong các dịp trước, để “hốt” người biểu tình lên, mang ra ngoại ô thành phố rồi thả tại đó cho tự đi về...

Cuộc biểu tình tự chấm dứt vào hồi 10 giờ 40 phút sáng, sau khi đã tập trung trước tượng đài Cảm Tử và hát vang “Tiến quân ca”. Giới “dân báo” (blogger) ghi nhận sự hiện diện của nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ quen biết như TS. Nguyễn Quang A, GS. Ngô Ðức Thọ, GS TSKH Nguyễn Đông Yên, TS. Nguyễn Ðức Mậu, TS. Nguyễn Văn Khải, TS. Nguyễn Xuân Diện, nhà văn Thùy Linh, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến, nhà văn Nguyễn Hoàng Ðức...

Nhiều gương mặt trẻ, xuất hiện trong phong trào dân sự tại Việt Nam những tuần vừa qua, cũng hội tụ đông đủ trong sáng Chủ nhật, như anh Nguyễn Chí Ðức (được biết đến với tấm ảnh bị 4 nhân viên an ninh “khênh” lên xe buýt và đại úy Phạm Hải Minh thì từ trên xe “giơ chân bước xuống” để “đỡ lên”, theo lời người sĩ quan này), chị Trịnh Kim Tiến (con gái ông Trịnh Xuân Tùng, được “cư dân mạng” trao tặng danh hiệu Hoa hậu biểu tình), v.v...

*

Cuộc biểu tình thứ 9 lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi về đổi mới tư pháp nhằm thiết lập một xã hội dân chủ thực sự, nơi mỗi công dân đều có thể hành xử những quyền dân sự và chính trị của họ theo đúng những gì Hiến pháp và pháp luật đảm bảo, mà không sợ bị bạo hành hay đàn áp.

Ðặc biệt, ngay trong buổi thảo luận tại Quốc hội, một số ÐBQH đã đề nghị bổ sung thêm Luật Biểu tình vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Ứng với những cuộc biểu tình yêu nước diễn ra trong thời gian qua, có đại biểu đã thẳng thắn đặt vấn đề, Quốc hội cần xem xét hành động thế nào, làm gì để người dân thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn theo đúng tâm nguyện của họ.

Một trong số hai ÐBQH đưa ra đề xuất trên, nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu Đồng Nai) nhắc lại một bài học lịch sử: “Hội họp, biểu tình là quyền dân chủ phổ quát, nằm trong 8 điều yêu sách của dân ta mà Hồ Chí Minh nêu ra cách đây gần 100 năm. Những quyền ấy cũng được ghi nhận từ Hiến pháp 1946 đến nay nhưng lại chưa được luật hóa. Quốc hội phàn nàn nhiều về tình trạng luật treo. Xem ra Hiến pháp cũng bị treo...”.

Ông cũng nhận xét thêm: “Cách mạng tháng Tám thành công, hiến pháp chưa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh về Biểu tình, nhờ đó huy động lực lượng quần chúng rất lớn, làm chỗ dựa cho Chính phủ cả đối nội, đối ngoại…Không có luật biểu tình chính là tự tước đi sức mạnh ấy. Các cơ quan quản lý cũng lúng túng, dẫn tới những va chạm không đáng có, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh công quyền”.

Ý kiến của ÐBQH Dương Trung Quốc càng đúng với những cuộc xuống đường của người dân Việt Nam trong 2 tháng qua. Điều 69, chương V của Hiến pháp CHXHCN Việt Nam (1992) ghi nhận và quy định quyền biểu tình của công dân: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, trong thực tế, Việt Nam cho tới nay vẫn chưa có Luật Biểu tình!

Có thể thấy rằng, một phần do chưa được “luật hóa” một cách rõ ràng nên không chỉ trong dư luận xã hội, mà ngay truyền thông Việt Nam cũng rất lúng túng khi phải đề cập tới sự kiện này. Nhiều người còn nhớ, bên cạnh việc phủ nhận biểu tình, bản tin của TTXVN phải dùng những cụm từ khá gượng ép - “một số ít người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua...” - khi nhắc đến cuộc “biểu dương lực lượng” đầu tiên của giới trí thức Hà Nội vào ngày 5-6-2011.

Ðến nỗi, trong phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tuấn Tuân (Khánh Hòa) phải lên tiếng khẳng định “tuần hành cũng là một hành động để thể hiện lòng yêu nước của người dân với chủ quyền biển đảo của chúng ta” và bày tỏ rằng ông rất buồn trước những thông tin sai trái về những cuộc tuần hành hòa bình của người dân để phản đối tình trạng xâm phạm chủ quyền, mổ xẻ đó là hành động tự phát hay tự giác.

Phải chờ đến khi người đứng đầu cơ quan Công an Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - trong cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội hôm 2-8 - nhận định những sự kiện diễn ra trong 8 tuần qua là các cuộc biểu tình mang tính chất yêu nước, phản đối chính sách xâm lấn Biển Ðông của chính quyền Trung Quốc, thì dường như sự việc mới được gọi đúng tên và đúng tính chất của nó.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có một nhận định xác đáng khi ông cho rằng “biểu tình không chỉ là quyền của dân mà còn là lợi khí của Nhà nước”. Trong những cuộc xuống đường vừa qua, người dân không những có dịp bày tỏ tâm tư tình cảm yêu nước chính đáng và trong sáng của mình, mà với tinh thần trách nhiệm công dân họ còn hỗ trợ, giúp ích rất nhiều cho khối đại đoàn kết dân tộc, cho những quyết sách quốc phòng và ngoại giao của Nhà nước trong nỗ lực bảo vệ cương vực tổ quốc.

Có lẽ cũng ý thức được tính chính đáng của mình nên trong thông báo ký tên “Những người yêu nước Việt Nam” đăng trên trang blog của TS. Nguyễn Xuân Diện, những người biểu tình đã “trân trọng đề nghị các lực lượng an ninh bố trí lực lượng giúp phân luồng giao thông và bảo vệ an ninh cho đoàn biểu tình yêu nước”, cũng như, đã “đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông trong nước và quốc tế đưa phóng viên tới để ghi nhận và phản ánh đầy đủ và chân thực cuộc biểu tình yêu nước của nhân dân Việt Nam”.

Cuộc tuần hành sáng 7-8 vừa qua đã diễn ra một cách ôn hòa và tốt đẹp, phần vì những người biểu tình đã hết sức chú ý từng đường đi, nước bước của mình, phần vì lực lượng an ninh ít nhiều đã thực hiện đúng bổn phận của họ: tránh mọi đụng độ, xô xát không cần thiết làm hỏng hình ảnh lực lượng an ninh, giám sát và bảo vệ hoạt động biểu tình theo đúng pháp luật, đảm bảo an ninh công cộng và an toàn cho chính những người tham gia biểu tình.

Nếu điều đó được duy trì, đây có thể là một bước tiến, một cột mốc trong nỗ lực xây dựng một nhà nước, một xã hội pháp quyền vững mạnh tại Việt Nam...

Chùm ảnh của Huy Minh (CTV NCTG tại Hà Nội) về cuộc biểu tình 7-8-2011:








































































































Bài: Trần Lê - Ảnh: Huy Minh (từ Hà Nội)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn