Văn hào Kertész Imre: "CẦN TỪ BỎ MẶC CẢM NHƯỢC TIỂU!"

Thứ sáu - 28/05/2004 17:37

(NCTG) "Cần kiên trì, ý tứ và nghị lực để có thể thành công sau khi Hungary gia nhập Liên hiệp châu Âu. Cần từ bỏ sự thương thân tiếc phận và mặc cảm nhược tiểu" - văn hào Kertész Imre, giải Nobel Văn chương 2002, đã phát biểu trong dịp tham gia Liên hoan sách Quốc tế Budapest 2004, một tuần trước khi Hungary trở thành thành viên chính thức của Liên hiệp châu Âu. Bài phỏng vấn do ký giả Varsányi Gyula của nhật báo "Tự do Nhân dân" - Népszabadság - thực hiện.

Văn hào Kertész Imre, Nobel Văn chương 2002
 

* Varsányi Gyula (V.S.):Năm ngoái, trả lời phỏng vấn báo chúng tôi, ông nói ông bận nên không đến được Liên hoan sách này. May mà ông đã "thay đổi quan điểm".

Kertész Imre (K.I.): Vâng, vì tôi đã nhận ra rằng quan trọng là tôi phải có mặt ở đây, công chúng được thấy tôi và có lẽ tôi có thể nói được điều gì có ý nghĩa. Bởi lẽ, chúng ta chuẩn bị vào Liên hiệp châu Âu và Günter Grass cũng qua Hung. Anh biết đấy, tôi sinh ra đã là một thường dân, như cách nói của Goethe. Phải rất khó khăn, tôi mới nhận ra rằng tôi cũng phải có những "vai diễn" mang tính đại diện cho một cái gì đó.

* V.S.:Cho dù từ ngày được nhận giải Nobel, hẳn cuộc sống của ông đã thay đổi?

K.I.: Tôi có đọc bài phỏng vấn Grass (1) trong tờ "Tự do Nhân dân", ông ấy có nhắc đến việc nói lời từ chối mới khó khăn và bạc bẽo đến mức nào. Đáng tiếc, không thể làm khác được, bằng không chúng ta không còn thời gian để làm việc.

* V.S.:Trước đây, không mấy khi ông được nhận lời...

K.I.: Vâng, vì không mấy khi tôi phải xuất hiện trước công chúng; cùng lắm là tôi chỉ đọc sách tại Nhà hát Kamra, ở đó tôi luôn có những cuộc gặp gỡ đẹp đẽ với độc giả. Giờ đây, độc giả của tôi rộng rãi hơn và tôi có lắm bổn phận hơn nhiều. Tôi phải "ra mắt" thường xuyên hơn. Chẳng hạn, nếu một cuốn sách của tôi được ấn hành bằng tiếng Catalan và nhà xuất bản mời tôi, thì tôi phải đi. Ngẫu nhiên mà chúng tôi có mặt ở Barcelona đúng vào lúc vụ khủng bố ở Madrid diễn ra...

* V.S.:Bầu không khí ở đó thế nào?

K.I.: Ngày hôm sau, chúng tôi hòa mình vào đoàn người, một triệu hai trăm ngàn người đã xuống đường, quả là một ấn tượng kinh khủng! Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy cách giải thích vụ khủng bố mới thực sự là khủng khiếp. Chúng tôi chứng kiến những hình ảnh kinh hoàng trên vô tuyến và rõ ràng là tổ chức ETA không làm những trò đó, nhất là một ngày trước kỳ bầu cử. Vậy mà, ròng rã trong 2 ngày liền, một số chính khách cứ nhai đi nhai lại mãi điều này. Thủ đoạn giả tạo này thật tệ hại vì nó làm hỏng những cảm giác đích thực của con người. Rồi chính phủ cũng sụp đổ.

* V.S.:Trong dịp ra mắt tác phẩm mới nhất của ông - "Thanh toán" (Felszámolás) (2) - ông đã có dịp tới nhiều thành phố lớn của châu Âu. Tuy nhiên, ở Hung, ông lại không có mặt trong lễ tưởng niệm 60 năm các nạn nhân holocaust của Hung (3). Ông không được mời?

K.I.: Có, họ có mời, nhưng tôi đáp là tôi không đến được. Anh cũng thấy đấy, trong các tác phẩm của tôi có nhiều hơn gấp bội những cái tôi có thể đọc trong lễ khai trương một bảo tàng holocaust. Và có những việc mà tôi không đồng tình: trước hết, tôi thấy thiếu vắng những cuộc tranh luận toàn xã hội. Như ở Berlin chẳng hạn, tại đó, người ta thành lập một đài tưởng niệm các nạn nhân holocaust rất lớn ngay ở khoảng đất cạnh tòa nhà Quốc hội và, trong vòng ba, bốn năm liền, việc này đã được đưa ra làm đề tài tranh luận. Nó trở thành một vấn đề xã hội. Ở Hung, có thể nói rằng các vị "có chức năng" đã tự giải quyết trong nội bộ vấn đề này. Đó là điều tôi không ưng. Đấy là chưa nói đến việc phố Páva (4) không phải là một địa điểm "đẹp" ở Budapest, và nhà thờ Do Thái cũng không phù hợp với vai trò một đài tưởng niệm các nạn nhân holocaust. Bởi lẽ, nếu thế thì vấn đề này sẽ chỉ liên quan đến sắc dân Do Thái, mặc dù những điều luật Nürnberg nhằm vào các chủng tộc, nó khiến nhiều người không hề nghĩ mình là Do Thái (ví dụ: ai đó chỉ có một người ông là gốc Do Thái) cũng trở thành nạn nhân. Đây là điều không thể gắn liền với tôn giáo. Tôi không muốn quá nhấn mạnh tất cả những điều này, ngoài ra, tôi cũng không thấy việc tôi, người mà cả cuộc đời đã gắn liền với trại tập trung Auschwitz, lại phải có mặt tại một lễ kỷ niệm như thế. Tôi đã viết quá đủ về đề tài này.

Trẻ em ở trại tập trung Auschwitz-Birkenau năm 1945, sau khi trại được giải phóng (Văn hào Kertész Imre cũng từng là tù nhân ở trại này)

* V.S.:Trong bài trả lời phỏng vấn đã nhắc đến ở trên, Günter Grass có nhắc đến ông - dù không nêu danh -, như một nhà văn Hung gốc Do Thái, hiện sống ở Berlin, một người không cảm thấy thoải mái ở quê hương mình. Có đúng không?

K.I.: Nếu quả thực Grass định nhắc đến tôi thì cần nói rằng không phải tôi sống ở Berlin vì tôi không cảm thấy thoải mái tại quê hương. Có điều, trong vòng 40 năm, tôi như bị cầm tù tại đây, không ai hỏi tôi muốn sống ở đâu. Mặc dù tôi từng muốn được đi đây đi đó, nhưng đã quá ngưỡng thất thập, tôi không thể làm được điều này, chứ nếu có thể thì tôi đã chọn cuộc đời nay đây mai đó. Mà từ thời Trung đại, Hung cũng đã có một truyền thống cổ là con người ta sống một thời gian trong một nền văn hóa khác, như Ady hay Márai (5) chẳng hạn. Đối với tôi, việc sống xa quê hương không phải là một hình thức phản kháng gì cả, mà chỉ có nghĩa là hiện tại, tôi bù lại những gì trước kia tôi không thể. Berlin là nơi có thể cảm nhận được sự vận hành của lịch sử châu Âu. Không liên quan gì đến điều này, đối với một nhà văn Hung thì Berlin còn là một địa điểm rất quan trọng, vì con đường tự nhiên của văn học Hung sẽ đi qua nền văn hóa Đức. Văn hóa Pháp và Anh có chiều hướng hướng nội, không mang tính khám phá và tiếp nhận lắm. Các nhà văn Hung, cũng như Bắc Âu và Nga, điều được người Đức "phát hiện" đầu tiên và bước tiếp thông qua những bản dịch Đức ngữ. Tuy vậy, tôi vẫn còn căn hộ ở Budapest và vẫn hay về nhà. Nhưng bây giờ, chúng ta cần phải làm quen với việc chúng ta đang sống ở Châu Âu và, ơn trời, chúng ta có thể đi đến bất cứ nơi nào chúng ta muốn. Vì chuyện ấy, chúng ta không trở thành người vô tổ quốc, hoặc "phản quốc" hay "di tản".

* V.S.:Ông không nghĩ rằng Budapest, nhất là sau khi Hung gia nhập EU, ngày càng trở thành một thành phố lớn của châu Âu?

K.I.: Hiện tại, Budapest cũng đã là một thành phố lớn của châu Âu, nhưng các vấn đề lớn của chính trị và văn hóa tôi vẫn tìm thấy ở Berlin hơn. Sống ở Hung, chúng ta có thể thấy được những vấn đề của Hung trong sự hội nhập với châu Âu, nhưng ở Berlin, có thể nhận biết được cùng một lúc những mối quan hệ Đông - Tây. Không phải lúc nào điều này cũng mang lại ấn tượng dễ chịu, nhưng nó rất lôi cuốn.

* V.S.:Ông nghĩ gì về những triển vọng của Hung sau khi gia nhập EU?

K.I.: Khả năng là sự cân bằng của cả khối phía Đông sẽ diễn ra nhanh chóng, trên bề nổi. Tuy nhiên, ở bề chìm, vẫn còn những vấn đề khó giải quyết. Cần kiên trì và ý tứ, nhiều hơn nhiều so với những gì chúng ta đã làm từ trước đến nay. Và nghị lực nữa. Chẳng hạn, cần phải từ bỏ sự thương thân tiếc phận hay mặc cảm nhược tiểu. Hungary sẽ thức tỉnh về những giá trị của nó!

* V.S.:Ông hẳn cũng cảm thấy khó xử vì bộ phim "Không số phận" có một số phận rủi ro? (6)

K.I.: Tôi chỉ có liên quan đến bộ phim này ở chỗ tôi rất quý ông bạn Koltai, người từ nhiều năm nay đã đấu tranh để làm được một bộ phim từ cuốn tiểu thuyết và từ kịch bản phim do tôi viết. Nhưng tôi đau lòng khi thấy những khó khăn về tài chính đã làm hỏng tất cả. Cũng bởi lẽ, vì tôi được thấy những thước phim đầu tiên, đã khiến tôi tin rằng đây sẽ là một bộ phim đẹp, sau nhiều phim kinh hoàng như bộ phim về Chúa Jesus hay "Người chơi dương cầm". Nó sẽ cao cả, chứ không thấp kém. May là, như tôi được biết, bộ phim vẫn có thể được tiếp tục quay.

* V.S.:Ông đang sáng tác một tác phẩm mới?

K.I.: Vâng, nhưng tôi chưa thể nói được gì nhiều hơn.

* V.S.:Tiểu thuyết?

K.I.: Tiểu thuyết chủ quan. Đây là một phong cách mới. Gần đây, tôi qua London và tại Tate Gallery, tôi có dịp tìm hiểu những họa phẩm mà Turner vẽ khi đã đứng tuổi. Nhà danh họa sống lâu ấy, khi còn trẻ thì vẽ những đường nét rất sáng sủa, trong tranh của ông mọi vật đều rõ ràng và tách rời nhau; tuy nhiên, về già, ông chuyển sang một phong cách mới và tranh của ông, thực ra, chỉ còn là những vệt màu. Những bức tranh ấy thật tuyệt diệu và chúng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, khiến tôi muốn tìm cho mình một phong cách "khi đã về già"...

Ghi chú:

(1) "Rút ra bài học hữu ích từ thất bại" (Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hung, e-Văn ngày 13-5-2004 và NCTG số 18, ngày 14-5-2004)

(2) Sách đã được Nhà xuất bản Magvető (Người gieo hạt, Hungary) ấn hành tháng 9-2003.

(3) Trung tuần tháng 4-2004, nhân chuyến viếng thăm Hungary của tổng thống Israel Móse Kacav, Hungary đã khai trương một bảo tàng holocaust, và tổ chức lễ tưởng niệm 60 năm các nạn nhân của tệ holocaust ở nước này.

(4) Nơi Bảo tàng holocaust được xây dựng.

(5) Ady Endre (1877-1919) và Márai Sándor (1900-1989), hai văn hào Hung từng có thời gian dài sống xa tổ quốc.

(6) Bộ phim "Không số phận" được khởi quay vào trung tuần tháng Chạp 2003 bởi đạo diễn, nhà quay phim nổi tiếng người Hung, ông Koltai Lajos. Tuy nhiên, vì lý do kinh phí thiếu, quá trình làm phim đã bị gián đoạn trong vòng gần 3 tháng. Ngày 10-5 vừa qua, phim đã tiếp tục được quay.

Xin xem thêm bài phỏng vấn nhà văn Kertész Imre và đạo diễn Koltai Lajos về việc chuyển thể và dựng thành phim tác phẩm "Không số phận" (Nguyễn Hồng Nhung chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Hung, đăng trên tờ báo điện tử talawas số ra ngày 1-9-2003).

H.Linh chú giải và dịch theo nguyên bản tiếng Hung - "Tự do Nhân dân" ngày 24-4-2004


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn