THỤY ĐIỂN CHÍNH THỨC GIA NHẬP NATO, THỦ TƯỚNG HUNG BỊ QUÁT TẠI THƯỢNG ĐỈNH V4 VÌ LẬP TRƯỜNG THÂN NGA

Thứ năm - 07/03/2024 15:34

(NCTG) Thụy Điển chính thức trở thành thành viên NATO vào thứ Năm 7/3/2024 sau khi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nộp hồ sơ phê chuẩn sự gia nhập của nước này tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước sự chứng kiến ​​của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc - Đại Tây Dương, rời bỏ chính sách trung lập kể từ Thế chiến thứ Hai.

Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO - Ảnh minh họa: Internet

Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO - Ảnh minh họa: Internet

"Những điều tốt đẹp sẽ tới với những người biết chờ đợi", vị Ngoại trưởng gốc Hung Antony Blinken phát biểu. "Bằng cách chấp nhận các văn bản phê chuẩn gia nhập, hãy để tôi là người đầu tiên chào đón Thụy Điển với tư cách là một bên tham gia Hiệp ước Washington và là thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc - Đại Tây Dương". "Đây không phải là một chuyến đi dễ dàng, nhưng tôi nghĩ chúng ta đã biết ngay từ ngày đầu tiên rằng chúng ta sẽ có mặt ở đây hôm nay và bây giờ chúng ta đang ở đây", ông nói thêm.

Trong ngày, ông Ulf Kristersson được Joe Biden tiếp đón tại Tòa Bạch Ốc, sau đó ông sẽ là khách mời danh dự trong bài phát biểu thường niên của Tổng thống Mỹ trước Quốc hội. Thủ tướng Thụy Điển gọi việc đất nước ông gia nhập liên minh phòng thủ là "một thắng lợi cho tự do". Theo tuyên cáo từ Nhà Trắng, việc Thụy Điển gia nhập NATO "sẽ khiến Hoa Kỳ và các đồng minh trở nên an toàn hơn nữa".
 
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nhận văn kiện gia nhập từ Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson để nước này trở thành thành viên NATO tại Bộ Ngoại giao ở Washington - Ảnh: Amanda Andrade (Rhoades/Reuters)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nhận văn kiện gia nhập từ Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson để nước này trở thành thành viên NATO tại Bộ Ngoại giao ở Washington - Ảnh: Amanda Andrade (Rhoades/Reuters)

"NATO là liên minh phòng thủ mạnh nhất trong lịch sử thế giới và ngày nay, việc đảm bảo an toàn cho các công dân chúng ta cũng quan trọng như 75 năm trước, khi liên minh chúng ta được thành lập trên đống tro tàn đổ nát của Đệ nhị Thế chiến", theo một tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống Mỹ. Quốc kỳ Thụy Điển sẽ được kéo lên vào thứ Hai trước trụ sở NATO ở thủ đô Brussels (Bỉ) bên cạnh 31 quốc gia thành viên khác, mà gần đây nhất là nước láng giềng Phần Lan cũng từng là đất nước trung lập.

Trong tuyên bố được đưa ra nhân dịp Thụy Điển gia nhập NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói về "một ngày lịch sử". Như ông khẳng định, trong tương lai, Thụy Điển sẽ được bảo vệ theo Điều 5 của Hiến chương Tổ chức Hiệp ước Bắc - Đại Tây Dương, đó là "sự đảm bảo tuyệt đối cho quyền tự do và an ninh của các nước đồng minh". Ông cũng nói thêm rằng việc Thụy Điển gia nhập cũng khiến NATO mạnh mẽ hơn do quốc gia Bắc Âu này có quân đội hiệu quả và ngành công nghiệp quân sự phát triển.
 
Lãnh đạo chính phủ Nhóm Visegrád (V4) tại hội nghị thượng đỉnh ở Praha, ngày 27/02/2024 - Ảnh: MTI
Lãnh đạo chính phủ Nhóm Visegrád (V4) tại hội nghị thượng đỉnh ở Praha, ngày 27/02/2024 - Ảnh: MTI

Trong một diễn biến có liên quan, tại cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm Visegrád (V4) ở Praha, hai vị thủ tướng Ba Lan và Czech đã quát vào mặt Thủ tướng Hungary Orbán Viktor Orbán, theo bản tin trên "Vsquare". Như đã biết, V4 là liên minh hội tụ 4 quốc gia cộng sản (cũ) trong vùng Trung Âu, gồm Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia, và đã hơn một năm nay nhóm đã không họp do bất đồng quan điểm về cuộc chiến xâm lược của Liên bang Nga tại Ukraine, bởi Hungary và ở một mức độ nào đó, Slovakia tỏ ra "thân Nga".

Theo "Vsquare", các bên thậm chí không muốn tổ chức cuộc họp V4 cho đến khi Hungary chấp nhận việc Thụy Điển gia nhập NATO. Điều này cuối cùng đã xảy ra vào 26/2, tức một ngày trước khi V4 nhóm họp tại Praha. Dường như Cộng hòa Czech và Ba Lan vẫn thấy các cuộc họp của nhóm hữu ích vì họ có thể gây áp lực lên Hungary. Đó cũng là ý kiến của Thủ tướng Czech, ông Petr Fiala, mặc dù ông không giấu việc gặp những đồng nghiệp mà ông thực sự không đồng ý về nhiều vấn đề quan trọng là điều không vui vẻ gì.
 
Cuộc chiến Ukraine khiến các thành viên V4 mâu thuẫn gay gắt - Ảnh minh họa: Internet
Cuộc chiến Ukraine khiến các thành viên V4 mâu thuẫn gay gắt - Ảnh minh họa: Internet

Cuộc gặp ở Praha diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, "bộ đôi" thân Nga và "kém nhiệt tình" trong việc ủng hộ Ukraine - Orbán Viktor (Hungary) và Robert Fico (Slovakia) nhận được những tràng huýt sáo phản đối dữ dội khi vừa mới ra khỏi xe. "Vsquare" noi rằng các vị thủ tướng muốn có một cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở nên thậm chí không cho nhân viên của mình vào phòng chỉ có 4 người. Cuộc trò chuyện diễn ra căng thẳng, kéo dài hơn một giờ so với dự kiến, cuộc họp báo dự kiến ​​diễn ra đã phải hoãn lại.

Mô tả về cuộc hội đàm, theo "Vsquare", hai vị Donald Tusk (Ba Lan) và Petr Fiala (Czech) đã to tiếng khi nói tới chính sách của ông Orbán Viktor, trong khi Robert Fico, về nguyên tắc là đồng minh của thủ tướng Hungary, chỉ im lặng lắng nghe và không bảo vệ người đồng nhiệm Hung. Tờ báo cũng đề cập rằng Robert Fico bề ngoài thường xuyên phát biểu với thái độ thân Nga, nhưng sau đó chuyển sang giọng điệu chống Nga hơn trong các cuộc đàm phán.

Update: Ông Havasi Bertalan, phụ trách báo chí của Thủ tướng Orbán Viktor, cho rằng tin về việc các vị Petr Fiala và Donald Tusk quát tháo với thủ tướng Hungary trong cuộc họp kín của V4 hôm 27/2/2024 là "tin thất thiệt".

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: NATO
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn