VỀ MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN VỚI CAO HÀNH KIỆN

Thứ năm - 22/02/2007 20:58

(NCTG) “Còn chuyện dù sao đi nữa, Cao Hành Kiện cũng là một người lưu vong ư? Tốt nhất, ban lãnh đạo chính trị Bắc Kinh hãy suy nghĩ xem tại sao các nhà văn tài năng nhất, xuất hiện trong hai thập niên vừa qua, lại nối tiếp nhau rời bỏ quê hương?”.

Nhà văn gốc Hoa Cao Hành Kiện trong lễ nhận giải Nobel Văn chương 2000

Nhà văn gốc Hoa Cao Hành Kiện trong lễ nhận giải Nobel Văn chương 2000

Lời giới thiệu: Cách đây hơn 6 năm, vào ngày 12-10-2000, Hàn lâm viện Thụy Điển đã công bố tin giải Nobel Văn chương năm 2000 dành cho Cao Hành Kiện (Gao Xingjian), nhà văn gốc Hoa, mang quốc tịch Pháp, tác giả những tác phẩm lớn như “Hồn núi”, “Trạm xe buýt”, “Kẻ miên hành”…, người “mở ra một lối đi mới mẻ cho nền tiểu thuyết và kịch nghệ Trung Hoa”. Đây là lần đầu tiên một nhà văn viết tiếng Hoa được nhận giải thưởng văn học cao quí này.

Trong số các tác phẩm của Cao Hành Kiện, vở kịch “Trạm xe buýt” (năm 1983) chiếm một vị trí quan trọng. Được giới phê bình phương Tây ca ngợi như “một kiệt tác của sân khấu tiền phong”, “tác phẩm lớn của thể loại kịch phi lý Trung Quốc”, “Trạm xe buýt” đã đóng vai trò then chốt trong văn nghiệp và cuộc đời của Cao Hành Kiện. Ra đời đúng vào dịp chiến dịch “quét sạch ô nhiễm tinh thần” (nhằm chống những biểu hiện của “chủ nghĩa hiện đại”, “cá nhân chủ nghĩa”… trong văn học Trung Quốc) lên đến cao điểm, vở kịch là một cái tát giáng vào sự phi lý và phi nhân trong thể chế độc đoán Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà vị Thứ trưởng Bộ Thông tin và Tuyên truyền Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố: “Trạm xe buýt” là “sản phẩm văn hóa bẩn thỉu”, “vở kịch quỉ quyệt nhất kể từ ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Điều này đủ để tác phẩm bị cấm diễn, tác giả của nó bị trù dập, bị cấm in sách; đây là động lực thúc đẩy Cao Hành Kiện rời bỏ quê hương và xin tỵ nạn chính trị tại Pháp năm 1988.

“Trạm xe buýt” là vở kịch của Cao Hành Kiện được trình diễn nhiều nhất trên thế giới. Một chi tiết đáng để ý: ấn bản đầu tiên ở nước ngoài của tác phẩm này lại không phải là bản dịch theo các ngôn ngữ chính như Anh, Pháp, Tây Ban Nha…, mà là bản Hung ngữ của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Polonyi Péter, được thực hiện ngay sau khi “Trạm xe buýt” xuất hiện và đạt thành công lớn trên sân khấu Nhà hát Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh. Chính nhờ bản dịch này mà công chúng các nước Đông Âu (Hung, Romania, Nam Tư…) đã có dịp làm quen với tên tuổi và nghệ thuật cầm bút của Cao Hành Kiện từ năm 1984.

Nhân dịp giải Nobel Văn chương 2000 được trao cho Cao Hành Kiện, trên tuần báo “Đời sống và Văn học” (Élet és Irodalom) số ra ngày 20-10-2000), dịch giả Polonyi Péter đã hồi tưởng về mối giao tình giữa ông và một đồng nghiệp chưa hề biết mặt - khi đó còn chưa nổi tiếng - ở một xứ sở xa xôi.

Nhan đề bài viết do NCTG tạm đặt. Các chú thích trong bài là của người dịch. (NCTG)

*

Chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt nhau.

Baracs Dénes nhắc tôi để ý tới vở kịch mang nhan đề “Trạm xe buýt” của ông. Trong những năm của cuộc “cách mạng văn hóa”, Dénes là phóng viên của MTI (1) ở Bắc Kinh. Về sau, đầu những năm 80, vào khởi điểm của chính sách “cải tổ và mở cửa” do Đặng Tiểu Bình chỉ đạo, anh trở lại Trung Quốc và khi đó, anh có dịp gặp gỡ một nhà văn vừa quá ngưỡng “tứ tuần”, từng sống tại một trại cải huấn ở nông thôn trong thập niên trước đó. Nghĩa là, người ta định “cải tạo” ông phù hợp với những hoàn cảnh ở đây, chắc hẳn để đừng bao giờ nhà văn còn cảm thấy mình là một trí thức.

Sự cải tạo có vẻ không được thành công cho lắm.

Dénes đã trò chuyện với tác giả “Trạm xe buýt” bằng tiếng Pháp vì trước khi bị “cải tạo” cưỡng bức, nhà văn đã tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ (2).

- Tôi có đem về nước bản Hoa ngữ của vở kịch - Dénes bảo tôi qua điện thoại -, nhỡ đâu đáng dịch ra tiếng Hung. Nó đã được công diễn và đạt thành công lớn.

Rồi anh nói thêm: “Ngoài ra, tôi rất có thiện cảm với tác giả”.

Dénes trao cho tôi vở kịch. Theo cách phân loại, đó là một vở kịch phi lý, nhưng đồng thời nó cũng cho chúng ta thấy những biến cố thường nhật mang tính hiện thực ở mức tối đa của thế hệ Cao Hành Kiện. Bởi lẽ, quả thực “Trạm xe buýt” nói về một thập niên bị đánh cướp, khi cả một đất nước bị đặt ra ngoài không gian và thời gian bởi hậu quả những dự định điên rồ của Mao Trạch Đông. Bản thân cuộc “cách mạng văn hóa” là một sự phi lý.

 Câu chuyện diễn ra tại một trạm xe buýt ở ngoại ô, tại đó, hành khách chờ chiếc xe buýt chở họ vào thành phố, nhưng xe không tới. Trong nỗi chờ đợi vô tận kiểu Beckett, có những mối tình nảy nở, có những cuộc đời chấm dứt và như thế, 10 năm trôi vèo qua; giữa chừng, các hành khách không hề hay biết chuyện gì xảy ra trên thế gian.

Dễ hiểu là vở kịch đã có hồi âm lớn.

Tuy nhiên, Cao Hành Kiện viết kịch phi lý không phải vì chỉ như thế, ông mới thể hiện được những gì muốn nói dưới một dạng có thể chấp nhận được. Vào những năm tháng ấy, quả thực, trong nỗi tỉnh táo sau cơn hôn mê kéo dài, đời sống tinh thần ở Trung Quốc có vẻ đã thoát khỏi mọi gông cùm đang níu kéo nó. Trong vở kịch, những yếu tố siêu thực, kỳ cục hay tượng trưng không nhằm mục đích che giấu điều gì; có thể cảm thấy bằng phương pháp này, đơn thuần tác giả có thể thể hiện bản thân một cách hữu hiệu nhất. “Trạm xe buýt” ít mang nét chính trị trực tiếp, có chăng chỉ là một số cử chỉ bất mãn kiểu “hãng xe buýt có định bồi thường thiệt hại cho hành khách hay không?”. Vậy mà, hiếm có vở hài kịch nào - hay nói đúng hơn, hiếm có vở bi hài kịch nào - khủng khiếp hơn “Trạm xe buýt” về cuộc “cách mạng văn hóa”!

Tôi dịch vở kịch khá nhanh, ít lâu sau tạp chí “Thế giới” (Nagyvilág) cũng đăng tải nó (3), nhưng ở Hung “Trạm xe buýt” đã không tạo nên hồi âm gì đặc biệt. Trong những năm tháng muộn mằn của thời đại Kádár, dân Hung đã có thể qua lại tự do ngoài thế giới, trong vở kịch, chúng ta không nhận ra cuộc đời của chính chúng ta. Cùng lắm, người Hung chỉ coi đó là chuyện kỳ quặc của một thế giới xa xôi.

Tôi ngạc nhiên (mặc dù thực ra hoàn toàn có thể hiểu được) khi biết rằng ngay ở nước Romania của Ceausescu, ông Harag György, một đạo diễn người Kolozsvár (4), lại để ý đến bản dịch và ông đã dàn dựng vở kịch ở Újvidék (5), hẳn vì tại quê hương, ông chưa thể làm được điều này. (Về sau, dưới sự chỉ đạo của Tompa Gábor, một nhà hát Hung ở Kolozsvár cũng đã diễn “Trạm xe buýt” và rốt cục, những buổi diễn này cũng về đến Hung thông qua băng thu thanh và các buổi trình diễn của các đoàn kịch ngoài nước).

Tôi gửi số báo “Thế giới” cho Cao Hành Kiện và nhận được thư cám ơn của ông. Cũng như thế, tôi đã kể cho ông nghe chuyện vở kịch của ông được công diễn - tôi nghĩ là lần đầu tiên - ở nước ngoài, tại một nhà hát Hung ở Újvidék (Nam Tư),  với sự dàn dựng của một đạo diễn Hung gốc Do Thái sinh sống ở Romania. Mặc dù ưa thích sự kỳ quặc, lần này Cao Hành Kiện đã tỏ ra e dè và ông không hồi âm lá thư đó của tôi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, nhà văn có gửi bưu điện cho tôi một hai cuốn sách của ông. Ngày 4-5-1989, đúng một tháng trước biến cố ở quảng trường Thiên An Môn, Cao Hành Kiện gửi tôi tuyển tập truyện ngắn ấn hành ở Đài Loan, kèm lời đề tặng của ông.

Tôi đã biết Cao Hành Kiện từng bị nhiều ý kiến phê phán ở trong nước và ông đã rời Trung Quốc trước biến chuyển chính trị (6). Nhưng chỉ từ thông báo của Hội đồng giải Nobel, tôi mới biết nhà văn đã ra khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, và rằng từ dạo đó, ông đã nhập tịch Pháp (7).

Sẽ là một sự không hay nếu tôi phát biểu về cả những tác phẩm của Cao Hành Kiện mà tôi chỉ mới xem qua, hoặc chưa hề cầm trong tay.

Nhưng, dựa trên những hiểu biết cho đến nay của tôi, tôi tin chắc Cao Hành Kiện đã được nhận giải Nobel Văn chương năm 2000 một cách xứng đáng.

Cố nhiên, tôi hiểu thái độ cầm chừng của chính quyền Bắc Kinh khi nhà văn Trung Hoa đầu tiên được nhận phần thưởng mang tầm vóc quốc tế đó lại chính là một kẻ lưu vong không thật có tiếng tăm. Bởi lẽ, trong quá khứ, nhiều tên tuổi lớn (nay đã quá cố) của thế kỷ XX như Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Lão Xá, hoặc Ba Kim (một thành viên thuộc thế hệ các nhà văn Trung Quốc lão thành, hiện đã 96 tuổi, sống ở Thượng Hải và giữ chức Chủ tịch danh dự Hội Nhà văn Trung Quốc), đã không được nhận giải này.

Có điều, vào năm 1913, khi Rabindranath Tagore giành giải Nobel Văn chương đầu tiên trên cương vị một người Châu Á, chưa hề tồn tại ngôn ngữ văn học Trung Quốc hiện đại, nói chi đến một nền văn học có thể được thế giới biết tới. Những nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Trung Quốc đã không đến được lớp độc giả không biết Hoa ngữ, còn những người góp phần truyền bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới (Lâm Ngữ Đường) lại không phải là văn hào lớn, hoặc không phải người Hoa (chẳng hạn: Pearl Buck, nữ văn sĩ được giải Nobel Văn chương năm 1938 cho các tác phẩm về Trung Quốc).

Hẳn là trong dịp vừa rồi, Hội đồng giải Nobel không có ý bù đắp những bất công trong quá khứ mà họ muốn hướng sự chú ý đến một tài năng trong hiện tại. Giải được trao vì sự cách tân trong phương pháp thể hiện văn học và đứng trên phương diện đó, việc một người cư trú ở đâu, có quan niệm chính trị như thế nào, là không quan trọng. Mặt khác, những mối quan hệ văn học của người Hoa ở Đại Lục và hải ngoại là rất chặt chẽ, chặt chẽ hơn nhiều so với những gì ta có thể hình dung giữa nền văn học các nước xã hội chủ nghĩa một thời và văn học của lớp người lưu vong. Còn chuyện dù sao đi nữa, Cao Hành Kiện cũng là một người lưu vong ư? Tốt nhất, ban lãnh đạo chính trị Bắc Kinh hãy suy nghĩ xem tại sao các nhà văn tài năng nhất, xuất hiện trong hai thập niên vừa qua, lại nối tiếp nhau rời bỏ quê hương?

Chú thích:

(1) Hãng Thông tấn Hungary.

(2) Cao Hành Kiện tốt nghiệp khoa Pháp văn của Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1962.

(3) Số tháng 4-1984.

(4), (5): Hai địa danh vốn thuộc lãnh thổ của Hung, sau bị cắt và sát nhập vào Romania và Nam Tư. Ở đó, hiện tại, vẫn có rất nhiều người gốc Hung sinh sống.

(6) Năm 1988, Cao Hành Kiện xin cư trú chính trị tại Pháp.

(7) Cao Hành Kiện trả thẻ đảng nhân “biến cố Thiên An Môn” (tháng 6-1989), và được quốc tịch Pháp năm 1988.

Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ và giới thiệu


 
 Từ khóa: Cao Hành Kiện
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn