MỘT BÀI THƠ ÍT ĐƯỢC BIẾT ĐẾN CỦA BERTOLT BRECHT

Thứ ba - 27/02/2007 14:48

(NCTG) Nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng Bertolt Brecht (1898-1956) là một tên tuổi lớn của nền văn học Đức. Những tác phẩm cách tân tiêu biểu của ông như “Bà mẹ quả cảm” (1939), “Lương phụ Tứ Xuyên” (1938-40), “Đời Galilei” (1943), “Vòng phấn Caucase” (1945)… đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử sân khấu thế giới thế kỷ XX.

Từng viết nhiều vở kịch mang tinh thần vô chính phủ cấp tiến trong thập niên 20, Brecht nhanh chóng đến với chủ nghĩa mác-xít, ông tỏ ra có thiện cảm với Liên Xô và tham gia phong trào cách mạng của giới lao động.

Thập niên 30, Brecht chủ trương dùng nghệ thuật để phục vụ giai cấp vô sản; trong một chừng mực nào đó, ông thuộc hàng những trí thức thiên tả phương Tây nổi tiếng như Romain Rolland, Anatole France, Henri Barbusse, Arnold Zweig, Louis Aragon…, những “bạn đường” của chính thể cộng sản ở Liên Xô. Năm 1933, sau khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, Brecht di cư ra nước ngoài và sau Thế chiến, ông định cư ở Đông Đức.

Tuy được chính quyền rất ân sủng và tôn kính, nhưng trên cương vị một người đã chứng kiến và trải qua tấn thảm kịch của chủ nghĩa Stalin, Brecht không bao giờ trở thành một văn sĩ “chính thức” của chính phủ. Trong một chừng mực nhất định, ông gắng giữ tính độc lập trong nghệ thuật và tư tưởng; đó là điểm khác biệt giữa Brecht và nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng khác, đã qui thuận và trở thành con bài đắc lực trong tay các thể chế độc đoán.

*

Năm 1941, Brecht đã viết bài thơ “Có thể nhân dân là không thể sai lầm?” trong một cuộc hành trình ngắn ngủi đến Liên Xô. Đó là phản ứng đau đớn và cay đắng của nhà thơ trước những hung tin từ Moscow.

Kể từ cuối thập niên 30, trong những cuộc thanh trừng hàng loạt diễn ra ở Liên Xô, rất nhiều bạn hữu của Brecht, kể cả những người có quan điểm chống phát-xít, đã bị cơ quan mật vụ chính trị Xô-viết bắt giam và hành hạ tàn nhẫn. Năm 1937, nhà soạn kịch Sergei Tretyakov, người thầy và người bạn của Brecht, đã bị xử bắn oan ức sau 2 năm bị cầm tù vô lý do.

Tretyakov là một nhà cách tân theo trường phái vị lại, một sáng lập viên và lý luận gia của nhóm “Mặt trận Nghệ thuật Cánh tả” (LEF), hạt nhân chủ đạo trong thời gian 1923-1928 của phong trào tiền phong (avant-garde) Xô-viết với những thành viên chủ lực là Mayakovsky, Pasternak, Shklovsky, Kamensky, Brik…

Được sáng tác theo thể thơ tự do, “Có thể nhân dân là không thể sai lầm?” đặt một dấu hỏi lớn trước tính hợp pháp - hay bất hợp pháp - của hệ thống tư pháp Xô-viết. Bài thơ cũng là lời cảnh tỉnh trước hàng loạt những vụ án ngụy tạo ở Moscow thời kỳ 1936-1939, khi cái nhãn “kẻ thù của nhân dân”, “phản bội tổ quốc”… được gán một cách hết sức dễ dàng lên bất cứ ai (nhiều văn nghệ sĩ lừng danh của Nga như Koltsov, Voronsky, Mandelstam, Pinnyak… đã bị ghép vào “tội” này) và những nạn nhân hoàn toàn bó tay, không có cơ chống cự, trước cái gọi là “tòa án nhân dân” của chính quyền Stalin.

Rất tiếc là trong những năm cuối thập niên 30, đầu thập niên 40, trước hiểm họa của “bệnh dịch hạch nâu”, bài thơ này - cũng như các tác phẩm của một vài văn nghệ sĩ “phản tỉnh” phương Tây (như “Trở về từ Liên Xô” của André Gide, “Thầm phục Catalonia”, “Muông cầm trại” và “1984″ của George Orwell, “Bóng tối giữa trưa” của Arthur Koestler…) - đã không được phổ biến và chú ý đúng mực; khi ấy, chủ nghĩa cộng sản, trong mắt nhiều người phương Tây, vẫn là “kẻ cứu rỗi nhân loại”. Mặt khác, về sau, ở nước Đức “xã hội chủ nghĩa”, hiển nhiên bài thơ không thể thích ứng với hình ảnh một văn hào Berthold Brecht mà chính quyền muốn tạo dựng nên, nên nó cũng bị giấu nhẹm trong nhiều thập kỷ.

Ngày nay, đọc lại “Có phải nhân dân là không thể sai lầm?” của Brecht, cũng là để nhớ lại một sai lầm tai hại và thảm khốc của lịch sử, đã đánh lừa bao nhiêu bộ óc ưu tú của nhân loại…

*

CÓ PHẢI NHÂN DÂN LÀ KHÔNG THỂ SAI LẦM?

Thầy tôi, Tretyakov,
con người thật tài năng và thật đáng mến
bị bắn chết. Tòa án nhân dân đã xử ông
như một tên gián điệp. Tên tuổi ông ngày nay bị nguyền rủa.
Sách của ông bị đốt. Ngay nói về ông, người ta
cũng sợ. Nghe tên ông, người ta còn chẳng dám thì thầm.
Và nếu ông vô tội thì sao?
Có tội - những người con của nhân dân bảo vậy.
Kẻ thù - những nhà máy và những phân xưởng
thuộc sở hữu của nhân dân lao động
nhắc lại.
- kẻ thù -
cả một nước đồng tình, cái nước anh hùng hơn hết thảy các quốc gia trên hoàn cầu.
Và chẳng ai nói một lời để bảo vệ ông.
Và nếu ông vô tội thì sao?
… Ai dám nghĩ rằng ngồi tại các tòa án nhân dân
lại là những kẻ thù của nhân dân?
Tòa án còn là gì nếu thiếu tòa án?
Nực cười nếu ta đòi hỏi những chứng từ mà qua đó
tội lỗi bị lật tẩy trên giấy trắng mực đen.
Ngu xuẩn. Thứ chứng từ ấy không tồn tại.
Trong tay tên phản quốc - ở đó có toàn bộ bằng chứng của sự vô tội,
kẻ vô tội - không có những bằng chứng.
Vậy ông ta phải câm lặng?
Và nếu ông vô tội thì sao?
Năm ngàn người xây dựng, và một kẻ phá hoại.
Bởi có lẽ trong số năm chục người bị bắt giam trong tù,
có thể có một kẻ vô tội duy nhất?
Nhưng nếu, nhưng nếu ông vô tội thì sao?
Nhưng nếu ông vô tội,
sao các người dám bắn chết ông?
(1941)

H.Linh giới thiệu và chuyển ngữ


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn