ĐỘNG ĐẤT

Thứ năm - 05/04/2007 11:10

(NCTG) Người ta đến và bảo hắn phải bán khách sạn vì theo các nhà khoa học, vùng hắn sống có nguy cơ bị động đất.

Hắn chả hiểu gì cả. Ở vùng này, từ ngày xửa ngày xưa không hề có động đất. Hắn xây khách sạn bên bờ biển, bỏ vào đó cả gia sản và bây giờ công việc đã bắt đầu khấm khá. Vùng hắn sống không nổi tiếng là mấy, tuy nhiên các hãng du lịch nội địa đã phát hiện ra nó: đây là một miền quê yên tĩnh, thích hợp cho việc trầm tưởng và là nơi lý tưởng cho những cặp vợ chồng mới cưới, đi hưởng tuần trăng mật.

Những chuyên gia - có trời biết được, họ là ai! - thuyết phục hắn một hồi rồi bỏ sang nhà bên. Họ cho biết ông chủ tịch vùng đã được thông báo về chuyện này.

- Lũ này phát rồ rồi hay sao ấy! - hắn bảo vợ. Cô vợ lặng thinh, cô đã im lặng kể từ khi hắn báo cho cô biết việc mở khách sạn. Họ chưa có con, hắn luôn nói: “Để lúc nào mình hoàn toàn yên ổn hẵng hay”. Bây giờ, lẽ ra mọi chuyện đã yên ổn…

Mặc dù không phải kẻ ham rượu chè, nhưng tối đến hắn cũng nhào vô quán rượu. Quán này khá vắng vẻ, chỉ có hai người chơi bi-a. Một thời, hắn cùng tay chủ quán dự định xây khách sạn, nhưng tay này đã chọn phương án dễ hơn: mở quán rượu thì nhanh chóng và điều hành nó cũng đơn giản hơn. Từ dạo đó hai người trở nên lạnh nhạt, dù không bao giờ đụng chạm đến nhau.

- Hội ấy cũng đến chỗ cậu hả? - hắn hỏi.

Tay chủ quán gật đầu.

- Làm gì có chuyện động đất! - hắn càu nhàu. - Bọn chúng cũng nói như thế với cậu à?

- Ừ.

- Động đất, rõ trò hề! Ở đâu? Khi nào?

- Theo họ, động đất sẽ đến từ bờ biển.

Quán rượu nằm cách bờ biển chừng một dặm, như vậy nó không bị hiểm nguy trực tiếp đe dọa.

- Chúng có bảo cậu phải chuyển đi không?

- Ừ, có.

- Vậy cậu sẽ chuyển?

- Để làm quái gì?

Rồi họ ngầm suy tính trong lòng. Hắn nghĩ một lượt: thử hỏi ai có lý do gì để đuổi các thổ dân xứ này? Hay dưới lòng đất vùng hắn sống có mỏ dầu? Hoặc giả người ta muốn xây dựng hải cảng quân sự ở đây và nhà nước muốn tiết kiệm khoản tiền thu mua. Bọn chúng có thể có hàng ngàn lý do!

Hắn uống cạn cốc bia và giả tiền, rồi về nhà.

Vài ngày sau, ông chủ tịch vùng triệu tập một cuộc họp. Ông thông báo cho mọi người biết ý kiến các chuyên gia. Người ta phát hiện ra một đường nứt rạn gì đó ở chính ngay dưới vùng này, rất nguy hiểm. Vài người chất vấn tại sao đến giờ chưa hề có động đất, phải chăng là vì cho đến giờ người ta chưa phát hiện ra vết nứt? Ông chủ tịch cười khẩy chua chát. Quyết định là tùy vào suy xét của từng người. Mọi người hỏi nhà nước hoặc tỉnh lỵ có phát cho họ trợ cấp di chuyển không, nếu họ muốn đến nơi khác sinh sống? Về điểm này, ông chủ tịch không biết trả lời ra sao.

Trong hai ba ngày, động đất là đề tài cửa miệng, vài gia đỉnh còn ngủ đêm ngoài trời nhưng cơn động đất không xuất hiện và người ta lại dần dần về nhà ở.

Chừng hai tháng sau, ông bác sĩ khu vực chuyển đi, ông ta có việc ở nơi khác, hình như ở đó lương khá hơn. Mọi người tiếc rẻ, đó là một bác sĩ chu đáo và có lương tâm. Người ta tuyển chọn để thế chân ông bác sĩ, trong khi chưa xong, phải đáp tàu hỏa hoặc đi xe hơi sang vùng bên cạnh. Tuy nhiên cũng ít khi phải đi lại như thế, dân cư miền này không mấy khi ốm yếu.

Mùa hạ trôi qua, công việc làm ăn không phát đạt. Mặc dù người ta không tiết lộ dự đoán về trận động đất trên báo chí, nhưng tin ấy hẳn vẫn lan truyền bằng một cách nào đó, chắc chắn các vùng ganh đua lân cận - nằm ven bờ biển - đã tận dụng khả năng này. Kể ra cũng không thể chứng tỏ điều đó, nhưng ai nấy đều nghĩ như thế. Người ta còn lan truyền rằng chính những kẻ có đầu óc cạnh tranh đã bịa đặt ra toàn bộ câu chuyện động đất này. Mặc dù nếu đúng vậy, họ cũng chả được gì tốt đẹp, bởi lẽ động đất không lựa chọn, cả vùng xa nhiều dặm có thể nguy hiểm, nếu…

Đầu mùa đông, ông dược sĩ cũng ra đi. Ông ta tuyên bố sẽ làm nghề khác. Tuy vậy không có gì xảy ra, mọi người vẫn sống như trước đó.

Một buổi sáng khi tỉnh giấc, hắn cảm thấy cổ đau dữ dội. Chắc lại một thứ phong thấp gì đây. Hơi sớm, cha hắn cũng bị căn bệnh này nhưng muộn hơn hắn ít nhất hai mươi năm. Không chỉ đau đớn, hắn còn không xoay nổi đầu. Dường như trong đêm, cổ hắn bị ngắn lại. Hắn soi gương và có cảm giác như thế. Và cũng chẳng phải cổ hắn ngắn lại, mà cái đầu hắn đè một phần cổ xuống lồng ngực, hoặc đi đâu đó. Hắn nói với vợ, nhưng cô vợ không thấy gì cả. Rồi hắn uống một viên thuốc cảm.

Ngày hôm sau, cảm giác đau đớn càng tăng và hình như cổ hắn tiếp tục ngắn đi. Một điều chắc chắn: yết hầu hắn tụt xuống thấp. Hắn nuốt khó khăn và cái yết hầu như chưa quen với vị trí mới của nó. Hắn cũng phàn nàn điều này với vợ, cô vợ lại nhìn, nhìn mãi, nhưng không thấy gì cả.

Không còn sức lau chùi nhà cửa, hắn quyết định đến bác sĩ phụ trách khu vực bên cạnh. Đã ngồi vào xe, nhưng hắn không thể nhìn được tấm gương chiếu hậu, cổ hắn cứng nhắc đến mức ấy. Hắn văng tục và khó khăn lắm mới bò nổi khỏi xe.

Trong những ngày tiếp tới, hắn thường xuyên thấy đau, có điều cảm giác ấy không tăng lên. Nhưng sau một tuần hắn nhận thấy cái yết hầu của mình biến đâu mất trong lồng ngực. Hắn gọi vợ đến. Cô vợ không thấy cái yết hầu và cô hoảng hốt. Rồi cô lặng thinh dìu chồng vào ghế sau chiếc xe hơi và đích thân lái xe đến ông bác sĩ.

Bác sĩ khám hồi lâu, ông ta không tìm thấy cái yết hầu nhưng ông bảo không phải ai cũng có yết hầu phát triển.

- Nhưng tôi từng có mà! - hắn giận dữ khẳng định.

Bác sĩ mỉm cười độ lượng và để chắc chắn, ông ta cho chụp điện quang. Sau đó, ông ta lặng thinh hồi lâu.

- Tôi không dám chắc lắm - ông ta nói -, cần phải tiếp tục khám, có lẽ nên điều trị trong viện nữa… Thế này anh ạ, không hiểu vì sao những đốt xương cổ của anh lại tụt vào trong… Nói thế nào nhỉ?… Mặc dầu vô lý về mặt giải phẫu học… nhưng thanh quản anh cũng tụt xuống phía dưới… Trong nghề, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp nào như thế.

- Đây là một thứ phong thấp gì đó? - hắn hỏi vẻ hi vọng. - Cha tôi cũng bị bệnh này.

- Tôi không biết, anh ạ - bác sĩ đáp -, tôi chưa bao giờ thấy chuyện này. Anh có muốn vào viện không?

Hắn không muốn. Trườn vào xe, hắn được cô vợ đưa về nhà.

*

Vài ngày sau, đầu hắn tụt hẳn xuống giữa các xương quai xanh và xương bả vai phải của hắn tiến vào giữa, vì thế hắn không làm sao cử động được cánh tay phải.

- Em thử xem trong vùng mình còn ai cũng bị bệnh không? - hắn bảo vợ.

Cô vợ đi một vòng trong vùng.

- Không phải nhà nào cũng mở cửa - cô ta thuật lại -, không biết điều gì xảy ra với họ. Những nhà mở cửa cho em vào đều bình thường.

- Em có tạt qua quán rượu không?

- Quán đóng cửa, họ nghỉ kiểm kê.

- Em thử quay lại hỏi xem.

Chẳng bao lâu, cô vợ trở về cùng tay chủ quán, lão này khập khiễng chống nạng.

- Chẳng hiểu sao chân tớ bị ngắn lại - tay chủ quán nói, hắn mỉm cười nhũn nhặn vẻ hối lỗi -, tớ đã đo, trong hai tuần nó ngắn đi một tấc rưỡi… nhưng kỳ lạ là không phải ống chân, mà đùi tớ bị ngắn đi.

- Hai tuần?

- Khoảng từng ấy.

- Tớ thì bị biến mất yết hầu.

- Thật à?

Họ rờ rẫm nhau. Lâu lắm hai người mới thân nhau đến thế.

Rồi họ được chôn cất cạnh nhau. Đến lúc ấy, cơ thể cả hai đều biến dạng hoàn toàn: xương họ bị xáo trộn hoàn toàn, hai cánh tay lão chủ quán tụt vào lồng ngực hắn, còn đầu y cuối cùng lòi ra khỏi khung xương chậu. Nhưng họ không phải là những người khốn khổ nhất. Kẻ khác, mặc dầu xương xẩu ở nguyên tại chỗ, hoặc suy nhược thần kinh, hoặc bị chảy máu não. Nhưng đấy cũng chưa phải là tệ nhất. Vì trong số họ cũng có những kẻ bình thường, bọn này hoặc dùng móng tay chọc thủng mắt nhau, hoặc tay không bóp cổ nhau.

Cố nhiên, những ai có thể đều đã chuyển đi. Những kẻ lông bông vô nghề nghiệp và những trí thức còn lại, ông đưa thư và các nhà giáo đều ra đi, ông thị trưởng đi làm nghề đốt lò trên tàu thủy, còn vợ hắn thì treo cổ tự vẫn sau lễ tang.

Mọi người đợi cơn động đất nhưng không thấy…

(*) Spiró György (1946 - ), nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học sử Hungary, “chủ nhân” của nhiều giải thưởng văn học cao quý của Hung như Giải József Attila (1982), Giải của giới phê bình (1987), Giải Déry Tibor (1993), Giải Madách Imre (1994), Giải Cành nguyệt quế của Cộng hòa Hungary (1998), Giải của Hiệp hội các nhà văn (2002), Giải Pro Urbe Budapest (2004), Giải của các nhà soạn kịch (2004), Giải của các nhà phê bình (2004), Giải Füst Milán (2005), Giải Kossuth (2006), v.v… Là thành viên sáng lập của Viện hàn lâm Văn học Kỹ thuật số, năm 2005, Spiró György còn được trao tặng Huân chương Cộng hòa Hungary cho sự nghiệp sáng tác tiểu thuyết, kịch và tiểu luận nổi tiếng thế giới của ông.

Spiró György - H.Linh dịch theo nguyên bản tiếng Hung: “Csuszam”, tạp chí “Năm hai nghìn”, Kétezredi


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn