Chuyện vui về làng văn - báo ở Đông Âu: (2): BÁN SÁCH TẠI CHỢ TRỜI BUDAPEST

Thứ hai - 26/02/2007 22:42

(NCTG) “Chị nghĩ bọn em phải làm báo gì màu sắc dễ coi tí chút, chứ cái này “cao” quá, chả ai đọc đâu. Em xem người ta bán báo Việt Nam, toàn chuyện vụ án, yêu đương, hoa hậu, lại có cả hình ảnh, dân ngoài chợ này họ thích là phải. Đọc cái của bọn em chắc mệt…“.

Tạp chí "Gió Đông", nỗ lực văn hóa một thời của anh em văn nghệ Đông Âu

Trước vụ “xì-căng-đan” trên ít lâu, nhóm anh em có chút duyên nợ với văn nghệ ở Đức và Đông Âu, sau nhiều tháng rục rịch chuẩn bị, có ra được một tờ tạp chí văn chương là "Gió Đông", do nhà văn Lê Trọng Phương bên Đức làm chủ biên.

"Gió Đông" ra đời với rất nhiều tham vọng, nào là “mang một làn gió mới và khác đến với độc giả“, nào là “có một phong vị riêng, tươi trẻ“, v.v… Nhóm anh em chủ trương cũng kỳ vọng rằng một tạp chí văn nghệ nghiêm túc như thế, mà bên trời Âu chưa hề có, sẽ là nơi kết nối những cây bút rải rác bên này, dưới một mái nhà chung…

Dạo đó, chả hiểu thế nào mà tôi lại được đưa vào “ban chủ trương” của "Gió Đông". Tự nhiên có tên trong danh sách “lãnh đạo”, ai chả khoái? Thành ra tôi năng nổ tợn, viết, dịch và gửi mấy bài một lúc, lại còn giới thiệu người này, lăng-xê người khác với "Gió Đông". Và, sau bao nhiêu ngày hồi hộp chờ đợi, cuối cùng sách đã ra lò, hình thức khá đẹp và đặc biệt. Nghe đâu anh Lê Trọng Phương tốn tương đối nhiều tiền để ứng trước cho cuốn sách!

"Gió Đông" có nội dung khá đến đâu thì những người làm nó lại tệ hại đến thế về khoản “hạch toán kinh tế”! Trên nguyên tắc thì trừ tôi (ở xa, lại nghèo, nhận vai tuyên truyền, tung hô) và một anh bạn thuộc thành phần sinh viên độc thân (được ưu tiên), còn tất cả những ai đứng tên đều phải đóng vài trăm D-Mark (DM - tiền Đức thời đó) gì đó.

Lẽ ra, nếu ai cũng đóng, và cộng với khoản tiền “tài trợ” của mấy “ân nhân” Mạnh Thường Quân, thì may ra có thể bù được chi phí in. Nhưng dường như dân tình không hăng hái đóng tiền lắm thì phải, nên thoạt tiên, ông chủ biên cứ phải xì tiền túi ra đã. (Chưa kể những cú điện thoại mà anh Lê Trọng Phương gọi cho tất cả mọi người, kéo dài có khi cả mấy tiếng, nếu cần bàn luận về một dấu chấm dấu phẩy gì đó… - khoản tiền ấy không sao tính xuể!)

Số 1 in xong, mỗi người được nhận đâu chục cuốn, dĩ nhiên là để biếu và bán. Tôi cũng nhận được mươi cuốn, cứ coi là để dành cho mình 2, 3 cuốn làm kỷ niệm, thì còn lại bảy. Mỗi cuốn giá 12 DM, vị chi là nếu bán hết thì sẽ được hơn 80 DM. Và nếu ai cũng bán hết, thì 13 kẻ đứng tên phải thu được gần ngàn Mark. Đấy là chưa kể các đại lý. Vớ vẩn có khi hòa vốn chứ chẳng bỡn! Ấy là tôi cứ lạc quan mà tính bậy như thế.

Vợ tôi, sau khi biết anh Lê Trọng Phương chủ biên còn đang lỗ vốn nặng, đã nổi cơn hăng: “Hay mình thử đem ra chợ bán xem sao anh? Thế nào cũng có người mua! Phải giả tiền anh Phương chứ“.

Thú thật, tôi không mấy hào hứng với ý kiến ấy, vì biết rằng "Gió Đông" không phù hợp lắm với sở thích và sự đọc trung bình của bà con ngoài chợ. Và thế là, trước mắt, tôi tự đặt ra mấy mục tiêu:

- Một là gửi sách đi một số địa chỉ quen biết, kèm thư ép mua. Địa chỉ chủ yếu là của một số nhà văn nhà thơ mà tôi biết (dĩ nhiên, đa phần qua thư từ). Tôi… trẻ con (trong làng văn nghệ) nên cứ… làm càn mà không sợ ai dị nghị gì.

Kết quả khá thảm hại: có một vài người trả lời (là đã nhận được), nhưng không thấy họ có ý đặt mua (giục nữa e có phần bất nhã!) Đa số lặng thinh! Chỉ có các bác lão thành bên Pháp là tích cực: có bác cho dăm trăm Francs, có bác cho hẳn một ngàn…, thế là hơi rủng rỉnh rồi.

- Hai là bàn với anh Lê Trọng Phương đặt ra một giá khuyến mại đối với dân Đông Âu.

Sau một hồi bàn luận, anh Phương đặt ngay một cái giá, có lẽ là rất rẻ so với bên Đức: 1 số 8 DM (thay vì 12 DM), cả năm 30 DM (thay vì 45 DM). Tôi thì thấy vẫn còn đắt so với người ở Hung, nhưng vợ tôi gạt đi: “Thế là rẻ lắm rồi! Anh xem bao nhiêu công mới ra được quyển sách, rẻ quá họ… khinh cho! Lẽ ra phải… chém đắt nữa!

*

Kế hoạch vác sách ra chợ bán được bọn tôi bàn bạc rôm rả. Vợ tôi có vẻ lạc quan vì nghĩ là sẽ bắt được một số người quen mua. Tôi thực tế hơn, nhưng cũng cho là có thể bán chí ít là dăm cuốn. Cái chợ to thế, cả ngàn người Việt, nhịn 2 bữa trưa là đủ mua một cuốn sách đẹp, trang nhã và giá trị… Ít nhất cũng… để lại được cho con cháu!

Tuần đó, bọn tôi về Budapest lấy hàng. Tôi hồi hộp xách cái túi ni-lông đựng sách ra chợ. Người đầu tiên bị ép mua là một tay bạn, kém tôi chừng 5 tuổi, có vẻ “trí thức” nên đành ngậm đắng nuốt cay bỏ 800 Ft (chưa đến 8 DM) ra để mua. Trông hắn gượng cười mà khuôn mặt mới méo mó thảm hại làm sao!

"Địa bàn" vụ bán sách bất thành

Thừa thắng xông lên, vợ tôi băng băng đi đến chỗ một cô gái, cô này không mấy khi đọc bất cứ cái gì và lẽ ra, không chút hi vọng nào để cô ta mua sách. Nhưng… khốn nỗi là cô ta có quen tôi, ngày xưa 2 anh em có thời chơi thân với nhau, nên vợ tôi vu ngay là “nó thích anh”. Nàng mỉa: “Em bảo sách anh làm, nó lại chả mua ư? Thế thì muối mặt nó lắm!” Tôi rất ngán trò “tâm lý chiến” này, nhưng thấy nàng cương quyết quá, đành chịu.

Xăm xăm đến chỗ cô ta, vợ tôi nhanh nhẩu bảo: “Em mua cho chị một cuốn đi, sách của anh Linh đấy!”. Của đáng tội, cô kia hơi ngần ngại, nhưng không dám nghĩ lâu, sợ “quê” với tôi (cô này kinh doanh rất giỏi và khéo, giàu có lắm, không lẽ tiếc tiền mua cuốn sách?), nên cũng rút tiền ra mua. Làm vợ tôi đắc thắng ra mặt.

Nhưng sau đó thì bọn tôi không thể tiêu thụ thêm được cuốn nào nữa. Không phải vì không ai mua, mà vì sau 2 nhân vật trên, hai đứa chả dám mời ai. Cứ hơi có ý định một tí là lại chờn vì thấy những khuôn mặt rất “sờn”, rất “nhàu”, khó đăm đăm, không có vẻ gì là có quan tâm và muốn mua sách cả. Đúng là sợ bóng sợ gió! Đợt đó, bán được vỏn vẹn 2 quyển!

"Gió Đông" số 2 in xong, lại bắt đầu trò đi bán. Dĩ nhiên là cái cô bạn, do đã mua số 1, nay đành phải mua số 2. Và một chị khác quen quen, tính tình có vẻ dễ dãi, sau khi vét đống tiền xu lẻ được khoảng 750 Ft, cũng làm một cuốn. Nhưng chị ta thành thật: “Chị nghĩ bọn em phải làm báo gì màu sắc dễ coi tí chút, chứ cái này “cao” quá, chả ai đọc đâu. Em xem người ta bán báo Việt Nam, toàn chuyện vụ án, yêu đương, hoa hậu, lại có cả hình ảnh, dân ngoài chợ này họ thích là phải. Đọc cái của bọn em chắc mệt…“.

Mặc xác bà, cứ mua là OK, mệt hay không bà chịu!” - tôi thầm nghĩ như thế. Nhưng bữa đó cũng chỉ bán được 2 cuốn.

Thế là 2 số "Gió Đông" bán được tổng cộng 4 cuốn tất cả. Còn lại, gửi biếu. Mà cáu nhất là đã được biếu, người ta còn chả buồn hồi âm, và ít nhất cũng cám ơn bọn tôi một câu. “Đã thế, “ông” ứ thèm! “Ông” để chơi cho đẹp!” - tôi dỗi và giữ lại mỗi số vài cuốn, bọc rất kỹ. “Sau này sẽ có lúc có giá!

Quả vậy, vài năm sau, "Gió Đông" cũng gần “tuyệt bản”. Nhất là số ra mắt (được giới văn chương hải ngoại đánh giá kha khá!), ngay bên anh chủ biên Lê Trọng Phương cũng hết sạch. Không phải có người mua mà là ai đó đến, thấy sách, vác đi mất. Có đọc hay không thì giời biết. Và để tặng cũng nhiều. Bản "Gió Đông" 1 cuối cùng, tôi giữ như báu vật ở nhà, có lúc không dám để lên tủ sách, sợ mất… giờ cũng không cánh mà bay!

Mới thế mà đã 10 năm trôi qua. Nghĩ lại thấy thật bùi ngùi, tiếc cho một tờ tạp chí cũng kha khá mà mới được “nửa chừng xuân” đã bỏ mạng… (*)

(*) "Gió Đông" ra được 4 số thì phải đình bản vì lý do trị sự và tài chính. Cho dù bài vở khi ấy cũng tạm đủ cho cả chục số…

Xem Phần 1 của bài viết.

Nguyễn Hoàng Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn