Chuyện vui về làng văn - báo ở Đông Âu (1): NHÀ THƠ THẾ DŨNG RA MẮT SÁCH

Thứ hai - 26/02/2007 22:32

(NCTG) “Sau cuộc vui, phát hiện ra mấy cuốn để trên cùng có vết mỡ, hẳn do ai đó ăn nem rồi “sờ sà” vào. Như đã chờ đợi từ trước, có vỏn vẹn 2 cuốn được bán ra, và một cuốn bị “cuỗm” lúc nào chả ai hay!”.

Tập thơ "Từ Tâm" (1997) của nhà thơ Thế Dũng

Chuyện cách đây đã 10 năm, khi một bạn văn của chúng tôi - anh Thế Dũng - cho ra mắt tập thơ đầu tiên của anh trên xứ người (Đức).

Là một tác giả từng sáng tác và có bài đăng tải ở Việt Nam trước khi sang Đức, như vậy, anh Thế Dũng là bậc “đàn anh” của chúng tôi về “thâm niên” trong nghề (và cả về tuổi tác). Bọn tôi, “lũ người tứ xứ”, đa phần chưa gặp nhau bao giờ, chỉ quen biết nhau qua những trang viết, ai cũng mừng cho anh vì ra được một cuốn sách ở ngoài này cũng không phải là dễ. Có điều, đã sách, lại là thơ, nên dễ hiểu là độc giả hạn chế: ra sách xong, có cái tặng bạn bè, có cái giữ lại cho mình làm kỷ niệm, nhưng đến phần phải… tiêu thụ thì hẳn là khó.

Ai cũng ý thức được như vậy.

Có điều, vẫn phải và cần có một buổi ra mắt cho đường hoàng và “danh chính ngôn thuận”!

*

Buổi ra mắt diễn ra tại Berlin và tôi được biết chi tiết về nó thông qua anh Nguyễn Hoài Phương, cũng là một nhà văn, sống ở Đức. Anh Phương, sau này, là một tác giả tham gia và cộng tác rất nhiệt tình với NCTG.

Anh Nguyễn Hoài Phương thuật lại bữa đó, rất vui, tiếc rằng tôi không còn giữ lá thư anh nên chỉ nhớ lỗ mỗ. Đại loại, vụ ra mắt sách được làm kết hợp cùng một buổi vui chơi giải trí cộng đồng gì đó, kèm cả ăn uống. Anh em bạn văn gặp nhau, mừng mừng tủi tủi; nhưng đa phần bà con thì không quan tâm mấy đến các ông thi sĩ nhà ta. Họ sốt ruột chờ màn ăn uống và nhảy nhót; cuốn thơ in giấy cứng, design tử tế, trang trọng… ít người hỏi tới. Sau cuộc vui, anh Phương phát hiện ra mấy cuốn để trên cùng có vết mỡ, hẳn do ai đó ăn nem rồi “sờ sà” vào. Như đã chờ đợi từ trước, có vỏn vẹn 2 cuốn được bán ra, và một cuốn bị “cuỗm” lúc nào chả ai hay!

Về phần tôi, trước cái thời điểm “lịch sử” đó một tuần, đã nhận được một tờ giấy in song ngữ Việt - Đức (có ảnh anh Thế Dũng râu ria xồm xoàm rất oai) cổ động cho vụ ra mắt. Tôi cũng chỉ đọc qua, phần vì chả sang Đức dự được, phần khác - nói thẳng, không dám giấu dốt! - vì không phải lúc nào cũng “cảm” được cái hay trong thơ anh Thế Dũng.

Giới thiệu đêm ra mắt tập thơ "Từ Tâm"

Hồi đó, điện thoại cầm tay còn là thứ quý hiếm. Tôi, vì không phải dân kinh doanh, cũng ít “giao lưu” với ai, nên không dùng mobile; có gì đều phải thông qua máy tường của chủ nhà, tận tầng 2. Nhà tôi thuê ở tỉnh (khi đó chúng tôi chưa về Budapest) là một ngôi nhà vườn: chúng tôi ở riêng một căn hộ nhỏ xíu, còn lại là một nhà 2 tầng, tầng 1 có một bà già tàn tật (bị liệt, phải chống 1 cái khung sắt hoặc nạng, khi đi lại), tầng 2 là cặp vợ chồng cô con gái bà và 2 đứa con.

Một đêm mưa gió bão bùng (nghe “sến” như trong truyện tình, nhưng quả thực là vậy!), khoảng 3 rưỡi sáng, tự nhiên tôi thấy có tiếng gọi cửa. Hồi đó, tôi ở nhà một mình vì “hiền thê” đi vắng có việc. Tôi lạnh tóc gáy, hơi rờn rợn vì tiếng gọi giữa đêm, như… ma! Nhưng sau khi định thần, đúng là tiếng người thật: “Linh, mày có điện thoại!

Tôi lò mò dậy mặc quần áo và vùng ra cửa. Thì thấy bà già chống gậy trước cửa, ướt sũng vì mưa. Hóa ra gia đình cô con gái bà đi vắng, bà lên tầng 2 ngủ và khi có điện thoại, bà đã gọi vọng xuống cho tôi, nhưng tôi không nghe thấy vì mưa to. Thành ra bà phải xuống tận nơi để lay tôi.

Tiên sư… chắc Đỗ Kh! Hẳn lão nhầm lẫn giờ giấc nên mới gọi vào cái giờ khỉ đột này!” - tôi bực dọc lẩm bẩm vì ngoài ông thi sĩ kỳ dị Đỗ Kh. ra (khi ấy anh ở Mỹ và chúng tôi có vài dịp điện đàm với nhau), ở châu Âu chả ai… điên mà gọi cho tôi giữa đêm khuya khoắt thế. Nhấc máy, tôi đã định “chỉnh” ngay cho lão một bài học về sự chênh lệch giữa múi giờ Hung và Hoa Kỳ, thì nghe thấy một giọng là lạ, ngai ngái, vẻ say xỉn: “Hoàng Linh đấy à? Anh Thế Dũng đây!

Giời ạ, ông làm… đếch gì mà gọi vào cái giờ khuya khoắt này!” - tôi rủa thầm, nhưng bề ngoài vẫn rất hòa nhã, “vâng” “dạ” lia lịa. Được một lúc thì tôi mới hiểu ra là anh Thế Dũng vừa qua đêm ra mắt tập thơ, chắc là rất rôm rả, và do đó ảnh rủ vài người thức trắng đêm, gọi đi chỗ này chỗ khác khoe tin vui.

Hình như là anh Nguyễn Hoài Phương cũng có trong nhóm đó và tôi có được nói vài câu với ảnh, nhưng thú thực là tôi muốn qua cái tấn bi hài kịch ấy càng nhanh càng tốt. Bà chủ nhà chống gậy ngồi ở ghế bên cạnh, dáng điệu ỉu xìu. Chắc bà chả hiểu tại sao lại có giống người mọi rợ gọi điện vào lúc gần 4 giờ sáng như thế!

Rồi, cú điện đàm viễn liên cũng xong, sau khi hai bên đã trao đổi hàng loạt những câu thăm hỏi rất vô vị, máy móc, thậm chí… vô duyên kiểu “ông nói gà bà nói vịt“: một bên thì buồn ngủ díp mắt, bên kia lại chuếch choáng hơi men. Tôi vội vã xin lỗi rối rít bà chủ nhà: “Anh bạn tôi là thi sĩ, vừa ấn hành tập thơ, nên có hơi quá. Bà cũng biết đấy, văn nghệ sĩ mà…”. Bà già cũng biết tôi hơi dính đến việc viết lách, nên không lạ chuyện có người quen là nhà thơ. Tuy nhiên, bà cũng buông một nhận xét lửng lơ: “Thôi không sao. Có điều, thi sĩ Việt Nam các cậu bê tha quá!

Chao ôi, giá được chứng kiến các ông nhà thơ Việt Nam “thứ thiệt”, chắc bà phải ôm đầu chạy mất dép! Còn tôi, bữa ấy bị một cú muối mặt vì đêm thơ anh Thế Dũng!

Nói đi nói lại, vụ scandal đó không làm giảm lòng yêu mến của tôi với anh Thế Dũng, vốn là người rất tốt, rất nghệ sĩ và chân thành; có bận, sau khi làm xong một bài thơ về Hà Nội, anh đã gọi điện cho tôi và đọc một lượt bài thơ, vì “bên này chả có ai để chia sẻ!

Xem Phần 2 của bài viết.

Nguyễn Hoàng Linh - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn