Câu chuyện văn nghệ: THÂM TÂM & TỐNG BIỆT HÀNH" & AI LÀ "LY KHÁCH"?

Thứ sáu - 08/10/2004 22:14

(NCTG) "Tống biệt hành" là bài thơ nổi tiếng nhất của Thâm Tâm, đồng thời cũng là một kiệt tác của phong trào Thơ Mới. Có sách (ở Việt Nam) dã liệt nó vào hàng mười bài thơ hay nhất của thế kỷ vừa qua. Trong "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh & Hoài Chân đã tỏ ra rất thích "Tống biệt hành" và nhận xét như sau về thi phẩm ấy: "Điệu thơ gấp gáp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại, uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ", mà mang phong vị "bâng khuâng khó hiểu của thời đại". (1)

Thâm Tâm (1917-1950)

Đọc "Tống biệt hành", chúng ta có thể nhận thấy một vài điểm lạ. Thứ nhất, "hành" là một thể thơ cổ, các nhà Thơ Mới rất ít đụng đến, nhưng ba người bạn tâm giao Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm lại hay dùng; riêng Thâm Tâm đã có một chùm ba bài "Can trường hành", "Vọng nhân hành" và "Tống biệt hành". Thứ nhì, trong khi các thi sĩ Thơ Mới hay làm những bài yêu đương, tình tứ thì ba ông của nhóm "Tam anh" (hay xóm "áo bào gốc liễu", như cách gọi của người đương thời) lại ưa thích loại thơ bi phẫn, rắn rỏi và gân guốc. Từ cuối thập niên 30 thế kỷ trước, Thâm Tâm đã thốt lên "Trời hỡi! Mai này tôi phải đi - Thơ này rồi chẳng đọc ai nghe - Đời nhiều nhưng có dăm người bạn - Thì viễn ly không có đường về". Hai cụ Hoài Thanh - Hoài Chân đã "định khép cửa lại, dẫu có thiên tài gõ cửa cũng không mở", vậy mà lại phải dậy đón Trần Huyền Trân vì ông, dù thơ "không xuất sắc lắm", nhưng "ít nói yêu đương", mà chủ trương "Cất bút cho dòng chữ kiếm reo" và lúc nào cũng định "Thôi thế anh về - tôi đi đây". Nguyễn Bính thì ngoài những bài yêu đương nam nữ như chúng ta thường đọc, rất hay... dọa "Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây". Ông nào cũng muốn "đi", chẳng hiểu họ định đi đâu?

"Chí khí" như thế, nên sau 1945, bộ ba thi sĩ này đi theo cách mạng là chuyện "tất yếu của lịch sử" (nói theo kiểu "duy vật biện chứng").

Trở về đề tài "Tống biệt hành". Từ xưa, nhiều người muốn rành rọt, đã cố tìm hiểu xem các nhân vật trong bài thơ là những ai. Nhân vật "ta", chắc là tác giả (Thâm Tâm). Người "ly khách" là một ẩn số. Thô thiển một chút, người ta suy rằng anh ta có hai chị, một em gái và một mẹ già. Có người lại cho rằng "mẹ", "chị" và "em" ở đây đều thuộc gia đình người đi tiễn. Và không ít người cứ mò mẫm theo các dữ kiện đó mà tìm!

Cách đây mười mấy năm, làng văn Việt Nam hớn hở vì đã tìm được nhân vật "ly khách": hóa ra, đó là một "anh bộ đội" đi kháng chiến! Báo chí trong nước cho biết: tên ông là Phạm Quang Hòa (bút hiệu Lương Trúc), nguyên giám đốc Sở Thông tin Liên khu X (Việt Bắc). Trước năm 1945, ông Hòa đã có thơ in ở "Tiểu thuyết thứ Bảy" và là bạn thân của Thâm Tâm và Trần Huyền Trân. Dường như bộ ba này đã ra được tờ báo "Bắc Hà" với số vốn ban đầu vỏn vẹn 50 đồng của ông Hòa.

Theo lời kể của ông Hòa, "Tống biệt hành" được Thâm Tâm viết trong bữa rượu chia tay tiễn ông lên đường hoạt động cách mạng. Cũng theo ông, trong dịp đó, Trần Huyền Trân và Nguyễn Bính cũng làm thơ tặng ông nhưng ông Hòa đã quên bài của Trần Huyền Trân, còn bài của Nguyễn Bính "đã được giới thiệu" (tôi không có trọn vẹn bài này, chỉ biết mấy câu "Tôi và anh: Bính và Hòa - Ở đây xa chị, xa nhà, xa em... - Đây là giọt lệ phân ly - Ngày mai tôi ở, anh đi, bao giờ?")

Nói về các nhân vật "mẹ", "chị" và "em", ông Hòa cho biết: ngoài bà mẹ ra, ông có một chị dâu rất thương ông (!) và một cô bạn gái của chị mà ông cũng quí như bà chị (!). Còn cô "em gái" thì chính là người yêu của ông Hòa, lúc đó mới 16 tuổi; ngày tiễn đưa, cô đã tặng ông Hòa một chiếc mùi-xoa nhỏ, ở góc có thêu chữ YA ("Yêu anh"; con gái ngày xưa mà nghe chừng bạo quá!)

Nói chung, thông tin của ông Hòa bị nhiều người ngờ vực, bán tin bán nghi. Cái chính là ông "để trong lòng" quá lâu, đến cuối thập niên 80 mới "công bố" chi tiết "đi bộ đội" đó; lúc ấy, cả nhóm Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính đã tịch từ lâu rồi nên chẳng còn ai mà kiểm chứng. Trong các tư liệu có trong tay, tôi thấy độc một ông Bùi Viết Tân nào đó xác nhận là vào cuối năm 1949, trong một dịp đồng hành với Thâm Tâm, ông được Thâm Tâm tâm sự là đúng ông viết "Tống biệt hành" để tặng Phạm Quang Hòa thoát ly lên chiến khu làm cách mạng. Nhưng chi tiết này lại mâu thuẫn với những lời kể của Vũ Cao, tác giả "Núi đôi". Vũ Cao có thời sống cùng Thâm Tâm khi Thâm Tâm làm thư ký tòa soạn tờ "Vệ quốc quân". Theo lời kể của ông Cao, Thâm Tâm đã rất cố gắng trút bỏ triệt để "tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn", quyết "lột xác" để theo kháng chiến: ông tỏ ra rất lạnh lùng, lầm lì, lúc nào cũng chăm chú vào công việc. Ngoài ra, Thâm Tâm cấm mọi người không được nhắc lại "Tống biệt hành", vì coi đó là sản phẩm của quá khứ "tiểu tư sản", cần "khai tử". Nếu đúng thế, thì câu chuyện Thâm Tâm tự nhiên lại "tâm sự" cho người lạ nghe về hoàn cảnh ra đời của "Tống biệt hành", dường như không đáng tin lắm.

Vũ Cao có viết một trường hợp rất cảm động, xin trích:

"Có một lần duy nhất tôi chứng kiến phút yếu đuối của Thâm Tâm: đó là một đêm giao thừa giữa rừng. Ở lại cơ quan báo, chỉ còn tôi và Thâm Tâm. Cái phút linh thiêng ấy, chung quanh tối đen như mực, hai chúng tôi như ở một thế giới riêng, sẵn lòng bộc lộ những nghĩ suy sâu kín nhất với nhau. Bên đống lửa sưởi bên ngoài và ly rượu sưởi trong lòng, vẫn không bớt lạnh, tôi bộc lộ tình cảm của mình với Thâm Tâm: "Anh ạ! Nói gì thì nói, tôi vẫn rất yêu bài thơ "Tống biệt hành" của anh. Trong giờ phút chỉ có hai anh em mình, anh cho phép tôi đọc lại bài thơ ấy". Thâm Tâm khẽ cúi xuống, không nói gì. Tôi hiểu là anh đồng ý, nên cứ đọc. Dưới ánh lửa lúc mờ lúc tỏ, tôi thấy rõ nước mắt anh dàn dụa theo những câu thơ tôi đọc. Nghe xong, anh rút khăn lau hết nước mắt, rồi nghiệm giọng bảo tôi: "Từ giờ trở đi, tôi cấm cậu đọc bài thơ đó!"

Trở lại chuyện ông Hòa có phải là người "ly khách" trong "Tống biệt hành" hay không, bản thân người viết bài này cũng nghi ngờ vì sau bận nhận mình là "ly khách", ông Hòa còn hăng hái lao vào vụ "T.T.Kh., nàng là ai?" (2) rất rẻ tiền và đượm mùi vị "sến", từng làm xôn xao văn đàn Việt Nam cách đây dăm. Tuy nhiên, để công bằng, cũng phải nhắc đến một "thành tích" của ông Hòa: ông đã nhắc đến khổ thơ cuối của "Tống biệt hành", vốn xuất hiện trong bản gốc của bài thơ trên tờ "Tiểu thuyết thứ Bảy" năm 1940. "Thi nhân Việt Nam" đã bỏ đoạn này (cũng đúng, vì theo tôi, có nó, đâm thừa, và dường như chính tác giả Thâm Tâm cũng chấp nhận sự "biên tập" này) và trong các lần in về sau, người ta cũng quên nó luôn. Đây là một vấn đề văn học sử, cần được tôn trọng.

Tôi đang nghi ngờ về câu chuyện của ông Hòa, thì lại đọc được một "tư liệu" khác, thực ra cũng đáng nghi vấn không kém. Ấy là "hồi ức" của ông Ngọc Giao về Thâm Tâm.

Ông Ngọc Giao cũng thuộc lớp nhà văn, nhà báo "tiền chiến", trong hơn chục năm gần đây tương đối khét tiếng vì những "hồi tưởng" của ông về nhiều văn nghệ sĩ tiền chiến. Dường như ông quen tất cả bọn họ nên ông viết vanh vách như thật. Ông Giao từng bị nhiều người phản ứng khi ông kể câu chuyện nhà văn Nam Cao ăn cắp gà của hàng xóm để đãi nhóm bạn bè thân, trong đó có ông và bộ ba "Tam anh" (dịp ấy, bà Nam Cao cũng lên tiếng phản đối). Lần này, ông Giao cho biết bài thơ "Tống biệt hành" là "tâm sự" của Thâm Tâm trong bữa rượu ở nhà Lê Văn Trương nhằm chia tay một anh Viễn nào đó, khi anh này đi xa.

Xin đừng ai cười nhé, theo lời của ông Giao, anh Viễn vốn là "một tay đồ tể khét tiếng ở lò sát sinh Lò Đúc". Tuy nhiên, bù lại, được cái anh này "rất yêu mến, hiểu biết về văn học, hào hiệp như một hảo hán thời Đông Chu liệt quốc". Và "Thâm Tâm ứng khẩu đọc bài thơ ấy trên chum rượu bên hồ".

Quý bạn chịu chưa? Toàn những là "ông", là "cụ" cả, cụ nào cũng "lão thành", cũng "lâu năm". Biết tin cụ nào đây?

Nghĩa là nghi vấn văn học "ai là ly khách" dường như chưa có câu trả lời khả tín và dứt khoát!

Ghi chú:

(1) "Thi nhân Việt Nam", trang 280 (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1988). Về "Tống biệt hành", xin xem thêm bài phân tích trong loạt "Đến với bài thơ hay" (NCTG số 34, ngày 10-9-2004).

(2) Khá nhiều "tư liệu" thú vị và tương đối cập nhật hóa về Thâm Tâm & "Tống biệt hành" & T.T.Kh., v.v... đã được tập trung trong cuốn "Thâm Tâm và T.T.Kh.", Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1997.

H.Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn