100 BÀI THƠ HAY NHẤT VIỆT NAM THẾ KỶ XX, MỘT CUỘC BÌNH CHỌN “THÙNG RỖNG KÊU TO”?

Thứ hai - 12/03/2007 12:49

(NCTG) Một sự kiện được công luận và giới yêu thơ Việt Nam đặc biệt chú ý thời gian qua là việc 100 thi phẩm được coi là xuất sắc - thông qua cuộc bình chọn kéo dài gần 2 năm mang tên Chọn những bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX, do Trung tâm văn hóa Doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức - đã được công bố trong Đêm Nguyên tiêu của Ngày thơ Việt Nam (3-3).

Báo giới Việt Nam cho biết: các bài thơ đó đã được in thành sách và phát hành rộng rãi.

Có thể thấy điều gì qua danh sách 100 bài thơ dưới đây?

- Tiêu chí cuộc bình chọn không được công bố rõ ràng, tuy nhiên, dễ thấy là 100 bài thơ được chia đều cho 100 tác giả, nên có tình trạng nhiều tác giả (và/hoặc tác phẩm) xoàng lại có mặt, trong khi những tác giả nổi danh lại được chỉ đại diện với một thi phẩm không hẳn đã là hay nhất.

Chiếc bình hoa ngày cưới - thành bình hương - tàn lạnh vây quanh” - thi phẩm “Màu tím hoa sim”, bài thơ tình bi hùng bậc nhất của Việt Nam thế kỷ XX, đã không có mặt trong tuyển tập - Ảnh: Văn Khoa (từ TP HCM)

- Một điều lạ là nếu thực sự đây là danh sách bình chọn trên cơ sở bạn đọc yêu thơ đề cử (không thấy bất cứ một thống kê nào được công bố để chứng tỏ sự xác tín của cuộc bình chọn), thì đâu là lý do để nhiều bài thơ xoàng xĩnh, “trung bình chủ nghĩa”, hầu như không mấy ai biết, lại có mặt ở chung cuộc?

- Vì những lý do dễ hiểu, thi ca của Sài Gòn thời 1954-1975, cũng như thi ca hải ngoại sau 1975 - mặc dù cũng là “thơ Việt Nam” - hầu như không có mặt trong tuyển tập.

- Trong khi 99 bài thơ trong tuyển tập đều bằng tiếng Việt, thì chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt trong danh sách với một bài thơ… tiếng Hán có tựa đề trùng với thời điểm tổ chức Ngày Thơ Việt Nam thường niên. Ngoài ra, khi đăng tải danh sách trên báo chí, “Nguyên Tiêu” và tên chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng được đặt đầu tiên, 99 bài còn lại được sắp xếp theo tên tác giả dựa vào bảng chữ cái.

Với những tiêu chí không mù mờ, thậm chí lộn xộn kiểu “ăn xổi ở thì” như vậy, có thể xuất phát từ một ý đồ tích cực là “tiếp thị” thi ca đến đông đảo người đọc, nhưng “100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX” dường như đã trở thành một thứ… thùng rỗng kêu to. Lợi bất cập hại!

DANH SÁCH 100 BÀI THƠ HAY NHẤT:

1) Nguyên Tiêu - Hồ Chí Minh.
2) Ngày Hòa bình đầu tiên - Phùng Khắc Bắc.
3) Những bóng người trên sân ga - Nguyễn Bính.
4) Tạm biệt Huế - Thu Bồn.
5) Vào chùa - Đồng Đức Bốn.
6) Sư đoàn - Phạm Ngọc Cảnh.
7) Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc - Văn Cao.
8.) Núi Đôi - Vũ Cao.
9) Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm.
10) Tràng Giang - Huy Cận.

11) Dọn về làng - Nông Quốc Chấn.
12) Quê hương - Nguyễn Bá Chung.
13) Say đi em - Vũ Hoàng Chương.
14) Miền Trung - Hoàng Trần Cương.
15) Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ.
16) Anh đừng khen em - Lâm Thị Mỹ Dạ.
17) Nguyệt cầm - Xuân Diệu.
18) Cô bộ đội ấy đã đi rồi - Phạm Tiến Duật.
19) Tây tiến - Quang Dũng.
20) Lên Côn Sơn - Khương Hữu Dụng.

21) Đò lèn - Nguyễn Duy.
22) Chiều - Hồ Dzếnh.
23) Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà.
24) Cha tôi - Lê Đạt.
25) Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm.
26) Núi mường Hung dòng sông Mã - Cầm Giang.
27) Mắt buồn - Bùi Giáng.
28) Hai sắc hoa tigôn - T.T.KH.
29) Đọc thơ Ức Trai - Sóng Hồng.
30) Bài thơ tình ở Hàng Châu - Tế Hanh.

31) Trở về quê nội - Ca Lê Hiến.
32) Đêm mưa - Hoàn.
33) Những đứa trẻ chơi trước cửa đền - Thi Hoàng.
34) Cửu Long Giang ta ơi - Nguyên Hồng.
35) Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ.
36) Nỗi niềm Thị Nở - Quang Huy.
37) Đường khuya trở bước - Đinh Hùng.
38) Người về - Hoàng Hưng.
39) Đồng chí - Chính Hữu.
40) Khi con tu hú - Tố Hữu.

41) Lên Cấm Sơn - Thôi Hữu.
42) Lời nói dối nhân ái - Trang Thế Hy.
43) Gánh nước đêm - Á Nam Trần Tuấn Khải.
44) Tỳ bà - Bích Khê.
45) Gửi bác Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa.
46) Thu điếu - Nguyễn Khuyến.
47) Bến Mi Lăng - Yến Lan.
48) Tháp Chàm - Văn Lê.
49) Ông đồ - Vũ Đình Liên.
50) Đèo cả - Hữu Loan.

51) Viếng bạn - Hoàng Lộc.
52) Tiếng thu - Lưu Trọng Lư.
53) Nhớ rừng - Thế Lữ.
54) Một vị tướng về hưu - Nguyễn Đức Mậu.
55) Những mùa trăng mong chờ - Lê Thị Mây.
56) Dặn con - Trần Nhuận Minh.
57) Hội Lim - Vũ Đình Minh.
58) Khóc người vợ hiền - Tú Mỡ.
59) Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ.
60) Quê hương - Giang Nam.
 
61) Thị Màu - Anh Ngọc.
62) Nhớ - Hồng Nguyên.
63) Trời và đất - Phan Thị Thanh Nhàn.
64) Người đàn bà ngồi đan - Ý Nhi.
65) Nhớ máu - Trần Mai Ninh.
66) Mẹ - Nguyễn Ngọc Oánh.
67) Bông và mây - Ngô Văn Phú.
68) Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương - Việt Phương.
69) Đợi - Vũ Quần Phương.
70) Tên làng - Y Phương.

71) Lời mẹ dặn - Phùng Quán.
72) Có khi nào - Bùi Minh Quốc.
73) Tự hát - Xuân Quỳnh.
74) Áo lụa Hà Đông - Nguyên Sa.
75) Bài thơ của một người yêu nước mình - Trần Vàng Sao.
76) Người đẹp - Lò Ngân Sủn.
77) Đồng dao cho người lớn - Nguyễn Trọng Tạo.
78) Tống biệt hành - Thâm Tâm.
79) Dấu chân qua trảng cỏ - Thanh Thảo.
80) Đất nước - Nguyễn Đình Thi.

81) Những người đàn bà gánh nước sông - Nguyễn Quang Thiều.
82) Nghe tiếng cuốc kêu - Hữu Thỉnh.
83) Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông.
84) Bờ sông vẫn gió - Trúc Thông.
85) Bến đò ngày mưa - Anh Thơ.
86) Thăm lúa - Trần Hữu Thung.
87) Cổ lũy cô thôn - Phạm Thiên Thư.
88) Nói sao cho vợi - Thu Trang.
89) Mưa đêm lều vó - Trần Huyền Trân.
90) Bên mộ cụ Nguyễn Du - Vương Trọng.

91) Nhớ Huế quê tôi - Thanh Tịnh.
92) Màu thời gian - Đoàn Phú Tứ.
93) Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử.
94) Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui.
95) Em tắm - Bạc Văn Ùi.
96) Một ngày ta ngoái lại - Đinh Thị Thu Vân.
97) Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên.
98) Bếp lửa - Bằng Việt.
99) Vườn trong phố - Lưu Quang Vũ.
100) Thương vợ - Trần Tế Xương.

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn