Ý kiến bạn đọc: “NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN”: SỰ TRUNG THỰC CỦA TÌNH YÊU?

Thứ bảy - 17/05/2008 21:30

(NCTG) “Những ngọn nến cháy tàn” của Márai Sándor (bản dịch Giáp Văn Chung, Tủ sách Nhịp cầu Thế giới xuất bản tại Hungary tháng 11-2007) là câu chuyện kể về mối tình tay ba đã qua rất lâu giữa hai người đàn ông và một người đàn bà.

Họ từng là những người thân của nhau: hai người đàn ông là bạn chí cốt, người đàn bà là vợ của môt người đồng thời là học trò của người kia. Hai đàn ông đều yêu người đàn bà tha thiết nhưng vì lý do nào đó, người đàn bà lại lấy người mình không yêu.

Tôi đọc “Những ngọn nến cháy tàn” trong thời gian khá lâu. Đọc đi đọc lại để nghiền ngẫm những đoạn độc thoại rất phức tạp của nhân vật chính. Tội lỗi đã xảy ra, người có tội cũng đã được xác định nhưng sự thật lại không hề đơn giản. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng về những phân tích biến chuyển tâm lý các nhân vật, từ lúc nghi hoặc tội lỗi đến lúc khẳng định sự thật. Sự độc đáo của cuốn tiểu thuyết là đến cuối truyện cũng không thể kết luận chắc chắn ai là người phải trả giá nhất.

Nhân vật chính, người chồng, kể lại cảm giác của mình hơn 40 năm trước, khi đã biết lờ mờ về quan hệ của bạn và vợ. Bốn mươi năm sau, gặp lại người bạn “phản bội”, người vợ đã chết, chỉ còn người bị buộc tội phản bội là biết sự thật. Nhưng sự thật không đơn giản chỉ là những gì ta nhìn thấy, suy đoán, sự thật còn là cả một tập hợp rất phức tạp của tình cảm con người, nơi mà nhiều lúc, mọi nguyên tắc đạo đức chỉ là lý thuyết suông.

Trong cả cuốn tiểu thuyết, không có cảnh gì cụ thể để chứng minh việc phạm tội ngoại tình của người bạn với vợ của nhân vật chính, chỉ có những ký ức sâu đậm về một vài khoảnh khắc khủng khiếp như dự định giết bạn, cướp vợ, những ánh mắt bối rối, những cuốn sách không bình thường… Lúc đầu, người chồng vạch tội phản bội, lừa dối của bạn mình, nhưng rồi, ông dần tự chuyển sang những phân tích sâu sắc hơn về nguyên nhân phạm tội, hoàn cảnh tâm lý và những ý nguyện sâu thẳm của người đã khuất. Người bạn không thừa nhận, cũng như không phản đối, những phân tích của người chồng, bởi:

1. Người chồng kiêu hãnh đứng nhìn những kẻ phạm tội, vừa muốn biết lý do tại sao mình bị những người thân yêu nhất lừa dối, nhưng thực chất vừa “sợ” hai kẻ phản bội bởi ông linh cảm thấy họ có những lý do riêng. Trong những đoạn độc thoại đầy hoài nghi của mình, ở phần giữa cuốn tiểu thuyết, ngơừi chồng bộc lộ nỗi lo sợ mơ hồ, chính xác hơn là sự ghen tị với tình cảm thuần khiết của hai tâm hồn đồng điệu đáng ngưỡng mộ. Thực tế, ông là người chồng ngay thẳng, được quyền phán xét những kẻ ngoại tình nhưng lại chẳng thể làm gì bạn, và không dám làm gì vợ, chỉ hèn nhát đứng nhìn bà trả lời bằng cái chết. Vì hèn nhát và ích kỷ, không đủ trí tuệ và lòng độ lượng, cả đời ông đã phải sống cô độc trong nghi hoặc và phẫn uất. Cuối truyện, may thay, ông cũng nói được vài câu tỏ rõ sự trân trọng người vợ, người đàn bà dám quay lưng lại với ông.

2. Người vợ, mong manh và giàu cảm xúc thánh thiện. Giấu chồng hẹn hò với bạn chồng, tưởng rằng yêu là trung thực với con tim nhưng vì không trung thực đến cùng nên bà cũng không thoát khỏi phải trả giá bằng cái chết, cho dù, cái chết của bà là sự phản kháng cao nhất đối với người chồng đồng sàng dị mộng.

Ở đây, đặt ra một tình huống rất thú vị mà ngày nay không khó thực hiện: hai người yêu nhau công khai tình yêu của mình, trung thực đến cùng với bản thân và những người xung quanh, chắc chắn kết cục sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng, thời điểm đó, người có khả năng chủ động hơn là người đàn ông đã không đủ tài trí để hành động vượt qua ngưỡng chật hẹp của quan điểm trọng nghĩa hơn trọng tình, vì thế, dẫn đến kết cục bi thảm cho người thụ động, chính là người phụ nữ, tình yêu của ông ta.

3. Dù mang trong mình tội lừa dối bạn và bỏ rơi người tình nhưng người bạn, một tài năng âm nhạc, sống rất ung dung bởi ông ta biết rằng mình đã làm đúng - dù cái đúng này chỉ đúng với bản tính của ông ta. Với mình, ông ta không lừa dối bản thân khi dám yêu. Với bạn, ông ta cũng không phạm tội giết bạn dù có thừa khả năng và cơ hội. Ông ta chỉ có tội với người phụ nữ khi không dám quyết liệt giành lấy nàng, đã hèn nhát từ chối cuộc sống với nàng bởi những khó khăn chồng chất dễ nhận thấy.

Tác giả Márai đã thực sự thể hiện đẳng cấp tư duy phân tích tâm lý khi để người “phản bội” ung dung sống một mình và bình tĩnh trở về lại chốn xưa. Vì sao được như vậy? Là vì việc trả nợ bạn cũ một sự thật lại nghiêng cán cân công lý về ông ta: ông ta biết yêu, con tim ông ta ít nhất đã rung động và khiến người khác xúc động. Điều đó phần nào hơn hẳn người chồng, tuy nắm giữ chân lý nhưng khô cằn và cô độc. Nhưng dù sao, sự hèn nhát đã đè nặng lên đôi vai của ông ta, khiến ông ta sống mà không được tỏa sáng dù có thật nhiều xúc cảm và tài năng trong mình.

Thế mới biết, con người cứ đặt ra cho mình những luật lệ rồi tự mình xé luật không thương tiếc. Đó phải chăng cũng là quy luật?

Nhìn bề ngoài thì họ đúng là đã ngoại tình, bất chấp việc ấy làm tổn thương tình bạn và tình vợ chồng. Nhưng trong sâu thẳm con người, người đàn ông và người đàn bà ấy đã có một tình yêu đẹp khi hướng về nhau với tất cả những gì trân trọng và thú vị nhất. Tâm hồn hai kẻ khát khao sự đồng điệu và tiếng nói của tâm hồn thì khó mà giả dối. Nếu họ tuân theo những nguyên tắc đạo đức của xã hội thời bấy giờ, họ lừa dối chính bản thân. Còn đi theo tiếng gọi của trái tim, họ lại bị dằn vặt vì cảm giác có tội với người chồng, người bạn chí cốt.

Cái độc đáo và tài năng của Márai Sándor là những phân tích rất sâu sắc về cái giá phải trả khác nhau của mỗi nhân vật khi muốn vươn đến sự trung thực. Đây là phần phức tạp nhất và thú vị nhất, khiến tôi phải rất thận trọng khi tiếp cận vấn đề này. Chắc chắn sẽ có điều không hợp “khẩu vị” của người khác, đành khất lỗi vậy.

Đăng Hương, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn