Đọc sách: “NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN” - SỰ ĐAM MÊ, BI KỊCH VÀ LỐI THOÁT

Thứ ba - 04/12/2007 22:52

(NCTG) Tên tuổi của Márai Sándor (1900-1989) - văn hào Hungary - được biết đến rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia nói tiếng Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha. Còn ở chính quê hương nhà văn, mặc dù trong thập niên 30 thế kỷ trước ông đã sớm nổi tiếng với các thi phẩm của mình và từng được mệnh danh là “ca nhân của nền tư sản Hungary”, thì bẵng đi 50 năm sau đó, tên tuổi ông bị rơi vào quên lãng.

Các tác phẩm của Márai chỉ được phép in ấn trở lại tại Hungary sau khi ông qua đời bởi lẽ từ năm 1948, ông đã chọn phận lưu vong. Cuộc đời là “những chuyến đi” dài trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ, thậm chí cả những vùng Cận Đông xa xôi, đã khiến Márai trở thành một “công dân thế giới” theo đúng nghĩa của từ này (*). Điều đó vừa mang lại cho ông vốn sống bất tận để sáng tác, mang lại những tư tưởng cấp tiến táo bạo cho ngòi bút của ông, đồng thời cũng đặt cuộc đời nhà văn trực diện với nhiều bi kịch. Márai Sándor đã tự sát tại San Diego vào tháng Hai năm 1989.

Tuy vậy, với di sản tinh thần đồ sộ để lại gồm thơ, tiểu thuyết, kịch bản, các bài báo nghị luận…, chỉ trong vòng vài năm sau khi mất, ông nhanh chóng trở thành một trong những tác gia được đọc nhiều nhất ở đất nước mình. Năm 1990, ông được truy nhận Giải Kossuth, giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật ở Hungary.

Trong số những tác phẩm nổi tiếng của Márai Sándor trên văn đàn thế giới, phải kể đến tiểu thuyết “Những ngọn nến cháy tàn”, được xuất bản lần đầu năm 1942. Năm 1998, cuốn sách được in tại Ý, ngay lập tức trở thành best-seller của năm. Tính đến năm 2005, NXB Adelphi (Milan) đã tái bản nó đến lần thứ… 35 - một con số kỷ lục! Cuốn sách cũng đã được dịch ra tiếng Anh, Đức và được bạn đọc châu Âu đón nhận nồng nhiệt: tổng số sách bán ra lên tới vài chục vạn bản. Ở Hung và nhiều nước khác, tác phẩm đã được chuyển thể thành kịch bản và dựng thành phim.

Và tháng 11-2007, “Những ngọn nến cháy tàn” đã đến được với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch rất mềm mại, uyển chuyển và dụng công của dịch giả Giáp Văn Chung, một trí thức Việt Nam hiện đang sinh sống tại Budapest. Đây là cuốn sách nằm trong dự án quảng bá văn học thế giới của Tủ sách Nhịp cầu Thế giới, do một nhóm người Việt yêu văn nghệ tại Hungary chủ trương. Công việc dịch thuật, in ấn, phát hành… bằng tiếng Việt tại nước ngoài không có được sự hỗ trợ, động viên của các tổ chức văn nghệ và chính quyền như ở trong nước, vì thế, nỗ lực và tâm huyết của các anh chị hoạt động nghệ thuật tại Hung thật đáng trân trọng. Có thể nói, họ đã và đang góp phần xây một nhịp cầu, cho dù còn mong manh, giữa hai nền văn hóa Hungary và Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Hungary mới gia nhập EU, một yếu tố đáng kể khiến việc tìm hiểu thêm về những giá trị văn hóa, tinh thần của đất nước bên bờ sông Danube hữu tình này càng trở nên cần thiết đối với Việt Nam.

*

“Những ngọn nến cháy tàn” là một tiểu thuyết dày độ 200 trang. Cốt truyện giản dị, bó gọn trong ký ức của một ông tướng già (Henrik) qua một đêm chuyện trò với Konrád, người bạn thân thiết tưởng như liền ruột liền gan từ thời thơ ấu, thời tráng niên, cũng là người từng toan tính thủ tiêu ông trong một cảnh dàn dựng như một tai nạn, từng quyến rũ vợ ông và, trong một hoàn cảnh kỳ lạ, đã chạy trốn một cách hèn nhát đến một miền đất xa xôi. Sau hơn bốn thập kỷ, Konrád trở về. Cái đêm ấy rất có thể là lần cuối họ ngồi cùng nhau trong một khung cảnh quen thuộc mà chủ nhà đã cố tình sắp xếp, giữ mọi vật ở vị trí y nguyên như cách đó 41 năm. Những đồ vật vô tri nhưng chúng “cùng giữ một kỷ niệm, ý nghĩa của một phút giây” đã trôi qua trong đời hai con người - phút giây có thể coi là nút thắt cao trào của cuộc đời họ, là bước ngoặt khiến mỗi người mỗi ngả và phải âm thầm chịu đựng bi kịch của riêng mình trong suốt 41 năm.

Ký ức của ông tướng dàn trải trên cả hai trăm trang sách, nhưng có thể chia ra làm hai phần. Phần đầu, như một cuốn phim quay chậm, nhà văn nhẩn nha thuật lại những gì diễn ra trong đời cha mẹ ông, đời ông khi ông còn là một chú bé. Giọng văn của Márai Sándor ở phần này mang chất cổ điển, dùng tả cảnh, tả vật để diễn giải lòng người. Đôi lúc, thủ pháp đặc tả chân dung và đồ vật mang lại hiệu quả tâm lý rất cao, khiến người đọc không thể không cảm thấy thích thú. Đó là cách tác giả tả bà vú già Nini mà “trong xương tủy, trong máu thịt bà mang bí mật của thời gian, của sự sống” với “gương mặt đỏ au và đầy nếp nhăn - chỉ những chất liệu quý hiếm mới lão hóa như thế - những thứ tơ lụa trăm tuổi được dệt bằng sự khéo tay của một gia đình…” Đó là cách tác giả tả thân mẫu Henrik với đôi mắt buồn “hờ hững nhìn cuộc đời như khinh thị”. Đó cũng là cách tác giả tả cái nắm đấm cửa ra vào “còn cảm thấy trên đó một bàn tay run rẩy, hơi ấm của một thời khắc cũ”, v.v…

Phần thứ hai là những mảnh ký ức hiện ra qua lời độc thoại của ông tướng trong đêm. Hai người bạn đối diện nhau, một người ở vị trí quan tòa, người kia là bị cáo. Một người hầu như im lặng, người kia cứ nói, nói cả đêm, cho đến khi những ngọn nến tàn hết. Ở đây, giọng văn không còn mềm mại như phần một, nhịp văn cũng mang tiết tấu khác. Ông tướng khi thì kết tội, khi thì bào chữa hộ những kẻ đã phản bội ông, khi thì dồn dập đưa ra những nhận xét, những hình dung của mình về tình cảm của hai con người này đối với mình, đối với nhau… Những đoạn độc thoại dài phân tích về tình bạn, tình yêu, về tội ác và trừng phạt… mang đậm tính triết lý rối và phức tạp, thậm chí, độc giả có thể có cảm giác văn phong của Márai lúc ấy có đôi chút cẩu thả vì sự hối hả muốn nói đến tận cùng. Dường như nhà văn để cho câu chữ chảy tràn vội vã theo suy tưởng của nhân vật, chảy ào ào không ngăn nổi... Nhưng cũng chính điều này mang lại sự lôi cuốn cho tác phẩm. Ở điểm này, tôi có cảm giác mơ hồ về sự gần gũi của văn phong tác gia người Hung với ngòi bút của văn hào Nga Fyodor Dostoevsky.

“Những ngọn nến cháy tàn” là cuốn truyện khi đã đọc thì khó lòng dứt ra được. Nó lôi cuốn chúng ta không chỉ ở sự sang trọng trong hành văn và sự chính xác của cách diễn tả cảm xúc như đã nói trên, mà còn bởi hiểu biết sâu sắc của tác giả về các miền đất khác nhau trên thế giới. Dễ hiểu tại sao sách được chào đón nồng nhiệt như vậy ở châu Âu. Diễn biến câu chuyện nằm trong bối cảnh của thành Viên, kinh đô của Nền Quân chủ Áo - Hung, nhưng khung cảnh của nó không mang một nét đặc trưng văn hóa riêng của vùng nào cả, mà trong đó, thấp thoáng hình ảnh của cả châu Âu. Những đoạn văn tả cảnh, cho dù đó là cảnh nước Hung với “mùa hè chín nẫu rì rào”, với “những cánh rừng bạch hoa, những đám mây màu hồng trên nền trời hoàng hôn của thảo nguyên”, hay là cảnh Paris với “những ống khói cao… như muốn hét lên với thế gian điều gì đó”, hoặc cảnh vùng biển Bretagne có “cây vả mấy trăm tuổi… kể những tích chuyện đơn giản”… - tất thảy đều được tả lại với ngòi bút của một nhà thơ, chầm chậm, gợi cảm và đầy chất suy tưởng. Ngoài ra, những trường đoạn miêu tả về miền đất nhiệt đới mà Konrád đã đặt chân tới thật sự cho một cảm giác chân thực, mặc dù, có lẽ, Márai chưa từng đến những vùng này. Tôi nhớ lại cuốn “Mẫu Thượng Ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh, thấy giật mình vì những đồng cảm và trùng hợp kỳ lạ về cảm nhận của người da trắng ở xứ sở nhiệt đới, nơi “sự đam mê ẩn giấu sau những cánh rừng”. Đặc biệt thú vị chi tiết những người cu-li bản xứ, “suốt đời sống trong rừng rậm, không điện thoại, không ra-đi-ô…” lại có thể “cảm thấy” cuộc được cách mạng đang xảy ra tận nước Nga xa xôi để vùng lên đòi quyền lợi của mình. Thuật lại những chi tiết tưởng chừng vụn vặt như thế, Márai cũng thổi vào chúng cái hồn của triết lý cuộc sống. Bởi vậy, đọc ông, ta không ngừng ngẫm nghĩ. Đôi khi, phải đặt cuốn sách xuống mà mỉm cười, tưởng lại trong đời mình những khoảnh khắc nào đó mang ý nghĩa tương tự.

Con người nhà văn, như trong lời bạt của sách, “mặc dầu là người Hungary, Márai thực sự là một “công dân thế giới” theo đúng nghĩa của từ này”. Nhưng, nhìn ở góc độ ngược lại, tôi có thể nói: mặc dù là một công dân thế giới theo đúng nghĩa của từ này, mặc dầu quá nửa đời người ông sống xa quê hương, nhưng đọc “Những ngọn nến cháy tàn” ta vẫn thấy day dứt hai chữ Tổ Quốc. Đó là khi hai người yêu gặp nhau, trong sự e ấp, xúc động, “lời đầu tiên tin cậy họ nói với nhau là tên Tổ Quốc chàng” (trang 12). Đó là khi cậu bé Henrik phát ốm vì “mùi lạ”, không phải “mùi” của tình thương yêu, mùi của miền đất riêng mình và cậu đã thà chết còn hơn là phải chịu đựng nó. Đó là khi hai người bạn già đồng tình với nhau rằng: “Người ta chỉ có thể thay đổi giấy tờ tùy thân” chứ không thể thay đổi Tổ Quốc. Đôi khi Tổ Quốc chỉ còn lại là “cảm giác, và cảm giác đó bị xúc phạm” thì con người phải ra đi. Ở đây, ta đọc được bi kịch riêng của nhà văn, qua bi kịch của Konrád.

Trong cuốn sách, ta liên tiếp phải chứng kiến những tấn bi kịch.

Bi kịch lớn nhất có lẽ là bi kịch của những con người mà số phận bắt phải gắn kết với nhau bằng sợi dây ràng buộc là Tình bạn hoặc Tình yêu, nhưng họ lại rất khác nhau - đó là bố và mẹ của Henrik, là Henrik và Konrád, là chính ông tướng và người vợ thân yêu của ông. Một thế giới đơn giản, sáng sủa, vui tươi và kiêu ngạo tồn tại bên một thế giới bí ẩn, tinh tế và tràn đầy những xúc cảm phức tạp. Một người thoải mái trước đám đông, hồn nhiên, kiêu hãnh, một người lại điềm đạm và cứng nhắc, giấu dưới đáy lòng những cơn sóng khát vọng mà không mấy ai hiểu được. Một loại người thì mơ hồ cảm thấy “hiểm họa của âm nhạc”, những người kia thì không màng đến hiểm họa ấy mà lao vào nó như lao vào cái cớ “để lật tung tất cả những thứ mà luật lệ con người đã kìm giữ hết sức cẩn trọng”.

Nằm trong toàn bộ hệ thống triết lý về cuộc đời của Márai Sándor, chỉ trong 200 trang sách, có rất nhiều hình ảnh đắt giá nói về tình yêu, tình bạn, về tuổi già, về sự khác biệt trong tâm hồn của những “kiểu người khác nhau”, về sức quyến rũ khủng khiếp của âm nhạc, về sự cô đơn cùng cực, về những bí mật giữa người và người - những điều làm mòn mỏi đau đớn cuộc sống một con người, đồng thời lại “tạo ra trữ năng, nhiệt huyết” để bắt buộc con người phải sống. Trong tất cả những hình ảnh mà nhà văn xây dựng nên, tôi đặc biệt thích hình ảnh cuốn nhật ký của người vợ Krisztina - khi ấy còn là một cô gái trẻ được chồng mua tặng cuốn sổ để nàng “ghi lại những cảm xúc, những khát vọng, những mảnh vụn tâm hồn không thể nói bằng lời vì ngại ngùng hay bị coi là vặt vãnh...” Márai đã rất sâu sắc khi cho rằng “cuốn nhật ký là sự tin cậy cao nhất có thể giữa hai người khác giới”, dường như ông thấu hiểu được những cung bậc huyền ảo mơ hồ nhất của tâm lý con người, và với hình ảnh này, ông khắc họa một người con gái trung thực, đáng yêu, nhạy cảm và cũng đầy đam mê.

Vâng, sau những bi kịch, tác giả nói đến niềm đam mê - vô hình trung cũng là một bi kịch khác mà con người phải chịu đựng - một cảm giác “còn mạnh hơn lý trí và óc phán xét” của con người. Sau cả một đêm tâm sự, dằn vặt, phân tích với những hoài nghi thực chất cuối cùng vẫn chưa được giải đáp, ông tướng Henrik đã thử lý giải mọi điều cả ba nhân vật trải nghiệm trong đời bằng hai chữ “đam mê”: “Ý nghĩa cuộc sống không gì khác ngoài một nỗi đam mê, một ngày nào đó chế ngự trái tim, linh hồn và thể xác của chúng ta, và nỗi đam mê ấy cháy mãi đến khi ta chết?

Nỗi đam mê sâu sắc, tuyệt vời, đồng thời cũng độc ác và bất nhân - đã khiến con người có thể yêu nhau, bội phản nhau, muốn hủy diệt lẫn nhau, nhưng cuối cùng lại khiến họ có thể tha thứ cho nhau, và nhất là tha thứ cho bản thân mình khi cuộc đời đã sắp tàn như ánh nến trong đêm, nhưng cuộc đời ấy qua đi không vô ích nếu trong đời từng có một đam mê như vậy. Và, với hành động ném cuốn nhật ký của người vợ vào ngọn lửa, ông tướng đã hoàn toàn tha thứ cho bạn, cho mình. Ông đã được thanh thản. Đây là một cái kết có hậu, là một lối thoát cho mọi bi kịch chồng chất mà những nhân vật của chúng ta phải chịu đựng từ trang đầu đến trang cuối của cuốn sách.

Hình ảnh cuối cùng là hình ảnh một nụ hôn mà Márai cho rằng cũng là “một câu trả lời cho một câu hỏi khó nói lên bằng lời”. Dịu dàng, độ lượng, ấm áp đầy tình người, đồng thời cũng tinh tế đến độ không cần lời nói - hình ảnh có sức tỏa ấm, nhẹ nhàng kết thúc một câu chuyện nặng nề đầy ám ảnh.

“Những ngọn nến cháy tàn” được xuất bản lần đầu tiên cách đây đã 65 năm, nhưng cuốn sách nhỏ này mang trong mình cả một sự vĩnh hằng của các vấn đề trong cuộc sống, những quan hệ giữa người và người, sự giằng xé giữa tình cảm và lương tâm, những góc tối sáng của sự vật, sự việc… - tất cả những điều đó, cho dù mấy trăm năm nữa qua đi, vẫn luôn mới mẻ và mãi mãi là bí ẩn đối với suy tưởng của con người.

Tôi không biết tiếng Hung nên không thể nhận xét về độ chính xác của bản dịch. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng câu chữ của bản tiếng Việt rất thanh thoát, cách diễn đạt trong sáng, có cân nhắc để tạo hiệu quả về âm điệu và sự thay đổi tiết tấu của tác phẩm được cảm nhận rõ nét - đó là cái tài của người dịch vậy!

Xin cảm ơn dịch giả Giáp Văn Chung đã đem đến cho người đọc những giây phút rung động cùng Márai Sándor, một trong những tiểu thuyết gia bậc thày của nền văn học Hung và thế giới. Ngòi bút của nhà văn tưởng chừng đã chạm được đến góc sâu thẳm của tâm hồn độc giả, làm sống động những điều có thể từng được giấu kín dưới đáy sâu xa.

(*) Trích “Lời bạt” cuốn “Những ngọn nến cháy tàn” (Tủ sách Nhịp cầu Thế giới xuất bản tại Hungary, tháng 11-2007).

Thụy Anh, 12-2007


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn