Anh Giáp Văn Chung trong ngày "thôi nôi" của NCTG (4-1-2003) - Ảnh: NCTG
“Những ngọn nến cháy tàn” là cuốn tiểu thuyết đặc trưng cho những bi kịch của cuộc sống về tình bạn, tình yêu, con người và đạo đức.
Đồng thời, tác phẩm cũng nói lên bản chất chế độ xã hội đương thời (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), đã được nhiều nhà phê bình văn học Hungary và thế giới bình luận, phân tích và đánh giá một cách cẩn thận, rõ ràng. Sách cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, được tái bản nhiều lần với số lượng đầu sách khổng lồ, mà vẫn chưa đáp ứng được một cách thỏa mãn nhu cầu của người đọc.
Chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa về giá trị hiện thực, nội dung sinh động được đưa ra theo lối viết khá độc đáo và đặc sắc của văn hào Márai Sándor. Nếu ca ngợi một nhà văn lớn, tầm cỡ quốc tế như ông thì chúng ta có thể ngồi nói cả ngày không hết những cái tài, cái giỏi của ông trong văn học. Và nếu đi sâu vào phân tích tác phẩm thì cũng đã có nhiều người làm, chúng ta cũng đã được đọc. Do vậy, ở đây tôi không muốn đi sâu vào những vấn đề kể trên, mà muốn đề cập tới một khía cạnh khác: tôi muốn nói với dịch giả Giáp Văn Chung.
Nói gì bây giờ? Trước tiên, tôi xin được thay mặt những người đã được đọc cuốn tiểu thuyết qua bản dịch Việt ngữ của anh, gửi tới anh lời cảm ơn chân thành nhất! Anh đã lăn lộn, bỏ nhiều thời gian, vượt qua biết bao khăn, không chỉ về ngôn từ mà còn cả những khó khăn trong cuộc sống đời thường - thậm chí, còn phải đấu tranh với những tiêu cực của sự ganh ghét và tham vọng ở đời - để cho ra được bản Việt ngữ của tác phẩm này. Có thể nói, anh là hình mẫu tiêu biểu của sự lao động cần cù, chân chính, không vụ lợi. Bởi lẽ, Giáp Văn Chung thực chất là một người làm khoa học, chứ không được đào tạo về văn học. Anh viết và dịch chỉ bằng tấm lòng yêu thích văn học, rồi bỏ tiền túi ra in và đưa đến tay bạn đọc Việt Nam chúng ta với một giá rẻ mạt (rẻ hơn rất nhiều so với bản tiếng Hungary có bán ở các hiệu sách tại Hung). Tấm gương lao động miệt mài, bền bỉ và say mê của anh thật xứng đáng để chúng tôi ngưỡng mộ!
Tiếng Hung là một ngôn ngữ khó trên thế giới, như Bődők Zsigmond đã từng viết (và cũng chính anh đã chuyển ngữ thật trong sáng): “Chỉ chúng ta biết rõ tiếng mẹ đẻ của ta có khả năng diễn tả một cách linh hoạt tuyệt vời, nhạy cảm, tinh tế, có vốn từ phong phú hiếm thấy, đồng thời cô đọng nhịp điệu dồn dập như thế nào. Chia sẻ vốn tiếng vô giá này ngày nay chỉ có 15 triệu người trên khắp hành tinh. Thực sự thưởng thức được những cái hay, cái đẹp của các nhà văn, nhà thơ Hungary, phải là người đã được nghe những lời hát ru bằng ngôn ngữ Hungary từ khi còn nằm trong nôi”. Nhưng đọc bản dịch Việt ngữ của Giáp Văn Chung, chúng ta đã nắm bắt không chỉ nội dung đầy đủ của cuốn sách, mà còn hiểu được sâu xa về xã hội, con người đường thời; đặc biệt, chúng ta còn cảm nhận cả những nét đặc sắc về văn phong của tác giả. Tuy lối diễn tả bằng Việt ngữ của anh chưa phải đã thật hoàn hảo, đôi chỗ còn đôi nét vụng, nhưng với một tác phẩm dịch văn học đầu tay như thế này, cũng có thể nói là một thành công lớn. Nếu không có lòng say mê, yêu thích văn học, nếu không có nỗ lực lao động cần cù, bền bỉ - nói một cách khác, nếu không có đạo đức chân chính của người cầm bút -, liệu anh có gặt hái được những thành công này hay không? Dân Việt sống trên đất Hungary, tuy không phải tất cả đều là những người thuần văn chương hoặc có trình độ văn học cao siêu, nhưng chúng ta cũng đánh giá được phần nào giá trị chân thực của lao động, cũng như phân biệt được đâu là đạo đức văn học?
Một lần nữa, tôi xin được nói lời cảm ơn với dịch giả Giáp Văn Chung và mong rằng Tủ sách NHỊP CẦU THẾ GIỚI ngày càng có nhiều những tác phẩm văn học Hungary được dịch ra tiếng Việt. Chúng tôi rất vui mừng được đón đọc!
Thanh Sơn - Budapest ngày 10-12-2007
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn