CẢM NGHĨ VỀ TÁC PHẨM "NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN"

Chủ nhật - 02/12/2007 09:28

(NCTG) Khi nhận được tác phẩm "Những ngọn nến cháy tàn" đã được dịch ra tiếng Việt, đọc lướt qua "Lời giới thiệu" của người dịch là anh Giáp Văn Chung và "Lời bạt" của Trần Lê, tôi chưa có cảm xúc gì đặc biệt, ngoài sự tin tưởng rằng đây chắc là một tác phẩm được "làm" cẩn thận.

Một cảnh trong bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm

Bởi lẽ “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) là một tờ báo vốn đã ăn sâu vào tâm trí độc giả về cách đưa tin đa chiều nhưng cẩn trọng, sự phân tích sâu săc và có bản sắc riêng về những vấn đề thời sự, nội dung phong phú, lựa chọn bài kỹ lưỡng... Bởi lẽ anh Giáp Văn Chung, theo như tôi biết, là một người rất cẩn thận (nếu không muốn nói là "cầu toàn"), đặc biệt trong vấn đề học thuật, một người yêu văn học, yêu tiếng Hung và văn học Hung. Đây là tác phẩm dịch đầu tiên của anh, chắc chắn anh đã phải rất dày công tra cứu và dịch cẩn thận.
 
Khi tôi đọc xong, liền một mạch, tôi đã lặng đi với sự thán phục dâng trào. Đây quả là một tác phẩm hay cả về nội dung và bút pháp. Márai Sándor quả là một nhà văn lớn tầm thế giới. Bản dịch của anh Giáp Văn Chung rất "nhuyễn", cứ như thể câu chuyện được viết bằng tiếng Việt vậy.
 
Cách dẫn chuyện của Márai Sándor "buộc" người đọc nhất thiết phải đọc trong một không gian yên tĩnh, đọc liền một mạch, tập trung, vừa đọc vừa mường tượng các cảnh vật và sự kiện được miêu tả hết sức cụ thể và chi tiết... cứ như mình cũng là một người đang chứng kiến các sự việc diễn ra vào cái ngày 14-8-1940 ấy. Cái ngày mà "ông tướng" đã chờ đợi 41 năm và 43 ngày. (Từ ngày 2-7-1899 đến ngày 14-8-1940 - ông tính kỹ cả việc tháng Bảy có 31 ngày!)

Ông đã "sống sót" qua bao biến cố của thời cuộc và cuộc đời để chờ đến ngày gặp lại ngừời bạn chí cốt một thời, người đã từng định bắn chết ông, đã từng định cướp vợ ông, đã từng bỏ trốn ông... để rồi sau 41 năm 43 ngày lưu bạt đến những vùng xa xôi và khắc nghiệt, lại trở về để tìm gặp lại ông. Sự uất hận trong 41 năm và 43 ngày chờ đợi (hơn một nửa cuộc đời - ông tướng lúc đó 75 tuổi) được thể hiện ở khẩu súng lục Bỉ cũ có đủ 6 viên đạn được "ông tướng" cất kỹ cùng những kỷ vật. Khẩu súng ấy đã được ông bỏ lại vào ngăn kéo trước khi người bạn - kẻ phản bội ông đến gặp ông sau 41 năm và 43 ngày!

Câu chuyện với các tình tiết hấp dẫn - tình bạn thiêng liêng, tình yêu, ý định giết người, ngoại tình, sự phản bội, sự tha thứ... - được Márai Sádor viết với một bút pháp vững vàng, lối dẫn chuyện dung dị, đặc tả các chi tiết và các cảm xúc tinh tế..., đã khiến cho tôi thực sự xúc động.
 
Câu chuyện toát lên một triết lý sống hết sức nhân văn: sự đố kỵ, ghen ghét, sự phản bội, căm thù, uất hận... đều qua đi, chỉ tình cảm, nỗi khát khao tình cảm, nỗi khát khao tình bạn, tình yêu của con người là còn lại mãi mãi. Mọi tội lỗi đều có nguyên do và đều có thể tha thứ bởi sự thấu hiểu, bởi lòng vị tha, bởi tình cảm mà ta đã dành cho những người mà ta đã từng yêu quý. Triết lý sống ấy đã được khẳng định và có sức thuyết phục, bằng những trải nghiệm cuộc sống của ba con người: một đã chết và hai thì đang tiến gần đến cái chết.
 
Cám ơn anh Giáp Văn Chung đã dịch rất hay một tác phẩm rất hay của nền văn học Hung!

Cám ơn NCTG đã đưa đến cho tôi một tác phẩm rất "đáng đọc"!

Quế Anh, Budapest


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn