Nhân đọc „Những ngọn nến cháy tàn”: KIỂU NGƯỜI KHÁC

Thứ ba - 08/01/2008 10:23

(NCTG) Cách đây không lâu, Tòa soạn NCTG nhận được một bức thư viết tay dày 8 trang, chữ nhỏ, cứng cáp, hơi nghiêng và đều tăm tắp, lối viết của người có tuổi. Đó là thư của ông Hoàng Bá Lộc, một độc giả ngoài bảy mươi tuổi.

Một cảnh trong bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết, với sự xuất hiện của ba nhân vật trong tác phẩm

Qua bức thư, có thể thấy thấy người viết đã đọc rất kỹ tác phẩm „Những ngọn nến cháy tàn” của Márai Sándor (bản dịch Việt ngữ của dịch giả Giáp Văn Chung) và có nhiều nhận xét rất tinh tế, thú vị và xác đáng về tác phẩm. Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng một số đoạn trong lá thư này; tuy lối hành văn có một vài chỗ còn chưa thoát, nhưng để đảm bảo tính chân thực của bức thư, NCTG xin phép được giữ gần như nguyên vẹn những câu chữ của người viết.

 

Nhân đây, NCTG và dịch giả Giáp Văn Chung xin chân thành cám ơn nhiều độc giả, bạn hữu đã có sự quan tâm đến cuốn sách và đóng góp những ý kiến quý báu. Cũng xin được tri ân một số báo bạn, như "Diễn Đàn Forum" (Paris) và chuyên san "Người Viễn Xứ" (thuộc mạng tin điện tử "VietNamNet") đã có bài viết giới thiệu sách với những tình cảm ưu ái.

*

Trước dịp lễ Noel, cuốn sách „Những ngọn nến cháy tàn” của Márai Sándor đã đến tay bạn đọc qua bản dịch Việt ngữ của dịch giả Giáp Văn Chung. Thật là một món quà Giáng sinh thú vị và bổ ích, kích thích nỗi đam mê, khích lệ tinh thần phấn chấn để sống và làm việc, mở mang tầm nhìn rộng lớn với cuộc đời. Đây là sự cảm nhận của riêng tôi.

Cuốn sách được in ấn cẩn thận, trang trọng, đẹp và sáng, với những phụ đề, bình luận, chú thích ngắn gọn bổ ích và cần thiết. Dung lượng câu chữ của chuyện không nhiều nhưng có sức cuốn hút. Đọc rồi phải đọc lại. Ấn tượng lan tỏa, ám ảnh và những âm vang khó tả.

Về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm có tầm cỡ thế giới, được viết bởi một nhà văn có vị thế bậc thầy, người đọc nhiều nước có trình độ cao đã bình phẩm và ca ngợi, tôi không dám lạm bàn. Tôi chỉ muốn nói về sự tiếp nhận và thưởng thức của mình. Cốt chuyện thật bình thường, về một đôi bạn tâm giao, coi nhau như ruột thịt; rồi một người phản trắc, dan díu với vợ bạn, phá hoại hạnh phúc lứa đôi và toan nổ súng vào đầu bạn... chỉ có thế. Chuyện ấy thiếu gì trong nhân gian, xảy ra mọi nơi, từ xa xưa cho đến mai sau, cho mãi đến bao giờ trong trời đất này. Thế nhưng cuốn truyện lại làm ta say mê, bái phục nghệ thuật đến như vậy, có thể nói là điều lạ, điều khó hiểu. Chính đó là cái riêng, là nghệ thuật là tài năng kiệt xuất của tác giả.

Trước hết là nói về sự hy sinh, chịu đựng, lòng chung thủy tận cùng, tính bao dung độ lượng cố cùng kỳ kiệt với tình bạn. Nhân vật biết nhìn người và cũng tự khám phá chính mình để rồi lý giải đến tận cùng ngõ ngách tình, lý, tìm ra sự tất yếu có tính quy luật trong định mệnh con người. Đấy là sự cao cả tuyệt vời. Và nỗi thống khổ, bất hạnh, thiệt thòi không chỉ của riêng ai. Nhân vật Henrich giàu có, địa vị, Konrád bạn anh thì nghèo khó, theo binh nghiệp nhưng lại mê âm nhạc, Krisztina xinh đẹp lấy được chồng cao sang, phồn hoa đến thế... nhưng cuối cùng hóa ra cũng chỉ là tay không. Không phải do quy luật bù trừ, là do cuộc sống con người vốn như vậy, nguyên do được định ra từ trong bản thể. Có nhiều cách lý giải, có nhiều quan niệm khác nhau. Lý giải ra được để chấp nhận sự thật, để tha thứ và bao dung là điều đáng quan tâm. „Con người kiểu khác”, đó là khái niệm riêng của cuốn truyện, là hạt nhân, là cốt lõi xuyên suốt câu chuyện. „Con người kiểu khác” là tính cách riêng đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho mỗi con người. Ta không thể giống như mọi người, nhưng cũng đừng bắt người phải giống ta. Đừng ghét bỏ người ta bởi họ không giống ta, và cũng đừng có sự ghét bỏ, phỉ báng, bài xích, xua đuổi của mọi người đối với ta vì ta không giống họ. Ngoài ra cuốn truyện còn đem lại cho người đọc nhiều ý nghĩa sâu sắc khác.

Bốn nhân vật đáng chú ý gồm Nini, Henrich, Konrád và Krisztina. Mối quan hệ giữa Nini và Henrich là mối quan hệ rất đặc biệt. Hai người không phải mẹ con, không phải chị em, cũng không phải là người tình... nhưng hơn mọi quan hệ thông thường, đây là mối liên quan máu thịt theo đúng nghĩa. Từ khi chào đời Henrich đã được Nini nuôi nấng chăm sóc bằng chính dòng sữa của mình. Nini coi Henrich là một nửa cơ thể của mình. Henrich ốm nặng, sắp chết, chỉ cần gọi Nini đến bên cạnh, có hơi hướng của Nini là Henrich khỏi bệnh, mạnh khỏe. Hai người cảm thông với nhau như một cặp song sinh. Nini là cứu tinh của Henrich suốt cuộc đời. Nhưng Nini là người bất hạnh, khổ đau, chỉ biết sống cho người khác, là người trong sáng, đáng trân trọng nhất.

Krisztina là cầu nối và lý do về mối mâu thuẫn giữa Henry và Konrád. Đó là lý do có tính muôn thuở, nhưng cũng làm phông nền để nổi bật tính cách của hai con người kia; làm nổi rõ tính ích kỷ, hẹp hòi, hợm hĩnh, hèn nhát của họ. Krisztina có nỗi đam mê với người đồng điệu, người cùng kiểu với mình, sống theo bản năng, nhưng có cá tính mạnh mẽ, sống theo chính trái tim mình, coi khinh bọn đàn ông hèn nhát, tẻ nhạt. Khi cần thì sẵn sàng chết theo tính cách độc lập, cao thượng. Tuy bất hạnh đáng thương, nhưng cũng đáng phục.

Hai người đàn ông, hai người bạn thân đều theo binh nghiệp, nhung một người tính cách văn, một người võ. Henrich theo binh nghiệp trọn đời. Konrád với tâm hồn nghệ sĩ, nửa chừng bỏ cuộc; con người nửa chừng trong sự nghiệp, trong tâm hồn, trong tình yêu. Cả văn và võ đều hèn nhát như nhau. Henrich bị bố vợ (bố Krisztina) vạch mặt tính hèn nhát. Anh ta sống sót vì anh ta hèn nhát. Chịu sống cảnh tận cùng trong thất bại cuộc đời mà vẫn sống được một cách vô tư và tẻ nhạt. Konrád bị chính người tình (Krisztina) lên án bộ mặt hèn nhát. Hèn nhát trong trách nhiệm, trong cách sống nửa vời, anh ta phá nhoe sự việc rồi trốn chạy. Đôi bạn, một người quá tự tin và hợm hĩnh, một người mặc cảm, tự ty, hẹp hòi và ich kỷ. Thế mà vẫn coi nhau là bạn mới là kỳ quái. Tác giả cho rằng tình bạn ấy không sánh được với tình bạn của loài vật, loài vật giúp nhau thậm chí cả khi là khác loài. Đúng là tình bạn giữa con người với nhau trong thế gian này hiếm có thật. Cứ tưởng như là tình bạn cuối cùng đã chết chìm trong hẹp hòi và hợm hĩnh. Với hai nhân vật này tác giả đã vạch mặt những kẻ hèn nhát...

Cuốn nhật ký của Krisztina được ném vào bếp lửa đỏ, một chi tiết cho thấy cách xử lý rất cao tay của tác giả. Cả hai người bạn đều không được biết trong đó nàng đã ghi những gì. Ném cuốn nhật ký vào cho lửa đốt như là một thái độ dứt khoát của chính tác giả với mọi bí ẩn thấp hèn, phản trắc, độc địa. Người đọc muốn biết, việc Konrád muốn giết bạn mình, liệu có sự đồng tình, có sự tính toán sắp đặt với Krisztina hay không. Trong đó còn bao nhiêu điều bí ẩn nữa. Người đọc cứ day dứt, băn khoăn, tiếc nuối không nguôi về cuốn nhật ký. Chi tiết này thật quan trọng, nhờ đó cách kết thúc gọn gàng, sáng sủa tạo ra một âm hưởng, một diễn biến vô ngôn, lấp lánh một nguồn sáng kéo mãi không thôi cho cuộc đời tác phẩm, cho câu chuyện, mặc dầu những ngọn nến đã cháy tàn.

Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm còn ở cách kết cấu nhẹ nhàng, nhưng không bị giản đơn, sơ lược, nhờ sự xoáy sâu vào suy tưởng của chủ đề. Chín chương đầu giới thiệu nhân vật và cốt chuyện, chương 10 trở đi chỉ còn lại hai nhân vật chủ chốt, nhưng chủ yếu còn lại một mình Henrich độc thoại. Hơn một nửa cuốn truyện do một nhân vật với cách diễn đạt sinh động và logic mà ý tưởng gây được ngày càng mở rộng, xoáy sâu khiến cho người đọc không thể nào dứt ra được.

Lần đầu tiên cuốn truyện được dịch ra tiếng Việt, theo tôi là rất hoàn hảo. Đó là một đóng góp đáng trân trọng. Nhiều khái niệm, nhiều triết lý của truyện ta ít gặp trong các tác phẩm văn học. Dịch giả đã chuyển tải nội dung và nghệ thuật một cách sáng sủa, hấp dẫn. Dịch là sự đồng sáng tạo tác phẩm văn học, điều đó thật rõ ràng đối với cuốn truyện này. Bởi vì nhiều truyện dịch gần đây ở Việt Nam rất xô bồ, ít dụng công, trình độ hiểu biết nguyên tác của người dịch không đầy đủ, năng khiếu cảm nhận nghệ thật thấp... làm cho người đọc chán nản, coi thường, chỉ đọc chiếu lệ, qua loa cho biết thế thôi. Trái lại với cuốn truyện này, tôi đã đọc một cách đầy hứng thú, đọc rồi đọc lại một cách kỹ càng nhấm nháp. Có nhiều chương, nhiều đoạn, nhất là từ chương 10 trở đi, rút tỉa được nhiều câu chữ, nhiều ý niệm tài tình...

Tôi nghĩ là tác phẩm còn nhiều những ý tưởng, những chi tiết, những đoạn, những câu chữ làm ta say mê, cuốn hút. Mong cuốn truyện sẽ có được số lượng nhiều hơn, ngõ hầu nhiều bạn đọc yêu thích văn chương của Việt Nam ở khắp mọi nơi, kể cả ở quê nhà được thưởng thức một văn phẩm bậc thầy, với bản dịch nghiêm túc và đạt kết quả cao của dịch giả...

Đọc cuốn truyện cảm thấy như có mũi kim châm vào trong tim, trong gan về những nỗi niềm tâm sự, một sự cộng hưởng lạ lùng. Vì vậy tôi nghĩ nhiều người nên đọc.

Hoàng Bá Lộc - Budapest, 20-12-2007 – 1-1-2008


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn