MÁRAI SÁNDOR VÀ CÂU CHUYỆN PHƯƠNG ĐÔNG

Thứ hai - 14/04/2008 17:34

(NCTG) Sáng thứ Sáu mùng 4-4, Đài Phát thanh Hungary hẹn gặp tôi làm phỏng vấn, trong khuôn khổ chương trình „Những cuộc đàm đạo phương Đông”, phát trực tiếp. Ông Sári László, biên tập viên (BTV) văn học, đã gọi điện cho tôi hẹn làm từ trung tuần tháng Ba.

Tượng Márai Sándor ở thành phố quê hương Kassa (Kosice)

Tôi hỏi: sao ông có số phone của tôi và biết tôi dịch „Những ngọn nến cháy tàn”? Ông bảo một bạn nghe đài tên là Baló György cho ông số phone và nói: „Sao các anh không mời những người như thế?

Baló György là một thợ nề, khoảng lục tuần nhưng nom còn nhanh nhẹn, do một người bạn giới thiệu vì tôi muốn lát lại một khoảng trống ngoài vườn. Ông đến và cùng tôi đi lùng mua vật liệu mất một buổi. Qua câu chuyện, hóa ra ông là một nhạc công, đã từng lang thang khắp Châu Âu, nề chỉ là nghề làm thêm sau khi nghỉ hưu. Ông hiểu biết rộng, yêu văn chương, đặc biệt thích đọc Robert Merle. Tôi nói thích đọc văn học Hung, nhất là Márai và tặng ông bản tiếng Việt cuốn „Những ngọn nến cháy tàn” do NCTG ấn hành. Ông rất cảm động, hôm sau mang tận nhà cho tôi mượn hai cuốn sách của Merle và bảo cứ xem xong rồi ông sẽ mang thêm. Nhưng tôi không hề biết ông đã gọi điện giới thiệu mình với nhà đài, mà lại là MR-1 Kossuth Rádió hẳn hoi.

Khó khăn lắm tôi mới tìm được chỗ đỗ xe trên phố con phố Brody Sándor chật hẹp nằm sát Bảo tàng Quốc gia, nơi cách đây đúng 160 năm Petőfi Sándor đã đọc bài thơ nổi tiếng „Nemzeti Dal” (Bài ca Dân tộc) trong không khí cách mạng sục sôi của cuộc đấu tranh giành tự do lúc bấy giờ của nhân dân Hungary.
 
Bà Filippinyi Éva, biên tập viên (BTV), một phụ nữ dong dỏng cao, giọng nói nghe rất dễ chịu, đón tôi ngoài cổng nhà đài trước giờ phát chương trình này 45 phút. Tôi biết bà muốn có sự chuẩn bị trước. Bà cho tôi xem bản in „Những ngọn nến cháy tàn” đầu tiên ấn hành từ năm 1942, bìa cứng đã ố vàng. Giá mà mình có một cuốn như thế, nhưng tôi không dám xin, chắc với bà đó cũng là một báu vật.

Tôi mở laptop giới thiệu cho bà bản „Thư mục sách Việt-Hung” do anh Vũ Hoài Chương (chủ biên hai tập „Tự điển Hung-Việt” đầu tiên, thời đầu thập niên 70 thế kỷ trước) gửi. Thư mục liệt kê những sách (đủ thể loại) của các tác giả Hungary đã được dịch sang tiếng Việt. Về văn học chủ yếu là các tác phẩm của các tác giả cổ điển, hầu hết được dịch từ những năm chiến tranh chống Mỹ hoặc giai đoạn Hungary chưa thay đổi thể chế chính trị. Chưa đầy hai chục đầu sách - trong đó có „Những ngôi sao Eger” (nguyên tác „Egri csillagok” của Gárdonyi Géza, Lê Xuân Giang dịch, 1972), „Nàng Iđo” (nguyên tác „Ida regénye) và „Tâm hồn bí ẩn” (nguyên tác „Láthatatlan ember” của Gárdonyi Géza, Hà Huy Anh dịch, 1987 và 1999), „Đêm thánh Silvester” (nguyên tác „Szent Szilveszter éjszakája” của Hegedűs Géza, Lê Xuân Giang dịch), „Bản hùng ca Cac-pát” (nguyên tác „Kárpáti rapszódia” của Illés Béla, Lê Xuân Giang dịch, 1981), „Con trai người có trái tim đá” (nguyên tác „A kőszívű ember fiai” của Jókai Mór, Lê Xuân Giang dịch, 2003), „Nhiếp chính Bang” (nguyên tác „Bank bán” của Katona József, Lê Xuân Giang dịch), „Những cậu con trai phố Pál” („A Pál utcai fiúk” của Molnár Ferrenc, Vũ Thanh Xuân dịch, 1984) - là con số ít ỏi những tác phẩm còn giữ nguyên giá trị, thể hiện sự cố gắng và tình yêu văn học Hungary của các anh chị đi trước. Từ khi Hungary thay đổi thể chế chính trị tới nay, con số này gần như là một số không! Quá ít ỏi với một nền văn học đặc sắc, tầm cỡ như văn học Hungary, đặc biệt các tác giả cận-hiện đại hầu như chưa được biết tới.

Sách Hung viết về Việt Nam có chừng vài mươi cuốn, chủ yếu của các ký giả Hung sang Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, viết dưới dạng ký sự, nay chỉ còn giá trị tư liệu. Sách văn học Việt Nam đã dịch sang tiếng Hung cũng lèo tèo vài ba chục cuốn: „Mặt trận trên cao” (Nguyễn Đình Thi), „Hòn đất” (Anh Đức), „Truyện Kiều” (Nguyễn Du), „Đất nước đứng lên” (Nguyên Ngọc), một vài tuyển tập truyện ngắn, thơ, v.v... Điều đặc biệt là chúng được lựa chọn giới thiệu chẳng theo một nguyên tắc, một hệ thống nào.

Rồi bà Éva đưa tôi lên studio. Cuộc phỏng vấn, đúng hơn là cuộc trò chuyện mang tên „Những cuộc đàm đạo Phương Đông” bắt đầu rất tự nhiên, kéo dài đúng 15 phút, với sự hiện diện của BTV Văn học Sári László và một người đứng tuổi là khách của cuộc trò chuyện trước được mời lại nghe. Tôi được giới thiệu ông vừa cho ra đời cuốn sách về 70 (!) kỳ quan của Trung Quốc. Năm nay, sắp có Hội chợ sách Quốc tế Budapest mà khách mời danh dự chính là Trung Quốc.

Câu chuyện xoay quanh văn nghiệp của Márai, lý do lựa chọn „Những ngọn nến...”, những thách thức khi chuyển ngữ và sự đón nhận của độc giả Việt Nam. Cuối cuộc phỏng vấn tôi có kể cho thính giả nghe đài câu chuyện về hai cảnh sát và cuốn sách, bà Éva cười ngất bảo: „Hóa ra chúng ta vẫn còn những cảnh sát yêu văn hóa!”. Cả hai bắt tay cám ơn và nói chương trình rất thành công. Ông Sári còn hứa chắc chắn sẽ mời tôi làm một chương trình lớn hơn dài 35 phút.

Chắc hẳn, ông không biết vì 15 phút vừa rồi, tôi đã phải đóng cửa hàng hơn hai tiếng!

Giáp Văn Chung, Budapest ngày 14-4-2008


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn