Bạn đọc và "Những ngọn nến cháy tàn": HAI MƯƠI BỐN GIỜ VỚI NHỮNG NGỌN NẾN

Thứ năm - 07/02/2008 23:36

(NCTG) Lời tòa soạn: Vào đúng ngày mùng Một Tết Mậu Tý, NCTG và dịch giả Giáp Văn Chung đã nhận được một món quà năm mới bất ngờ và cảm động: đó là một lá thư chia sẻ những cảm nghĩ, nhận xét về bản dịch “Những ngọn nến cháy tàn”, từ một người bạn, một CTV thân thiết, đồng thời, cũng là một độc giả chung thủy của báo: Cỏ May, từ Praha.

Một cảnh trong bộ phim chuyển thể từ tác phẩm (2006)

Đối với các tác giả, không niềm vui gì lớn bằng mỗi một bài viết, một cuốn sách sau khi ra đời nhận được sự quan tâm của một số bạn hữu, độc giả tri kỷ. Chúng tôi coi những lời khen – và cả những phê bình - của các bạn là sự khích lệ, giúp chúng tôi có thể nhìn lại công việc đã làm và cố gắng lần sau cho tốt hơn, trọn vẹn hơn.

Xin được đăng lại, ở đây, lá thư của Cỏ May như một lời cám ơn và chia sẻ với độc giả ở nơi xa!

*

Với niềm cảm kích và hân hoan khó tả, tôi được nhận cuốn „Những ngọn nến cháy tàn“ vào những ngày cuối tháng 11-2007 do chính dịch giả Giáp Văn Chung gửi tặng. Đây là cuốn sách thứ tư tôi nhận được từ những thân hữu của NCTG - những người tôi chưa từng một lần hội ngộ ngoài đời: đầu tiên là từ chị Hồng Nhung (tập truyện ngắn „Gái ba mươi“), rồi anh Nguyễn Thụ (tập thơ & thơ dịch „Gió trắng“), chị Phan Bích Thiện (tập thơ „Tình yêu không đáy“) và giờ là „Những ngọn nến cháy tàn“ do anh Giáp Văn Chung chuyển ngữ.

Tôi có thói quen mang theo sách để đọc dọc đường đi làm (vì nơi làm việc khá xa nhà, phải mất chừng 45 phút tổng cộng vừa đi tàu điện ngầm, vừa đi xe buýt, vừa đi bộ), nên cảm giác đầu tiên khi cầm cuốn „Những ngọn nến cháy tàn“ trên tay là khổ sách to quá! Tôi không thể mang theo để đọc dọc đường vì cái xắc tay không đủ lớn để bỏ vừa, cầm trên tay hoài cũng có khi bất tiện. Thậm chí, tôi không lựa được cái phong bì cho vừa vặn để gửi cho người bạn, phải lựa phong bì quá cỡ một chút. Tuy vậy, tôi nghĩ, có thể „Tủ sách NCTG“ cố tình in khổ lớn để giữ số trang cho đúng với nguyên bản chăng? Lời tự giải thích này khiến tôi mỉm cười hài lòng và không phiền vì kích cỡ của cuốn sách nữa. Ngẫm nghĩ một mình, dù sao, sẽ hay biết mấy nếu khổ sách có cỡ... bỏ túi. Như vậy sẽ tiện hơn và nhìn qua không thể nhầm lẫn với một cuốn giáo trình hay biên khảo gì khác. Cuốn truyện với kích cỡ "không bình thường" này buộc tôi ngồi ngay ngắn bên bàn, lật đọc từng trang. Trân trọng và cẩn thận.

Tôi viết thư cho người bạn chia sẻ: „Anh à, em được dịch giả Giáp Văn Chung bên Hung gửi tặng truyện dịch đầu tay. Đây cũng là cuốn đầu tiên của „Tủ sách NCTG“ của anh Hoàng Linh. Anh Chung tặng em một cuốn, và gởi 5 cuốn để giới thiệu giùm. Em gửi cho anh một cuốn nhé?

Anh bạn thốt lên ghen tị: „Những năm cuốn cơ à? Dịch giả Giáp Văn Chung ưu ái em thế. Gửi cho anh xin một cuốn nhé...

Vậy là bỏ phong bì, hỏi kỹ địa chỉ, đề rõ ràng, dán cẩn thận, rồi đưa cho người đồng nghiệp chiều đó đi gửi thư cho công ty thì gửi giùm luôn. Một cuốn sách hay - như một món quà - không thể trao cho những người đọc một cách vội vã, thờ ơ. Tôi kén chọn từng người trước khi trao tặng.

Ba ngày sau, sách đến nơi, tôi nhận được tin nhắn của anh: „Đấy quả là một tập sách rất hay, rất đáng đọc em ạ. Chắc anh sẽ phải đọc lại nó vài lần nữa mất thôi. Em cũng tranh thủ mà đọc đi. Vì rất có thể qua những trang viết em sẽ thấy em thấp thoáng ở đâu đó. Anh thì đã thấy anh rồi đấy. Đây không phải là cuốn sách dạy làm người, tất nhiên rồi... Nhưng qua đó người ta lại thấy phải sống (mà trong đó có cả phải yêu nữa) như thế nào. Một cái đẹp miên man tỏa ra trên từng trang sách, xuyên qua suốt cuốn sách, để anh, một kẻ vốn rất hấp tấp, chỉ muốn biết kết cục của câu chuyện cũng không thể nào vội vàng bỏ qua được một dòng“.

Anh bạn hoàn toàn không quá lời. Cuốn truyện thật hay và hấp dẫn.

Bỏ qua tác giả tài ba và nội dung câu chuyện hấp dẫn với kết thúc hợp lý, tôi suy tư nhiều về nghệ thuật dịch văn học nước ngoài. Cuốn truyện này tuy mỏng, nhưng tôi không đọc nhanh được. Không thể đọc nhanh. Nhiều đoạn văn, câu văn tuy ngắn nhưng văn phong đẹp và mượt mà, bung mở ra cả một không gian sống động, chất chứa những tầng suy tư sâu sắc khiến tôi phải đọc đi đọc lại để chắc chắn mình nhập hoàn toàn vào mạch văn của tác giả - vào tâm tư nhân vật. Người Việt mình, nếu không quen đọc văn học nước ngoài sẽ cảm thấy, „ồ, sao mà nhiều câu phức quá. Trong tiếng Việt thì câu này được chia thành bốn năm câu hoàn chỉnh, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, bổ tì, bổ thận rồi, chứ không rối rắm ba bốn tầng mệnh đề phụ, với cơ man dấu phẩy thế này“. Đúng lắm. Cái sự "rắc rối" đó chính là sự phong phú của ngôn ngữ nước ngoài mà độc giả Việt Nam nên làm quen, là văn học Hung, là cái tài vận dụng tư duy và ngôn từ của nhà văn Márai Sándor, và trên hết là sự tôn trọng tác giả, trân trọng tác phẩm khi chuyển ngữ của dịch giả Giáp Văn Chung. Dịch cho thật sát nghĩa, mà vẫn giữ đúng hơi văn của người bản xứ với từ ngữ chọn lọc phù hợp, diễn tả lưu loát bằng ngôn ngữ Việt đó là điều không phải dễ ai cũng có thể làm được. Cả một cuốn truyện dịch, trừ trên dưới mươi lỗi do đánh máy, tôi không nhìn thấy một từ viết sai chính tả. Phải nói đây là cuốn truyện dịch rất tâm huyết và cẩn thận! Xin chúc mừng Anh - dịch giả Giáp Văn Chung!

Và sau đây là cảm nghĩ của người bạn sau khi đọc xong cuốn truyện. Xin gửi đến dịch giả Giáp Văn Chung cùng „Tủ sách NCTG“ như lời cảm ơn và kính phục từ cả hai chúng tôi.

HAI MƯƠI BỐN GIỜ VỚI NHỮNG NGỌN NẾN

Hai mươi bốn giờ đồng hồ, trừ ăn, ngủ, mua sắm... rồi tôi cũng đọc xong cuốn tiểu thuyết „Những ngọn nến cháy tàn“ của nhà văn Hungary Márai Sándor, do dịch giả Giáp Văn Chung chuyển ngữ và „Tủ sách NCTG“ (Budapest) ấn hành vào khoảng cuối năm 2007. Đọc không sót một chữ, nghĩa là cả bìa ngoài, bìa trong, bìa trước, bìa sau. Đọc hết cả lời giới thiệu, dẫn nhập lẫn lời bạt đầu sách và cuối sách, những phần mà từ trước tới nay theo tôi là rất không cần thiết. Thì tôi vẫn ngại ngùng mà nghĩ rằng, bao nhiêu điều cần nói đã ở trong tác phẩm cả rồi. Có lẽ nào lại không phải như vậy. Vì sao mà lại phải giải thích thêm.

Nhưng với hai mươi bốn giờ, liệu người ta có thể hiểu một tác phẩm, một tác giả mà trước đó người ta chưa hề biết? Câu hỏi đặt ra có vẻ như không được đúng chỗ, đúng thời điểm lắm. Vì với bằng ấy thời gian thì ngay việc hiểu một đứa trẻ còn khó, nói chi đến việc hiểu một con người, và với Márai Sándor thì lại càng không tưởng. Ông lớn quá và các tác phẩm của ông cũng vậy. Và chỉ với hơn một trăm trang sách của riêng tập „Những ngọn nến cháy tàn“ thôi, thì việc hiểu được chút ít, được phần nào... cũng đã là rất khó khăn. Vì hình như tất cả những điều mà tác giả muốn nói lên, muốn gửi gắm tới các thế hệ bạn đọc đều được ông khéo léo dấu đằng sau những trang viết, sau những câu văn bóng bảy, ý tứ, đẹp đẽ và trọn vẹn... như những câu châm ngôn, và sau một cốt truyện đơn giản tưởng không có gì đơn giản hơn, với một số nhân vật tối thiểu, đúng là có thể đếm trên đầu ngón tay... để rồi thỉnh thoảng người đọc, tùy từng hoàn cảnh, tâm trạng, lại hình như thấy có mình, hay những người bạn, người thân của mình thấp thoáng ở đâu đó với những đam mê bay bổng, những nét đẹp đẽ, đáng yêu và cả những khiếm khuyết...

Đấy chính là nghệ thuật, là cách viết, là đặc trưng của từng tác giả, và với Márai Sándor thì hình như chẳng lẫn vào đâu được. Trong tác phẩm của ông không có những tuyến nhân vật, cũng không có các nhân vật chính diện hay phản diện. Họ, những nhân vật ấy, tuy vẫn đầy cá tính nhưng cũng vẫn xuất hiện với tư cách của những người hết sức bình thường, với đầy đủ ưu, khuyết, cái đẹp và cái xấu... Để rồi, ngay với những nhân vật đáng yêu, đáng thương, gần gũi nhất, đẹp nhất, người ta vẫn thấy ở chỗ này chỗ khác hình như vẫn còn có chút cực đoan, cố chấp, không vượt qua được chính mình, nếu như không muốn nói là nhẫn tâm... Và chính vì thế mà hình như „tội lỗi“ của những kẻ „ phạm tội“ cũng được nhìn nhận một cách càng lúc càng độ lượng hơn. Sự chờ đợi, bốn mươi mốt năm chứ đâu có ít, để tìm ra vấn đề, để nghe lời thú tội, để buộc tội, để đọc lời buộc tội... càng lúc càng trở thành vô nghĩa, càng thấy không cần thiết và cuối cùng là chẳng còn cái gì cả... Đến một lúc nào đó rồi thì tòa án lương tâm của con người cũng cần khép lại như khép lại hồ sơ điều tra của cảnh sát. Đến một lúc nào đó rồi ranh giới giữa bên „bị“, bên „nguyên“ sẽ biến mất, để người ta thấy „tội phạm“ và „đồng lõa“ với „tội phạm“ cũng đáng thương, đáng cứu vớt, đáng cảm thông chẳng khác gì „bị hại“. Song đấy cũng chỉ là một trong rất nhiều những ví dụ. Trong tác phẩm của mình, hình như Márai Sándor còn muốn trình bày nhiều ý tưởng, về nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, cũng như nhiều mối quan hệ khác, chẳng hạn thế, những mối tình tưởng chừng như lâm ly, ngang trái... nhưng tất cả dần dần rồi cũng bị hòa tan, bị quên lãng, trở thành không đáng kể trước thời gian.

Để chỉ còn lại là cái đẹp. Cái đẹp phảng phất, thoang thoảng tưởng rất dễ nắm bắt nhuưg cũng rất dễ bay đi. Đọc những trang sách của Márai Sándor, người ta có cảm giác như đọc những trang thơ, những bài hát và mỗi nhân vật của ông, dù xuất hiện nhiều hay ít đều có bóng dáng của một nhà thơ, một ca sĩ, một nghệ sĩ. Cái đẹp của tâm hồn họ, cá tính (xin đừng nói mạnh mẽ hay yếu ớt) của họ tự viết thành thơ, là nhạc, là thơ... mà không cần lý giải gì nhiều.

Không thể hiểu thấu đáo, không thể đi đến tận cùng các chi tiết, không thể làm những việc cần đầu tư nhiều thời gian... chỉ sau hai mươi bốn giờ. Càng không thể hiểu hết một tác giả lớn như Márai Sándor với một số lượng tác phẩm khổng lồ như vậy. Đến bây giờ những kiến thức của tôi về ông nói riêng và toàn bộ nền văn học Hungary nói chung vẫn chỉ là một con số không tròn trĩnh. Nhưng hình như với „Những ngọn nến cháy tàn“ này, trong tôi cũng đã bắt đầu lóe lên những cảm nhận mới. Hình như tôi cũng đang được tiếp xúc với một Balzac, một Gogol, một Turgeniev, một Chekhov quen thuộc, hay là với bất kỳ một tác giả lừng danh nào... nhưng mà là của đất nước Hungary. Và đó chính là ông. Là Márai Sándor. Và là những tác phẩm mà ông dành cho cuộc đời cho nhân loại đẹp và sang trọng như những quà tặng.

Vâng. Quà tặng. Và đây cũng là món quà mà dịch giả Giáp Văn Chung tặng cho đồng bào mình. Không có bản dịch thứ hai nào để có thể so sánh. Mà cũng chẳng thể so sánh. Nhưng qua những gì đọc được qua suốt cuốn sách, tôi cảm nhận thấy đây cũng là một món quà thật tuyệt vời.

Cuốn sách, dù rất hay, nhưng nếu cứ nằm im mãi trên giá thì cũng chẳng nói lên được điều gì. Nó chỉ có ý nghĩa khi trở thành quà tặng. Và tôi muốn viết những dòng này như một lời cám ơn.

Cỏ May & Bạn - tháng 1-2008


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn