TAN THÀNH TRO BỤI

Thứ tư - 21/11/2007 23:46

(NCTG) "Những ngọn nến cháy tàn" nổi tiếng với những trường đoạn độc thoại của nhân vật "ông tướng" Henrik, trước người bạn Konrád thân thiết thuở thiếu thời, về sau đã phản bội ông, quyến rũ vợ ông (Krisztina) và có lúc còn nâng súng định sát hại ông.

Minh họa: cảnh trong bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm

Minh họa: cảnh trong bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm

Trích đoạn sau đây - kể về những khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc gặp mặt của hai người bạn già sau hơn 4 thập kỷ, khi một người trở thành quan tòa, kẻ kia bị phán xét - cho thấy thủ pháp phân tích nội tâm và tâm lý nhân vật vô cùng tinh tế của Márai Sándor, đã đưa ông lên hàng những bậc thày của văn học Châu Âu thế kỷ 20. Tựa đề do NCTG tạm đặt.

*

- Xin ông hãy trả lời tôi: Krisztina có biết buổi sáng sớm hôm ấy, trong cuộc đi săn, ông đã định giết tôi không?

Ông tướng hỏi nhỏ nhẹ, khách quan, trong giọng ông có chút tò mò, hồi hộp, như một đứa trẻ hỏi người lớn về bí ẩn của những tinh cầu và vũ trụ.

Nghe xong câu hỏi trên, người khách vẫn ngồi bất động. Ông đưa hai bàn tay che mặt, tỳ hai khuỷu tay lên thành ghế. Rồi ông thở một hơi rất sâu, cúi đầu về phía trước, một tay lau trán. Ông đang định trả lời thì ông tướng cắt ngang.

- Xin lỗi ông! Ông thấy tôi đã nói ra, - ông tướng nói nhanh, hào hứng, giọng gần như thanh minh. - Tôi cần phải nói ra, và bây giờ khi đã nói ra, tôi cảm thấy mình hỏi không đúng cách, tôi đã đưa ông vào tình huống khó xử, vì ông muốn trả lời, ông muốn nói ra sự thật, nhưng tôi lại không biết cách hỏi. Câu hỏi của tôi vang lên như một lời buộc tội. Và thú thực trong mấy chục năm qua tôi vẫn ngờ rằng cái khoảnh khắc trong rừng buổi sớm đi săn ấy không chỉ là một khoảnh khắc của sự ngẫu nhiên, của ý tưởng bột phát, của một cơ hội bất ngờ, hay lời xui khiến của ma quỉ. Không, nỗi ngờ vực hành hạ tôi là trước khoảnh khắc ấy đã có những giây phút khác, tỉnh táo và minh bạch. Vì Krisztina, khi biết ông đã bỏ trốn, đã nói: „Thật hèn nhát!” - đó là tất cả những gì nàng đã nói, là những lời cuối cùng tôi nghe nàng nói, và đó cũng là những lời phán xử cuối cùng đối với ông mà nàng nói thành lời. Tôi còn lại một mình với lời nói ấy. Ông hèn nhát, tại sao nhỉ?... tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi. Ông hèn nhát với điều gì? Với cuộc sống ư? Với cuộc sống của ba chúng ta hay cuộc sống riêng của hai người? Hay hèn nhát với cái chết? Ông không dám sống, cũng không dám chết cùng Krisztina?... Tôi cứ phân vân như thế. Hay ông hèn nhát vì một điều gì khác, không phải vì cuộc sống và cái chết, không phải sự trốn chạy, lừa gạt, không phải ông hèn nhát vì không dám giành Krisztina khỏi tôi. Không, đơn giản chỉ là ông hèn nhát vì một sự việc mang tính hình sự, sự việc mà các người - vợ tôi và người bạn thân nhất của tôi - đã bàn tính, đã vạch  kế hoạch từ trước. Và mưu kế ấy không thành, phải chăng vì ông hèn nhát? Đó là điều tôi muốn được giải đáp một lần trong đời. Nhưng lúc trước tôi hỏi không chính xác, ông thứ lỗi cho, chính vì thế tôi cắt ngang lời ông khi thấy ông định trả lời. Vì câu trả lời chẳng có ý nghĩa gì đối với nhân loại và vũ trụ, nhưng rất hệ trọng đối với tôi, đối với con người duy nhất cuối cùng muốn biết,- khi con người đã thành tro bụi kia đã một lần lên án ông hèn nhát - vì sao ông hèn nhát, hèn nhát bởi điều gì? Vì tôi sẽ biết sự thật, nếu lời giải đáp này đánh dấu chấm hết cho những thắc mắc của tôi, và tôi sẽ chẳng biết gì cả, nếu tôi không biết chắc chắn hoàn toàn vấn đề chi tiết này. Tôi sống giữa hai trạng thái biết tất cả và chẳng biết gì bốn mươi mốt năm nay, không ai ngoài ông có thể giúp tôi. Và tôi không muốn nhắm mắt như thế này. Thế thì còn xứng đáng với con người hơn, nếu như bốn mươi mốt năm trước đây ông đừng hèn nhát như Krisztina đã khẳng định. Đúng, còn nhân đạo hơn nếu một viên đạn làm thay việc mà thời gian không làm nổi: đó là việc giải tỏa nỗi ngờ vực, rằng các người đã đồng lõa trong âm mưu giết tôi, nhưng vì hèn nhát ông đã không thực hiện được. Tất cả các từ ngữ khác chỉ là những khái niệm dối trá: sự lừa dối, tình yêu, âm mưu, tình bạn đều mờ nhạt trước sức chói sáng của câu hỏi này, tất cả đều trắng bệch ra như những xác chết và giống những bức họa đã bị thời gian làm mờ nhạt đi những hình mảng chính. Tôi không quan tâm đến những điều khác nữa, tôi không chờ câu trả lời về thực chất quan hệ giữa hai người, tôi không muốn biết các tình tiết, không quan tâm đến „tại sao” và „như thế nào”. Giữa một người đàn ông và một người đàn bà thì những câu hỏi „tại sao” và „như thế nào” bao giờ cũng giống nhau đến thảm hại. Một công thức đơn giản đáng khinh bỉ. Bao giờ câu trả lời cũng là vì thế và như thế, như đã có thể và đã xảy ra, sự thật chỉ có chừng ấy. Cuối cùng những chi tiết không đáng để ta quan tâm. Nhưng điều chính yếu, sự thật thì đáng và cần tìm hiểu, vì nếu không ta đã sống làm gì? Tôi đã chịu đựng bốn mươi mốt năm để làm gì? Tại sao tôi đã chờ đợi ông không phải như anh em ruột thịt chờ nhau, không phải như một người bạn chờ người bạn bỏ trốn, không, tôi đã chờ ông đồng thời như thẩm phán và nạn nhân chờ bị cáo. Giờ đây bị cáo đã ngồi đây, tôi hỏi và ông muốn trả lời. Nhưng tôi đã hỏi đúng chưa và tôi đã nói hết những điều ông cần biết chưa, để nếu ông - tội phạm và bị cáo - muốn trả lời đúng sự thật? Vì ông biết đấy, Krisztina cũng đã trả lời, không chỉ bằng cái chết của nàng. Một hôm, nhiều năm sau khi nàng mất, tôi tìm thấy cuốn sổ bìa nhung màu vàng, cuốn sổ mà vào cái đêm đáng nhớ bốn mươi mốt năm về trước tôi đã uổng công tìm không thấy trong ngăn kéo bàn viết của nàng. Khi đó cuốn sổ đã mất tăm, hôm sau ông bỏ đi, còn tôi thì không bao giờ nói chuyện với Krisztina nữa. Rồi Krisztina mất, ông thì ở xa, tôi quay về lâu đài này sau cái chết của nàng, vì tôi muốn được sống và chết ở nơi tôi đã sinh ra, nơi tổ tiên tôi đã sinh ra, đã sống và đã chết. Bây giờ sự việc sẽ diễn ra như thế và mọi việc đều có trật tự của nó, không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Nhưng cuốn sổ bìa nhung màu vàng thì vẫn còn, nó có đời sống bí ẩn riêng theo cách của nó theo dòng thời gian, cuốn vở đặc biệt của „sự chân thành”, những lời thổ lộ thành thực đến kinh ngạc, những lời tự bạch vô điều kiện của tình yêu, của những ngờ vực, của sự sợ hãi và nội tâm bí ẩn cùa nàng. Nó vẫn còn và một hôm về mãi sau này, tôi đã tìm thấy cuốn sổ bọc nhung màu vàng buộc dải màu xanh trong đống đồ đạc của Krisztina, nàng giấu nó trong chiếc hộp cùng một bức vẽ trên xương voi hình mẹ nàng, một chiếc nhẫn có khắc dấu tên ông cụ thân sinh ra nàng và một nhánh phong lan khô cứng tôi đã tặng nàng. Nàng đã đóng dấu lên đầu dải buộc bằng chiếc nhẫn của cha. Cuốn sổ đó đây! - Ông tướng nói và rút cuốn sổ chìa về phía người khách. - Krisztina chỉ để lại cuốn sổ này. Và tôi chưa tháo dải băng buộc màu xanh, vì không có giấy tờ cho phép để lại, cũng không có hướng dẫn sử dụng di vật này, tôi cũng không thể biết, nàng gửi lại từ cõi bên kia cho tôi hay cho ông những lời tự bạch này. Có lẽ trong cuốn sổ này có sự thật, vì Krisztina không bao giờ nói dối. - Ông tướng nói giọng trang nghiêm.

Người bạn không đưa tay nhận cuốn vở.

Konrád gục đầu xuống hai bàn tay, ngồi im lặng, rồi ông nhìn cuốn vở nhỏ bìa nhung màu vàng, buộc dải băng xanh có dóng dấu triện nhẫn. Ông ngồi im không động đậy, cũng chẳng hề chớp mắt.

- Ông có muốn chúng ta cùng đọc những thông điệp của nàng?...Ông tướng hỏi.  

- Không. - Konrád trả lời.

- Ông không muốn, hay không dám đọc? - Ông tướng hỏi giọng hơi trịch thượng và lạnh lùng.

Hai người cứ thế nhìn xoáy vào nhau phía trên cuốn vở ông tướng chìa ra cho Konrád trong mấy phút.

- Tôi không trả lời ông câu hỏi này! - Cuối cùng ông khách lên tiếng.

- Tôi hiểu. - Ông tướng nói giọng đầy vẻ mãn nguyện.

Ông chậm rãi ném cuốn sổ nhỏ lên đống than trong lò sưởi. Đống than bắt được mồi, bắt đầu đỏ hồng lên, từ từ nuốt chửng cuốn vở, từ đám tro than vài ngọn lửa than leo lét cháy. Hai người im lặng nhìn lửa bắt đầu bén, rồi bắt đầu bốc cao thành ngọn, cháy bập bùng như reo vui trước con mồi bất chợt, sáp trên dải băng đã chảy, miếng bìa nhung cháy dở tỏa khói khét lẹt, những trang sách như được lật giở, thấp thoáng hiện lên sau ngọn lửa những dòng chữ viết tay mảnh khảnh của Krisztina, bàn tay viết những dòng chữ ấy đã thành tro bụi, nay đến lượt những trang giấy, những con chữ đang biến thành tro bụi. Chỉ còn một đám tro đen giữa đống than hồng, trông như ánh lụa, tang tóc, định mệnh.

Hai ông già lặng lẽ, nhìn như bị hút hồn vào đám tro đen như ánh lụa đang lụi tàn.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary


 
 Từ khóa: Márai Sándor
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn