CẢM NHẬN CHỢT TỚI KHI ÐỌC “NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN”

Thứ sáu - 17/02/2012 12:39

(NCTG) Lâu lắm rồi tôi mới đọc liền một mạch một cuốn sách như “Những ngọn nến cháy tàn” của Márai Sándor. Đây là tác phẩm mà chắc chắn tôi sẽ đọc lại nhiều lần, bởi tài năng kiệt xuất của tác giả và sự chuyển ngữ công phu của dịch giả Giáp Văn Chung.



Ngay từ những trang đầu, có thể mường tượng rõ nét không gian diễn ra cuộc nói chuyện đến tàn đêm của hai người bạn già - như đang chạm vào lan can bằng đá của tòa lâu đài cổ, như đang thấy lửa reo tí tách trong lò sưởi, chân nến bằng sứ trên đó là những cây nến to màu xanh, tấm rèm lụa xám thoảng mùi hương quý phái, và nhất là như đang hít thở lại không khí trong trẻo tĩnh mịch của đêm hè Âu châu, nơi tôi đã rời xa mười lăm năm nay…

Điều gì làm nên sự lôi cuốn của “Những ngọn nến cháy tàn”, cho dù thực ra đề tài không có gì mới lạ? Tình bạn và tình yêu, thương yêu gắn bó và đau khổ mất mát, lòng chung thủy và sự phản trắc…, chẳng phải đã, vẫn và sẽ là những chuyện “xưa như trái đất” đó sao?

“Những ngọn nến cháy tàn” kể lại những trăn trở tìm kiếm SỰ THẬT của nhân vật chính, ông tướng Henrik. Ông tướng đã sống - chính xác là trong 41 năm và 43 ngày – với một vết thương tỉnh thức, một khái niệm mà cô nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng khi viết về đề tài tình bạn tình yêu, xin được trích lại tại đây: “Một vết thương tỉnh thức là một vết thương biết rõ nó là một vết thương. Nó thức dậy và nó nhận ra rằng nó đã được khai sinh trên tâm hồn một con người và đã có một thời gian dài làm đau đớn con người đó. Vết thương tỉnh thức là một con mắt sáng ngời. Nó nhìn ngược về quá khứ và ngó thẳng đến tương lai. Nó mách bảo cho chủ nhân của nó rằng không có một vết thương nào vô tư mà sinh thành cả. Nó là một nỗi đớn đau như trời đất trở dạ làm thành một cơn giông bão”.

Trở lại với “Những ngọn nến cháy tàn”, phải nói Márai Sándor là một bậc thầy trong việc phân tích diễn biến tâm lý, dẫn dắt người đọc đi đến tận cùng mọi cung bậc cảm xúc của nhân vật. Nhà văn triết luận về quy luật của cuộc đời hết sức nhẹ nhàng. “Đến một ngày, ta sẽ mất người ta yêu. Kẻ nào không chịu nổi điều đó, kẻ đó chưa hẳn đã nên người” (trang 30). “Bây giờ khi về già, tôi hay nghĩ về tuổi thơ. Người ta bảo đó là một quá trình tự nhiên. Con người thương nhớ về thuở ban đầu rõ ràng chính xác hơn, khi cái kết cục đang lại gần” (trang 64). “Con người, cuối cùng bao giờ cũng phải trả lời những câu hỏi quan trọng nhất bằng cả cuộc đời mình” (trang 70). “Anh có thể đạt được tất cả trong cuộc đời, có thể vượt lên so với xung quanh, cuộc sống có thể cho anh mọi điều, và anh có thể giành giật từ cuộc sống tất cả, nhưng anh không thể thay đổi thị hiếu, ý thích, nhịp điệu sống của một con người, sự khác biệt đặc trưng đầy đủ con người quan trọng đối với anh, liên quan tới anh” (trang 99).

Triết gia, nhà bác học Pascal Blaise từng nói: “Sự thật có ích cho người biết về nó, hơn là cho người nói ra nó”. Với thời gian và trải nghiệm sống, từ những dằn vặt, những tự vấn, những giả thuyết và cả những biện hộ, ông tướng có lời giải đáp cho một sự thật mà thực ra thì ông đã biết. Cũng như ông đã biết rằng người bạn già Konrád sẽ trở về. Để có cuộc nói chuyện về sự việc tuy chỉ diễn ra trong vòng 24 giờ hơn bốn chục năm trước đó, đã khiến cuộc đời của cả ba người - Henrik, Konrád và Krisztina - sang một mảng hoàn toàn khác... Để cùng nhìn về quá khứ. Để khẳng định cái sự biết ấy là đúng. Để có thể tìm thấy sự thanh thản trước khi lìa cõi nhân gian.

Có gì đó như là sự lặp lại của số phận ở đời sống hôn nhân của ông tướng và cha mẹ ông. Cha mẹ ông lúc sinh thời đã không hiểu nhau, dù họ yêu nhau. Ta có thể thấy được nỗi cô đơn vô vọng của mẹ ông tướng, xa lạ ngay trong chính ngôi nhà của mình, giữa những người kiểu khác. Giữa ông tướng và Krisztina cũng thế. Ông tướng đã mang đến cho người vợ trẻ Krisztina một cuộc sống thượng lưu giàu có và danh giá. Nghiệt ngã thay Krisztina lại có thể chia sẻ được với người bạn thân của chồng Konrád ở một tâm hồn và tính cách nghệ sĩ.

Thế giới hóa ra luôn được chia thành hai kiểu người và dường như là quy luật cân bằng của tự nhiên, cuộc sống thường hay ghép đôi người này với “người kiểu khác”. Thật may mắn và hiếm hoi khi hai nửa của cùng một kiểu người được chung sống cùng nhau. Vậy nên trong cuộc sống, người ta lại thường hướng tới một tâm hồn đồng vọng. Song hành với khát khao tìm kiếm và hy vọng mong manh về một nửa “cùng dấu” ấy - mà người đời gọi là hành vi “ngoại tình”- sẽ là hạnh phúc và đau khổ, yêu thương và thù hận, những mất mát không thể cân đong đếm khi vượt quá những ràng buộc khuôn phép …

Dưới ngòi bút tinh tế của Marai Sandor, các giá trị chuẩn mực đạo đức trong xã hội được mổ xẻ rất nhân văn. Chẳng hạn như về lòng chung thủy: “Khi chúng ta đòi hỏi lòng chung thủy, phải chăng ta muốn người kia hạnh phúc? Và nếu như trong cái bẫy tinh tế của lòng chung thủy người ấy không thể hạnh phúc, liệu ta có yêu người mà ta đòi hỏi lòng chung thủy? Và nếu ta không yêu người kia theo cách có thể làm cho nàng hạnh phúc, liệu chúng ta có quyền đòi hỏi lòng chung thủy hay đức hy sinh” (trang 106). Márai Sándor cho ta thấy luôn tồn tại một ranh giới mong manh trong đời sống tình cảm con người: chung thủy và bội bạc, kiêu hãnh và tự trọng, tính ích kỷ cố chấp và sự vị tha…

Ấy thế nhưng thực ra tình cảm và lý trí không đối lập nhau. Điều này giải thích cho mối quan hệ tay ba trong “Những ngọn nến cháy tàn”. Cho buổi sáng định mệnh ấy, ông tướng đã ở trong tầm ngắm của người bạn song Konrád đã không bóp cò súng. Cho hành động đột ngột bỏ đi đến xứ nhiệt đới xa xôi của Konrád, nơi “mỗi đời người phải mất đi mười năm”. Cho việc Krisztina đã chọn cái chết sau tám năm dài im lặng, ở tuổi 28. Cho cuộc trở về của Konrád sau 41 năm - đúng như ông tướng đã chờ đợi.

Bởi, điều gì đã bắt đầu thì sẽ có kết thúc. Mọi sự đến như nó phải đến, không khác đi được, muốn cũng không được không muốn cũng không được. Ở tuổi sắp phải lìa đời, cả hai ông già đều cần cuộc nói chuyện nhìn về quá khứ này. Vẫn trên tư cách là hai người bạn, để rũ bỏ những vướng mắc, những hoài nghi đeo đẳng mấy chục năm trong tâm hồn.

Xuyên suốt cuộc nói chuyện mà gần như là màn độc thoại của ông tướng, ta vẫn thấy ở Konrád toát lên phong thái tự tin bình thản trước những lời phán xét và có đôi chỗ căng thẳng xếp đặt như một sự “thanh toán ân oán” của ông bạn Henrik. Dù ông tướng có quyền làm như thế. Phong thái đĩnh đạc của Konrád khiến ta cảm thấy ông không giống như một kẻ phạm tội thông thường. Và trên hết, ta xót thương cho nàng Krisztina yểu mệnh với một vẻ đẹp mong manh và một cá tính mạnh mẽ.

Người ta nói bao giờ cũng thế, khi yêu phụ nữ trở nên mạnh bạo, còn đàn ông hóa ra nhút nhát. Trong “Những ngọn nến cháy tàn”, ta thấy điều này vẫn đúng đối với thiếu phụ Krisztina và hai nam tráng niên: một là chồng, một là người tình của nàng. Cả hai đều đã bội bạc với Krisztina, mỗi người hèn nhát theo một cách riêng. Người tình thì bỏ đi Singapore không một lời giã biệt, trốn chạy khỏi nông nỗi khó xử của mối quan hệ tay ba. Người chồng ở lại không đoái hoài gì đến nàng, đến tận lúc nàng hấp hối, chỉ vì chờ nàng lên tiếng trước.

Tình yêu thương luôn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của một người phụ nữ, nếu không muốn nói là xếp ở vị trí số Một. Như ông tướng đã nhận ra sau một thời gian dài suy nghĩ và dằn vặt về mối quan hệ tay ba định mệnh, tình cảm của Krisztina với chồng mang hơi hướng của sự hàm ơn hơn là tình yêu. Trong khi sự gắn kết giữa nàng và Konrád là tình yêu âm nhạc, và sự khác biệt không quá lớn về nguồn gốc xuất thân…

Tuy Márai Sándor không hé lộ Krisztina đã tự bạch những gì trong cuốn nhật ký, có thể hình dung hẳn nàng đã đau khổ và thất vọng đến nhường nào bởi sự chối bỏ của chồng và người tình. Đòn số phận đã giáng xuống Krisztina ở tuổi 20, lứa tuổi vẫn được coi là “nghĩ chưa tới”… Vậy nhưng nàng đã dũng cảm đương đầu với số phận trong suốt tám năm, và cái chết như một câu trả lời của nàng. Ngay cả khi đã là hai ông già 73 tuổi - Henrik và Konrád vẫn sợ mở ra sự thật bí mật mà Krisztina đã để lại trong cuốn nhật ký.

Sự im lặng cố chấp của Henrik có phải nảy sinh từ lòng kiêu hãnh bị tổn thương sâu sắc? Ích kỷ là gì? Trong tình yêu luôn hàm chứa sự ích kỷ, nhưng tình yêu mà thiếu lòng vị tha thì có gọi là yêu không, hay cái mà người ta thường gọi là yêu thương đó thực ra chỉ là yêu chính bản thân mình? Tương tự như triết lý Phương Đông, tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố từ bi hỉ xả mới là tình yêu đích thực.

Cũng không quá khó hiểu khi người đời thường khó làm được theo quan niệm tình yêu của đạo Phật - sự cho đi mà không màng đến chuyện đền đáp - bởi đa số chúng ta là “người phàm” với đủ tính cách tham, sân, si, hận… Và vì thế, người phương Tây nói: “Khi bạn yêu ai, bạn đã trao cho người đó cái quyền làm khổ bạn”. Nhân vật ông tướng đã phải sống qua, đã phải nếm trải mới thấu hiểu tại sao người mà ta yêu thương nhất cũng là người bị ta làm tổn thương nhiều nhất, trong truyện là cái chết của Krisztina…

Về tình bạn, cuốn tiểu thuyết đặt cho ta câu hỏi thực chất của tình bạn là gì, điều gì là nền tảng? Nhìn vào tình bạn của Henrik và Konrád, ngoài sự thân thiết bề nổi, sự chia sẻ vật chất cân đong đo đếm được thì lại thiếu tình chân thực. Khi bạn tin cậy, có thể chia sẻ với bạn của mình mọi điều xảy ra trong cuộc sống của bạn mà không có gì phải giấu giếm, đó mới là một tình bạn thân đúng nghĩa. Bởi, quan trọng hơn sự chia sẻ về vật chất, cái một người bạn cần ở một người bạn thân chính là sự chia sẻ về tinh thần. Khi xảy ra sự kiện định mệnh kia, người bạn thân từ thuở thiếu thời mà ông tướng tưởng đã hiểu rõ rồi bỗng như còn ẩn chứa lắm điều mà Konrád cần phải tìm hiểu cho hết.

Có lẽ mỗi thời đại đều có những chuẩn mực sống riêng nên người đọc hậu thế như chúng ta có thể thấy không thỏa đáng khi dù thân nhau mà ông tướng không biết ngôi nhà - thế giới riêng của người bạn Konrád. Ông tướng đã cả tin, hay là ngay cả lòng tin cũng cần có một cái gì đó như là trực giác? Đương nhiên, một nền tảng khác của tình bạn là sự tự trọng. Theo cảm nhận của riêng tôi thì đàn ông thường coi trọng danh dự với những người mà họ đã thực sự xem là bạn. Hẳn trong thâm tâm, Konrád cũng muốn sống thực với lòng mình, cũng cảm thấy khó chịu khi lừa dối bạn, yêu vợ bạn.

Éo le thay, tình yêu luôn là một “bí mật vĩ đại”, như Tchekhov đã định nghĩa. Ta cũng không biết gì nhiều về đời sống nội tâm của Konrád trong hơn bốn chục năm biệt xứ. Chỉ thoáng qua vài câu nhưng Márai Sándor hé mở cho ta chắc ông cũng đã cô đơn biết bao, cũng đã dằn vặt khổ sở không kém người bạn Henrik. Âm nhạc nghệ thuật là nơi trú ẩn cho tâm hồn Konrád, nơi ông được sống chính là mình. Từ bỏ không chơi dương cầm, nghĩa là ông đã tự lưu đày tâm hồn mình. Ngạn ngữ Anh có câu “to choose is to loose” – Có lựa chọn nào mà không mất mát?!

Tự dưng, tôi liên tưởng đến lời của ca khúc “Burning in the Skies” của ban nhạc “Linkin Park” như một requiem cho nàng Krisztina của Konrád và Henrik:

We held our breath when the clouds began to form
But you were lost in the beating of the storm
But in the end we were meant to be apart
Like separate chambers of the human heart
I'm swimming in the smoke
Of bridges I have burned
Sodon't apologize
I'm losing what I don't deserve
What I don’t deserve…

(Chúng ta ngưng thở khi những đám mây bắt đầu định hình
Nhưng rồi em lạc mất trong cuồng phong bão tố
Rốt cuộc thì chúng ta bị định đoạt phải chia lìa
Giống như những ngăn cách biệt của trái tim con người
Anh bơi trong đám khói
Của những cây cầu mà anh đã đốt cháy
Thế nên đừng nói lời xin lỗi
Anh đang đánh mất cái mà anh không xứng đáng
Không đáng có được…)

Đọng lại trong độc giả khi gấp lại cuốn tiểu thuyết “Những ngọn nến cháy tàn” có lẽ là cảm giác nhẹ nhõm với một kết thúc đậm chất nhân văn chiều lòng độc giả. Khi ta biết được rằng ai khi về già cũng sẽ như hai ông già Henrik và Konrád - tự thấy cần một sự thanh thản bình yên trong tâm hồn. Khi ta biết chắc rằng về cuối đời, ta sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề gì đó mà ta quan tâm, cho câu hỏi nào đó đã đeo đẳng ta suốt cuộc đời.

Khi hình ảnh những tháng ngày xưa cũ cùng những người thân đã khuất hiện lên rõ nét hơn cùng với ước muốn nhìn về quá khứ ở tuổi xế chiều, ta sẽ bình thản đón nhận tuổi già và tìm thấy sự mãn nguyện trong quy luật sinh lão bệnh tử của tự nhiên.

(*) “Những ngọn nến cháy tàn” của Márai Sándor, Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary, Tủ sách Nhịp cầu Thế giới ấn hành, tháng 11-2007.

Vương Minh Thu, từ TP HCM


 
 

Những tin cũ hơn