Làng trong phố (8) - THỢ CÂU CỦA LÀNG

Thứ sáu - 09/07/2010 18:42

Làng nằm dọc theo Hồ Tây, trai làng câu trộm thành thần. Tới mức thành nghề.

Câu cá Hồ Tây - Ảnh minh họa: Internet

Đến nỗi, một ngày, bố mình khấp khởi vác cần tới nhà con rể câu trộm. Mới được hai con cá bé bé thì các bác Ban quản lý Hồ Tây đi qua vỗ vai, bảo, cụ già rồi, cụ về đi, đừng làm gương cho bọn trẻ. Bố mình đành mang chiến lợi phẩm về thả ở bể nước, chờ bao giờ cá qua tuổi mẫu giáo thì mới mang ra làm thịt.

Trong khi “bọn trẻ” đứng chung quanh cười ồ ồ, giật thùi thụi, bố ai dám vỗ vai chúng! (Cậy gần nhà, hi hi)

Một hôm cái làng bé tí này cũng có nhà báo tới hỏi nhé.

Nhà báo đi rồi, cả làng chửi nhà báo. Vì viết láo, lên tờ điện tử bịa ra “khủng long Hồ Tây” rồi bịa ra cả một anh hùng cần thủ câu cá có hạng, trong khi, câu mà được chiến lợi phẩm mấy chục ký thì cũng có đấy, nhưng chỉ có xác người thôi. Cá lấy đâu ra! Hồ Tây đến ốc còn chả mọc nổi vẩy, thành thứ quái thai bố ai dám ăn, nữa là.

Nhưng mà sự đời nó thế, quanh hồ vấn nhan nhản quán ghi ốc Hồ Tây, cá chép Hồ Tây, rồi cá trắm Hồ Tây, rồi cá trời cá biển gì đó, ông già bà già chính hiệu rồi chính cống gì đó. Rồi chiều chiều dọc đường ven hồ cá vẫn đựng trong mấy cái lồng, cái túi lưới thả trong nước chờ người mua đi qua thì kéo lên, dấm dúi bán, dởm cả đấy! Rồi có những khoảng lan can đẹp, nhiều kẻ thích khoe vẫn vác cần xịn ra bám lấy mặt hồ, chỗ nào càng nhiều người tấp nập đi qua càng thích vác cần ra dong. Trong khi, dân câu trộm ở đây, thâm niên hàng chục năm, có bám 24/24 tiếng mà nhiều khi chả có miếng (cá to) mà bỏ vào mồm. Muốn cá to họ phải đi các đầm quanh miền bắc, rồi lên hồ Hòa Bình, Ba Bể…

Có một bác khôn hơn, nhà ở rìa làng, lại ở trong Ban quản lý khai thác gì đó của Hồ Tây, bác láu kiểu này, cứ vài ngày lại đổ một mẻ cá (cá lồng, cá nuôi, cá Nam Hà Ninh Bình Thái Bình chi đó) về, toàn loại trắm chép hơn chục ký, rồi đổ bể ở sân nhà, phao lên là cá tuồn từ bọn đánh lậu và từ Ban quản lý khai thác đánh lưới chọn “hàng khủng” về, chỉ bán cho người quen. Tính ra hàng nghìn chú tham ăn mắc lừa rồi (mà cứ nghĩ mình sành).

Nhà mình thành điểm hẹn của các bác thợ câu trong làng. Chẳng qua là vì nhà mình ai cũng xởi lởi (chắc trừ mình), bếp núc vật dụng cần gì có nấy, đúng là ba ngày tiệc nhỏ năm ngày tiệc lớn, cá nhỏ thì rán, cá lớn thì lẩu luộc nướng he he… Nói chung chị ô-sin nhà mình căm lắm, cứ thấy các bác là bĩu môi vì phải làm nhiều, nhưng vẫn hì hục làm cá, rán cá, rửa bát, v.v…

Mình là phần tử bất hợp tác nhất, bằng chứng là, mình có năng khiếu pha đủ mọi loại nước chấm ngon tuyệt, từ bún chả tới nem trộn, nước chấm ốc nước chấm tôm chiên tẩm bột. Ngay đến nước chấm rau muống luộc mình pha cũng ngon, trừ mỗi món… nước chấm cá chép luộc, dứt quyết không biết pha!

Dài dòng thế là bởi, mấu chốt câu chuyện nằm ở đây: Một bác thợ câu lăn ra chết mê chết mệt bác ô-sin nhà mình, đời nó thế mới trái ngang chứ.

Bác đen nhất Hồ Tây, có lần buổi tối bế con ra cửa, bác đứng ngay trước mặt mà mình không hề nhìn thấy vì… đen quá! Thế mới kinh chứ!

Không rõ có phải bác ô-sin phải lòng cái đen ấy không, vì chồng bác ô-sin trắng lắm!

Ngẫm lại cái bản thân mình, thấy thật là bi kịch. Đàn ông thành phố thì chê mình già, đàn ông nhà quê thì chê mình có học khó bảo, đàn ông trẻ thì chê mình nghèo, đàn ông già thì chê mình xấu, đàn ông vừa già vừa xấu vừa nghèo thì mê bác ô-sin chứ không mê mình, ôi trời!

(Cũng có một người mê mình, chắc là ông chồng, nhưng mình lại toàn chê ông này). Nhìn quanh chả còn ai.

Mình không lý giải sức hấp dẫn của bác ô-sin, vì chỉ mình bác thì làm sao mà làm nên bi kịch được. Mấu chốt là ở kiện tướng câu làng mình kìa!

Nhà mình về làng mười năm, nhà bác thợ câu cách nhà mình hai mươi bước chân, thế mà, vào năm thứ mười này, từ khi bác ô-sin về đây, bác thợ câu kia mới xuất hiện trước mặt mình.

Mà đã xuất hiện thì bác không đi đâu nữa, cứ hoặc là ở Hồ Tây, hoặc là ở… bàn nước nhà mình. Cá mang về bác phải đưa sang cho chị ô-sin nhà mình duyệt, ăn hay không, rồi mới mang đi đâu bán thì bán. Bác thuộc giờ giấc của chị còn hơn mình. Chị về quê ngày nào, mình biết ngày đó, vì… bác không ló mặt ra, nhưng chỉ nửa tiếng trước khi chị về đây, bác đã ở nhà mình, co hai chân lên ghế, miệng chẹp chẹp nước chè chờ ý trung nhân xuất hiện. Chị mà về thì bác chơi với con mình, mua đồ ăn sáng cho mẹ chồng mình, làm việc nhà nặng nhọc giúp mình, nói chung là bác quanh quẩn bên cạnh chị, hí hí…

Sức mạnh của tình yêu thật ghê gớm, nó làm cho mình… phát điên vì phải ăn cá suốt ngày, ôi những món quà tặng tình yêu của bác thợ câu.

Mình cũng có sĩ diện chứ, mình không thể ăn bám ô-sin được, vì thế, mình cương quyết trả tiền bác, sống chết cũng phải đưa tiền. Mà đáng lẽ con chép 300 nghìn thì mình đưa luôn 400 nghìn. Ít nhất, để mình khỏi ngượng.

Xong rồi tính lại, thấy gay quá, cả xóm đã dần phát hiện ra chuyện này, bà vợ bác kia chưa hó hé, chứ mẹ bác kia đã… hó hé rồi.

Bà già tám mươi mấy tuổi xồng xộc chạy vào nhà mình, đứng giữa cửa, riết róng những câu thật khó nghe, khiến bác ô-sin bật khóc, chạy thẳng lên gác nức nở.

Ôi những bà già đang ra sức bảo vệ con trai. Mình thấy tình hình hơi gay, mình bèn xông ra… mắng mỏ bà già! (Hi hi)

Mình bảo, người ta cũng là người, đi làm thuê lương thiện, có vấn đề gì thì bảo ngay cháu đây, chứ bác không có quyền nói người giúp việc nhà cháu!

Bà già ương lắm, bà nhiếc móc, bà dùng thứ ngôn ngữ của những bà già trước năm 1945 để nói, trong đó, nhiều từ tế nhị bà chẳng dùng chữ tế nhị gì cả.

Bác thợ câu từ đó giữ ý ít dám đến nhà mình, ít lắm rồi ấy, giờ mỗi ngày chỉ qua cửa ngó vào một cái, hoặc một hai ngày mới dám vào ngồi tán gẫu một lúc. Hẳn là lúc đó, bác rình lúc mẹ bác đi vắng.

Ôi người đàn ông gần sáu mươi, đen như bóng đêm!

Thỉnh thoảng bác bỏ câu, chồng mình sung sướng nhảy chễm chệ vào ổ mồi của bác, ké lấy vài con cá xịn.

Trang Hạ


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn