MAL ZRT. CHÍNH THỨC PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ THẢM HỌA BÙN ĐỎ

Thứ hai - 15/11/2010 09:49

Cuộc chiến dai dẳng từ 1 tháng qua giữa chính quyền Hungary và Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) dường như đã nghiêng hẳn về phía chính quyền, với nghị quyết chính phủ có hiệu lực từ ngày 6-11 về việc giảm thiệt hại và tái thiết sau sự cố tràn bùn đỏ.


Công việc tái thiết và ổn định đời sống cho cư dân diễn ra rất khó khăn - Ảnh: origo.hu


Sau khi MAL Zrt. bị đặt dưới sự quản lý toàn diện của nhà nước, 3 lãnh đạo của doanh nghiệp này bị truy cứu hình sự với tội danh rất nặng nề, nghị quyết trên của chính phủ còn chính thức khẳng định trách nhiệm của MAL Zrt. trong thảm họa môi trường này.

Nghị quyết hà khắc đối với doanh nghiệp

Được đăng tải trên Công báo Hungary cùng ngày với sự ra đi của nạn nhân thứ 10 của sự cố tràn bùn - một người đàn ông đứng tuổi, bị bỏng nặng và qua đời sau nhiều tuần nằm viện - nghị quyết số 1221/2010. (XI. 4.) của Chính phủ Hungary tạo khả năng bồi thường cho các nạn nhân bị mất nhà cửa bằng nguồn nhà nước, và sau đó, Nhà nước sẽ nhận lại khoản tiền này trong một vụ kiện buộc MAL Zrt. phải chi trả.

Cụ thể, người dân có nhà cửa bị hủy hoại trong tai nạn sẽ được nhận nhà mới, hoặc đổi nhà (trong trường hợp cư dân có nhiều nhà thì họ cũng chỉ được hỗ trợ đối với một nhà). Ngoài ra, đối với các động sản trong nhà, họ sẽ được bồi thường tối đa là 500.000 Ft, và 200.000 Ft đối với các tài sản khác bị mất mát. Nhà mới của họ sẽ bị phong tỏa trong vòng 10 năm để tránh tình trạng chuyển đổi sở hữu hoặc thế chấp.

Được phê chuẩn nhằm “tạo dựng càng nhanh càng tốt những điều kiện ăn ở cơ bản cho những người bị thiệt hại”, nghị quyết trên đặt cơ sở để Bộ hành chính và Tư pháp Hungary có thể xem xét khả năng khởi kiện MAL Zrt. nhân danh Nhà nước, và xử lý để tiến hành một vụ kiện đòi bồi thường như vậy.

Cho đến nay, MAL Zrt. vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng họ không phải chịu trách nhiệm trong tai nạn này. Đồng thời, trong khuôn khổ một nỗ lực “hỗ trợ nhân đạo”, doanh nghiệp này muốn chỉ 1,5 tỉ Ft trong vòng 5 năm cho các nạn nhân bùn đỏ. Tuy nhiên, do MAL Zrt. đã bị đặt dưới sự quản lý của nhà nước, Đặc phái viên Chính phủ giám sát hoạt động của MAL Zrt. - ông Bakondi György - đã cấm các cuộc thương thảo theo hướng này.

Đồng thời giữ cương vị Cục trưởng Cục phòng chống thảm họa Quốc gia, trung tướng Bakondi György cho rằng, nếu các chủ sở hữu MAL Zrt. muốn “hỗ trợ nhân đạo” cho người dân, họ có thể trích từ khoản tài sản cá nhân của họ, được cho là lên tới 100 tỉ Ft.

Một quyết định vô tiền khoán hậu!

Đó là quan điểm của MAL Zrt. sau khi nghị quyết trên được đưa ra. Đại diện pháp luật của Tập đoàn, LS. Ruttner György khẳng định: đây là một động thái “gây kinh ngạc, chưa từng có xét trên góc độ pháp luật, khi Chính phủ muốn xác định thủ phạm trong bất cứ vấn đề gì”. Bởi lẽ, chưa hề có ý kiến giám định và phán quyết của tòa án, và những ý kiến giám định sơ bộ cho thấy, vấn đề trách nhiệm trong vụ này rất phức tạp.

LS. Ruttner György nhắc lại một số ý kiến giám định sơ bộ, cho thấy một giải pháp kỹ thuật do nhà nước quy định và buộc MAL Zrt. phải thực hiện - khi tập đoàn này mua lại nhà máy luyện alumin ở TP Ajka cùng hệ bể chứa bùn - rất có thể là nguyên nhân của thảm họa tràn bùn.

Nhắc lại “quá khứ”, các bể chứa bùn được xây từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước, theo đơn đặt hàng của Tổng Công ty Nhôm Hungary (MAT) - doanh nghiệp nhà nước quy tụ tất cả các đơn vị sản xuất và chế biến bauxite, alumin và nhôm của nước Hung. Việc thiết kế và xây dựng bể cũng do các doanh nghiệp quốc doanh thực hiện, các giấy phép xây dựng và hoạt động cũng do chính quyền cấp.

Do đó, khi mua lại cơ sở này vào năm 1997 trong quá trình tư hữu hóa, MAL Zrt. có quyền tin tưởng một cách hữu lý rằng không có gì đáng lo ngại về hệ thống bể chứa bùn, vả lại, các cơ quan hữu quan của nhà nước vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra bể và trong mọi trường hợp đều cho rằng mọi thứ ổn thỏa.

Nhận định về nghị quyết chính phủ nói trên, MAL Zrt. cho biết: Tập đoàn muốn có thỏa thuận với tất cả mọi bên - và như thế, với cả các cơ quan chính quyền - mà không phải thông qua kiện tụng. “Hãy chờ các ý kiến giám định đã, từ đó có thể rút ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân thảm họa, rồi hẵng nói đến chuyện trách nhiệm, hoặc các thủ phạm”, LS. Ruttner György phát biểu.

Truy trách nhiệm bùn đỏ

Câu hỏi mấu chốt ai phải chịu trách nhiệm về thảm họa bùn đỏ đang được giới chức Hungary tìm cách làm sáng tỏ trên ba phương diện hình sự, hành chính và dân sự. Trách nhiệm hình sự của vụ việc được Cục Điều tra Quốc gia xem xét, hiện ba lãnh đạo của MAL Zrt. đang là nghi can trong vụ án.

Một ủy ban điều tra trực thuộc Quốc hội Hungary cũng đã được thành lập theo để truy tìm nguyên nhân và thủ phạm của sự cố tràn bùn đỏ vừa qua. Được biết, ủy ban kể trên sẽ được ưu tiên hoạt động trong vòng 1 năm, nhằm xác định vai trò của chính quyền, trách nhiệm của các cá nhân và của MAL Zrt. trong vụ này.

Cạnh đó, vào cuối tháng 10, cuộc kiểm tra khẩn cấp các bể chứa bùn đỏ trên toàn quốc Hungary - được Quốc vụ Khanh Bộ Môi trường nước này chỉ đạo ngay sau thảm họa bùn đỏ xảy ra – cũng đã chấm dứt. Theo kết quả mới được công bố, hệ bể chứa tại Hungary ở trạng thái tốt, không cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa.

Như đã biết, ngoài TP Ajka là nơi hoạt động nhà máy luyện alumin duy nhất của Hungary, tại nhiều vùng khác, còn những bể chứa bùn đỏ, chủ yếu đã được xử lý và trạng thái được kiểm tra thường xuyên. Ước tính, lượng bùn đỏ trên toàn quốc Hungary là 50-55 triệu tấn.

Hiện tại, sau nửa tháng tái hoạt động dưới sự quản lý của nhà nước, nhà máy luyện alumin ở TP Ajka đã xử lý được 22.300 tấn quặng bauxite. Lượng dung dịch bùn đỏ 50 ngàn m3 phát sinh - trong đó 40 ngàn m3 là nước và lượng bùn đỏ là 10 ngàn tấn - được bảo quản tại bể chứa 10/a. các chuyên gia đang khởi thảo việc chuyển sang công nghệ thải bùn đỏ khô, được coi là đảm bảo và có độ an toàn cao hơn.

Trong thời gian tới, Đạo luật Môi trường sửa đổi của Hungary sẽ buộc các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến rác thải nguy hiểm đều phải mua bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc, phòng trường hợp sự cố xảy ra. Hungary hiện nay có chừng 1.000-1.200 hãng như vậy: với điều luật mới này, theo dự tính, trong vòng nửa năm, con số trên có thể giảm xuống chỉ còn 10-30.

(*) Bản tin đã trích đăng trên “Tiền Phong”.

Trần Lê tổng hợp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn