Thảm họa bùn đỏ ở Hungary: CHÍNH PHỦ VÀ DOANH NGHIỆP PHẢI CHUNG TAY

Thứ sáu - 26/11/2010 11:20

Hơn một tháng sau thảm họa bùn đỏ tại Hungary, Chính phủ nước này đã ra một nghị quyết chính thức coi Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) là bên gây thiệt hại và chuẩn bị cho một vụ kiện đòi bồi thường nhân danh Nhà nước, đặt doanh nghiệp này vào tình thế lưỡng nan.


Devecser hoang tàn sau thảm họa bùn đỏ


Nghị quyết của Chính phủ tạo điều kiện để các nạn nhân bùn đỏ được nhận hỗ trợ từ nguồn nhà nước, khoản chi này sau đó sẽ được đòi lại từ MAL Zrt. Cụ thể, những ai bị mất nhà cửa trong tai nạn sẽ được nhận nhà mới, hoặc đổi nhà ở địa phương khác, ngoài ra, họ sẽ được bồi thường tối đa 500.000 Ft cho những động sản bị hư hại và 200.000 Ft cho những tài sản khác bị mất mát trong thảm họa tràn bùn.

MAL Zrt.: Nhà nước phải sẻ chia trách nhiệm!

Kể từ khi sự cố xảy ra, MAL Zrt. chưa bao giờ nhận phần trách nhiệm về mình và họ luôn giữ quan điểm chỉ có thể nói đến vấn đề trách nhiệm và các thủ phạm khi nguyên nhân của tai nạn được làm rõ. Hiện tại, chưa có ý kiến giám định chính thức trong vụ này, nhưng theo Tập đoàn, các ý kiến giám định sơ bộ cho thấy Nhà nước Hungary cũng phải chịu một phần trách nhiệm đối với hệ bể chứa được xây dựng từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước, theo những giải pháp kỹ thuật được chính quyền chính thức thông qua.

Theo MAL Zrt., sau khi mua lại nhà máy luyện alumin kèm hệ bể chứa vào năm 1997 trong quá trình tư hữu hóa, doanh nghiệp này đã tuân thủ mọi yêu cầu kỹ thuật và môi trường. Có trong tay mọi giấy phép cần thiết do chính quyền cấp, MAL Zrt. có thể tin chắc rằng hệ thống bể chứa đã được các hãng quốc doanh thiết kế và xây dựng một cách đảm bảo, nhất là khi các cuộc kiểm tra định kỳ đều cho thấy không có gì đáng lo ngại ở đây.

Bình luận về nghị quyết nói trên của Chính phủ, đại diện pháp luật của MAL Zrt. cho rằng sẽ rất đáng lo ngại nếu Chính phủ đưa ra quan điểm trong vấn đề trách nhiệm, thay vì tòa án và các cơ quan tư pháp, nhất là khi có những bằng cứ cho thấy một trong những nguyên nhân chính gây tràn bùn không phải là lỗi của doanh nghiệp.

Báo giới Hungary cũng nhắc lại một cách châm biếm tuyên bố của Thủ tướng Orbán Viktor rằng nhà máy sản xuất alumin - nơi vụ tràn bùn xảy ra - khó có thể được tái hoạt động một cách nhanh chóng. Ấy vậy mà, vài ba ngày sau đó, khi MAL Zrt. vừa “về tay” Nhà nước, lập tức những lo ngại của chính quyền đã tan biến!

Chuyển đổi công nghệ

Trong số những việc được coi là “cần làm ngay”, giới chuyên gia Hungary đang khởi thảo việc chuyển sang công nghệ thải bùn đỏ khô. Các chuyên gia nhận định MAL Zrt. cần ít nhất 6-8 tháng để thực hiện việc chuyển đổi công nghệ ngày.

Trong Nghị quyết nói trên của Chính phủ, một lộ trình rõ ràng đưoọc đặt ra đối với MAL Zrt.: từ nay đến ngày 31-12-2010, Tập đoàn phải khởi thảo kế hoạch chuyển sang công nghệ thải bùn khô và cần đưa vào thực hiện không chậm trễ. Ngoài ra, giấy phép hoạt động (kèm cam kết về bảo vệ môi trường) của MAL Zrt. sẽ hết hạn ngày 11-2-2011 và chỉ có thể được gia hạn nếu áp dụng công nghệ thải bùn khô, hiện đại và an toàn hơn.

Đây cũng là yêu cầu khẩn thiết của ông Ékes József, nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng cầm quyền FIDESZ (Liên đoàn Thanh niên Dân chủ) tại khu vực Ajka. Trên cương vị dân biểu và cũng là thành viên Ủy ban Cứu hộ thuộc Quốc hội - được thành lập ngay sau sự cố tràn bùn xảy ra - ông Elek József cho biết ông sẽ làm tất cả để từ năm 2011 trở đi, MAL Zrt. phải chuyển sang công nghệ thải bùn khô.

Với biến chuyển này, độ ẩm của bùn đỏ sẽ được giảm xuống dưới 25% và nồng độ xút dưới 10 pH (hai giá trị này đối với bùn đỏ ở TP Ajka là 75% và 13,5 pH). Bùn đỏ ở dạng khô như vậy sẽ tránh được ở mức đáng kể những độc hại và nguy cơ khi bể chứa có vấn đề, mặt khác, theo định nghĩa chính thức của Liên hiệp Châu Âu thì phải đạt yêu cầu kỹ thuật như vậy, loại rác thải công nghiệp này mới không được coi là chất độc hại.

Nỗ lực tái thiết

Song song với việc truy trách nhiệm hình sự, pháp lý và hành chính, chính quyền Hungary đã có những quyết tâm cao độ - được Ủy ban Châu Âu đánh giá cao - trong việc tái thiết và ổn định hóa đời sống cư dân tại vùng bị bùn đỏ hủy diệt.

Suốt hơn một tháng trời, trung bình hàng ngày đã có tới 4 ngàn người làm việc bất kể thời tiết tại hiện trường tai nạn để dọn dẹp hậu quả của bùn đỏ. Việc đảm bảo chỗ ăn ở tạm thời cũng như các dịch vụ y tế, giáo dục cho mấy ngàn người chịu ảnh hưởng của lũ bùn đỏ đã được tiến hành bài bản và hiệu quả. Đối với những người bị mất nhà cửa, chính quyền cho đàm phán với từng người, tìm hiểu về nhu cầu của họ trong tương lai để ký các hợp đồng về nhà cửa.

Tính đến trung tuần tháng 11, đã có hơn 1,5 tỉ Ft được gửi về Quỹ Cứu trợ do Chính phủ đề xướng và được sự bảo trợ của đích thân Tổng thống và Thủ tướng Hungary, nhằm hỗ trợ “những người chịu thảm họa, mất nhà cửa và hiện cần khởi đầu một cuộc sống mới”. Cạnh đó, các đoàn thể và cá nhân Hungary cũng đã dấy lên một phong trào quyên góp lớn chưa từng thấy để ủng hộ các đồng bào kém may mắn, với tinh thần “đoàn kết trong hoạn nạn”.

Nhiều nhân vật nổi tiếng gốc Hungary cũng tích cực tham gia hoạt động ủng hộ. Ngay từ đầu, thông qua Quỹ Xã hội mở, nhà tài phiệt Mỹ gốc Hungary George Soros ủng hộ 1 triệu USD (tương tương 197 triệu Ft) cho công việc tái thiết và đề phòng những thảm họa tương tự. Nhà làm phim Hollywood nổi tiếng Andrew Vajna (Vajna András) mới đây cũng vừa trao 10 triệu Ft cho gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng và một ngôi trường bị hư hoại trong thảm họa bùn đỏ ở làng Kolontár.

Cựu thống đốc bang New York, chính khách gốc Hungary George Pataki kêu gọi các Hung kiều khá giả tại Hoa Kỳ góp tiền gửi về quê hương và trong khuôn khổ chiến dịch vận động này, ông sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc từ thiện tại nhà hát Metropolitan Opera (New York).

Cặp vợ chồng Angelina Jolie và Brad Pitt - mới đây vừa quay một bộ phim tại Hungary và cho con cái đi học ở Budapest - thì ủng hộ tiền cho Hội Chữ thập đỏ Hungary nhằm hỗ trợ hoạt động thiết thực của Hội trong quá trình cứu trợ nạn nhân bùn đỏ.

Đi kèm với nỗ lực tái thiết, giới chức Hungary đã để tâm tới việc xử lý lượng bùn đỏ khổng lồ - chừng 50 triệu tấn, đọng lại từ hơn nửa thế kỷ nay - để tách các kim loại (trong đó có cả những kim loại quý hiếm) nhằm tái sử dụng trong công nghiệp. Nếu được thực hiện, đây là giải pháp tối ưu, có thể giải quyết triệt để vấn đề an toàn bùn đỏ.

(*) Bài viết đã đăng trên “Pháp luật TP HCM”.

Nguyễn Hoàng Linh


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn