Phát ngôn viên Chính phủ Nagy Anna và Quốc vụ khanh Quốc hội Bộ Hành chính và Tư pháp Hungary trong cuộc họp báo thông báo việc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật của thể chế cộng sản - Ảnh: MTI
Được biết, đây là
những tác phẩm đã nằm lăn lóc lâu năm trong kho của các cơ quan trực thuộc Bộ Hành chính và Tư pháp Hungary. Trước khi được đưa ra đấu giá, chúng đã xuất hiện trong một triển lãm rất đáng chú ý mang tên “Không bao giờ nữa! Lần thứ ba” (Soha többet! Harmadszor), kéo dài từ ngày 25-11 cho đến hôm qua, 6-12, tại Phòng Trưng bày và Đấu giá Pintér, thủ đô Budapest.
Cái tên kỳ lạ của cuộc triển lãm được BTC lý giải như một cách chơi chữ: đây là thuật ngữ mà nhà tổ chức đấu giá sử dụng khi đập chiếc búa trên bàn đấu giá, trước khi khép lại màn đấu giá. Đồng thời, “Không bao giờ nữa! Lần thứ ba” cũng bày tỏ niềm tin của Hungary, rằng thể chế cộng sản ở dạng đã tồn tại sẽ không bao giờ trở lại trên xứ sở có quá nhiều bất hạnh này.
Đấu giá từ thiện
Hy vọng nói trên cũng được thể hiện trên biểu trưng của phiên đấu giá, với hình ảnh Lenin bên lá cờ sao đỏ và chiếc búa trên đầu. Hiểu theo nghĩa trần trụi, Lenin đã được đem ra đấu giá với mục đích từ thiện!
Tượng đồng Lenin của điêu khắc gia nổi tiếng Farkas Aladár (1909-1981)
Trước khi đem ra sử dụng, những “bảo vật” của một thời đã qua cũng được lựa chọn theo góc độ chuyên môn, được phục chế và phân loại để chia làm hai kỳ đấu giá.
Kỳ thứ nhất, tổ chức vào hôm 6-12, gồm rất nhiều tác phẩm ít giá trị thương mại, gắn liền với thời kỳ sùng bái cá nhân và độc đoán của Hungary, đa phần được sáng tác theo phong cách hiện thực XHCN. Một phần đáng kể của bộ sưu tập này là tranh và tượng Lenin đủ các kiểu, cùng các “kỷ vật” tương tự. Đáng chú ý là các nghệ sĩ trẻ thuộc Nhà hát Duma cũng tham gia sự kiện này - với bộ dạng hài hước các nhân vật phim hoạt hình - để mời chào trong phiên đấu giá từ thiện giúp các nạn nhân bùn đỏ.
Kỳ thứ hai tổ chức vào cuối tuần này với các tác phẩm được coi là có giá trị thương mại, trong khuôn khổ phiên đấu giá thường niên của Phòng Đấu giá Pintér. Ước tính, nhiều triệu Ft có thể thu được qua các phiên đấu giá sẽ được chuyển tới những gia đình bị thiệt hại trong sự cố tràn bùn đỏ xảy ra cách đây 2 tháng, thông qua Tổ chức Từ thiện Công giáo Caritas.
Goodbye Lenin!
Thực ra, ý tưởng “tái sử dụng” những biểu tượng và kỷ vật thời cộng sản tại Hungary với mục đích công cộng không phải là mới. Cách đây gần hai chục năm, sau khi thay đổi thể chế, nhiều tượng đài của những thập niên XHCN đã không bị phá hủy mà được chở đến một khoảng đất hoang ở ngoài rìa thủ đô Budapest, nơi hiện nay trở thành một Bảo tàng ngoài trời độc nhất vô nhị trong vùng Đông – Trung Âu, mang tên
Công viên Tượng, nhắc nhớ những dấu ấn thời độc tài tại nước này.
Quốc vụ khanh Rétvári Bence (phải, trong ảnh): “Chúng tôi hy vọng rằng đây là lần cuối
cùng, quý vị còn được thấy những tác phẩm gợi nhớ thể chế XHCN tại các
công sở công cộng. Nhà nước không muốn tiếp tục chăm lo cho những đồ vật
này”
Đợt đấu giá hiện tại xuất phát từ một thực tế là cho dù hai thập niên đã trôi qua kể từ ngày Hungary chuyển đổi thể chế, nhưng tại các Bộ và cơ quan chính phủ, vẫn còn rất nhiều tác phẩm nghệ thuật cũ được xếp xó và bảo quản tại các kho. Cách đây vài tháng, khi chính phủ mới của Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ lên nắm quyền thay Đảng Xã hội sau kỳ bầu cử đại thắng, trong quá trình chuyển giao, tân nội các đã phát hiện và thu thập được 230 tác phẩm như thế, ra đời trong khoảng thời gian 1949-1954.
Như tuyên bố của ông Rétvári Bence - Quốc vụ khanh Quốc hội của Bộ Hành chính và Tư pháp Hungary – trong cuộc họp báo của Phát ngôn viên Chính phủ vào hôm qua, Nhà nước Hungary không còn muốn chăm lo cho những tàn tích thời cộng sản. “
Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có càng nhiều người ủng hộ càng tốt, để sau 20 năm chuyển đổi thể chế, 40 năm trước đó cũng vĩnh viễn đi vào quá khứ. Hãy để sự chuyển đổi thể chế được khép lại trọn vẹn!”, ông Rétvári Bence bày tỏ.
Giá trị nghệ thuật
Như truyền thông Hungary nhận xét một cách hóm hỉnh, có lẽ chưa bao giờ dân Hungary có thể thấy ngần ấy Lenin cùng một lúc trong một đợt triển lãm. Bởi lẽ, cả một đoạn tường của Phòng Trưng bày Pintér được treo đây các bức tranh, ảnh chân dung vị lãnh tụ Bolshevik Nga-Xô-viết. Hình bóng Lenin còn được thể hiện trong nhiều bức tượng bán thân của những nghệ sĩ vô danh và hữu danh, những người đã tham gia vào quá trình đánh bóng thể chế, theo nhận định của báo chí Hungary.
Ảnh nhà độc tài Rákosi Mátyás, được coi là thủ hạ xuất sắc nhất của Stalin tại Đông Âu, được đấu giá với giá sàn... 1 Ft!
Không chỉ Lenin, mà nhiều lãnh tụ trong nước và quốc tế khác của phong trào cộng sản, như Marx, Engels, Georgi Dimitrov, v.v… cũng có mặt trong cuộc triển lãm. Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Molnár Mária, TBT tạp chí nghệ thuật đương đại Trung Âu “Praesens”, người quản thủ triển lãm, cốt lõi của kỳ triển lãm là Lenin với những sự khắc họa khác nhau, lúc tươi cười, lúc đăm chiêu, quả quyết và có lúc còn hiếu chiến.
Có điều, như nhà phê bình nghệ thuật này nhận định, “
hầu như bức tranh nào cũng phản ánh một cách trung thực lối tiếp thị theo ý thức hệ, chứ không thể nói đến tự do nghệ thuật ở các tác phẩm này”. Bởi lẽ, theo bà, “
sự kiểm duyệt ngặt nghèo đã đưa ra quy định về những giới hạn của sáng tạo, không thể làm khác đi bản gốc”. Chẳng hạn, hình ảnh Lenin ngồi tựa cằm đã trở thành một chuẩn mực cho rất nhiều tác phẩm thời gian sau này.
Đấy cũng là nét chủ đạo trong các tác phẩm ngợi ca nền công nghiệp và nông nghiệp XHCN, cũng như trong các họa phẩm tụng ca tình hữu nghĩ Hungary – Liên Xô, thường được thể hiện với hình ảnh trẻ em, người lớn hoan hỉ bên người chiến sĩ Hồng quân.
Giã từ quá khứ
Trong số các nghệ sĩ mà tác phẩm của họ có mặt trong kỳ triển lãm và đấu giá này, giới am tường vẫn nhớ đến những tên tuổi như Pap Gyula, từ một nghệ sĩ lớn trở thành chỗ dựa cho chính sách nghệ thuật của chính quyền, hoặc Ék Sándor, đại diện tiêu biểu của trường phái hiện thực XHCN.
“Tình hữu nghị Liên Xô – Hungary”, tranh sơn dầu của Molnár József (1922-), giá sàn 300.000 Ft
Họa sĩ Turcsány Antal, người đã cùng các đồng nghiệp nỗ lực trong nhiều tuần liền để phục chế và phủi bụi cho các tác phẩm nghệ thuật, phải đặt câu hỏi: “
Điều gì đã khiến các nghệ sĩ thời ấy cho ra những tác phẩm kiểu này? Sự tính toán, hay nỗi sợ hãi?”.
Hỏi có lẽ cũng để trả lời, như lời tâm sự của ông Turcsány Antal, khi thể chế cũ sụp đổ thì ông mới 14 tuổi, nhưng đã biết cảm giác sợ hãi. Cho dù vì còn quá nhỏ, ông không thể biết được cha mẹ ông đã trải qua những năm tháng như thế nào, một phần cũng vì họ không bao giờ kể lại điều đó ngay cả cho con cái, sự sợ hãi ngự trị ở mọi nơi, không thể biết khi nào mật vụ chính trị sẽ đến và đưa họ đi.
Và ông còn nhớ hình ảnh Marx, Engels và Lenin ngự trị tại các bến tàu xe, vinh danh thể chế cộng sản, cũng như lời tuyên bố của tổng bí thư Kádár János được ghi trên các biểu ngữ, bích chương, theo đó Hungary “
là một pháo đài vững chãi trên mặt trận hòa bình”.
Có lẽ cũng với tâm tư như thế, quản thủ kỳ triển lãm Molnár Mária cho rằng, cho dù lượng dối trá chồng chất trong các tác phẩm được ra mắt trong dịp này, hoặc chính vì điều đó mà các tác phẩm đó trở thành những hồ sơ, tư liệu lịch sử quan trọng, những chứng nhân của một thời, có thể giúp người dân Hungary hồi tưởng quá khứ với những sự kiện và nhân vật lịch sử.
“Công nhân gương mẫu”, tranh sơn dầu của Zombory Moldován Béla (1885-1967), giá sàn 200.000 Ft
Đó cũng là suy nghĩ của ông Pintér Péter, chủ nhân cơ sở triển lãm và đấu giá, khi ông thổ lộ: “
Tôi cảm thấy vui mừng và vinh dự khi với những khả năng ít ỏi của mình, được góp phần phá bỏ một cách tượng trưng cái ý thức hệ vô nhân tính này!”.
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.