MẮC ĐIỆN GIẾT TRỘM, ĐƯỢC KHÔNG?

Thứ ba - 23/03/2010 02:07

(NCTG) “Có thể mắc điện 220V để chống kẻ trộm không? Luật có bảo vệ quyền sở hữu? Giết kẻ trộm, được chăng?”.

Lời Tòa soạn: Index.hu, mạng điện tử lớn thứ nhì của Hungary có một chuyên mục rất thú vị: thông qua những câu hỏi và trả lời, cung cấp cho độc giả những thông tin căn bản và cần biết, về những vấn đề “nóng” và cấp thiết.

Từ cuộc sống thường nhật (cúm A/H1N1, vay tín dụng, giá xăng dầu, lương bổng hưu trí, ...) tới những đề tài xã hội, chính trị, luật pháp... to tát nhất (trưng cầu dân ý, tự do ngôn luận, Liên hiệp Châu Âu, xung đột Trung Đông, chính khách tham nhũng, v.v...), độc giả đều có thể tìm ở đây những lời đáp hữu ích.

Trên tinh thần: “Để bạn khỏi “quê” khi phải cất lời trong một đám đông. Sẽ có người, thay bạn, đặt những câu hỏi đơn giản nhất mà có thể bạn không dám đặt...”, sở dĩ loạt bài trong chuyên mục trên bổ ích là vì nó được viết một cách hết sức dễ hiểu, bình dân, hóm hỉnh, nhưng đi đúng trọng tâm vấn đề và cái chính là nó rất chính xác, khoa học, do ký giả được sự hỗ trợ của các chuyên gia uy tín trong mỗi đề tài.

Để bạn đọc tham khảo, xin giới thiệu một bài nói về khía cạnh pháp luật trong một vụ án hình sự tại Hungary, có nhiều điểm tương đồng với vụ chó xé xác người ở Việt Nam.

*

Có thể mắc điện 220V để chống kẻ trộm không? Luật có bảo vệ quyền sở hữu? Giết kẻ trộm, được chăng?

- Chuyện gì mà ầm ĩ vậy?

Tại Kesznyéten, một làng ở tỉnh Borsod, có một ông cụ 68 tuổi làm nghề trồng rau. Buổi đêm, 3 tay trộm đột nhập vào vườn nhà ông cụ trộm dưa chuột. Một tay bỏ mạng, 2 tay còn lại bị thương nặng, vì ông cụ dẫn điện vào hàng rào quanh vườn rau. Chú ý, điện được dẫn vào hàng rào quanh vườn rau (trong ngôi nhà), chứ không phải vào hàng rào ngôi nhà ổng.

- Khác nhau ở chỗ nào?

Khác chứ. Nếu điện được dẫn vào hàng rào quanh nhà ổng thì sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Nhỡ ai đi qua và vô tình sờ vào, sẽ bị giật.

- Như vậy là tôi không được dẫn điện vào hàng rào quanh nhà, nhưng có thể dẫn vào hàng rào quanh vườn?

Bạn cũng không thể dẫn vào hàng rào quanh vườn một dòng điện có thể gây sát thương. Thử nghĩ xem: nhỡ con cái bạn, hay nhân viên bưu điện chẳng hạn, họ có thể vô tình lao vào đó. Bạn sẽ phải chịu trách nhiệm vì điều này.

- Thế nếu tôi trương bảng “Chú ý: hàng rào có điện!” (nhưng thực ra là không có) thì sao?

Bạn có thể trương. Điều này cũng giống như khi bạn mắc đèn nhấp nháy vào xe để người ngoài tưởng là xe bạn có báo động. Cố nhiên là nếu bị phát hiện, thì bạn lại có thể tìm ra một cái gì khác để lừa bọn trộm.

- Còn nếu tôi mắc điện, nhẹ thôi, đủ để giật bọn trộm, nhưng không gây tử vong?

Khả năng là tay trộm nào bị giật như thế sẽ không tố giác bạn, nhưng hắn cũng không sợ đến mức phải bỏ ý đồ trộm cắp.

- Tiếp một bước nữa, nếu tôi đào hào, cắm chông nhọn, có được không? Hoặc giả, tôi cho chó dữ và sư tử đói chạy rông trong vườn để canh vườn cho tôi thì sao?

Nếu vì thế mà có ai bị thương hay tử vong, bạn sẽ bị quy trách nhiệm. Bất kể đó là khách bộ hành, hay kẻ trộm.

- Nhưng có phải tôi làm thế để cố tình giết ai đâu? Tôi đề hẳn ra ngoài là: “Nguy hiểm chết người”. Nếu ai vô chỗ cấm, kẻ đó hãy tính đến những hậu quả. Đáng đời!

Thì ông cụ trồng rau cũng làm thế mà. Ổng đã cố gắng thông báo cho mọi người trong làng biết, hàng rào có điện và không nên tìm cách ăn trộm. Như sau này chúng ta được biết, những tay trộm cũng biết điều này khi đột nhập vào vườn. Cho dù việc sát thương là không có chủ đích đi nữa, ông cụ phải biết rằng dòng điện có thể làm chết người. Đây là trường hợp khi một người không muốn để xảy ra hậu quả như đã, nhưng lại có thái độ thờ ơ trước những hậu quả có thể xảy ra (luật gọi là cố ý gián tiếp).

- Hóa ra tôi không có quyền bảo vệ tư gia của tôi trước bọn trộm?

Có chứ. Luật bảo rằng, bạn có quyền phòng vệ chính đáng, chống lại sự tấn công phi pháp nhằm vào sở hữu của bạn, và loại trừ mọi sự xâm nhập tự tiện.

- Thì ông cụ trồng vườn cũng làm như vậy mà...

Không, vì luật còn bảo, để bảo vệ tư gia của mình, bạn không thể áp dụng phương tiện gì đó, hoặc bạo lực ở mức độ có thể gây ra thiệt thòi hoặc hiểm nguy lớn hơn so với cái mà bạn bảo vệ. Luật La Mã còn cho phép bạn giết tên trộm ban đêm lẻn vào nhà bạn. Nhưng thời nay, luật không còn cho phép bạn bắn chết kẻ trộm. Nghĩa là, không thể dùng hành vi mang tính sát thương để bảo vệ sự xâm phạm tài sản bất hợp pháp.

- Thế nếu bọn trộm có vũ khí thì sao? Lúc đó, tớ đã có thể “phòng vệ chính đáng”, đúng không?

Phòng vệ chính đáng là khi bạn có hành vi phòng vệ ở mức cần thiết để chống sự tấn công phi pháp nhằm vào bạn, vào của cải tài sản của bạn, hoặc vào những lợi ích công cộng.

- Như vậy, tôi phải chờ đến khi nào bị nhừ đòn?

Không, chỉ cần chờ đến khi kẻ tấn công bắt đầu hành vi phạm tội, hoặc khi bạn có thể lo ngại là hắn sẽ tấn công bạn tức thì. Tuy nhiên, điểm quan trọng là tỉ lệ phải tương xứng. Trong sự phòng vệ chính đáng, chỉ có thể giết kẻ tấn công khi tính mạng của bạn hay người khác bị đe dọa.

- Áp dụng vào trường hợp này, nếu bọn trộm dùng dùi cui điện tấn công ông cụ, và để tự vệ, ông cụ bật điện quanh vườn, thì như vậy mới là phòng vệ chính đáng?

Bạn cũng biết thừa là điều ấy không thực tế. Ở đây, điểm căn bản thực ra là, sự tấn công và tự vệ phải xảy ra đồng thời, hoặc giả, ý đồ tấn công phải có trước sự phòng vệ. Có điều, ông cụ đã dẫn điện quanh vườn từ trước, sau đấy bọn trộm mới đến.

- Thì ông cụ đã mất trộm từ trước rồi mà. Ông ấy chỉ tự vệ.

Đúng thế, ông cụ bảo rằng trước đây đã thường xuyên bị trộm, lần gần nhất cụ bị cuỗm 30 cân dưa chuột. Tuy nhiên, không thấy cụ báo cảnh sát bao giờ.

- Thì tất nhiên rồi, vì cụ biết tỏng là cảnh sát có đến, thì cũng vậy thôi. Bọn Tzigane phải không nhỉ?

Ừ, nhưng nếu bạn mất trộm, thì với bạn kẻ cắp là người Hungary hay Tziane cũng thế thôi, đúng không? Độc lập với điều này, một vấn đề tồn tại và xã hội phải giải quyết là ở những vùng mà nhiều người không có công ăn việc làm, trộm cắp là một nguồn để sống. Điều này cũng liên quan tới sự xuống cấp của trật tự công cộng và nhiều điều khác nữa.

- Ông cụ có thể phải bị tù tội?

Đúng vậy, nhưng tòa sẽ ra phán quyết về điều này. Hiện, cụ bị truy cứu hình sự vì tội mưu toan sát thương nhiều người. Khung hình phạt có thể lên tới 10-15 năm tù giam. Yếu tố giảm tội khả dĩ là cụ đã làm điều này để bảo vệ tài sản của mình, và các nạn nhân thì đều chuẩn bị cho hành vi phạm pháp.

- Tôi nghĩ rằng ông cụ cũng là nạn nhân...

Đồng ý.

- Vậy, làm sao chúng ta có thể bảo vệ tài sản của mình?

Bạn có thể xây rào, mắc camera, báo động hoặc thuê bảo vệ. Nếu thấy trộm, bạn có thể gọi cảnh sát và cố nhiên, công an cũng có thể tuần tra để ngăn chặn những trường hợp như vậy...

Nguyễn Hoàng Linh, theo index.hu


 
 Từ khóa: mắc điện
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn