ĐẠO LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HUNGARY BỊ CHỈ TRÍCH MẠNH MẼ

Thứ tư - 18/04/2012 23:27

Kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội mùa xuân 2010 và giành được hơn hai phần ba số ghế trong Quốc hội Hungary, Liên minh cầm quyền cánh hữu - đứng đầu là đảng FIDESZ của Thủ tướng Orbán Viktor - đã đề xướng và cho thông qua hàng loạt đạo luật gây phản đối, phẫn nộ gay gắt trong và ngoài nước, vì bị coi là đi ngược lại các luật chơi dân chủ, các chuẩn mực của Liên hiệp Châu Âu.

Hàng ngàn sinh viên tập trung trước Đại học TP Debrecen để phản đối Đạo luật Giáo dục Đại học mới - Ảnh: index.hu

Sau khi bản Hiến pháp mới và hàng loạt những đạo luật căn bản (sarkalatos) - khi sửa đổi hoặc thông qua cần hai phần ba số phiếu trong Quốc hội - được đưa ra, bị coi là phi dân chủ, theo hướng nỗ lực “bê-tông hóa quyền lực” của liên minh cầm quyền và vô hiệu hóa phe đối lập, tiếp đến Đạo luật Giáo dục Đại học hiện đang bị cư dân Hungary, đặc biệt là giới sinh viên, học sinh chỉ trích mạnh mẽ.

Được thông qua vào cuối năm ngoái, bắt đầu khai triển trong thực tế từ tháng Giêng năm nay, Đạo luật Giáo dục Đại học liên tiếp mang lại những bất ngờ khó chịu cho các bậc phụ huynh và các gia đình, vì những trở ngại rõ ràng được đặt ra đối với giới học sinh muốn tiếp tục theo học đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp bậc trung học.

Cắt giảm học bổng, học phí tăng vọt

Mỗi học kỳ, những sinh viên đại học, cao đẳng thuộc diện không được nhận học bổng nhà nước phải trả tự túc từ 150.000 Ft tới 1,2 triệu Ft học phí và con số những người này không phải là nhỏ, sau khi khái niệm “hạn ngạch” (keretszámok) được Chính phủ Hungary đặt ra, quy định mỗi ngành nghề chỉ được bao nhiêu suất học bổng (toàn phần hoặc bán phần) từ nhà nước.

Chịu ảnh hưởng rất đáng kể từ luật mới này là giới sinh viên theo học ngành Kinh tế, một ngành vốn hết sức được ưa chuộng tại Hungary. Thay vì 4.900 suất như cho tới nay, từ tháng 9-2012 trở đi, chỉ còn 250 sinh viên được nhận học bổng toàn phần của nhà nước, trong đó có 150 suất được chia đều tại hai trường Đại học và Cao đẳng Kinh tế tại thủ đô Budapest, còn các trường khác chỉ được 10-15 suất.

Tuy nhiên, “chịu trận” lớn nhất vẫn là các sinh viên luật khoa, một ngành cũng rất được chuộng tại Hungary: tổng cộng, chỉ có 100 sinh viên được học bổng nhà nước (so với 800 suất vào năm ngoái), chia đều cho hai trường ở Budapest. Tại sáu trường đại học khác ở các tỉnh lớn có đào tạo sinh viên khoa Luật, chỉ có thể theo học theo dạng tự trả học phí, tối thiểu cũng tới 165 ngàn Ft cho mỗi học kỳ.

Bên cạnh đó, lượng sinh viên các ngành khoa học xã hội được nhà nước cấp học bổng cũng giảm từ 2.100 xuống còn 1.000. Ngược lại, Chính phủ có phần ưu ái các sinh viên theo học các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và tin học khi cấp nhiều suất học bổng toàn phần và bán phần cho họ, nhưng nếu họ phải trả học phí tự túc thì đào tạo ngành kỹ thuật cũng đắt hơn khoa học tự nhiên.

Ngành Y Dược cũng được ưu tiên khi con số sinh viên được nhà nước cấp học bổng toàn phần tăng từ 1.511 năm ngoái lên 1.800 trong năm nay, nhưng học tự túc các ngành này cũng “cao giá” nhất, từ 750 ngàn Ft mỗi học kỳ, cho đến mức cao nhất là 1,2 triệu Ft.

Như vậy, về tổng thể, nhà nước chỉ cấp học bổng toàn phần cho 34 ngàn học sinh, bán phần cho 14 ngàn, tức là giảm đáng kể so với con số 53.500 sinh viên được học bổng toàn phần năm ngoái. Chính phủ Hungary lý giải điều này theo hướng cần cải tổ hệ thống giáo dục cũ thiếu hiệu quả, đào tạo quá nhiều luật gia và kinh tế gia mà không đủ các kỹ sư, bác sĩ và người nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng sự siết chặt việc cấp học bổng nhà nước với mục đích tiết kiệm phần nào cho ngân quỹ quốc gia sẽ khiến hàng vạn sinh viên lâm vào cảnh khó khăn và khó theo học ở bậc đại học, cao đẳng vì không trả nỗi học phí. Thậm chí, một số gia đình còn tìm cách cho con em theo học ở nước ngoài vì đến giờ, không phải ở đâu tại EU giáo dục đại học cũng đắt đỏ như tại Hungary trong thời gian sắp tới.

Tín dụng sinh viên với những điều khoản bó buộc

Đối với chừng 15 ngàn sinh viên trúng tuyển đại học nhưng không thuộc diện được nhà nước cấp học bổng, Chính phủ Hungary thiết lập cho họ hệ thống vay tiền mang tên “Tín dụng Sinh viên 2”, để phân biệt với hệ hiện tại. Điều khác biệt là khoản tiền Nhà nước cho mượn - tối đa 1,2 triệu Ft hàng năm - sẽ chỉ được dùng vào mục đích học tập (chứ không được sử dụng tự do như hiện tại), và sẽ được chuyển thẳng cho cơ sở đào tạo chứ không đến tay sinh viên.

Điều kiện được đặt ra là sinh viên sau khi tốt nghiệp bắt đầu phải trả khoản tín dụng vào năm 35 tuổi (hiện tại là 40 tuổi) và ai trả chậm 6 tháng sẽ bị Sở Thuế xử lý. Chừng từ 6 đến 12% thu nhập sau khi ra trường sẽ được trả hàng tháng cho Nhà nước.

Tuy nhiên, điều khoản bó buộc nhất đối với sinh viên là trong vòng 20 năm kể từ khi tốt nghiệp, họ sẽ phải ở lại làm việc tại Hungary trong khoảng thời gian gấp đôi thời gian theo học đại học của họ, tức là có thể kéo dài tới 12 năm. Một bản hợp đồng ký kết với Nhà nước buộc họ phải tuân thủ điều đó, bằng không, họ sẽ phải trả toàn bộ số tín dụng đã vay mượn trong thời gian học tập.

Trả lời phỏng vấn báo chí về điều này, Thủ tướng Orbán Viktor khẳng định, những ai đi học bằng tiền thuế của dân nên ở lại trong nước một thời gian để phục vụ. Ngược lại, đại diện của giới sinh viên – anh Nagy Dávid - thì cho rằng, không nên tìm cách trừng phạt những người ra nước ngoài làm việc, mà cần giúp đỡ các sinh viên ở lại trong nước có công ăn việc làm và thu nhập hợp lý sau những năm đèn sách dưới mái trường đại học.

Dư luận chung đồng tình với việc Chính phủ cần có những biện pháp khích lệ sinh viên tốt nghiệp ở lại Hungary làm việc, tuy nhiên, khả năng tìm kiếm công việc trong nước - với thu nhập khả dĩ để trả món nợ lớn cho nhà nước - không phải là lớn đối với nhiều người. Do vậy, việc bị cản trở ra nước ngoài tìm cơ hội gây dựng sự nghiệp sẽ gây khó dễ cho không ít người; đấy là chưa nói tới việc sự hạn chế này có thể vi phạm tinh thần tự do của Liên hiệp Châu Âu, mà Hungary là một thành viên từ năm 2004.

Những hệ lụy đối với giáo dục đại học

Dưới ảnh hưởng của đạo luật mới, ngay lập tức, con số thí sinh đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng Hungary trong năm nay giảm 22%. Đặc biệt, do chỉ có rất ít suất học bổng nhà nước nên tỉ lệ đăng ký vào các ngành học Kinh tế giảm 14%, và ngành Luật giảm 2%.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng trong ngành Luật, khi Nhà nước chỉ cho 100 suất học bổng, thay vì gần hai ngàn như trước đây, và ít nhất cũng đạt mức 800 suất như năm ngoái. Trường khoa Luật Đại học TP Szeged, ông Szabó Imre cho rằng để vận hành bộ máy nhà nước, hàng năm cần chừng 1.200 sinh viên luật Khoa tốt nghiệp, và việc Nhà nước chối bỏ bổn phận chi trả ăn học cho họ, buộc gia đình họ làm thay điều đó, là vô lối và bất nhã về chính trị.

Điều khiến các gia đình và bản thân giới sinh viên bất bình là khi đưa ra những quyết sách này, Chính phủ Hungary viện lý do cần cải tổ và tái cơ cấu trong nền giáo dục, nhưng sự thực là để cứu vãn ngân sách quốc gia thâm hụt bằng cách cắt giảm những khoản chi ở mọi nơi mọi chỗ, và tìm nguồn thu ở những nơi có thể.

Hậu quả trong thực tế là một lượng đáng kể học sinh ngày càng do dự, thậm chí quan ngại trước ngưỡng cửa đại học vì những khoản học phí quá cao và những hạn chế mà luật định ràng buộc họ. Bởi lẽ, cho dù có mượn tín dụng đi nữa thi việc chi trả cũng không hề đơn giản, nếu họ không co một nghề nghiệp ổn định với thu nhập cao sau khi ra trường. Đây là điều không lấy gì làm chắc ở Hungary, nơi khủng hoảng kinh tế triền miên và tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt khiến cư dân hết sức bi quan từ 4-5 năm nay.

Trong khi, Hungary vẫn rất cần giới trí thức có học vấn, có tay nghề, đặc biệt là những luật gia, những kinh tế gia trẻ trong hiện tại và tương lai gần. Đây cũng là lý do khiến các thành viên trong tổ chức Mạng lưới Sinh viên đã có những hoạt động hết sức mạnh mẽ như biểu tình ngồi, chiếm trường sở một cách tượng trưng... để phản đối đạo luật mới, và kêu gọi chính quyền có cái nhìn hợp lý và thể tất hơn trong vấn đề giáo dục, cốt lõi của tương lai đất nước.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn