Vụ kiện Tokaj: NHÀ BÁO ĐƯỢC TỰ DO THỂ HIỆN QUAN ĐIỂM

Thứ ba - 05/06/2012 20:20

Quyền tự do thể hiện quan điểm rốt cục đã được các cơ quan tư pháp Châu Âu đánh giá cao hơn “danh dự” của một sản phẩm, cho dù sản phẩm đó có là món đặc sản “quốc hồn quốc túy” của một đất nước đi chăng nữa, như trường hợp rượu Tokaj của Hungary.


Nhà báo Uj Péter - Ảnh: hetek.hu


Phán quyết cách đây ít ngày của Tòa án Tối cao Hungary đã bác bỏ tất cả những bản án trước đó của các tòa cấp dưới, đặt dấu chấm trong cuộc đua pháp lý khá kỳ quặc kéo dài hơn 4 năm giữa một ký giả nổi tiếng, ông Uj Péter, với một doanh nghiệp nhà nước mang tên Tokaj Kereskedőház (Hãng Tokaj).

Từ “Tửu vương, vương tửu” của Hungary...

Để hiểu được nội tình và tầm quan trọng của phán quyết pháp lý trên đây, cần trở về vài trăm năm trước, khi vùng rượu Tokaj lịch sử của Hungary được coi như một “thánh địa” của rượu nho trên thế giới. Do những điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng hết sức đặc biệt, các loại nho trồng ở vùng Tokaj-Hạ Sơn (Hegyalja), qua tay các bậc thày trong nghề, đã cho ra loại rượu Tokaj độc nhất vô nhị, thương hiệu tầm thế giới của Hungary.

Từ năm 1737, Tokaj-Hạ Sơn trở thành vùng trồng nho và sản xuất rượu khép kín đầu tiên trên thế giới, chỉ sản xuất rượu theo phương thức truyền thống và đặc thù của vùng, với sản phẩm nho hoàn toàn trồng trong vùng. Danh tiếng của rượu Tokaj lên cao vào thế kỷ 17, khi vị “Vua mặt trời” Louis 14 - người rất “sành điệu” và có khả năng thưởng thức ẩm thực hết sức tinh tế - đã gọi loại rượu này là “vương tửu, tửu vương” (“le vin des rois et le roi des vins” trong tiếng Pháp, hay “vinum regum, rex vinorum” trong tiếng La Tinh).

Không chỉ là loại rượu luôn có mặt trên bàn tiệc của giới vương hầu Châu Âu, Tokaj còn được giới văn nghệ sĩ Lục địa già hết sức ưa chuộng. Thần đồng âm nhạc Mozart và người viết lời cho ông, Lorenzo Da Ponte, luôn phải có Tokaj khi sáng tác. Rượu Tokaj cũng được đưa vào kiệt tác “Faust” của thi hào Đức Goethe, cũng như trong một tác phẩm do Franz Schubert soạn nhạc trên nền thơ “Lob des Tokayer” (Vinh danh rượu Tokaj) của một nữ thi sĩ người Áo, bà Gabrielle Baumberg.


Một hầm rượu ở vùng Tokaj-Hạ Sơn - Ảnh: boraszat.hu


Hơn thế nữa, cái tên Tokaj cũng được đưa vào lời của bản Quốc ca Hungary, do thi sĩ Kölcsey Ferenc sáng tác vào đầu thế kỷ 19. Ngày nay, vùng rượu Tokaj với diện tích 6.202 hecta được UNESCO liệt vào danh sách các Di sản Thế giới. Cái tên Tokaj được biết đến ở khắp nơi như một trong những biểu tượng đặc sắc của Hungary - hiện tại, trong số các nhà sản xuất loại rượu này, duy nhất có một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước là Tokaj Kereskedőház, chiếm thị phần lớn nhất.

... đến lời chỉ trích “quá đà”

Trên cái nền ấy, việc một nhà báo đưa ra những nhận xét hết sức thẳng thắn - thậm chí có phần thô tục - đối với rượu Tokaj, trong mắt nhiều người là sự phạm thượng không thể tha thứ. Đó là trường hợp của ký giả Uj Péter: ngày 1-1-2008, trong một bài viết đăng trên tờ nhật báo lớn nhất của Hungary “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), ông đã lớn tiếng phê phán việc nhà nước “bao cấp” doanh nghiệp sản suất rượu Tokaj và cho rằng rượu Tokaj giá rẻ của Tokaj Kereskedőház là “như cứt”!

Lập tức, Tokaj Kereskedőház đệ đơn kiện nhà báo và tòa các cấp ở Hungary lần lượt xử thắng cho doanh nghiệp. Ở phiên sơ thẩm, ký giả Uj Péter bị buộc tội “vu khống” và bị án tù treo. Phiên phúc thẩm, Tòa án TP Budapest phạt cảnh cáo nhà báo với tội danh sửa đổi “xúc phạm danh dự” và cuối cùng, Tòa án Tối cao bảo lưu phán quyết này.

Không chịu lùi bước, thông qua đại diện pháp luật là tổ chức dân sự Hiệp hội vì các quyền tự do (TASZ), Uj Péter đưa vụ việc lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu (trụ sở tại Strasbourg). Theo ông và các luật sư, bất kể ai - kể cả nhà báo - đều có quyền tự do nói lên ý kiến và lựa chọn phong cách thể hiện. Ngoài ra, quan điểm về rượu Tokaj phải được coi là ý kiến về một vấn đề mang tính xã hội quan trọng, vì đây là một sản phẩm của doanh nghiệp do nhà nước hỗ trợ tài chính.

Theo cách nhìn ấy, sự diễn đạt trên mặt báo của ký giả Uj Péter có thể mang tính chủ quan, cũng có thể đã đi “quá đà”, gây sốc, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ tự do ngôn luận, tự do báo chí và việc một doanh nghiệp nhà nước tận dụng phương tiện pháp luật để “chặn họng” nhà báo là điều không thể được. Vai trò “cầm cân nảy mực”, như thế, đã được chuyển sang một cơ quan “trọng tài” quốc tế, là Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Châu Âu chủ trương bảo vệ quyền tự do thể hiện quan điểm

Hè năm ngoái, Tòa án Strassbourg đã ra một phán quyết mang tính tiền lệ trong vụ kiện nói trên, theo đó, Tòa thừa nhận rằng để bảo vệ danh dự, nhân phẩm một cá nhân, đôi khi có thể hạn chế quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, một doanh nghiệp thì không có danh dự, phẩm giá - mà chỉ có những lợi ích kinh tế chính đáng. Do đó, không thể chuyển đổi trực tiếp những điều luật vốn được đặt ra để bảo vệ cá nhân theo mục đích bảo vệ doanh nghiệp, nói đúng hơn là để “bịt miệng” những ý kiến phê bình.


“Quốc tửu” của dân tộc Hungary - Ảnh: elestar.hu

Đó là chưa kể đến chuyện trong trường hợp này, xét thấy, nhà báo đã nêu ý kiến về một doanh nghiệp sở hữu nhà nước, mà sản phẩm và hoạt động của nó nằm dưới sự quan tâm và “búa rìu dư luận” của toàn xã hội. Tòa thấy, mục đích của nhà báo không phải là “bêu xấu” sản phẩm của doanh nghiệp, mà chủ yếu là nhằm phê phán những bất cập của việc nhà nước sở hữu một doanh nghiệp nhu thế.

Như vậy, hành động của ký giả phục vụ lợi ích xã hội và trong trường hợp của Uj Péter, người viết thậm chí có bổn phận chuyển giao những thông tin và ý kiến, “ngay cả khi đương sự có phần cường điệu hoặc khiêu khích”. Tòa Strasbourg còn khẳng định, bản thân sự thô tục vẫn không nằm ngoài phạm vi tự do ngôn luận. Mọi ký giả có thể lựa chọn phong cách diễn đạt cho riêng mình, vì “phong cách là một phần của sự giao tiếp, truyền tải thông tin, cùng với nội dung thì hình thức biểu đạt cũng phải được bảo vệ”.

Cuối cùng, Tòa Strassbourg tuyên bố các bản án của tòa án các cấp Hungary đã vi phạm quyền tự do thể hiện quan điểm của nhà báo Uj Péter. Cho dù vị ký giả không đòi hỏi bồi thường trong đơn kiện, nhưng Tòa Strassbourg vẫn buộc Nhà nước Hungary phải chi trả 3.580 Euro cho nguyên đơn để bù đắp những chi phí của ông trong vụ kiện.

*

Gần một năm sau phán quyết của Tòa Strasbourg, trung tuần tháng 5 vừa qua, Tòa án Tối cao Hungary đã phải xem xét lại và hủy bỏ những bản án trước đó, và tuyên bố Uj Péter vô tội vì đã không có hành vi phạm pháp xảy ra. Theo nhận định của “Hiệp hội vì các quyền tự do”, cho dù thủ tục xét lại nói trên chỉ mang tính hình thức, nhưng với động thái này, nhà nước Hungary đã chính thức thừa nhận rằng chính quyền đã hạn chế một cách bất hợp pháp vị ký giả khi ông thực thi quyền tự do thể hiện quan điểm.

Theo nhận định của giới luật gia, song song với việc nhà nước Hung lại thua kiện trước một công dân bình thường, bản án của Tòa Strassbourg lần này được coi là có giá trị vượt lên hẳn các bên tham gia vụ án, và được coi là một phán quyết xuất sắc trong hoạt động của cơ quan tư pháp này.

(*) Bài viết đã đăng trên “Tuổi Trẻ”.

Nguyễn Hoàng Linh, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn