CẢNH SÁT BẠO HÀNH DÂN, HUNGARY BỊ TÒA QUỐC TẾ XỬ THUA KIỆN

Thứ ba - 10/07/2012 13:54

Một quốc gia có thể bị quốc tế cảnh cáo vì tình trạng bạo hành của cơ quan công lực nước đó. Đó là trường hợp mới đây của Hungary: trong thời gian ngắn hiếm có, Tòa án Nhân quyền Châu Âu (trụ sở tại Strassbourg) đã xét đơn của một người gốc Tzigane tại Hungary kiện chính tổ quốc mình và đã tuyên bố phần thắng thuộc về nguyên đơn.


Buổi lễ đặt tên


Chuyện xảy ra vào hồi 9 giờ tối ngày 4-9-2010 tại Tiszalúc, một làng nhỏ ở Hungary, nơi một gia đình gốc Tzigane làm lễ đặt tên cho con họ trong vườn nhà của mình. Viện cớ “gây mất trật tự”, cảnh sát đã tới và yêu cầu gia đình cho nhạc nhỏ đi.

Đề nghị đó được gia đình chấp thuận. Tuy nhiên, nửa tiếng sau, cảnh sát lại huy động một lực lượng lớn dùng dùi cui và hơi cay giải tán những người tham dự buổi lễ đặt tên, mặc dù họ không chống lại lệnh cảnh sát, mà chỉ thắc mắc về tính chính đáng của nó.

Trong nhóm người có mặt, một phụ nữ gốc Tzigane, cô Kiss Borbála (27 tuổi) bị nhiều cảnh sát nắm cổ áo kéo lê dưới mặt đất, khiến cô bị thương ở lưng và bị tuột áo khiến phần ngực bị hở trước mặt mọi người. Sau đó, cô còn bị khám người rồi bị đẩy lên xe cảnh sát và đưa về đồn.

Bất bình trước cách hành xử thô bạo của cảnh sát, các bị hại đã tố giác cơ quan công lực địa phương vì theo họ, các cảnh sát viên đã hành hung công dân khi thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, đơn tố giác của họ bị đã bác và sau đó, cuộc điều tra được tiến hành căn cứ đợt tố giác tiếp theo - với sự hỗ trợ của tổ chức dân sự “Hiệp hội vì các quyền tự do” (TASZ) - cũng vẫn bị đình chỉ tại tòa các cấp.

Thêm vào đó, giữa chừng, các bị hại còn bị khởi tố với tội danh cản trở người thừa hành công vụ và rất nhanh chóng, bản án sơ thẩm đối với họ đã được tuyên vào tháng 3/2012. Đáng chú ý là trong vụ án này, nhân viên công tố lại chính là người đã quyết định đình chỉ điều tra trong vụ án được mở trước đó để xem xét trách nhiệm của các cảnh sát.


Các nhân chứng - bị hại trong vụ án


Không lùi bước, Kiss Borbála đã đề nghị TASZ xem xét trường hợp của cô trong khuôn khổ một chương trình hỗ trợ pháp lý cho người gốc Tzigane do tổ chức này thực hiện. Tiếp đó, phối hợp cùng Trung tâm các Quyền của người Tzigane Châu Âu (ERRC), TASZ đưa vụ việc lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu vào tháng 9-2011.

Hai tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền kể trên cho rằng cách hành xử dã man và không tương xứng của cảnh sát - cũng như việc chính quyền Hungary đã không điều tra một cách thích hợp sai phạm của cơ quan công lực - đã vi phạm Điều 3 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền, cấm sự trừng phạt hoặc đối xử vô nhân đạo, làm mất phẩm giá.

Chỉ trong thời gian rất ngắn, ngày 26-6-2012, Tòa Strassbourg đã ra phán quyết tuyên bố: biện pháp xử lý tàn nhẫn của cảnh sát Hungary đối với cô K. Borbála là đi ngược lại Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Bên cạnh đó, Tòa khẳng định quá trình điều tra sai sót của cảnh sát cũng không phù hợp những yêu cầu, đòi hỏi của Công ước và của thực tế pháp luật.

Cho dù Tòa Strassbourg cho rằng chưa đủ bằng cứ để chứng tỏ có sự phân biệt đối xử trong trường hợp này (nguyên đơn là người gốc Tzigane), nhưng Tòa cũng buộc Nhà nước Hungary phải bồi thường danh dự cho cô Kiss Borbéla khoản tiền 5.000 Euro, và chi trả 3.000 Euro để bù đắp các khoản án phí mà nguyên đơn đã bỏ ra trong vụ kiện.

Quan điểm của Tòa án Nhân quyền Châu Âu cho thấy, tư pháp quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải có cái nhìn nghiêm khắc đối với mọi trường hợp mà có thể nghi vấn một cách có cơ sở là cảnh sát đã bạo hành hoặc có cách hành xử “quá trớn” vượt mức cho phép.

Bản án của Tòa cũng cho thấy, một công dân Châu Âu sau khi đã thất bại trước cơ quan tư pháp các cấp trong nước, vẫn còn một “cửa” nhiều hứa hẹn để đòi công lý và nhân quyền cho mình...

(*) Bản tin đã đăng trên “Tuổi Trẻ”.

Nguyễn Hoàng Linh, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn