Anh Phạm Ngọc Chu: “VÌ VIỆT NAM LUÔN LÀ QUÊ MẸ CỦA TÔI…”

Thứ ba - 10/04/2012 12:56

(NCTG) Trong phái đoàn các nghị sĩ Quốc hội Hungary sang thăm Việt Nam cuối tháng Ba vừa qua, có một người Việt mang quốc tịch Hungary, anh Phạm Ngọc Chu, hiện giữ cương vị Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary.


Từ trái sang phải: Ông Ughy Attila (Quận trưởng Quận 18), ông Vũ Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng Quốc hội, Trưởng ban Hữu nghị Việt Nam - Hungary), ông Kovács Péter (Quận trưởng Quận 16), Ðại sứ Hungary tại Việt Nam Vizi László, ông Hanti Tamás (nhà phát minh, sáng chế), ông Nagy József (cố vấn đoàn) và anh Phạm Ngọc Chu

Anh Phạm Ngọc Chu, mới đây, cũng là người gốc Á đầu tiên được bầu vào Ủy ban Olympic Quốc gia Hungary (MOB), cơ quan điều hành và đại diện cho phong trào Thế vận Hungary.

Nhân dịp này, NCTG đã có một cuộc trao đổi với anh Phạm Ngọc Chu về một số vấn đề có liên quan.


Đoàn chụp kỷ niệm với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội

PV: Ở Hungary, Ủy ban Olympic là cơ quan có quyền lực cao nhất trong thể thao, chỉ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Olympic Quốc tế. MOB đồng thời có chức năng chỉ đạo, giám sát và phân bổ tài chính cho các môn, ngành thể thao trong cả nước.

Cuối tháng Hai vừa qua, anh vừa được bầu là thành viên MOB, cương vị vinh dự đối với một công dân gốc nước ngoài. Xin anh cho biết lý do và cảm tưởng.

- Ðến bây giờ tôi cũng không biết tại sao lại được bầu, họ bầu đại diện từ cấp câu lạc bộ, đến liên đoàn, những lần họp đó tôi đều vắng mặt (cười).

Hungary là một cường quốc thể thao, trên góc độ thể thao quần chúng và cả thể thao đỉnh cao. MOB thành lập từ hơn một trăm năm nay (năm 1895), thể thao Hungary đạt được nhiều thành tích lớn lao trên đấu trường thế giới. Vì thế, được chọn vào tổ chức này, tôi thấy rất vinh dự và có trách nhiệm cao.

Đêm hôm đầu tiên đi dự đại hội của MOB, tôi hồi hộp quá không ngủ được. May tôi có người vợ tốt luôn đứng bên cạnh động viên và khích lệ.

PV: Được bổ nhiệm vào tổ chức thể thao lớn này, anh có ý định làm cầu nối với cơ quan phụ trách Olympic của Việt Nam không?

- Có chứ, vì Việt Nam luôn là quê mẹ của tôi mà (cười). Tôi nung nấu ý tưởng đó, nhưng hiện tại tất cả mọi người đều rất bận bịu với công tác chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội mùa hè tới tại London.

Khả năng là vào mùa thu, tôi sẽ có dịp tháp tùng một phái đoàn cấp cao của MOB sang thăm và làm việc với các cơ quan chức năng về thể thao của Việt Nam. Tất nhiên hãy để các nhà lãnh đạo đi trước đã để bàn bạc, thỏa thuận và ký kết các văn bản hợp tác, rồi mới tới các ban ngành thể thao, các vận động viên… theo sau.

Nếu trong mối quan hệ hợp tác đó, giới thể thao Việt Nam được tiếp cận, được đào tạo tại các CLB và các huấn luyện viên cấp thế giới, thì đó là thành công ban đầu rồi. Còn chúng ta tiếp thu để đạt thành tích như thế nào trong tương lai thì cần phải thời gian.


Đoàn làm việc tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông

PV: Vừa qua, anh cũng là người Việt Nam duy nhất có mặt trong một phái đoàn nghị sĩ Quốc hội Hungary sang thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam. Xin anh cho biết chi tiết.

- Phái đoàn gồm 5 người do Ðại biểu Quốc hội Kovács Péter (Quận trưởng Quận 16, Budapest, kiêm Chủ tịch Tiểu ban Nghị sĩ Hữu nghị Hungary - Việt Nam) làm trưởng đoàn.

Trong danh sách gửi Bộ Ngoại giao và Ðại sứ quán Hungary tại Việt Nam, tôi tham gia trên tư cách thành viên Ủy ban Olympic Hungary. Tuy nhiên, khi đi tiếp các đoàn, ông Péter có giới thiệu thêm chức danh của tôi trong một tổ chức cộng đồng là Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary.

PV: Anh có thể cho biết hoạt động của đoàn tại Việt Nam những ngày vừa qua.

- Lịch của đoàn kín mít từ sáng đến tối!

Chúng tôi đã làm việc với Quốc hội Việt Nam, đàm phán với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Ðoàn được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh tiếp thân mật, ngoài ra chúng tôi còn có dịp đến thăm Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông và một số doanh nghiệp về năng lượng.

Trong đoàn, có ông Hanti Tamás là một chuyên gia nghiên cứu và sáng chế về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch. Ông đã có buổi thuyết trình về sản phẩm của mình trước hơn một trăm kỹ sư và giáo viên giảng dạy tại Ðại học Bách khoa Hà Nội. Các doanh nghiệp Việt Nam rất mong muốn có sản phẩm này.

PV: Xin anh giới thiệu cụ thể hơn về sản phẩm đó?

- Có hai sản phẩm được nhà phát minh sáng chế Hanti Tamás giới thiệu tại Việt Nam. Thứ nhất là một ổn áp nhỏ lắp vào bóng đèn sẽ giảm tiêu thụ năng lượng 50%, đồng thời tăng ánh sáng và tuổi thọ bóng đèn gấp đôi.

Sản phẩm tiếp theo giúp sản sinh ra năng điện từ gió, có thể dùng dân dụng cho một hai hoặc nhiều gia đình, làng bản thôn quê Việt Nam, rất gọn nhẹ, giá rẻ và tính năng bảo vệ môi trường cao. Sản phẩm này đã có đối tác Việt Nam, một ngày không xa một nhà máy chế tạo nó sẽ được xây dựng ở ngoại ô TP HCM.


Thưởng thức ẩm thực Việt Nam

Ông trưởng đoàn Kovács Péter đã bốn lần sang thăm Việt Nam, theo đánh giá của ông,  chưa lần nào vui và thành công như lần này!

PV: Ðược biết, trong đoàn còn có ông Ughy Attila - nghị sĩ Quốc hội, Quận trưởng Quận 18, nơi có một trung tâm thương mại lớn do người Việt Nam sở hữu và điều hành. Chuyến đi liệu có tác động gì tốt cho trung tâm và bà con kinh doanh ở đó?

- Đại đa số các chợ và trung tâm thương mại của người Việt chúng ta ở Đông Âu đều ít chiếm được cảm tình của địa phương và chính quyền sở tại.

Trung tâm thương mại Thăng Long hiện có đa số người Việt đang buôn bán làm ăn cho nên một trong những nhiệm vụ chính của tôi trong chuyến đi này cũng là gây thiện cảm với ông Quận trưởng và Chính quyền Quận 18.

Trong những ngày thăm Việt Nam, chúng tôi ở cùng một khách sạn, cùng đi làm việc, cùng đi ăn, giải trí với nhau. Tôi thấy ông Quận trưởng rất trẻ trung và vui tính, luôn có suy nghĩ và ý kiến tốt về cộng đồng Việt Nam chúng ta tại Hungary.

Đây là lần đầu tiên ông Ughy Attila sang thăm Việt Nam và ông mong muốn còn có nhiều lần trở lại đất nước chúng ta. Ông ấy rất thích rượu rắn và có mua về Hungary làm quà.

PV: Câu hỏi cuối cùng về một đề tài có thể nhạy cảm và đã gây xôn xao trong cộng đồng thời gian gần đây.

Lần trao đổi trước, anh có cho biết cách đây ít năm anh đánh mất hộ chiếu và một người Việt Nam đã sử dụng nó để sang Anh Quốc bất hợp pháp. Vì thế, anh bị tình nghi là có tham gia một đường dây đưa người.

Ðược biết, tòa án đã bắt đầu làm việc lại trong tháng 4 này. Anh có thể chia sẻ một số chi tiết cho bạn đọc?

- Theo thông báo của luật sư, tòa đã bỏ phần cáo buộc buộc tội tôi tham gia đường dây đưa người. Như vậy, căn cứ những dữ liệu điều tra, tòa cũng thấy là tôi không có liên quan gì trong vụ này.

PV: Ý kiến cá nhân của anh về chuyện đưa ngưười?

- Tôi sinh ra và lớn lên trong bom đạn cho nên tôi rất hiểu thế nào là chiến tranh, loạn lạc và di tản. Nhiều người trong chúng ta vẫn còn là nạn nhân của những biến cố đau thương này.


Trong chuyến thăm tỉnh Bắc Ninh của Đoàn

Trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi, cả đoàn ngồi trên chuyến xe buýt thăm phố phường Hà Nội. Ông Tamás nhìn thấy đường phố người đông kìn kịt và có hỏi tôi một câu: “Ở Việt Nam có nhiều người thất nghiệp không?”.

Tôi trả lời: “Rất nhiều”. Ông ấy hỏi tiếp: “Thế tại sao đất nước này không có chính sách cho dân di cư như bên Trung Quốc?”. Tôi cười to và vỗ vai ông Tamás, rồi bảo: “Câu hỏi hay nhưng ông nên hỏi các chính khách, các nhà hoạch định chính sách ấy”.

PV: Xin cám ơn anh vì cuộc trao đổi thú vị và thẳng thắn này!

Trần Lê thực hiện - Ảnh do nhân vật cung cấp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn