DÂN HUNGARY ÍT ĐỂ TÂM TỚI CHÍNH PHỦ

Thứ sáu - 24/07/2009 13:25

Hungary là một quốc gia mà cư dân rất thích nói lên quan điểm chính trị của mình. Tuy nhiên, tờ nhật báo “Bors” cho rằng, không chắc người dân đã biết khi họ phê bình giới chính khách, thì họ đang nói về ai?

Bộ trưởng Tư pháp và Trị an Draskovics Tibor là một gương mặt cũ, nhưng đa số vẫn không “nhận diện” được ông - Ảnh: “Europress”

Bằng chứng là đa số những người được “Bors” hỏi đã không thể nhận ra các thành viên chính phủ qua ảnh.

Chẳng hạn, Bộ trưởng phụ trách tình báo và công an mật Draskovics Tibor - mặc dù đã hiện diện khá lâu trên chính trường Hungary - vẫn bị nhầm là đạo diễn điện ảnh, hoặc HLV bóng đá.

Ý tưởng của “Bors” xuất phát từ điều tra gần đây nhất của Viện Nghiên cứu Szonda Ipsos, theo đó, cho dù trong nội các mới của tân thủ tướng Bajnai Gordon có nhiều gương mặt mới, nhưng nhìn chung mức độ “quen biết” của người dân đối với của các vị bộ trưởng, quốc vụ khanh là “trên trung bình”. Ngoại trừ Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ Molnár Csaba - người giữ trọng trách trong nội các – thì lại ít được biết đến.

Dường như không tin lắm vào kết quả này, nhật báo “Bors” chọn một cách không thật “chính thống” của sự thăm dò dư luận, là cử phóng viên mang hình các thành viên chính phủ và hỏi loạn xạ người dân tại một quảng trường trung tâm Budapest (Blaha Lujza) xem họ có biết đó là ai không. Kết quả thu được khá tệ: đa số cư dân được hỏi đều “trả bài” sai.

Những câu trả lời thường xuyên nhất là “chịu”, “chưa bao giờ thấy”, “quen quen, nhưng không biết chính xác là ai”… Có người còn hỏi lại “họ có phải người Hungary không vậy?” Nhiều người, sau khi biết “đáp án” và thấy mình trả lời sai tréo vẹo, đã tỏ ý ngượng và không muốn được đưa ảnh lên báo.

Phân tích về hiện tượng này, ông Böszörményi Nagy Gergely, nhà bình luận chính thuộc Học viện Quan điểm (Nézőpont Intézet, Hungary) cho rằng về căn bản, nếu cử tri không “nhận diện” được các bộ trưởng thì điều này không nhất thiết đã là xấu. Một hệ thống vận hành tốt có thể là một hệ thống mà giới lãnh đạo không phải ai cũng biết tới.

Một ví dụ hay được nêu ra là, một trọng tài giỏi là người mà khán giả ít nhận thấy trong một trận cầu. Hoặc, thông thường hành khách chỉ biết đến thuyền trưởng và đoàn thủy thủ khi con tàu gặp họa gì đó.

Tuy nhiên, theo ông Gergely, vấn đề của Hungary nằm ở chỗ khác: “Cử tri Hung đã quá chán ngán với chính trị hiện tại, và giới truyền thông thì cũng luôn luôn cho người dân có cảm tưởng rằng hai đảng lớn nhất - Đảng Xã hội cầm quyền và Liên đoàn Thanh niên Dân chủ đối lập – cũng tệ hại như nhau cả, thành thử họ cảm thấy không có nhu cầu phải phải nhớ mặt các chính khách thượng đỉnh”.

Còn ông Juhász Attila, chuyên gia thuộc Political Capital thì lập luận: chính trường Hungary có quá nhiều biến động trong thời gian qua, kẻ đi người ở lộn xộn cả, nên không có gì lạ khi cử tri không “nhận diện” được các bộ, thứ trưởng.

Trong số các bộ trưởng mới, nhiều người còn chưa hiện diện mấy, nên ngay cả những ai quan tâm đến tin tức cũng chưa kịp đưa họ vào bộ nhớ. Cũng phải nói thêm một tình tiết là nhiều “tân binh” không phải là các đảng viên kỳ cựu, mà họ đến từ giới làm ăn”, ông Juhász cho hay, và nhấn mạnh: “Kết quả của “Bors” không có gì đáng ngạc nhiên: dân Hungary đã chán chính trị trên diện rộng rồi!

(*) Bản tin đã đăng trên "Tiền Phong".

Nam Long, theo “Bors”


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn