TS Szili Katalin, Chủ tịch Quốc hội Hungary
Đây là chế độ trọng đãi – đã được đưa vào luật định của Cộng hòa Hungary - đối với 5 chính khách thượng đỉnh (Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án Tối cao và Chánh án Tòa án Hiến pháp) sau khi họ rời trọng trách được trao.
Có thể kể đến trường hợp nguyên Thủ tướng Gyurcsány Ferenc: sau khi từ chức vào mùa xuân năm nay, ông vẫn được duy trì xe hơi và tài xế riêng đến năm 2013 (chi phí hàng năm chừng 4,5-5,5 triệu Ft) và Ban Thư ký đến năm 2011.
Đối với Chủ tịch Quốc hội Szili Katalin, mặc dù trong tháng 9-2009, bà phải rời ngôi nhà rất “hoành tráng” ở phố Művész (trung tâm Budapest), nhưng bà vẫn được nhận 3 tháng lương dành cho người đứng đầu cơ quan lập pháp (chừng 4,5 triệu Ft – 1 USD tương đương 190 Ft). Lẽ ra, nếu không từ chức mà chờ cho đến hết nhiệm kỳ, bà sẽ còn có thể “lợi” hơn, với khoản tiền “bỏ túi” bằng 6 tháng lương (hơn 9 triệu Ft chưa trừ thuế).
Cạnh đó, sau khi rời cương vị của mình, theo luật định, bà Szili Katalin vẫn được dùng xe hơi và tài xế riêng trong một khoảng thời gian bằng thời gian bà tại chức. Trong trường hợp bà Szili, khoảng thời gian này khá dài (từ ngày 15-5-2002 đến nay, nghĩa là 7 năm 4 tháng), và do đó, bà được duy trì xe tới đầu năm 2017, với một hạn chế duy nhất là hàng năm “chỉ” được đi tối đa là 30 ngàn cây số.
Thời gian mà bà Szili Katalin được tiếp tục duy trì Ban Thư ký được ấn định là bằng nửa thời gian tại chức (hơn 3 năm rưỡi). Luật cũng xác định cụ thể là hai nhân viên của Ban Thư ký, một người phải có bằng đại học hoặc cao đẳng, người kia có bằng trung cấp – như thế, chi phí dành cho họ hàng tháng là 800.000 – 1 triệu Ft.
Tất nhiên, cư dân Hungary không phải ai cũng đồng tình với những bổng lộc cao như vậy cho giới chính khách, nhất là trong hoàn cảnh nước này đang lâm vào cảnh khủng hoảng kinh tế khá trầm trọng từ một năm nay, khiến đời sống nhân dân bị ảnh hưởng ghê gớm.
Tuy nhiên, theo lời một dân biểu Hungary - ông Turi-Kovács Béla - khi các vị nghị sĩ xứ sở này chuẩn bị thông qua đạo luật về bổng lộc cho các chính khách thượng đỉnh của đất nước vào ngày 5-5-2000, thì: “Nếu chúng ta so những gì mà những người đứng đầu quốc gia được nhận với mức lương tối thiểu (*), thì hẳn là nhiều. Nhưng nếu nhìn nhận dưới một thước đo khác, theo đó, những cương vị này có ý nghĩa như thế nào đối với một đất nước, một dân tộc, thì những khoản nói trên cùng lắm là chỉ xấp xỉ giới hạn dưới”.
Và ông lý giải thêm: “Bởi lẽ, tôi cũng tin tưởng vững chắc rằng, một dân tộc không thể cho phép những người đại diện cho mình mắc phải bất cứ vấn đề gì về mặt sinh kế, tài chính”.
(*) Mức lương tối thiểu của người lao động Hungary, trong năm 2009, được ấn định là 71.500 Ft.
(*) Bản tin đã đăng trên "Tiền Phong".
Trần Lê, theo index.hu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn