HỒ CHÍ MINH “ĐÃ GIÁO DỤC THẾ GIỚI THEO CÁCH TỐT NHẤT”

Thứ hai - 28/09/2009 00:22

Nhà báo nổi tiếng Hungary, Róbert László, đã có những dòng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào những ngày sau khi Bác ra đi, thể hiện lòng tôn trọng nhà cách mạng Việt Nam, nhưng theo một cách tiếp cận dung dị và thú vị.

Nhà báo Róbert László năm 80 tuổi (ảnh chụp năm 2006)

Lời Tòa soạn: Róbert László (1926-) thuộc lớp ký giả cựu trào và tài năng nhất của Hungary.

Tốt nghiệp khoa Pháp văn, ông khởi đầu sự nghiệp báo chí tại Đài Phát thanh Hungary (BBT Ngoại văn).

Trên cương vị ký giả các tờ báo lớn của Hungary như “Tự do Nhân dân”, “Tiếng dân”, rồi Hãng Thông tấn Hungary MTI, ông từng là phóng viên thường trú tại Rome, Paris, và nhận nhiều giải thưởng báo chí lớn trong nước và quốc tế, như Giải Báo chí Quốc tế Rome, Giải Táncsics Mihály (2004), Giải Pulitzer Hungary (2007). Năm 1989, ông giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Hungary.

Róbert László có rất nhiều duyên nợ với Việt Nam. Thập niên 60, ba lần ông được cử sang Đông Dương làm phóng viên chiến trường, và những thước phim phản chiến mà ông quay được trong những khoảnh khắc ác liệt nhất của cuộc chiến Việt Nam đã khiến tên tuổi ông được biết đến trong làng báo chí quốc tế.

Năm 1973-1976, là thành viên Phái đoàn Hungary trong Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Quốc tế (Hiệp định Paris về Việt Nam), ông đã chứng kiến những ngày cuối cùng của chiến tranh và những tháng đầu tiên của hòa bình trên mảnh đất hình chữ S.

Riêng về đề tài Việt Nam, Róbert László đã cho ấn hành hai cuốn sách “Rượu whisky với bom - Nhật ký từ Đông Dương” (Whisky bombával – Napló Indokínából, 1971) và “Khách sạn Hoàn Mỹ” (Hotel Majestic, 1978), với mong muốn khắc họa “những con người mà cuộc đời được lịch sử tạo nên và những người đã tạo nên lịch sử bằng cuộc đời của họ”.

Trong những chấm phá ấy, đáng chú ý là những dòng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào những ngày sau khi Bác ra đi, tháng 9-1969.

Bìa cuốn sách “Rượu whisky với bom - Nhật ký từ Đông Dương”

- Bố, bố lại làm việc à?

- Bố viết về Hồ Chí Minh.

- Sao đến giờ bố mới viết, khi Bác đã qua đời?

- Sinh thời Bác, bố cũng đã viết rồi mà.

- Bố viết sao?

- Rằng Bác là người tốt, và cứng cỏi.

- Thế còn bây giờ?

- Giờ bố cũng viết vậy.

- Thế thì sao bố viết có vẻ khó khăn thế? Dễ lắm mà. Nào, để con đọc, bố chép nhé.

Tôi chép: “Bác Hồ sở dĩ là người tốt, vì Bác yêu mọi người. Bác yêu cả nhi đồng. Bác biết chơi với các cháu. Bác đối xử tốt với trẻ em.

Bác Hồ biết phải giáo dục thế giới như thế nào.

Bác mất, vì đã có tuổi. Nhiều người thương tiếc Bác. Trong số đó, có con. Pisti”.

***

Budapest, ngày 11 tháng 9 năm 1969

Tôi nhận được điện báo từ Đài Tiếng nói Việt Nam, đề nghị tôi viết lại những kỷ niệm riêng với Hồ Chí Minh.

Tôi gặp Bác một lần.

Đó là vào tháng 3 năm 1961. Ngày bế mạc Đại hội Công đoàn tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu và giới ký giả (có chừng 220 người) tập trung tại Phòng Khánh tiết của Bắc Bộ Phủ một thuở.

Tất cả chuẩn bị cho tấm ảnh chụp chung. Một nghi thức mang tính gia đình đầm ấm. Nhưng, hoặc là ống kính nhỏ, hoặc anh chàng nhiếp ảnh trẻ tuổi người Việt vụng về - bao nhiêu phút trôi qua mà vẫn không sao chụp được ảnh. Thế nào cũng vẫn có người không lọt vào ống kính.

Khi ấy, một ông cụ thanh mảnh, râu thưa, mắt nheo cười bước vào phòng qua cửa phụ. Chân đi dép cao su, cụ bước êm ru và nhẹ nhàng đẩy chàng nhiếp ảnh gia sang một bên, rồi bắt đầu chấn chỉnh hàng ngũ. Cụ nói tiếng Anh và Pháp, Nga và Trung – tóm lại, nói bằng tiếng mẹ đẻ với từng người và đề nghị “các đồng chí, mình đứng dẹp vào hơn chút nhé”. Để tất cả đều có mặt trong hình.

Thế rồi, khoác vai một đại biểu Pháp, một đại biểu Guninea, một đại biểu Liên Xô và một đại biểu Trung Hoa, cụ nhẹ nhàng ấn họ ngồi xuống thảm và ngồi vào giữa họ.

Tấm ảnh lịch sử

Đèn sáng. Tấm ảnh thành công.

Hồ Chí Minh đã giáo dục thế giới theo cách tốt nhất.

Tôi muốn đưa câu chuyện thời sự và triết lý của con trai tôi vào một thể thống nhất và hài hòa với ấn tượng cá nhân tôi.

Trước mắt tôi, trên bàn, là Di chúc của Bác:

VỀ PHONG TRÀO CỘNG SẢN THẾ GIỚI - là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!

Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.

Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Tôi mở đài. Cận Đông. Viễn Đông. “Trở về từ tang lễ Hồ Chí Minh, tại phi trường Bắc Kinh, Kosygin (1) đã gặp gỡ Chu Ân Lai”.

Hồ Chí Minh đã giáo dục thế giới theo cách tốt nhất.

Ngày thứ ba, tôi nhận được số “Thời báo New York” (New York Times) về tang lễ. Tiếc là báo không đến sớm hơn, nó có thể minh họa tốt cho lời bình: “Ngay cả với sự ra đi của mình, Hồ Chí Minh cũng thúc đẩy cách mạng thế giới. Nếu không có tang lễ ông, có lẽ đã không diễn ra cuộc gặp mặt Kosygin - Chu Ân Lai”.

***

Paris, ngày 25 tháng 11 năm 1969.

Tôi ngồi trong quầy bar của Phòng hội Kléber (2) cùng Wilfred Burchett (3), Jacques Decornoy, chuyên gia về vùng Đông Nam Á của tờ “Le Monde” và Jean Lacouture (4), người viết tiểu sử Hồ Chí Minh.

Viên đá trong tách whisky kêu lách tách. Chúng tôi chờ đợi cuộc mật đàm lần thứ 21 kết thúc. Để người Việt Nam – phía Hà Nội và Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam Việt Nam – nói đi nói lại với Harriman, Cabot Lodge sao cho Johnson hay Nixon cũng phải hiểu rằng, lính Mỹ không có gì đáng tìm kiếm ở Việt Nam. Rằng Việt Nam muốn đàm phán... nhưng họ cũng đủ kiên trì và bền gan để chiến đấu... Cho đến chừng nào Washington còn chưa hiểu được Việt Nam muốn gì...

Ngồi trong quầy bar, chúng tôi đàm đạo về sự ra đi của Hồ Chí Minh. Và về sự kiện diễn ra tại phi trường Bắc Kinh. Mỗi người đều nói phần của mình. Tôi thì khoe cách diễn đạt của con trai tôi.

Buerchett:

- Cậu ghen tị với chàng trai ấy vì cách thể hiện quá cô đọng của nó chứ gì?

Lacouture (như thể đang tự nhủ):

- Tôi biết rõ ông cụ. Đôi lúc tôi có cảm tưởng rằng niềm tin của ông cụ là sự tin tưởng của một đứa trẻ ngây thơ. Ông cụ là người lạc quan khủng khiếp. Nhưng rồi rốt cục những sự kiện cũng luôn chứng tỏ cái lý của cụ...

Ghi chú:

(1) Aleksei Kosygin (1904–1980), nhà lãnh đạo Xô-viết, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1964-1980). Trên cương vị người đứng đầu chính phủ Liên Xô, sau khi tham dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã gặp gỡ người đồng nhiệm CHND Trung Hoa Chu Ân Lai sau một thời kỳ dài, khi mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc bị đóng băng.

(2) Nơi diễn ra những cuộc hòa đàm và mật đàm, chuẩn bị cho Hội nghị Paris về Việt Nam.

(3) Wilfred Burchett (1911-1983), ký giả Úc, nổi tiếng với những bài báo phản chiến trong các cuộc chiến của Hoa Kỳ tại bán đảo Cao Ly và Đông Dương. Được coi là có hợp tác với KGB.

(4) Jean Lacouture (1921-), nhà báo, sử gia, một trong những nhà viết tiểu sử nổi tiếng nhất thế giới với các “chân dung” về các lãnh tụ chính trị và danh nhân như Nasser, Léon Blum, De Gaulle, François Mauriac, Mitterrand, Montesquieu, Montaigne, Malraux, Stendhal, Kennedy... Tác giả cuốn “Hồ Chí Minh: Tiểu sử Chính trị” (Ho Chi Minh: A Political Biography, 1968).

(*) Bài viết đã đăng trên "Tiền Phong".

Nguyễn Hoàng Linh trích dịch từ nguyên bản tiếng Hung,


 
 Từ khóa: Róbert László
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn