Vậy loại “
biệt dược” ấy là gì? Theo tin của truyền thông Hungary, nó chính là thuốc Favipiravir chứa hoạt chất cùng tên, có tác dụng làm giảm thời gian sốt, giúp cơ thể người bệnh nhanh chóng chống chọi với virus và giữ cho lá phổi của bệnh nhân đỡ bị thương tổn.
Hiện, thuốc đang được làm thủ tục cấp phép tại Hungary và vì đang trong “
thời chiến” nên mọi việc sẽ diễn ra nhanh và trôi chảy hơn. Các bác sĩ điều trị sẽ không cần xin phép sử dụng cho từng bệnh nhân, mà chỉ cần viết một báo cáo tổng kết “
về hậu” để gửi đi cho OGYÉI.
Cơ quan quản lý của Hungary về dược phẩm và thực phẩm (OGYÉI), nếu cho phép sử dụng loại “
biệt dược” này (có lẽ chỉ là vấn đề thời gian), thì đương nhiên sẽ không trên danh nghĩa thuốc trị Covid-19, mà sẽ là thuốc dùng cho các loại bệnh khác, ví dụ như cúm.
Những ngày gần đây, báo chí quốc tế có đưa tin Nhật Bản dùng Favipiravir điều trị các bệnh nhân nhiễm Coronavirus. Lần về lịch sử,
y văn có nhắc tới Favipiravir như một loại thuốc được phát triển ở Nhật từ nhiều thập niên trước bởi công ty hóa học Toyama Chemical.
Đây là một hãng thuộc tập đoàn Fujifilm. Chứa hoạt chất kháng virus có cơ chế rất đặc biệt, Favipiravir được cấp phép sử dụng tại Nhật năm 2014, chủ yếu để điều trị cúm, và lưu hành ở Nhật với tên thương mại là Avigan, dưới dạng viên nén bao phim có màu vàng nhạt.
Một số thử nghiệm cho thấy Favipiravir có hiệu quả rất khả quan trong điều trị cúm các loại (cúm A H1N1, cúm A H5N1 và cả cúm A H7N9 gần đây). Năm 2016, thuốc được dùng thử tại Tây Phi thời vùng này bị dịch Ebola, làm giảm tỷ lệ tử vong từ 30% xuống còn 15%.
Y văn cũng ghi nhận rằng khi sử dụng kết hợp giữa Favipiravir với Oseltamivir là hoạt chất dùng trong điều trị cúm A nổi tiếng với tên biệt dược là Tamiflu, thì nhận được tác dụng tốt. Do đó, giới khoa học đã dùng Favipiravir để thử nghiệm trên chủng mới SARS-CoV-2.
Khi Covid-19 hoành hành tại Vũ Hán và Thâm Quyến, giới y học Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trực tiếp trên bệnh nhân nhiễm Coronavirus bằng thuốc chứa hoạt chất Favipiravir. Các bác sĩ kết luận rằng thuốc có hiệu quả tốt, tác dụng phụ khá thấp.
Một thử nghiệm đã được diễn ra với 340 bệnh nhân. Trung bình, sau bốn ngày bệnh nhân đã âm tính với virus trong khi thông thường cần 11 ngày. Một thử nghệm khác cho thấy sau hai ngày bệnh nhân đã hết sốt, còn nếu không có hoạt chất kháng virus kể trên, cần hơn 4 ngày.
Hơn 90% người bệnh được điều trị bằng Favipiravir, khi chụp X-quang phổi, cũng cho thấy kết quả tốt lên một cách đáng kể. Như vậy, cho dù không phải là vaccine trị Covid-19, nhưng có thể thấy Favipiravir hiệu quả trong việc chữa trị cho người bệnh nhiễm Coronavirus.
Câu hỏi đặt ra là xuất phát từ Nhật Bản, vậy Favipiravir được Nhật sử dụng ra sao trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện tại? Trước hết, cần biết là danh chính ngôn thuận Avigon chỉ được dùng ở Nhật để điều trị cúm và kiểm soát các chủng virus cúm như theo hướng dẫn.
Giới nghiên cứu Nhật đánh giá là Favipiravir dường như chỉ có hiệu quả hạn chế đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 giai đoạn muộn, nên còn tiếp tục thử nghiệm lâm sàng trước khi được chính phủ đưa vào chính thức sử dụng như một loại thuốc để điều trị trong đại dịch này.
Năm ngoái, phát minh của tập đoàn Fujifilm đối với hoạt chất Favipiravir hết thời hiệu, cho nên các quốc gia khác như Nga hay Trung Quốc đã bắt tay sản xuất loại thuốc này. Chính quyền Nhật cũng không có ý kiến gì về việc những nơi khác lao vào tận dụng thuốc của họ.
Hiện tại, Trung Quốc là nước sản xuất nhiều nhất Favipiravir. Một lưu ý duy nhất đối với Favipiravir là thuốc chống chỉ định với phụ nữ đang mang thai hoặc có thể mang thai vì có thể gây tử vong và gây quái thai, nên việc sử dụng cần rất thận trọng với sự theo dõi của bác sĩ.