Xem “Đừng đốt” tại Budapest: NHỮNG CẢM XÚC VỀ MỘT THỜI “CÓ LỬA”

Thứ năm - 03/03/2011 12:44

(NCTG) “Hãy ráng mà đùm bọc, thương yêu nhau khi còn sống, chứ khi đã chết rồi có khóc thương cũng chỉ là những giọt nước mắt nhỏ trên nắm đất vô tri, vô giác mà thôi!” (Đặng Thùy Trâm)


Bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - Ảnh tư liệu


Sinh ra và lớn lên vào thập niên 80, khi đất nước đã hòa bình, tôi cảm thấy mình là người vừa may mắn và nửa không. May mắn là vì tôi không phải sống trong chiến tranh, không phải chứng kiến những cảnh chết chóc, tang thương. Nhưng thiếu may mắn ở chỗ chính vì thế, tôi không có những trải nghiệm trong cảnh gian nan để thử sức, và để hiểu thêm về chính bản thân mình.

Chiến tranh - khốc liệt, tàn nhẫn và dã man hết sức. Đó là tất cả những gì tôi có thể hình dung qua lời kể của Ba Mẹ tôi (ba tôi xưa từng là phi công lái máy bay chiến đấu, cũng vào sinh, ra tử rất nhiều lần). Nhưng dù trí tưởng tượng của tôi có tốt đến đâu đi chăng nữa, thì tôi cũng không thể nào hình dung hết tất cả những đau thương, những hy sinh, mất mát lớn lao mà những thế hệ đi trước như ông tôi, ba tôi và cả dân tộc tôi đã phải trải qua.

Cũng chính vì sự tò mò về lịch sử, về những tháng ngày chiến tranh một thời của cha ông mà tôi đã tìm hiểu và xem rất nhiều những bộ phim về cuộc chiến Việt Nam. Tất cả đều để lại trong tôi những tình cảm thành kính về quá khứ. Nhưng phải nói là chưa một bộ phim nào lại gây cho tôi ấn tượng và cảm xúc mãnh liệt như “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh!

*

Một tối mùa đông đầu tháng 3-2011, tuyết rơi trắng đường. Trong rạp phim thật nhỏ bé và ấm cúng của Học viện Pháp Quốc trên đường chính bên bờ sông Danube (Quận 1, Budapest) hôm ấy, “Đừng đốt” được đón nhận với mọi tình cảm chân thành nhất của chúng tôi: những người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hung, và những bạn Hung chưa một lần đặt chân đến Việt Nam, chưa từng biết đến Việt Nam hay mới chỉ nghe nói đến đất nước này với hai từ đi kèm: “Chiến Tranh”.

Thế mà, tất cả chúng tôi đã hòa mình, đã khóc, đã xúc động, đã sống lại thời khắc ấy. Cô bạn người Hung rất thân với tôi từ thời đại học cứ xụt xùi, tháo cặp kính cận ra để lau những giọt nước mắt suốt cả buổi tối hôm đó….

Làm sao có thể không cảm động, không rơi nước mắt? Từng thước phim, từng câu chữ, từng lời thoại, từng nét nhạc trầm đều như đưa người xem quay lại với Đức Phổ - Quảng Ngãi 40 năm về trước. Nơi ấy, có chị - nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cùng đồng đội, những người lính quên mình. Nơi ấy, có bom lửa, có đau thương, có máu của những người dân đã đổ xuống. Nơi ấy, đã làm nên những dòng nhật ký của một cô gái Hà Nội, tình nguyện lên đường nhập ngũ từ khi tuổi đời còn rất trẻ.

Để rồi 35 năm sau, cuốn nhật ký ấy được hồi sinh!


Bản gốc nhật ký Đặng Thùy Trâm


Đúng như người sĩ quan Việt Nam Cộng hòa tên Huân trong phim (tên thật ngoài đời là Nguyễn Trung Hiếu) nói, cuốn nhật ký của chị bản thân nó đã có lửa. Lửa của tâm hồn chị. Lửa của chiến tranh. Lửa của lòng yêu nước. Lửa của tình thương. Lửa của lòng dũng cảm. Lửa của sự hy sinh. Lửa của tình cảm mẫu tử, của tình yêu và nỗi nhớ Hà Nội.

Và cao hơn tất cả, lửa của sự khát khao hòa bình. Lửa của lòng người – dù ở hai đầu chiến tuyến. Tất cả như hoà quyện vào nhau tạo nên một ngọn lửa bùng cháy trong suốt cả bộ phim…

*

“… Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống, chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu” (Trích “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”)

Tôi tự hỏi, thế hệ 8x, hay 9x như chúng tôi, chưa từng phải nếm trải một ngày chiến tranh, được ăn ngon, mặc đẹp, ngủ trong chăn ấm, đệm êm, có ai phải mơ một điều thật quá đỗi đơn giản “được ăn một bữa cơm rau muống và nằm trong chăn bông ấm áp ngủ một giấc ngon lành”? Vậy mà, có mấy ai trong chúng tôi có niềm tin mãnh liệt, có được niềm hy vọng, nỗi khát khao và những hoài bão cháy bỏng, có mục đích sống như chị?

Có lẽ khi người ta phải đối mặt với mọi khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua ấy, con người ta mới thực sự quý giá những phút giây hạnh phúc dù là nhỏ nhoi? Có lẽ khi đối đầu với cái chết cận kề, con người ta mới thấy hết giá trị của cuộc sống? Có lẽ phải sống trong bom đạt, trong chiến tranh, con người ta mới thấy hết giá trị của tự do, của hòa bình? Có lẽ! Vâng! Có lẽ…


Và ai có biết chăng ai - Tình thương đã chắp cánh dài cho ta” - Minh Hương trong vai bác sĩ Đặng Thùy Trâm


Xin cám ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh và đoàn làm phim đã thực hiện thành công bộ phim “Đừng đốt”, để lại trong lòng người xem sự xúc động, tình cảm sâu lắng nhất xen lẫn những suy nghĩ và trăn trở về sự tàn nhẫn, phi nhân tính của chiến tranh - dù nhìn từ phía nào của chiến tuyến.

Xin cảm ơn Fred, người đã giữ gìn cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm suốt 35 năm ròng. Đằng sau tất cả những gì anh làm hẳn phải là cả một tấm lòng và tâm cảm của một người lính từng chiến đấu trên chiến trường Việt Nam.

Xin cám ơn chị, nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người đã viết nên những dòng nhật ký dung dị mà có sức mạnh chấn động. Những dòng chị viết giúp cho thế hệ đi sau như chúng em hiểu thêm về cuộc sống của những y bác sĩ, những chiến sĩ trên chiến trường; về những ngày tháng gian nan, bi thương của dân tộc.

Và, hiểu thêm những giá trị về cuộc sống, về sự hy sinh, về tình thương giữa người với người, như lời chị: “Hãy ráng mà đùm bọc, thương yêu nhau khi còn sống, chứ khi đã chết rồi có khóc thương cũng chỉ là những giọt nước mắt nhỏ trên nắm đất vô tri, vô giác mà thôi!”.

Khánh Dung, Budapest tháng 3-2011


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn