Những cánh tay và con tim cầu nguyện cho nền hòa bình của Việt Nam
Ðược thực hiện trong khuôn khổ một buổi lễ nhân Lễ Ngũ Tuần (Pentecost), đây là hoạt động tập thể đầu tiên của cộng đồng Việt Nam tại Hungary hướng đến những vấn đề lớn lao và cấp thiết của vận mệnh dân tộc và đất nước Việt Nam.
Chừng 70 thành viên và thân hữu của Hội Thánh đã tham dự chương trình
kéo dài một ngày tại vùng hồ Velence, tỉnh Fehér, một vùng quê phong
cảnh hữu tình nổi tiếng của Hungary. Thoạt tiên, tất cả đã cùng nhau
chuẩn bị và thưởng thức một bữa trưa với các món ẩm thực truyền thống
Việt Nam.
Chuẩn bị cho bữa trưa
Buổi lễ tiếp diễn với phần phát biểu của anh Vũ Trọng Hùng, một thành viên chủ đạo của Hội Thánh, điểm qua về nguồn gốc lịch sử của Lễ Ngũ Tuần - thời điểm 50 ngày sau khi Chúa Jesus phục sinh, rồi thăng thiên, khi Ðức Thánh Linh (Spiritus Sanctus) ngự xuống, bao phủ thế gian và các môn đệ Ki-tô Giáo.
Là một trong ba thánh lễ thường niên quan trọng nhất của Ki-tô Giáo, Lễ Ngũ Tuần đánh dấu sự hiện diện của những những tín hiệu và niềm tin tốt lành về sự sống, cũng như, sự chiến thắng và ngự trị của quyền năng Chúa Jesus trước những thế lực Satan đen tối, hắc ám.
Anh Vũ Trọng Hùng
Các tín hữu và thân hữu của Hội Thánh
Lễ Ngũ Tuần năm nay trùng hợp với thời gian những mâu thuẫn, đụng độ
trên Biển Ðông gia tăng, ảnh hưởng trầm trọng đến an ninh quốc gia Việt
Nam. Ðặc biệt, cùng ngày, đồng bào trong nước đã xuống đường lần thứ hai
trong vòng 1 tuần tại thủ đô Hà Nội và TP HCM để phản đối sự
hành xử ngang ngược của Bắc Kinh trong khu vực.
Với những âu lo và quan ngại sâu sắc trước tình cảnh cương vực của quê
hương bị đe dọa, trong phần thảo luận, các tín đồ và thân hữu đã có dịp
theo dõi một số thông tin cơ bản về Hoàng Sa và Trường Sa, cùng chủ
quyền không thể tranh cãi của Việt Nam thông qua sự tuyên bố, cũng như
hành xử chủ quyền trong thực tế tại hai quần đảo qua nhiều thế kỷ.
Chị Sebők Ildikó (tên Việt là Kim Liên), một người bạn thân thiết của cộng đồng Việt Nam tại Hungary chia sẻ ý kiến về những lý do của sự bành trướng, bá quyền Trung Quốc trong thời điểm hiện tại
Diễn giả cũng điểm qua lịch sử và lý do tranh chấp tại Biển Ðông, kèm diễn biến của những động thái lo ngại gần đây nhất - diễn ra phù hợp với đường lối bá quyền của Trung Quốc được thực hiện trên quy mô toàn cầu - cùng một số nỗ lực của Chính phủ và người dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, giữ vững nền độc lập dân tộc, một bài toán khó hiện nay của đất nước.
Hình ảnh cảm động của hai cuộc biểu tình 5-6 và 12-6 trước Ðại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam - biểu thị tình cảm yêu nước chan chứa của người dân Việt - cũng đã được chiếu giới thiệu cho những người có mặt trong buổi lễ.
Cầu nguyện tập thể cho hòa bình
Tiếp đó, anh Phạm Văn Quốc, Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam
Truyền giáo Việt Nam Budapest nhấn mạnh vai trò của đức tin, của sự cầu
nguyện trong những biến cố lớn, tưởng chừng vượt quá sức người, như hiểm
họa hiện tại. “
Chúa Jesus yêu các
bạn, có chương trình tốt lành cho các bạn và với sự hiệp lòng cầu nguyện
của các bạn, Việt Nam tất được cứu vãn!” - anh Quốc khẳng định.
Buổi lễ kết thúc trong tinh thần huynh đệ: cử tọa đã cầu nguyện tập thể
cho nền hòa bình Việt Nam, với ý nguyện để đất nước tránh được cơn binh
đao, người dân được sống chan hòa với nhau trong tình thương của Ðức
Chúa Trời.
Trong phần giao lưu văn nghệ, nhiều ca khúc đượm tình cảm quê hương, tình tự dân tộc vang lên từ bà con cộng đồng cho thấy, con dân đất Việt Nam - dù sống ở bất cứ đâu, theo bất cứ
tín ngưỡng nào - vẫn đau đáu với vận mệnh Tổ quốc mỗi khi quốc gia nguy
biến...
Chị Hà, một thành viên mới của Hội Thánh, với ca khúc “Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây”
Chị Lài với “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”
Chị Ildikó hát dân ca Bắc Bộ
Say sưa với những giai điệu quê hương