HAI MƯƠI THÁNG MƯỜI MỘT VÀ TÔI

Thứ hai - 20/11/2017 15:44

(NCTG) “Không có nghề nào cao quý hơn nghề nào vì nghề nào cũng cần cho xã hội”.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

Bố mẹ tôi đều là giáo viên nên kể từ khi bắt đầu có ý thức, 20-11 luôn là ngày tôi bận rộn với việc giúp bố mẹ tiếp học sinh, tròn mắt ngồi hóng chuyện và cong mông dọn dẹp chiến trường sau khi các anh chị về. Thời đó quà cho giáo viên chỉ toàn mấy đồ lưu niệm kiểu cây dừa cắt bằng phim, sổ tay và sang lắm là vài cân cam để cô trò cùng cắt ra liên hoan luôn, đến mức độ 20-11 được gọi trại thành Ngày Quốc tế Hiến cam các nhà giáo!

Những câu chuyện hóng hớt được ấy khiến tôi được biết bố mẹ mình như những thầy cô giáo mẫu mực, được học sinh yêu quý, một cách nhìn khác với cách nhìn của con cái, từ đó làm tôi kính yêu bố mẹ mình hơn và mơ hồ mong mỏi sau này sẽ thành đạt như các anh chị học sinh của bố mẹ tôi hoặc thành giáo viên như bố mẹ tôi. Lúc ấy, trong mắt tôi, nghề giáo là nghề cao quý, đầy tinh thần hy sinh và tôi tự hào về bố mẹ mình dù có vì thế mà phải chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất và sức ép so với những bạn bè khác. 

Vào cấp 3, khi chính thức phải lựa chọn nghề nghiệp thì tôi lại hoàn toàn tránh né việc thi vào Sư phạm theo gợi ý của bố mẹ dù tôi có chế độ được vào thẳng. Tôi thấy nghề của bố mẹ quá nghèo túng và quan trọng hơn là buồn chán, đơn điệu khi quanh năm suốt tháng chỉ dạy một môn, ở một chỗ và khả năng thay đổi là rất ít ỏi. Tuy nhiên, tôi vẫn rất trân trọng nghề ấy, sẵn sàng xù lông lên bảo vệ mỗi khi có ai dám nói xấu thầy cô giáo dù bản thân tôi cũng biết nhiều giáo viên rất không hoàn hảo. Tôi vẫn nghĩ nghề giáo là nghề cao quý, cần được tôn trọng đặc biệt, chỉ có vài cá nhân cá biệt không xứng đáng với nghề mà thôi!

Chạy trời không khỏi nắng, sau khi tốt nghiệp một trường chẳng liên quan gì đến Sư phạm, số phận vẫn đưa tôi về làm giáo viên. Thời gian đầu tôi rất băn khoăn, không biết mình có xứng đáng với nghề, có làm tốt được công việc này không khi không hề được đào tạo về sư phạm. Vì thế tôi đã làm Ban tuyển dụng nổi giận khi tôi hỏi là liệu có được bồi dưỡng gì về sư phạm không, trong khi những người khác đều yên lặng chấp nhận.

Họ đáp rất lạnh nhạt là không có kế hoạch cho việc ấy, cứ việc đi dự giờ và học hỏi từ những người đi trước thôi. Tôi hoang mang bước vào nghề với câu hỏi không biết hỏi ai là: “Một người thích tự do, không mô phạm chút nào như mình có thể làm tốt công việc này không”? Rồi tôi phát hiện ra là mình làm cũng ổn, thậm chí còn có khiếu với nghề vì tôi biết chia sẻ và giải thích rõ ràng, dễ hiểu cho sinh viên và bởi tôi rất yêu kiến thức.

Nhưng càng làm tôi càng “ngộ” ra, dù có làm tốt công việc này tôi vẫn chẳng xứng đáng được ca ngợi gì hơn so với những cán bộ phòng ban hay thậm chí là bảo vệ, lao công trong trường. Tôi và họ đều được trả lương để làm công việc của mình, lương ít hay nhiều đều đã được biết trước, sinh viên chẳng có lỗi gì cả. Vì sao chỉ vì một sự thật là tôi kém quan hệ, gia đình không thần thế, tính cam chịu... nên mới phải làm nghề này lại khiến tôi cao quý hơn người khác?

Những lời ca tụng nghề giáo chỉ làm tôi thấy lúng túng, giả dối, nhất là khi sự ca tụng ấy bất kỳ ai dốt giỏi gì trong nghề cũng nhận được và nó thường được thể hiện bằng những bó hoa ngồi trên xe máy mua vội rồi tàn ngay trong ngày, những món quà siêu thị gói sẵn giống hệt nhau, những lời có cánh trước khi thi và sự im lặng dửng dưng hoặc nói xấu đủ điều sau khi thi... Tôi nhớ đến câu chuyện bạn tôi kể, chú bạn bảo cháu cứ yên tâm đi học đại học, nếu tốt nghiệp mà không có việc thì lại về làm may theo nghiệp gia đình, vì “nghề này không có ngày kỷ niệm như nhà giáo hay bác sĩ nên sống tốt cháu ạ”!

Lúc ấy tôi ghét nghề giáo, ghét sự đãi ngộ bạc bẽo và ghét sự hình thức, giả dối, đòi hỏi quá mức của xã hội với nghề này. Tôi thấy nghề giáo thật đáng thương hại, kém cỏi và tôi muốn bỏ nghề.

Nhưng rồi trong khi loay hoay tìm hướng đi mới, thời mở cửa vụt đến, những đòi hỏi về kiến thức, cách dạy mới đã thổi một luồng sinh khí vào công việc của chúng tôi, làm nó trở nên nhiều thử thách và hấp dẫn. Các cơ hội học hành, nghiên cứu cũng nhiều lên, rất phù hợp với một kẻ trân trọng kiến thức như tôi. Sinh viên cũng nhiệt tình, năng động hơn, ra trường thành công hơn và cũng bớt hình thức đi làm tôi nhận ra đây mới chính là công việc mơ ước của mình.

Tôi phát hiện ra tôi rất yêu công việc của mình, yêu cơ hội học hỏi và chia sẻ kiến thức, yêu thích việc làm việc với người trẻ, khuyến khích các em bước vào đời rồi quan sát các em trưởng thành. Công việc giảng dạy ở đại học đòi hỏi luôn cập nhật kiến thức, mỗi năm đều gặp những gương mặt mới, trẻ trung, nhiệt huyết, không bao giờ nhàm chán. Thời đổi mới giúp chúng tôi chỉ cần chăm chỉ, cầu tiến sẽ có thu nhập đủ sống dù không giàu có nhưng lại có niềm vui của giới học thuật mà nghề khác không có được. Tôi yêu nghề tha thiết và tự nguyện coi đây đã trở thành nghiệp của mình.

Quan trọng nhất là tôi đã nhận ra rằng, không có nghề nào cao quý hơn nghề nào vì nghề nào cũng cần cho xã hội. Với đặc thù “kỹ sư tâm hồn” của mình, nghề giáo cũng không phải là một nghề cao quý. “Mấu chốt của vấn đề là, nghề đó chỉ có thể được hoàn thành trọn vẹn bằng “Phần Cao Quý” trong trái tim của mỗi người bình thường” nên tôi sẽ làm nghề theo trái tim mình mách bảo!

Cám ơn các bạn đã chúc mừng chúng tôi, nhưng nghề của các bạn cũng cao quý không kém mà?

Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: 20-11
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn