NHỮNG NGƯỜI LÁI ÐÒ CẦN MẪN VÀ ÐÁNG KÍNH

Thứ bảy - 19/11/2011 09:55

(NCTG) Mỗi năm, vào dịp 20-11 là tôi lại được nghe nhiều ý kiến, người thì ca cẩm phải đi làm “nghĩa vụ phong bì” cho cô giáo, người thì than thở cô giáo còn gợi ý cho các em mua quà gì, người lại viết ra những ký ức không mấy đẹp đẽ về những người thầy, người cô của mình, cho rằng không việc gì phải biết ơn, vì nghề giáo cũng là một nghề kiếm cơm, phải dạy học sinh và làm cho tốt, vậy thôi.


Sự nghiệp “trồng người” đầy gian nan ở vùng sâu, vùng xa

Riêng tôi, chưa bao giờ tôi cảm thấy khó chịu về ngày này, có lẽ vì con tôi may mắn có được cô giáo tốt, và tôi may mắn được học với các thầy cô tử tế.

Thời còn nhỏ đi học, bố mẹ nghèo lấy đâu ra tiền mà phong bì cho cô hay quà cáp đắt tiền. Dịp 20-11, chúng tôi chỉ có đủ tiền góp lại để mua cho các cô mỗi người 1 cuốn sổ tay và 1 chiếc bút bi đỏ để chấm bài. Tình cô trò cũng thắm thiết, cũng có lúc bực bội giận hờn nhưng chúng tôi luôn yêu các cô các thầy, mỗi khi chia tay để lên lớp luôn cảm thấy ngậm ngùi.

Sau lớn lên, học trường chuyên xa nhà phải ở nội trú mấy năm trời vất vả thiếu thốn, tôi càng trân trọng tình cảm của các thầy cô đã dạy tôi năm cấp 3. Tôi còn nhớ thầy Quang dạy Hóa có dáng người gày mảnh khảnh, nói năng lúc nào cũng nhẹ nhàng tình cảm, thầy còn làm ô mai mang đến cho lũ học sinh ăn, thi thoảng cho tiền để lớp đi mua bỏng ngô. Thầy Cầu dạy Lý hiền như ông Bụt, tôi dốt môn Lý thậm tệ nhưng chưa bao giờ thầy ghét bỏ, lúc nào cũng ân cần chỉ bảo, thầy còn mang cả quần áo rét đi cho mấy đứa nhà xa còn thiếu ăn thiếu mặc. Cả hai thầy đều đã mất khá sớm vì bệnh ung thư, tôi không biết tin để về dự đám tang các thầy, nghĩ lại thấy buồn lắm.

Tôi nhớ thầy Thắng dạy môn thể dục, tôi đi học thì dốt thảm hại môn thể dục, nên tôi coi thầy như ông Phật vì một ân huệ thầy ban cho tôi. Chả là thi môn nhảy dây, các bạn nhảy được 10 cái thì tôi chỉ nhảy được 5 cái. Ở lớp có một bạn nhảy rất nhanh, thành ra có mấy đứa nhảy chậm nhờ nó thi hộ. Mà lớp có hơn 50 đứa, sao mà thầy không nhớ mặt cơ chứ, thế mà khi cả mấy thầy trò xúm xít ngoài sân, thầy cúi xuống sổ điểm để chấm, mắt chỉ liếc nhìn chân đứa đang nhảy dây để đếm rồi thầy cho qua tất, tổng kết lại con bé nhảy dây giỏi đã nhảy hộ tôi và 3 đứa nữa mà thầy lờ đi.


Phải có tâm huyết lắm, các thầy cô giáo mới trụ nổi để làm việc trong môi trường khó khăn và nghèo xác xơ này...

Tôi nhớ cô Chính chủ nhiệm tôi hai năm cấp 3, cô luôn xinh xắn dịu dàng, chỉn chu, đôi khi tôi hơi sợ làm cô phật ý. Cô dạy môn Văn là môn tôi yêu thích, phải tội tính tôi lười, làm văn chỉ muốn nhanh nhanh, ngại viết dài lòng thòng, đi thi lần nào tôi cũng cố ép viết vào 1 tờ giấy thi, không muốn xin thêm tờ nữa. Thành ra cô hay phê vào bài kiểm tra Văn của tôi là “Văn lời lẽ trong sáng nhưng… hơi cụt”. Hồi cấp 3 tôi cũng bướng, hay cãi lý với thầy cô, cũng là một trong những đứa hay đầu trò ở lớp, cuối năm lớp 12 cô viết vào sổ lưu bút của tôi với dòng chữ: “Nếu em đằm (hay từ gì đại loại như thế tôi quên mất) hơn chút nữa thì sẽ trở thành một người tuyệt vời”. Mà tôi tập mãi không “đằm” được như cô muốn nên chỉ trở thành người “hơi tốt” thôi.

Lên đại học, tôi cũng may mắn học hành tử tế 4 năm mà chưa bao giờ mất 1 xu nào biếu xén cho thầy cô, trong khi các bạn cùng lứa học trường khác kêu ca rất nhiều về việc chạy điểm, chạy đề, biếu xén để thầy cô cho qua môn này môn nọ. Trong 4 năm học đại học, tôi phải thi lại 2 kỹ năng môn cầu lông, bọn tôi bàn nhau mua 1 túi hoa quả, mỗi đứa đóng 10 ngàn được 1 phong bì 200 ngàn, đi đến nhà thầy H dạy môn thể dục. Thầy thì chỉ hơn bọn tôi vài tuổi, cao to đẹp trai hơn 1,8m, sau một hồi tán phét, chuyện trò, chúng tôi ra về và “vô tình” để lại túi hoa quả. Thầy gọi giật cả lũ lại vào bảo: “Này bọn kia, quýt thì ăn hết đi còn tiền thì cầm về, các anh các chị giỏi thật đấy, tiền làm gì có mà dám đi hối lộ thầy giáo”. Thế là chúng tôi lấm lét cầm về, xung vào quỹ lớp, cuối cùng thì cũng lóp ngóp vượt qua môn thể dục khắc nghiệt mà tôi đồ rằng vì thầy thương mà cho qua, chứ bắt thi lại cả 10 lần nữa cũng vẫn thế thôi.

Làm luận văn tốt nghiệp, tôi cũng không mất đồng tiền nào để biếu thầy hướng dẫn như mọi người vẫn dọa mà vẫn đạt điểm tối đa, thầy chỉ gặp tôi có vài lần, còn lại trao đổi qua email. Khi hoàn thành luận văn, tôi nghĩ mãi phải mua gì để cảm ơn thầy, cuối cùng tôi mua một cuốn truyện tiếng Anh tặng thầy và thầy rất thích. Lúc ấy tôi mới thấy, nếu tôi tặng thầy một phong bì có vài trăm ngàn ít ỏi của bố mẹ cho để cảm ơn thầy và thầy nhận thì liệu giờ tôi còn nhớ về thầy với cảm giác tốt đẹp hay không? Điều chính là hồi đó, chính các thầy cô làm cho chúng tôi có cảm giác rằng đừng có bao giờ giơ tiền ra để biếu xén mua điểm hay cảm ơn. Họ không bao giờ có thái độ mời mọc, gợi ý, họ luôn tỏ ra đàng hoàng, vô tư, nhiệt tình vô điều kiện với sinh viên, luôn ân cần trìu mến làm cho sinh viên tôn trọng, thử hỏi làm sao mà chúng tôi dám đem tiền ra để nói chuyện với họ. Thực sự là hồi đó tất cả lũ chúng tôi KHÔNG bao giờ có ý định mang tiền ra để cảm ơn giáo viên.


Kỷ niệm công việc dạy dỗ đầu tiên của tôi. Lũ trẻ bây giờ đã lớn lắm rồi


Sau khi ra trường, đi dạy ở một trường Quốc tế, tôi cũng được phụ huynh Việt Nam quan tâm chúc mừng vào ngày này, còn phụ huynh nước ngoài chẳng ai họ để ý chúc mừng, mà dù cho họ có không để ý, thì các cô cũng vẫn chăm sóc các cháu chu đáo và công bằng như nhau. Thực ra khi đã tận tay chăm sóc một đứa trẻ, tôi nghĩ không nhiều thì ít các cô sẽ có tình cảm gắn bó, đó là tình người mà chẳng quà cáp nào tạo nên được.
 
Đến lúc con gái tôi đi học mẫu giáo cũng vậy, học trường công, ai cũng nói phải biếu xén nặng nề nhân ngày này ngày nọ. Riêng tôi, cũng biếu các cô chút quà nhân các ngày lễ, hay cũng “lì xì” các cô nhân dịp Tết ta, nhưng đều ở mức tượng trưng, không tốn kém xa xỉ. Các cô cũng chưa bao giờ tỏ thái độ vòi vĩnh với tôi. Hàng ngày đưa con đến lớp, tôi đều nán lại dăm ba phút hỏi han các cô cho thêm phần thân mật, hỏi xem các cô cần gì, thi thoảng tán chuyện phụ nữ, quần áo giày dép, đầu tóc là các cô vui lắm. Tôi đóng góp cho lớp của con bằng cách mua sách truyện, thi thoảng tới đón con sớm, đọc sách cho bọn trẻ con.

Tôi biết ở các huyện vùng núi tại Quảng Trị mà tôi đã từng đi làm, các cô giáo trẻ dạy hợp đồng, lương tháng có hơn 500 ngàn, chưa đủ tiền xăng đi lại, thế mà hàng ngày các cô vẫn đi xe máy để đón các cháu trẻ dân tộc nhà xa tới lớp, vì nếu cô không đón thì có cháu đến 10 g sáng cũng chưa tới, ngoài ra các cô phải bỏ tiền túi ra hoặc sử dụng nguyên liệu tái chế để làm đồ chơi cho các cháu. Phụ huynh dân tộc ăn đã chẳng đủ, biết gì đến ngày nhà giáo mà chúc mừng cô. Các cô tâm sự với tôi rằng họ cũng tủi, cả năm vất vả, đi lại xa xôi, tiền lương không đủ ăn, bố mẹ phải tài trợ, phụ huynh dân trí thấp, không quan tâm đến việc học của con thì làm sao có quan tâm đến các cô. Sau này có hoạt động truyền thông tốt hơn thì cha mẹ học sinh cũng biết đến ngày 20-11, họ bắt đầu quan tâm hơn đến cô giáo, biết đến lớp để hỏi han tình hình học tập của con, thi thoảng còn mang biếu các cô bắp ngô, củ khoai, củ sắn để bày tỏ lòng biết ơn.
   

Xã Axing, Hướng Hóa, Quảng Trị: các cháu tập trung tại căn phòng đơn sơ của các cô để chuẩn bị đi biểu diễn


Cả năm bận rộn, chỉ có một ngày này để nhắc tôi nhớ về các thầy cô cũ, cho dù niềm nhớ chẳng mất tiền mua, nhưng đôi khi cũng là xa xỉ, con người ngày một thực dụng, các câu chuyện tiêu cực về nhà giáo ngày càng nhiều, ngày càng kinh khủng làm cho lòng tin của mọi người vào nghề giáo mai một đi nhiều. Tôi cảm thấy may mắn vì mình luôn giữ được những ký ức tốt đẹp về thầy cô giáo đã dạy tôi, đối với tôi, họ luôn là những người lái đò cần mẫn và đáng kính.

Bài và ảnh: Mai Quỳnh Anh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn