PHÁT NGÔN GÂY HẤN, THÔ TỤC VS. QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
Thứ năm - 11/01/2018 03:37
(NCTG) “Chính vì không có cam kết đối với quy tắc nghề nghiệp và tính liêm chính của mình, nhiều nhà báo không nhận thức được và không cho rằng mình đang mắc lỗi, vi phạm chính nguyên tắc nghề nghiệp, đạo đức nhà báo trong những tương tác trên mạng xã hội hoặc ngoài đời”.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê (người Ê-đê) mới đăng quang đã gặp phải nhiều khen, chê và cả miệt thị từ “cư dân mạng”
Một trong những suy nghĩ đầu tiên trong tôi khi đọc dòng trạng thái (status) trên trang facebook của nhà báo Đào Tuấn hôm mùng 7-1 là “Chết rồi, bạn này mắc phải lỗi hate speech!”. Những bình luận và nhiều status của dân cư mạng sục sôi, kẻ bênh, người phê phán chỉ trích. Cứ thế các phe “chiến” nhau loạn xạ trong mấy ngày qua, soi chiếu dưới nhiều góc nhìn và nhiều vấn đề mở rộng.
Bài viết này chỉ đề cập đến góc nhìn liên quan đến tự do ngôn luận sau khi thấy rất nhiều bạn đang hiểu chưa thật đúng về quyền tự do ngôn luận, bình luận, vai trò nhà báo và các tương tác khi tham gia trên các mạng xã hội, cũng như gợi ý cần làm những gì để giảm sự lệch lạc và hệ luỵ trong thực hành quyền đó của một công dân nói chung, một nhà báo kiêm facebooker nói riêng.
Cần hiểu thế nào về hate speech (tạm dịch là phát ngôn gây hận thù/gây hấn) và tại sao những dòng viết của Đào Tuấn không nên được xem là quyền tự do phát biểu, tự do ngôn luận?
Phát ngôn gây hận thù/gây hấn là “phát ngôn xúc phạm/tổn thương, đe doạ, hoặc sỉ nhục các nhóm do chủng tộc, màu da, tôn giáo, gốc tích dân tộc, thiên hướng tình dục, sự tàn tật, hoặc những thừa hưởng di truyền khác”, theo định nghĩa của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ ABA (American Bar Association). ABA nói rõ tại Hoa Kỳ, pháp luật “không bảo vệ quyền nói những từ ngữ gây chiến - những từ ngữ không mang giá trị xã hội, nhắm tới một cá nhân cụ thể, và có khả năng gây hấn với một một thành viên của nhóm đối tượng mà ngôn từ đó nhắm tới”.
Nhưng Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ cũng cảnh báo cần xem xét kỹ càng và áp dụng trong xét xử như thế nào để đảm bảo được quyền của các cộng đồng, các bên liên quan và quyền tự do ngôn luận của công dân theo Hiến pháp Hoa Kỳ quy định trong Tu chánh án Thứ Nhất của Hoa Kỳ (First Amendment). Theo đó: “Quốc hội không được làm luật liên quan đến việc thành lập một tôn giáo, hoặc ngăn cản sự thực hành tự do tín ngưỡng, hoặc ngăn cản sự tự do ngôn luận, tự do báo chí, hoặc ngăn cản sự hội hợp ôn hòa, hoặc cấm đoán sự khiếu nại của dân về việc làm của chính phủ” (Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances).
Tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, khi xét xử các vụ kiện cụ thể liên quan đến phát ngôn gây hận thù, Tòa có xem xét gỡ bỏ một số giới hạn nhất định trong định nghĩa của ABA để vẫn đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân. Theo Thẩm phán Frank Murphy, những trường hợp phát ngôn không được bảo vệ là “những phát ngôn dâm dục và tục tĩu/nhơ bẩn, phát ngôn xúc phạm, báng bổ, nổi loạn, sỉ nhục và cả những từ ngữ gây chiến mà khi những lời đó được phát ra nó ngay lập tức gây tổn thương/thương tích hoặc có khả năng lập tức gây mất hoà bình”.
Ở Mỹ là vậy. Tại Việt Nam, nơi vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng hay được các “công dân mạng” thảo luận sôi nổi, một nhà báo, facebooker nhận xét: “Cần phân biệt rạch ròi quyền tự do ngôn luận và việc mạt sát, xúc phạm nhân phẩm người khác. Quyền tự do ngôn luận không cho phép anh phát ngôn thô tục, xúc phạm người khác. Và là nhà báo lại càng tối kỵ” (trích Facebook của Lan Anh Nguyen).
Chuyện phóng viên, nhà báo phải hiểu rõ vai trò, vị trí của mình cũng như ứng xử như thế nào trong thế giới thật và thế giới mạng là điều đã được cảnh báo nhiều lần. Tuy nhiên, vì chưa có nhiều vụ việc bị phản ứng như trường hợp của Đào Tuấn nên nhiều người có danh xưng phóng viên, nhà báo còn khá “hoang dại” trong mỗi phát ngôn hoặc câu chữ của mình. Lẽ ra, là phóng viên, nhà báo, họ phải hiểu rõ hơn ai hết sức mạnh và tác động của ngòi bút và trong từng từ ngữ, câu từ viết ra.
Trở lại với status của Đào Tuấn, phải khẳng định Đào Tuấn chắc chắn có sự miệt thị, sỉ nhục rõ ràng đối với Hoa hậu Hoàn vũ mới đăng quang vì sau lần đăng (post) đầu tiên và nhận được vô số lời góp ý, phản đối, Đào Tuấn có biên tập lại status đó, nhưng vẫn không thay đổi nội dung tục tĩu, miệt thị và lại còn thêm phần bao biện rất sai rằng do H’Hen Niê đã trở thành người nổi tiếng, người của công chúng nên cô phải chịu chấp nhận sự bình phẩm của dư luận. Chỉ khi rất nhiều người lên tiếng, sự phản ứng đủ lớn bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan liên quan yêu cầu giải trình thì mới thấy một động thái bày tỏ sự hối hận. Đào Tuấn xin lỗi và cho biết sẽ nhận một mức kỷ luật, một hình phạt (*)
Qua sự việc này, có thể thấy nhiều điều phải chỉnh sửa ngay, hành động ngay để những nhà báo khác được đảm bảo quyền tự do ngôn luận chính đáng, giúp những nhà báo như Đào Tuấn tránh được những sai lầm. Trước tiên là xây dựng ý thức và quy tắc ứng xử giữa con người với con người trên mạng xã hội, nâng cao hiểu biết về pháp luật và đạo đức của nhà báo. Nhà báo, với nghề nghiệp vốn dĩ nhận được sự tôn trọng, tin tưởng nhất định từ xã hội nên những gì viết ra sẽ nhận được sự quan tâm lớn.
Bên cạnh đó, phải lấp khoảng trống thiếu hụt những Bộ Quy tắc Nghề nghiệp của từng tòa báo đối với nhân viên của mình. Chính vì không có cam kết đối với quy tắc nghề nghiệp và tính liêm chính của mình, nhiều nhà báo không nhận thức được và không cho rằng mình đang mắc lỗi, vi phạm chính nguyên tắc nghề nghiệp, đạo đức nhà báo trong những tương tác trên mạng xã hội hoặc ngoài đời. Nhiều người trong số đó ngang nhiên lạm dụng vai trò của nhà báo, lợi dụng hào quang từ vị trí nghề nghiệp, sự lẫn lộn vai trò nhà báo và facebooker, KOLs cũng như ranh giới mờ đó để tư lợi cá nhân, phục vụ mục đích riêng của mình (bao gồm và chưa đầy đủ từ viết bài PR cho doanh nghiệp, làm chiến dịch quảng cáo, tư vấn truyền thông kiếm tiền, đánh đấm bè phái) trên trang mạng của mình và cả trên báo nơi mình làm việc.
Cơ quan báo chí và lãnh đạo các cơ quan báo chí không nên “ngó lơ” thực tế này, buông lỏng hoặc cho rằng đó là những việc của cá nhân. Phải thực sự coi việc đó là ảnh hưởng lên uy tín của báo mình. Không nhiều tòa báo ở Việt Nam thực sự có Bộ Quy tắc và Đạo đức Nghề nghiệp cho phóng viên, nhân viên (thực tế cho thấy không quá khó để xây dựng nhưng người viết bài này cũng không hiểu tại sao lại chậm chễ như vậy?). Nếu thực sự họ có cam kết, biện pháp ngăn chặn và cảnh báo thì chắc chắn những vụ việc như Đào Tuấn hoặc nhiều sự vụ liên quan đến những tiêu cực, sai lầm của nhiều nhà báo gần đây, cũng như những status ngang ngược của phóng viên báo chí sẽ ít đi.
Bởi lẽ, các nhà báo cũng không thể lợi dụng sự thiếu hụt đó mà bao biện, thanh minh, ngang nhiên vi phạm. Và hẳn, những “can thiệp hành chính” từ Bộ chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trở nên không cần thiết.
(*) “Tôi sai và tôi gửi lời xin lỗi tới H’Hen Niê, tới các bạn.
Trong buổi sáng 7-1, trên facebook cá nhân, tôi đã có một post xúc phạm, miệt thị tới H’Hen Niê với những lời lẽ không thể chấp nhận được. Dù facebook cá nhận bị report chưa mở lại được, nhưng tôi thấy cần gửi lời xin lỗi tới H’Hen Niê, tới các bạn vì những lời lẽ xấu xí của mình.
Hôm nay, 9-1, tôi đã làm tường trình gửi Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như cơ quan tôi đang làm việc. Sẽ có phạt. Sẽ có kỷ luật nặng. Nhưng đó là cái giá phải trả cho những phát ngôn đáng lẽ phải là tối kỵ với một phóng viên, một người làm truyền thông.
Tôi phải chịu trách nhiệm. Và những gì các bạn đang viết, tôi xin được lắng nghe để tự sửa mình” (Đào Tuấn viết lời xin lỗi thông qua facebook của một số người bạn).
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...