KHI TRẺ EM BỊ BẠO HÀNH...

Thứ hai - 04/12/2017 01:47

(NCTG) “Đến bao giờ, chúng ta mới hiểu rằng tổn hại thân xác ở mức độ nào đó, đa phần theo thời gian sẽ lành. Nhưng tổn hại tinh thần thì (hầu như) mãi vẫn còn ở đó! Chúng ta luôn luôn mơ ước về một xã hội nhân hậu, ít bạo lực, con người cư xử với nhau đàng hoàng... Làm sao có một xã hội như thế khi những đứa trẻ được nuôi dạy như thế này?!”.

Không thể có một xã hội nhân bản nếu trẻ em còn bị bạo hành dã man - Ảnh chụp màn hình

Không thể có một xã hội nhân bản nếu trẻ em còn bị bạo hành dã man - Ảnh chụp màn hình

Thấy bạn chia sẻ những tin bảo mẫu bạo hành trẻ em, tôi không muốn xem (bởi đó là điều tôi chắc chắn có thật và sẽ còn tồn tại rất lâu). Nhưng rồi vẫn phải xem! Nước mắt tự dưng khi không mà chảy... Con của người khác, sao lòng lại đau?

Câu chuyện sau đây, tôi không định kể bởi nó thiên về chuyện riêng tư trong gia đình. Nhưng nếu đã nhìn thấy điều này, tôi không thể im lặng.

Cách đây một tháng, con trai bé của tôi - tức bạn B. có cuộc dạo chơi trong rừng với lớp học và cô giáo. Đến giờ ăn trưa, bạn B. ăn xong và ngồi tư lự nơi gốc cây gần đó. Mặt bạn có vẻ khá trầm tư. Cô giáo thấy vậy dẫn theo một bạn khá thân với Bea và đến ngồi cùng. Cô giáo hỏi:

- B. sao thế? Con mệt à?

- Vâng, nhưng con cũng nghĩ vài thứ.

- À... con nghĩ gì?

B. im lặng một lúc rồi quay ra hỏi người bạn kia:

- P., cậu sinh ra ở đâu?

- Tớ sinh ra ở Đan Mạch. Nhưng tớ là người Pakistan.

- Thế ở Pakistan có tốt không?

- Tớ không biết rõ, chỉ nghe bố mẹ tớ bảo là họ nghèo và trẻ con không phải ai cũng được đến trường. Thế còn cậu? Cậu sinh ra ở đâu?

- Tớ sinh ra ở Việt Nam. Tớ là người Việt Nam. (Sự thật thì B. được sinh ra ở Dubai, nhưng cậu luôn phủ nhận điều này!)

- Thế ở Việt Nam có tốt không?

- Theo tớ biết, đó là một nơi rất tồi tệ cho trẻ con! Tớ còn nhớ năm tớ hơn hai tuổi, mẹ tớ đưa tớ đi gửi trẻ khi về Việt Nam chơi, ngày nào đi học tớ cũng khóc vì tớ đã bị bạn đánh vào bụng và cô giáo đánh vào tay! Họ còn quát vào mặt tớ! Rất tồi tệ...

Nói được bao nhiêu đó và B. chực khóc. Khi cô giáo kể lại câu chuyện này cho vợ chồng tôi nghe trong cuộc họp vừa rồi, cô ấy đã khóc! Cô ấy hỏi tôi trong nước mắt: “Điều B. kể có thật không?”. Tôi phải gật đầu xác nhận sự thật này dù điều đó chẳng vẻ vang gì! Và chúng tôi quyết định cùng nhau sẽ tìm cho B. một bác sĩ tâm lý để điều trị, giúp B. cân bằng lại mà quên đi miền ký ức không được sáng sủa đó.

Bởi lẽ hiện tại, B. thường trở nên giận dữ với cô giáo và bè bạn rất thường xuyên. Cơn giận dữ đến nhanh như một quả bom mà cô gíao không thể dự đoán được và hạ rất nhanh như một ngọn lửa bị nước dập tắt! Khi B. hết giận, cô giáo hỏi bạn: “Vì sao con lại giận dữ rất nhanh và hết cũng rất nhanh?”. Bạn trả lời: “Con có thứ gì đó trong não mà con không thể điều khiển nó!”.

Tôi không cho rằng mọi tính cách mà B. đang có đều do cái lần ngắn ngủi đi nhà trẻ ấy gây ra! Nó có thể là gen di truyền trong dòng họ về sự nóng nảy, có thể do tính cách trời sinh. Nhưng rõ ràng, phần ký ức kia vẫn tồn tại dù đã xảy ra rất lâu rồi!

Đến bao giờ, chúng ta mới hiểu rằng tổn hại thân xác ở mức độ nào đó, đa phần theo thời gian sẽ lành. Nhưng tổn hại tinh thần thì (hầu như) mãi vẫn còn ở đó! Chúng ta luôn luôn mơ ước về một xã hội nhân hậu, ít bạo lực, con người cư xử với nhau đàng hoàng... Làm sao có một xã hội như thế khi những đứa trẻ được nuôi dạy như thế này?!

Nhiều bạn thường chế nhạo những trường hợp mà bố mẹ tìm bằng mọi cách để di cư sang các nước văn minh, ngay cả khi họ phải cầm tấm bằng thạc sĩ ở nước mình để sang nước bạn làm phu khuân vác, lau dọn và giao báo! Có phải vì những điều này làm họ khiếp sợ khi sống trên chính quê hương mình?

Điều khiến mình yêu mến Đan Mạch nhất cho đến giờ phút này là họ dành hết yêu thương cho trẻ con! Trẻ con được đưa lên hàng đầu danh sách của mọi chi phí, tài trợ trong chính sách quốc gia. Bạn có ngạc nhiên không khi biết rằng ngay cả khi bạn chỉ là một người lau dọn toilet, thì con của bạn vẫn được đến trường bình đẳng, được yêu thương chăm lo như bao đứa trẻ khác!

Và nhà trường, thầy cô giáo lẫn ủy ban phường nơi bạn ở, sẽ là những người giám sát xem đứa trẻ có bị bạo hành trong gia đình không, có được sống vui vẻ và được tôn trọng khi sống cùng bố mẹ không! Chứ không phải theo chiều ngược lại!

Hy sinh đời bố, củng cố đời con”, trong trường hợp này mà nói thật quá xứng đáng!

Vân Lam, từ Copenhagen (Đan Mạch)


 
 Từ khóa: bạo hành
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn