QUYỀN BIỂU ĐẠT QUA CHUYỆN “ĐÁI VÀO MẶT TRUMP”

Thứ hai - 13/11/2017 17:57

(NCTG) “Khi bạn còn cảm thấy bị xúc phạm bởi những điều “nhỏ nhặt” như thể, thì đơn giản, bạn chưa thể trở thành một chính trị gia - ít nhất là theo tiêu chí của một quốc gia dân chủ”.

Mai Khôi giương tấm biển với hàng chữ gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Facebook của nhân vật

Mai Khôi giương tấm biển với hàng chữ gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Facebook của nhân vật

Những người theo dõi mạng xã hội có thể thấy một cuộc tranh luận ồn ào, kịch tính và đầy “gạch đá” trong mấy ngày qua liên quan tới chuyến thăm của Donald Trump tới Việt Nam. Đó là việc cô ca sĩ Mai Khôi đứng giữa một tuyến phố đông đúc của Hà Nội, đối nghịch với dòng người hồ hổi đón tổng thống Mỹ, với tấm biển “Piss on you Trump” (tạm dịch là “Đái vào mặt ông, Trump”).

Ngôn từ rất sốc của tấm biểu ngữ cùng với hành động đi ngược lại tình cảm của đám đông đã khiến cho nhiều người nổi giận và Mai Khôi hứng chịu những chỉ trích nặng nề. Mặc dù ngay sau đó, trên trang Facebook cá nhân, cô đã trình bày những lý do khiến cô bày tỏ sự tức giận với Donald Trump.

Vậy hành động của Mai Khôi có tiền lệ hay không và chuyện “ị đái” vào mặt lãnh tụ trên thế giới được nhìn nhận như thế nào.

Thử nhìn dưới góc độ khác

Tra chính cụm từ “Piss on Trump” có thể nhận được 750.000 kết quả trong vòng chưa đầy 1 giây. Qua đó, thậm chí có thể tìm thấy 1 chuyên trang bán các sản phẩm liên quan tới việc “tè vào mặt Trump”. Có thể mua được bức hý họa hay 1 áo phông với chú bé đang tè lên chữ Trump hay một bức hình khác với mồm tổng thống Trump chính là cái bồn tiểu của nam giới. Mỗi tranh giá chừng dăm, mười đô-la.

Thực ra hình thức phản đối bằng cách “tè vào mặt” lãnh đạo không phải là chuyện quá hiếm hoi ở Phương Tây.
 
Nhóm nữ quyền “Femen” với những hành vi “quá trớn” của họ - Ảnh: Internet
Nhóm nữ quyền “Femen” với những hành vi “quá trớn” của họ - Ảnh: Internet

Những thành viên của phong trào nữ Femen quyền “Femen” không ít lần dùng chính các bộ phận nhạy cảm của cơ thể mình như một ưu thế để phản đối các chính khách. Họ thường viết những dòng chữ khá tục tĩu trên ngực trần, và không ngần ngại phô ra những chiếc quần lót rất sexy khi làm điệu bộ như đang đái vào mặt một chính trị gia mà họ không ưa thích.

Tổng thống Viktor Yanukovych (Ukraine) hay nói đúng hơn là những bức ảnh của ông từng hứng trọn những bãi “nước tiểu” này trong một cuộc biểu tình. Phong trào Femen cũng đem chuyện “đái tè” của họ phô diễn trong một cuộc biểu tình khác ở giữa thủ đô Paris hoa lệ.

Không chỉ “Piss”, chuyện các chính trị gia bị “Fuck” trong các biểu ngữ cũng không phải chuyện quá hiếm gặp.

Vladimir Putin từng bị một cô gái dí bộ ngực trần vào mặt với dòng chữ “Fuck you”. Trong lúc những tay bảo vệ lực lưỡng thô bạo lôi cô gái đi, thì Putin đã ra hiệu cho họ nhẹ tay; ông nháy mắt một cách tinh nghịch và nói, ông thích hành động đó.
 
Sinh viên Mỹ cũng phản đối Tổng thống Trump một cách “mạnh mẽ” - Ảnh: nhà báo Bùi Văn Phú
Sinh viên Mỹ cũng phản đối Tổng thống Trump một cách “mạnh mẽ” - Ảnh: nhà báo Bùi Văn Phú

Nhà báo Bùi Văn Phú, một giảng viên đại học ở Mỹ vừa chia sẻ quan điểm bằng một tấm hình do ông chụp trong một cuộc biểu tình của sinh viên Đại học Berkeley, California 11-2016. Trong đó, một cô sinh viên mặc chiếc áo phông với dòng chữ “Fuck Trump”.

Xúc phạm chính trị gia?

Lãnh đạo ở các nước Phương Tây không phải là nghề “bất khả xâm phạm”, họ không được bảo vệ bằng điều luật “cấm bôi nhọ” như ở Việt Nam hay một vài xứ khác. Họ luôn là các đối tượng để báo chí xăm soi, các đảng phái đối lập bới lông tìm vết và thường chỉ dành được khoảng hơn 50% sự ủng hộ của dân chúng.
 
Với một “thành phần đối lập” đông đảo như vậy, họ - những chính trị gia - không xa lạ với các hình thức phản đối; từ những cuộc biểu tình thông thường tới chuyện giẫm đạp lên hình ảnh, đốt hình nộm hay bị bêu riếu bằng những biếm họa trần như nhộng.

Ngồi vào ghế “hot”, một trong những phẩm chất cần có của chính khách là biết thể hiện bản lĩnh và sự đúng mực trong những tình huống khó xử nhất. Và điều quan trọng là không trù dập những người đã thể hiện quyền biểu đạt của họ, dù bằng cách khó coi nhất.

Một chính trị gia Ba Lan, trong một lần thuyết trình đã hứng trọn chiếc bánh kem vào mặt, ông đã lấy ngón tay quệt một mẩu bánh dính trên má, đưa vào mồm và mỉm cười, khen bánh rất ngon.
 
Tổng thống Mỹ George Bush bị ném giày ở Iraq (năm 2008), nhưng ông coi đó là chuyện không có gì đáng để tâm - Ảnh: Internet
Tổng thống Mỹ George Bush bị ném giày ở Iraq (năm 2008), nhưng ông coi đó là chuyện không có gì đáng để tâm - Ảnh: Internet

Sarkozy - cựu tổng thống Pháp trong lần tới thăm một khu chợ ở vùng nông thôn, khi ông đưa tay để bắt tay một lão nông, đã bị ông nông dân gạt phắt đi và nói, ông không muốn tay mình bị vấy bẩn. Đương nhiên mọi chuyện sau đó được coi như không có gì xảy ra. 

Và đó cũng là cách mà chính quyền Ba Lan đã hành xử khi thủ tướng nước họ được ghi tên trên con lợn, bộ trưởng được ghi tên trên con dê và những người nông dân dẫn lợn và dê tới trước Quốc hội rồi làm những động tác như thể đang trừng phạt những con vật này.

Khi bạn còn cảm thấy bị xúc phạm bởi những điều “nhỏ nhặt” như thể, thì đơn giản, bạn chưa thể trở thành một chính trị gia - ít nhất là theo tiêu chí của một quốc gia dân chủ.

Đôi chút lưu ý

Ở bất kỳ xã hội nào cũng vậy, bên cạnh nhưng người ôn hòa và rộng lượng, dễ chấp nhận cũng có những người khắt khe và bảo thủ hơn. Và những hành động mang tính cực đoan ở thái cực này thường được đáp lại bằng chính những hành động cực đoan ở thái cực kia.

Khi dùng hình thức phản ứng mang tính “thô tục” nhằm vào người nào đó của công chúng thì một điều hiển nhiên, rất có thể sẽ bị những người ở thái cực bên kia đáp lại bằng những hành động hay lời nói với mức độ “khiếm nhã” tương tự.
 
Khi thực hiện hình thức phản đối “thô tục”, cần tính tới sự phản đối, thậm chí với mức độ “khiếm nhã” tương tự - Ảnh: Facebook của nhân vật
Khi thực hiện hình thức phản đối “thô tục”, cần tính tới sự phản đối, thậm chí với mức độ “khiếm nhã” tương tự - Ảnh: Facebook của nhân vật

Ở một xã hội mà các hình thức phản kháng dân sự đa dạng, phong phú và nhiều mầu sắc thì những chuyện như Mai Khôi đã làm sẽ không làm mấy ai quan tâm, nhưng nó còn quá mới mẻ với một xã hội như Việt Nam, nên việc gánh chịu búa rìu của dư luận là dễ hiểu.

Một điều nữa, ngay ở các quốc gia dân chủ, trong những cơ quan nhà nước, hay các hãng truyền thông việc thể hiện quan điểm chính trị không phải bao giờ cũng là điều thích hợp. Trong một số trường hợp nó có thể khiến bạn mất việc, bởi những cam kết về sự trung dung của các cơ quan kể trên.

Mạc Việt Hồng, từ Warszawa (Ba Lan)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn